Một làng ở Lạng Sơn có nhà trình tường đạn pháo bắn không thủng, mùa hè mát mùa đông ấm
Một làng ở Lạng Sơn có những ngôi nhà đạn pháo bắn không thủng, mùa hè thì mát mùa đông lại ấm
Gia Tưởng
Thứ ba, ngày 23/05/2023 13:43 PM (GMT+7)
Xã Hữu Khánh huyện biên giới Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) vốn nổi danh với những ngôi nhà trình tường vững chắc, ấm về mùa đông, mát khi mùa hè. Có một điều ít người biết, đó là những ngôi nhà này dù dính đạn pháo của quân xâm lược Trung Quốc (1979) nhưng vẫn đứng vững, tạo nên thành trì vững chắc, kiên cường nơi biên ải.
Ngồi trong ngôi nhà trình tường 5 gian của gia đình mình, ông Nông Văn Ngàu, dân tộc Nùng 76 tuổi ở bản Ri, xã Hữu Khánh nhớ lại: "Năm 1976 vợ chồng tôi cùng nhau làm ngôi nhà này dưới sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm. Đất thì vợ chồng tôi cuốc ngay trong vườn, cứ thế cùng bà con dùng thúng xúc rồi đội bằng đầu, đổ vào khuôn, dùng chày giã kỹ, lèn chặt".
Clip: Ông Nông Văn Ngàu, dân tộc Nùng, bản Ri, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) nói về ngôi nhà trình tường của gia đình mình.
Nhà trình tường của người Nùng chủ yếu dựng bằng đất sét, dùng khuôn gỗ dài gần 2m, rộng hơn 40cm, đưa đất vào khuôn rồi dùng chày nén chặt, hết lớp nọ đến lớp kia. Đến tâm giữa của khuôn thì dùng một cây tre già làm tâm điểm kết nối từng lớp đất lại, tạo thành bức tường vững chắc.
Tùy từng điều kiện kinh tế gia đình, hoặc phụ thuộc vào các thành viên mà ngôi nhà được xây dựng rộng hay hẹp, nhưng chủ yếu là 3 gian hoặc là 5 gian Trước đây, 100% số hộ dân trong thôn, đều làm nhà trình tường.
"Làm nhà vui lắm, mọi người trong thôn, bản đều đến giúp ngày công, có nhà làm từ hai đến ba tháng mới xong nhà. Thường những ngôi nhà trình tường từ đất với độ dày của tường từ 40 - 50cm, cao 4 - 5m, diện tích trung bình của lòng nhà từ 60 - 80m2. Mái được lợp bằng ngói âm dương truyền thống" - ông Ngàu cho hay.
Ngôi nhà của ông Ngàu thi công 2 tháng thì xong, vào thời điểm năm 1976 đây là ngôi nhà thuộc loại lớn nhất nhì trong bản. Đặc biệt mọi công trình phụ nhà ông Ngàu như dãy nhà kho, chuồng lợn, gà... cũng được làm bằng tường trình nên tổng thể của ngôi nhà toát lên vẻ đẹp mộc mạc như một bức tranh.
Cũng giống như nhà ông Ngàu, ngôi nhà của gia đình anh Nông Văn Hậu (sinh năm 1986) đang ở được ông nội anh là Nông Văn Đường đắp năm 1952 nhưng đến tận giờ vẫn vô cùng vững chắc.
Anh Hậu cho biết ngôi nhà anh được dựng bằng phương pháp truyền thống: tường thì trình bằng đất sét, phần khung gỗ được làm bằng gỗ táu. Tuy bây giờ đã trải qua 3 đời, 71 năm sử dụng nhưng không hề có dấu hiệu hư hỏng gì.
Là thanh nhiên trẻ nhưng anh Hậu lại rất thích sống trong ngôi nhà truyền thống này, anh Hậu cho biết, nó an toàn và thân thuộc với mình. Nhiều người đã khuyên anh làm nhà bằng xi măng, nhưng gia đình anh vẫn giữa lại ngôi nhà này vì còn sử dụng tốt hàng chục năm nữa mà không lo phải sửa chữa gì.
