Trở lại Đồng Chó Ngáp, gặp lại “vua chăn trâu”

Thứ ba, ngày 21/12/2010 19:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vùng đất được mệnh danh Đồng Chó Ngáp, nơi gắn liền với cuộc nổi dậy chống Pháp của nông dân Ninh Thạnh Lợi xưa, ngày nay thuộc xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Bình luận 0

 

Vùng đất hoang “chó chạy ba quãng đồng phải dừng lại le lưỡi ngáp” giờ đã là vùng đất trù phú.

img
Vợ chồng “vua chăn trâu” Phạm Văn Bảo.

Trước và sau chiến tranh, Đồng Chó Ngáp buồn hiu hắt. Nhắc tới địa danh lẫy lừng này, ai cũng thở dài ngao ngán vì cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Có thời, đất ở đây “có cho cũng không ai thèm lấy”…

Gặp lại “vua chăn trâu”

Người “nổi tiếng” nhất ở Đồng Chó Ngáp có lẽ là ông Năm Bảo (Phạm Văn Bảo) nay đã 80 tuổi. Thời còn thanh niên, ông Bảo được mệnh danh là “vua chăn trâu”. Khi hết mùa lúa, một mình ông có thể giữ thuê cùng lúc 400 con trâu cho người dân khắp vùng.

Ông Bảo kể: “Hồi vợ chồng tôi mới về đây, cả xóm chỉ lác đác vài căn nhà sống dọc theo kênh, rạch. Chiến sự liên miên nên hết mùa cấy ai cũng phải đưa trâu đi “di tản”. Vùng đất Đồng Chó Ngáp với mênh mông đồng cỏ là nơi lý tưởng để đem trâu đi gửi qua mùa lúa”.

Theo lời ông Năm Bảo, “nghề” chăn trâu là nghề cho thu nhập rất cao nhưng rất ít người làm. Cả vùng, người chăn chừng vài ba chục con trâu không hiếm, nhưng chăn với số lượng lớn chỉ có ông và ông Mười Xủn, mỗi người giữ bầy trâu bốn, năm trăm con.

“Cứ mỗi cặp trâu là 10 giạ lúa/mùa. Sau mỗi mùa len trâu kéo dài 3 tháng, tôi kiếm ngót nghét… 2.000 giạ lúa (40 tấn). Mỗi tháng chăn trâu thu nhập gần 700 giạ lúa - có lẽ cao hơn lương của Tỉnh trưởng thời ấy” - ông Bảo cười khà khà. Thật ra, chăn trâu cũng phải có “bí quyết”, nếu làm trâu thất lạc, hoặc để trâu ốm đói, chủ trâu sẽ không gửi nữa.

img
Nạo vét kênh mương ở Đồng Chó Ngáp. Ảnh Vũ Khánh

Thời ấy, với biệt tài thổi tù và gọi trâu trong bán kính vài km, suốt mấy chục năm ông không làm lạc con nào. Ông Bảo còn có chiêu gom cỏ rồi đốt cho đỉa chết để không đeo bầy trâu. Nhiều chủ trâu khi hết mùa, nhận lại được con trâu đang có chửa đã vui vẻ “thưởng” thêm cho ông.

Để chống lại giặc muỗi, trước khi đưa trâu về lán trại, ông lùa cả bầy xuống dầm bùn, khi lên bờ cả lớp da trâu có lớp bùn dày bảo vệ, không con muỗi nào xuyên thủng… Sau giải phóng, ông Năm Bảo vẫn tiếp tục nghề chăn trâu. Mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước, khi mà máy móc cơ giới làm thay cho sức trâu, ông Năm Bảo mới chính thức… “thất nghiệp”.

“Ngáp” với Đồng Chó Ngáp

Chiều muộn, mấy nông dân trong xóm ngồi uống trà trong căn nhà 2 tầng trị giá bạc tỷ của nông dân Lê Văn Tây để bàn chuyện “mần ăn”. Xóm anh Tây bây giờ nhà mái bằng mọc lên như nấm, thế mà chừng 15 năm trước, cả vùng buồn hiu hắt vì cảnh nghèo, đói. Giờ đã khá giả, mấy nông dân bồi hồi nhớ lại chuyện cũ.

img
Nhà cửa khang trang bên dòng kênh xanh của Đồng Chó Ngáp. Ảnh Hữu Danh

Hồi ấy, ông Nguyễn Hữu Phong là người có “uy” nhất làng vì ông là người có xì - tẹc cung cấp nước sạch cho mấy chục hộ dân ở đây. Cả xóm không điện, không nước nên thành ra ông Phong được coi là “giàu” nhất. Theo lời ông Phong, hồi đó cả xóm chỉ có mỗi cái nhà lầu của ông, người ta gọi chết tên là xóm nhà lầu, bây giờ tên gọi hành chánh cũng là ấp Nhà Lầu, nhưng nhà lầu bây giờ đếm không xuể…

Theo lời kể của nông dân Nguyễn Văn Nguyên, 15 năm trước, chỉ có đàn ông mới đi chợ vì… mới đủ sức khỏe. Từ giữa khuya, vợ phải thức dậy nấu cơm cho chồng mang xuống xuồng để bơi hàng chục cây số tới chợ. Nông dân đi làm ruộng cũng phải ngáp vắn ngáp dài than thân sao số mình quá cơ cực.

Cả xóm thường xuyên thiếu đói do làm ruộng không đủ ăn. Trường học mở ra nhưng con nít không chịu học vì cái ăn còn không đủ thì lấy đâu sức mà đi học. Túng thiếu, đói kém là vậy nhưng không một ai bỏ đất mà đi bởi hầu hết đều là dân tứ xứ, khổ đến tận cùng mới mò về cái xứ khỉ ho cò gáy này. Tìm vùng đất mới, đâu phải chuyện dễ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem