Giữa trưa hè nắng như đổ lửa mà trong rừng vẫn mát mẻ. Hàng đàn cừu tha thẩn dưới các gốc cây, có con ăn lá xoan chịu hạn ngon lành. Phước Dinh là vùng đất khô cằn, trơ trụi. Thế nhưng việc trồng giống xoan chịu hạn đã cải thiện rõ rệt vùng đất này.
Xoan chịu hạn còn có tên gọi là cây neem, từ năm 1981 GS Lâm Công Định đã đưa về Thuận Hải trồng. Nó có nguồn gốc từ Ấn Độ và được đưa sang châu Phi vào đầu thế kỷ 20. Thế rồi nó được đưa sang các nước vùng Caribê và Nam Mỹ. Xoan chịu hạn có khả năng chịu hạn rất tốt. Nó có thể cao tới hàng chục mét và có cây đường kính gốc tới 2,5m (ở châu Phi. Nó sống tới 200 năm ngay tại những nước sát với đường xích đạo.
Vào Việt Nam, xoan chịu hạn tỏ ra là cây hàng đầu trong việc chống sa mạc hóa. Không riêng gì người dân Ninh Thuận mà cả Bình Thuận và nhiều tỉnh khác đều khẳng định điều đó. Sức sống của nó thật mãnh liệt. Những vùng cồn cát đang dần bị sa mạc hóa đã thật sự đổi thay khi người ta trồng cây xoan chịu hạn ở đó. Bây giờ khắp các đường phố ở TP.Phan Rang, chỗ nào mát nhất chính là nơi có cây xoan chịu hạn xòe bóng. Nó có lá dày, tán rộng và màu xanh đậm rất mát mắt.
Xoan chịu hạn là loại cây gỗ lớn, có rất nhiều tác dụng. Ngoài việc trồng nó để chắn gió, để phủ đất trống vùng khô hạn, để lấy gỗ, lấy củi còn để lấy bóng mát cho các đường phố và đường làng, đường bờ ruộng ở nông thôn. Hạt của chúng còn dùng để làm thuốc cho người và làm thuốc trừ sâu sinh học. Lá xoan dùng để pha chế thuốc trừ sâu và làm phân bón. Ở Nam Bộ, bà con ra Ninh Thuận lấy lá neem về và lót phía dưới các bì thóc để đuổi sâu mọt. Còn ở Ninh Thuận dê, cừu ăn lá xoan chịu hạn ngon lành.
Tôi chưa thấy có loại cây nào tốt hơn cây xoan chịu hạn trên những vùng đất khô cằn này. Bà con cũng nhận ra điều đó và đang đua nhau trồng xoan chịu hạn.
Cây neem có thể trồng từ hạt, từ giâm rễ và từ cây được nuôi cấy mô. Nhưng đơn giản nhất là nên trồng từ hạt vì hạt của chúng có dầu nên không giữ được lâu. Khi thu quả chín về, bà con nên chà và đãi sạch lớp vỏ cơm, rửa sạch rồi chọn ra những hạt tốt. Bà con phơi trong bóng mát cho tới khi hạt khô hẳn thì hạt ủ trong cát ẩm, có thể giữ được 2-3 tuần.
Trước khi đưa hạt đi trồng, ta phải xử lý 3 sôi 2 lạnh trong vòng 24 giờ, sau đó rửa sạch, để ráo rồi ủ trong túi vải ẩm. Khoảng 5-7 ngày là hạt nứt nanh, ta gieo hạt đó vào bầu và ươm vài tháng là được cây con.
Những nơi khô hạn và nóng nhất hãy nghĩ tới việc trồng xoan chịu hạn. Bà con có thể liên hệ với kỹ sư Phạm Thiều - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Ninh Thuận (điện thoại 0948 380 123).
Mong nước ta sẽ có nhiều rừng xoan chịu hạn che phủ đất trống đồi núi trọc hay những trảng cát trải dài mà không cây nào có thể chịu được.
Nguyễn Lân Hùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.