Trong ăn uống, người Mỹ... khổ hơn người Việt

Thứ ba, ngày 28/01/2014 07:46 AM (GMT+7)
Người Mỹ có fast food – đồ ăn nhanh. Ăn là hưởng thụ mà lại lấy nhanh làm đích thì khổ chứ còn gì? Còn ở Việt Nam lại có “nhậu lai rai”. Lai rai để tận hưởng mọi hương vị của đồ ăn. Thế là sướng lắm!
Bình luận 0
Gặp món canh măng, canh bóng như gặp người quen

Đã qua tuổi thất thập cổ lai hy, nghĩ về những ngày thơ bé , kỉ niệm nào khiến nhà thơ nhớ nhất?

Tôi mồ côi bố năm lên 6. Bố mất tháng 2 thì tháng 8 ông nội mất. Khi 100 ngày ông ,thằng bé 6 tuổi là tôi , được chú từ quê Nam Định lên đón về , thay mặt cho mẹ và em làm lễ ông. Sau đó thì toàn quốc kháng chiến , tôi không quay về Hà Nội được mà ở lại quê với bà. Trong một năm bà nội tôi vừa mất con , vừa mất chồng thành ra lúc nào cũng ngơ ngác , bần thần. tôi còn nhỏ không hiểu hết nỗi đau của bà , thấy bà buồn thì buồn theo , thơ thẩn suốt ngày đi theo bà.

Năm 1949 , mẹ tôi trên đường tản cư, vòng qua quê nội Nam Định đón tôi về quê ngoại, ở làng Canh huyện Từ Liêm. Một năm sau tôi lại phải xa mẹ ra Hà Nội trọ , để học lớp nhì ở Trường tiểu học Nguyễn Du (phố Lý Thái Tổ bây giờ) vì quê Canh, trường làng chỉ có đến lớp ba.

Hai người con trai đều làm việc ở Mỹ nhưng vợ chồng nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn không rời Việt Nam sang Mỹ sống cùng các con bởi nhiều lý do, trong đó có lý do … thích ăn cơm Việt. Nhân dịp Tết Giáp Ngọ, nhà thơ Vũ Quần Phương đã dành thời gian trao đổi với độc giả xung quanh chủ đề bữa cơm Việt.

Trường học cách quê mẹ 12 km nhưng với một đứa trẻ lên 10 thì thấy xa diệu vợi . Mỗi lần được về với mẹ , tôi phải đi bộ từ ngõ Tức Mạc ra bến xe điện Cửa Nam. Xuống xe điện ở Cầu Giấy thì lên xe ngựa hoặc ô tô Tuyết Sinh về Cầu Diễn hoặc ngã tư Canh. Sau đó lại đi bộ về nhà . Mỗi năm tôi có hai đợt được về lâu với mẹ là dịp Tết và dịp hè . Tết thì được chơi tết ở làng và được ăn cỗ.

Khi ấy , mâm cỗ ngày Tết của gia đình ông thường có những món gì?

Cỗ Tết nhà tôi chắc cũng như hầu hết những gia đình thôn quê khi ấy. Món tôi nhớ nhất là món cá kho lót giềng , mía rồi món thịt bò hầm (thịt bắp trói tròn lại như cái bánh tét rồi hầm , khi ăn thì thái ra). Nồi canh măng , canh bóng hay thịt gà luộc đã là cỗ thì phải có. Còn giò chả là thứ mua về.

Mẹ tôi vốn là cô giáo nên mâm cỗ có phần đượcbày biện đẹp hơn một chút. Món ăn không “chém to kho mặn” như những bà con thuần nông khi ấy. Món tôi thấy có vẻ “cầu kỳ” , đẹp mắt lại ít thấy ở các mâm cỗ Tết nhà khác có lẽ là món cà chua khoét ruột nhồi thịt băm trộn trứng, gọi là xá xíu.

Sở dĩ ngày ấy Tết nhà tôi có nhiều món kho, hầm là vì những món ấy để dành đươc , nó như lương khô. Ăn lúc nào cũng được. Thậm chí, hết Têt, tôi đi Hà Nội học vẫn có thể mang theo. Còn món canh măng, nó cũng như món “trường ca” của các nhà thơ sau chiến tranh. Những chất liệu thừa lại của các món cỗ Tết ( như các bài thơ lẻ) đều có thể trút vào, đun lên. Đây là món lẩu thập cẩm. Bây giờ , mỗi khi đi ăn cỗ, gặp lại món canh măng, canh bóng, tôi thấy rất vui như gặp người quen cũ.

Tuy nhiên , món ăn mà tôi thấy thích nhất suốt thời thơ ấu lại là 2 món quà vặt. Ấy là món lục tàu xá (chè đậu xanh). Người ta bán vào chập tối , hễ thấy tiếng rao “Lục tàu xá” là tôi đã hình dung ra chén chè xinh xinh nóng hổi rồi. Có lẽ vì cái bát quá “xinh” nên ăn bao giờ cũng thèm. Ăn mà như chưa ăn. Tôi ao ước khi lớn lên có tiền ăn thử ăn một bữa no lục tàu xá xem sao.

