|
Trẻ em vui chơi trên Đồng Chó Ngáp. Ảnh Hữu Danh |
Các xã trên Đồng Chó Ngáp xưa đã đi lên bằng thế mạnh của mình.
Theo lời kể của lão nông Năm Bảo, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, tỉnh triển khai phương án chuyển đổi sản xuất phát huy lợi thế vùng đất có hệ sinh thái đa dạng này.
Về lại Đồng Chó Ngáp
Vùng đất hoang ngày nào đã biến thành vùng canh tác bền vững với mô hình tôm - lúa (tôm sú, tôm càng xanh và đặc biệt chỉ trồng lúa Một bụi đỏ đặc sản Bạc Liêu).
Con tôm và cây lúa Một bụi đỏ đã vực dậy nông nghiệp nơi đây, hộ nghèo còn dưới 5%, nhà kiên cố tăng nhanh, thu nhập vài chục triệu/hộ/năm chiếm tỉ lệ cao.
Ông Nguyễn Văn Thới - Bí thư xã Ninh Thạnh Lợi
Giống lúa quý này được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý cho 2 huyện Hồng Dân và Phước Long, trong đó phần lớn diện tích lọt vào khu vực Đồng Chó Ngáp xưa.
Ở đây không ai sử dụng thuốc BVTV trong canh tác lúa vì sợ ảnh hưởng tới con tôm; chất thải từ con tôm trở thành phân bón hữu cơ cung cấp cho lúa, thành ra cả lúa và tôm vùng này đều rất sạch.
TS Nguyễn Xuân Khoa - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu khẳng định: “Hơn 20.000ha tôm - lúa Một bụi đỏ đang trở thành thương hiệu mạnh của Bạc Liêu. Gần 10 HTX sản xuất nông nghiệp đã được định hình, tổ chức sản xuất tập trung và mở hướng tiêu thụ nông sản sạch theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp”.
Nhiều hộ như anh Nguyễn Văn Bình mới cách đây năm - bảy năm thuộc diện thiếu trước hụt sau nay ngấp nghé tiêu chuẩn... tỷ phú. Ngay đầu kênh Sáu Ngàn, nơi rốn cầm trâu (chăn trâu mướn) xưa, gia đình bác Trần Văn Khuê từng nhiều đời giữ trâu mướn, giờ đã có của ăn của để, con cháu học hành đàng hoàng.
Nói về nông dân Đồng Chó Ngáp, TS Khoa cho biết: “Hàng trăm lớp khuyến nông ở đây nông dân học không bỏ sót buổi nào. Bởi vậy trình độ canh tác của nông dân vùng này có thể nói là khá cao. Nhiều nhà nông còn tự trang bị máy tính nối mạng để tra cứu thông tin thị trường và vào trang web của thầy Võ Tòng Xuân để “moi” kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi”.
Bức tranh đẹp về tam nông
Đi hơn 80km đường nông thôn xuyên ngang dọc trong lòng Đồng Chó Ngáp, ta thấy những làng quê sung túc nối tiếp nhau, cuộc sống trong các thôn làng sôi động hẳn lên, định hình và phát triển mô hình nông thôn mới bền vững. Ông Cao Quốc Hận - Chủ tịch Hội ND huyện Hồng Dân phấn khởi nói: “Nông nghiệp phát triển, nhà nước chú trọng đầu tư biến diện mạo nông thôn Đồng Chó Ngáp thành bức tranh “tam nông” thật đẹp”.
Hầu như ai đã đến vùng này một lần đều cho rằng cảnh nông thôn ở đây rất đẹp. Các tuyến đường giao thông nông thôn trong vùng được dân góp tiền phủ nhựa đến tận các ấp, thậm chí đến tận hộ. Tỉ lệ hộ dùng nước sạch tăng đến trên 80%. Tại các trung tâm xã, chợ búa, người người mua bán tấp nập.
Trường học mọc lên nhiều hơn. Nói về phát triển nông thôn trong “bức tranh” Đồng Chó Ngáp, ông Trần Văn Cang (ấp Ninh Thạnh Đông) cho biết: “Tôi đã ngoài 80 tuổi, cứ nghĩ rằng cả đời sống cực khổ, thiếu thốn trong xứ khỉ ho cò gáy, nào có ngờ đâu xóm làng thay đổi nhanh quá, đường sá thông thương, đi lại dễ dàng, hàng hóa lưu thông thuận lợi, nông thôn sung túc lắm”.
Vũ Khánh - Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.