Anh Tiếp khởi nghiệp nuôi heo từ năm 2005 với nguồn vốn ban đầu chỉ là 1 con heo nái của cha mẹ cho lúc vợ chồng anh ra ở riêng. Với suy nghĩ, muốn nhân đàn heo phải có con giống tốt, anh đã tìm vào tận Bình Định để mua heo nái giống ngoại và học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi.
Anh Nguyễn Trung Tiếp chăm sóc đàn heo nái ngoại. Ảnh: Đồng Xuân
Trong chăn nuôi, điều anh Tiếp quan tâm nhất là con giống, kỹ thuật nuôi và phòng, chống dịch. Nhờ vậy, đàn heo nhà anh Tiếp luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, số lượng xuất bán năm sau luôn cao hơn năm trước và con số thu nhập cũng tăng dần lên theo từng năm. Từ đó vợ chồng anh tích lũy được số vốn kha khá.
Đến năm 2009, vợ chồng anh Tiếp đã có đàn heo giống 100% máu ngoại. Thành công từ nuôi heo, anh đầu tư nuôi thêm bò vỗ béo. Thấy nuôi giống bò cỏ địa phương kinh tế không cao, anh Tiếp lại mua bò giống ngoại về từng bước lai tạo đàn bò của gia đình. Đến nay, anh có 12 con heo nái ngoại; 12 con bò lai, trong đó có 5 con bò cái lai sinh sản được chăn nuôi theo mô hình khép kín. Bình quân mỗi năm, anh xuất xuất bán hơn 20 tấn heo thịt; còn bò mẹ đẻ nếu là bê con cái thì anh để lại nhân thêm đàn, còn là bê con đực sẽ được nuôi vỗ béo rồi bán thịt. “Doanh thu mỗi năm từ nuôi heo, bò vỗ béo mang về cho gia đình khoảng vài trăm triệu đồng, sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi hơn 150 triệu đồng…”- anh Tiếp cho hay.
Từ 1 hộ nghèo “rớt mồng tơi” cách đây 10 năm, nay gia đình anh Tiếp đã là hộ khá giả ở địa phương, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. “Làm nông nghiệp ắt có nhiều rủi ro, quan trọng là phải kiên trì học hỏi kinh nghiệm, bổ túc kiến thức, trau dồi kỹ năng. 10 năm chăn nuôi chưa năm nào heo, bò của gia đình tôi bị dịch bệnh…”- anh Tiếp chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.