Theo một cán bộ Phòng văn hóa huyện Lộc Bình, người Tày, Nùng ở Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) quan niệm: Việc làm nhà là trách nhiệm không chỉ của gia chủ mà của họ hàng, hàng xóm, vì vậy khi trong họ, trong xóm có người làm nhà, mọi người đều có trách nhiệm giúp đỡ nguyên, vật liệu, ngày công.
Để làm được một ngôi nhà trình tường 2 tầng, từ khâu chuẩn bị đến khi hoàn thành phải mất vài tháng đến nửa năm. Trong suốt thời gian này cộng đồng đến giúp với tinh thần vô tư, gia chủ chỉ cần làm cơm mời mà không cần trả công.
Bữa cơm cũng đơn giản, chỉ có rau xanh, cá mắm và chút rượu… cho nên mỗi ngôi nhà trình tường được bà con xây dựng nên ở đây thì đều là sản phẩm của cộng đồng chứ không riêng gì của gia chủ.
Nghi lễ vào nhà mới là sự kiện đánh dấu ngôi nhà trình tường đã được hoàn thành, đồng thời bữa tiệc này còn mang ý nghĩa tỏ sự biết ơn những người đã bỏ công sức ra giúp chủ nhà trong thời gian dựng nhà. Buổi lễ này cũng là dịp để mọi người hát những làn điệu dân ca truyền thống như sli, lượn… với mục đích mừng nhà mới, chúc gia chủ làm ăn phát đạt.
Dính đạn pháo vẫn đứng vững
Năm nay ông Nông Văn Ngàu đã 76 tuổi, dù không còn khỏe nữa, nhưng ông vẫn trèo thang dẫn tôi lên trên gác, nơi đặt bàn thờ tổ tiên của gia đình mình. Ông nói "đây là góc linh thiêng nhất của ngôi nhà, chúng tôi luôn chăm sóc để tổ tiên phù hộ cho con cháu nhiều sức khỏe và chăn nuôi, trồng trọt được phát triển tươi tốt".
Kể về ngôi nhà mình, ông Ngàu không giấu nổi niềm tự hào: "Nhà tôi chỉ cách biên giới Việt – Trung vài kilomet đường chim bay. Năm 1979 khi xảy ra chiến tranh biên giới, nhà tôi nằm trong tầm ngắm của quân Trung Quốc, chúng bắn liên tục. Đến lúc bộ binh Trung Quốc tràn sang thì cả nhà tôi phải bỏ nhà chạy đi sơ tán sang bên kia sông Kì Cùng. Khi quay về thì thấy nhà bị thịt hết gà lợn, bao nhiêu quần áo, ngô thóc bị họ lấy sạch, rất nhiều chữ viết mà quân Trung Quốc để lại".
"Đi kiểm tra nhà cửa thì thấy xung quanh tường nhà bị hàng chục vết đạn pháo bắn, nhiều mảnh đạn còn găm lại trên tường nhưng nhà vẫn đứng vững. Chứ nếu là tường nhà xây bằng gạch và xi măng như bây giờ thì có lẽ nhà tôi đã vỡ rồi" - ông Ngàu cho biết.
Ông Ngàu cũng chia sẻ thêm, đời mình thì vẫn thích ở nhà trình tường này lắm, ít phải sửa chữa mà lại kín đáo ấm áp, nhưng không biết các con cháu có nghĩ như mình mà ở nhà truyền thống như thế này mãi được không? nên cũng rất tiếc nếu trong tương lai những ngôi nhà này bị mai một.
Trao đổi với chúng tôi, chị Lý Thị Lâm, cán bộ văn hóa xã Hữu Khánh (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Hiện trong xã vẫn còn hàng chục ngôi nhà trình tường truyền thống. Rất nhiều đoàn khách du lịch từ Hà Nội và nhiều địa phương khác tìm đến đây để tham quan.
Lãnh đạo UBND xã cũng rất muốn thu hút du lịch cộng đồng nhờ những ngôi nhà trình tường ở đây. Nhưng thế hệ trẻ bây giờ người ta có suy nghĩ khác rất nhiều, họ thích ở nhà bê tông cho tiện. Hiện nay xã đang phải tìm giải pháp làm sao khuyến khích bà con giữ lại những ngôi nhà trình tường truyền thống của những làng bản mộc mạc như là một nét đẹp văn hóa của người đồng bào xứ lạng xưa nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.