Một món nữa tôi cũng thấy không thật là món tào phớ . Người bán hàng lấy cái lưỡi trai hớt từng lát mỏng tào phớ cho vào bát rồi chan nước đường. Khi ăn dùng thìa xúc cả nước cả cái. Ngọt thơm nhưng cứ chơi với như ăn thứ không trọng.

Ăn Tết ở Việt Nam ngon hơn ở Mỹ

Được biết hai con trai nhà thơ thành đạt bên Mỹ, một là Giáo sư toán học nỗi tiếng thế giới Vũ Hà Văn, một đang là chuyên gia của hãng Google , nhưng vì sao vợ chồng ông không sang Mỹ sống cùng các con?

Lý do đơn giản là vì chúng tôi sống quen ở Việt Nam rồi . Riêng trong việc ăn uống thôi cũng đủ giữ tôi lại. Khẩu vị một đời người nên tôi thấy ăn ở Việt Nam ngon hơn ở Mỹ . Cố nhiên với người Mỹ sẽ là ngược lại , lại còn chợ búa , ở đâu nó quen đấy . Nếu trong bữa ăn Hà Nội thiếu một thứ gia vị gì đó thì chỉ cần chạy ù 5 phút là có thể mua được. Còn ở Mỹ , đành chịu vì một tuần chỉ đi siêu thị một lần. Bản thân tôi thấy cơm ngon hơn pizza nhưng hai thằng cháu, bố mẹ nó ngại nấu cơm, nên toàn thấy pizza!

img
Vợ chồng nhà thơ Vũ Quần Phương sum vầy bên con cháu dịp năm mới.

Sống ở Mỹ nhiều năm , nhà thơ thấy bữa ăn của người Mỹ khác với bữa cơm Việt như thế nào?

Nếu xét về dinh dưỡng thì có thể bữa ăn của người Mỹ nhiều dinh dưỡng , nhiều năng lượng hơn bữa cơm của người Việt nói chung. Nhưng nếu xét về văn hóa ẩm thực thì người Mỹ có vẻ gọn nhẹ hơn người Việt .

Chẳng hạn , người Mỹ có danh từ fast food – đồ ăn nhanh. Ăn là hưởng thụ mà lại lấy nhanh làm đích thì khổ chứ còn gì? Còn ở Việt Nam , tuy kém phát triển hơn Mỹ nhưng lại có cái động từ rất hay là “nhậu lai rai” . Lai rai để tận hưởng mọi hương vị của đồ ăn. Thế là sướng lắm!

Ông Tẩn Đà nhà mình còn đưa ra công thức của một bữa ăn ngon, cần 4 yếu tố : Thứ nhất là thực phẩm ngon, thứ hai là bát đĩa ngon ,thứ ba là chỗ ngồi ngon và thứ 4 là người ngồi ăn với mình cũng phải ...ngon, nghĩa là người mình thích.

Người Việt rất trọng bữa ăn , thế nên mới có câu “Trời đánh tránh lúc ăn” . Cái câu hỏi “Bác xơi cơm chưa?” là để thay câu chào mỗi khi gặp mặt. Bây giờ đôi khi tôi còn nhận được từ những cuộc điện thoại vào lúc 10h đêm của bà con ở quê, vừa nhấc máy lên,đã “Bác xơi cơm chưa?” . Điều đó cho thấy săn sóc cái vật chất đã biến thành một nghi thức tinh thần .

Mà cái nghi thức ấy đẹp, sâu sắc. Hiếu khách thì trước hết đừng để khách đói. Việc ăn không chỉ đơn giản đưa thực phẩm vào dạ dày mà còn la nghi thức . Khi gắp thức ăn , người Việt bao giờ cũng phải đưa vào bát, sau đó mới đưa lên miệng chứ không gắp thẳng vào miệng. Tôi nghĩ công đoạn gắp thức ăn này cũng như những công đoạn của cuộc đời, mọi thứ đều phải theo thứ tự , không nên “đi tắt” một công đoạn nào.

Cái ăn cũng tạo nên tính cách cho con người. Chỉ cần nhìn vào mâm cơm sẽ đoán được cách sinh hoạt của họ thế nào. Có nhiều gia đình bê cả nguyên nồi canh hay nguyên cả nồi kho thịt lên mâm để ăn. Từ cái cẩu thả trong ăn uống như vậy sẽ dẫn tới cẩu thả trong sinh hoạt, mà điều này sẽ ảnh hưởng đến con cái sau này.

Ngày xưa, bữa ăn của mẹ con tôi hàng ngày chủ yếu là rau xào , đậu rán , rau luộc muối vừng, tôm rang, dưa muối…Chỉ có thế thôi nhưng mẹ tôi vẫn mâm bát gọn gàng rồi mấy mẹ con thư thái ngồi ăn. Hồi tôi bé , người Hà Nội nhỡ bữa phải vay gạo thì cũng áo dài và mang tráp đựng trầu sang hàng xóm chứ không ai vác rá lung tung ra đường...

Gia đình và Xã hội (Theo Gia đình và Xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem