Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (sinh năm 1981, quê Long An) là người đầu tiên sáng tạo ra phương pháp làm trà mướp đắng từ thân và lá, cho lợi nhuận cao. Trước đó, các loại trà mướp đắng tại Việt Nam thường được làm theo mô tuýp thái quả mướp đắng thành lát mỏng rồi phơi khô, đun cùng nước uống.
Với cách làm mới, chị Tuyết thu được hàng tỷ lợi nhuận mỗi năm.
Làm trà mướp đắng từ thân và lá
Theo nghiên cứu khoa học thân và lá mướp đắng có hoạt chất sinh học ổn định đường huyết rất cao và lớn gấp 3 lần so với trong quả. Không đi theo con đường làm trà mướp đắng từ quả như nhiều cơ sở sản xuất khác, chị Tuyết đã sáng tạo ra phương pháp làm trà mới bằng thân và lá mướp đắng cho hiệu quả cao.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết- người đầu tiên tạo ra trà mướp đắng từ thân và lá
Trước đó, chị Tuyết đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức tìm hiểu về toàn bộ cây mướp đắng và được biết, thân và lá của loại cây này có tác dụng chữa bệnh tiểu đường tốt hơn quả. Hơn thế, lượng đường trong các bộ phận đó gần như bằng không.
Cách thu hoạch lá mướp đắng của chị Tuyết cũng rất khoa học. Chị chia sẻ: "Cùng một thời điểm của một cây, ta chỉ nên thu hoạch từ 3 đến 4 lá, khoảng một tuần sau đó, có đợt lá mới sẽ thu hoạch tiếp. Mỗi ngày một công nhân của xưởng sản xuất chỉ hái được 3kg lá mướp đắng tươi tương đương với 6 gam lá khô".
Chị cho biết, tương tự như thu hoạch lá, việc thu hoạch thân cũng cầu kỳ và rất tốn công. Người thu hoạch sẽ cắt hết lá xung quanh, chỉ lấy thân cây, khi đem về sẽ Lựa chọn tầng lá mọc trên thân để xác định hàm lượng dược liệu chứa trong đó.
Sau khi thu hoạch, lá và thân mướp đắng sẽ được sơ chế, làm sạch với 7 lần nước lã và ngâm 2 lần trong nước muối trước khi đem đi xắt khúc và phơi sấy. Quả mướp không dùng làm trà sẽ được chị Tuyết phân phối đến các siêu thi lớn trên khắp cả nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Bên cạnh sản xuất trà mướp đắng chị Tuyết còn sở hữu vườn rau sạch đạt tiêu chuẩn
Với mục đích tạo ra những sản phẩm trà sạch, an toàn cho người tiêu dùng, chị Tuyết đầu tư rất nhiều cho dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị để áp dụng cho các khâu sản xuất, trong đó có sử dụng phương pháp nuôi cấy mô tiên tiến.
Khi pha chế, sản xuất sản phẩm, chị Tuyết đong đếm rất kỹ từng loại nguyên liệu sao cho tỷ lệ giữa chúng phù hợp, chuẩn chỉnh nhất. Công thức sản xuất khoa học của chị đã góp phần tạo nên những gói trà thơm, ngon, bỗ dưỡng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện tại, mỗi tháng, công ty của chị Tuyết xuất đi 700 thùng trà với giá 110.000 - 150.000 đồng/hộp (12 gói). Nghĩa là, mỗi tháng có tương đương 50.000 gói trà như thế này được đưa đến nhiều quốc gia khó tính như: Nhật Bản, Singapo, Hà Lan, Anh, Thụy Sỹ...
Bên cạnh đó, công ty của chị Tuyết đang tạo công ăn việc làm cho 34 lao động thường xuyên với mức lương từ 3 - 4 triệu/tháng.
Bí quyết kết hợp mướp đắng, bạc hà và cỏ ngọt
Vốn ước mơ làm bác sỹ nên khi học đại học và thạc sỹ, chị Tuyết đều theo ngành công nghệ sinh học với nhiều nghiên cứu liên quan đến tai, mũi, họng. Ước mơ là vậy nhưng cho đến giờ, trà mướp đắng mới chính là duyên, nghiệp của chị.
Trà mướp đắng "made in Việt Nam" được nhiều bạn bè quốc tế biết đến và khen ngợi
Nhận thấy cây mướp đắng có nhiều tác dụng, chị quyết định tìm ra cách sản xuất trà mướp đắng từ tất cả các bộ phận của cây này. Chị chính thức nghiên cứu và thử nghiệm từ đầu năm 2011.
Trong thử nghiệm đầu tiên, chị Tuyết chỉ lấy thân và lá mướp đắng cắt khúc nhỏ rồi sấy khô và pha nước uống. "Lúc đó, trà đắng ngắt lại có mùi ngai ngái rất khó chịu nên tôi thấy không thỏa mãn. Mãi sau này khi tìm ra bí quyết làm trà, tạo ra mùi vị thanh mát, tôi mới thấy tạm ổn. Bởi thực ra, trà dù có bổ dưỡng đến đâu mà đắng và có mùi khó chịu thì cũng không ai muốn uống".
Bí quyết loại bỏ mùi ngái khó chịu cho trà mướp đắng của chị là kết hợp với bạc hà. Mướp đắng và bạc hà kết hợp với nhau vừa tạo ra mùi thơm ngon, thanh mát cho trà vừa có tác dụng kháng khuẩn.
Trà của chị Tuyết không chỉ có mùi vị thơm, ngon mà còn rất dễ uống. Đó là bởi, chị sử dụng cỏ ngọt trong trà. "Đầu tiên, tôi thử nghiệp kết hợp mướp đắng với từng thứ cỏ ngọt, cam thảo, hoa hòe. Sau khi thử nghiệm, tôi nhận ra cỏ ngọt là phù hợp nhất bởi cỏ vừa tạo vị ngọt trong trà lại vừa không làm tăng lượng đường trong máu nên đã quyết định chọn nó".
Mọi quy trình sản xuất đều được kiểm tra nghiêm ngặt
Anh Phan Quốc Tâm (cùng làm việc với chị Tuyết) chia sẻ: "Chúng tôi phải mất hơn nửa năm thử nghiệm, kết hợp các loại nguyên liệu với nhau mới tạo ra được công thức chuẩn chỉnh nhất, tạo ra mùi vị tốt nhất cho trà mướp đắng. Kết quả của những thử nghiệm ban đầu lúc thì ngọt quá, lúc lại cay quá, đắng quá... Cuối cùng, sau bao nỗ lực, chúng tôi cũng đã làm ra được loại trà thanh mát như bây giờ".
Hai năm trời bỏ ra bao thời gian, công sức, nếm trải đủ mùi vị thất bại nhưng chị Tuyết chưa bao giờ nản lòng. Chị tâm sự: "Tôi nghĩ, cuộc đời cũng giống như mùi vị của mướp đắng, phải nếm quả đắng, cay mới thấy được vị ngọt bùi, thơm mát. Khi trà mướp đắng được mọi người đón nhận, chúng tôi thực sự rất hạnh phúc và thỏa lòng".
Cơ sở sản xuất trà của chị Tuyết từng vinh dự được đón tiếp Bộ trưởng bộ Nông nghiệp Việt Nam Cao Đức Phát đến thăm mô hình và khen ngợi. Nhờ có chị, trà mướp đắng "made in Việt Nam" đã được bạn bè biết tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.