Người K'Ho ở buôn Klong Tum của Lâm Đồng ngày càng khá giả nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm

Văn Long Thứ tư, ngày 26/04/2023 13:30 PM (GMT+7)
Nhờ gắn bó với trồng dâu, nuôi tằm hàng chục năm qua mà người dân tộc thiểu số K'Ho tại buôn Klong Tum (xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Mua được xe máy, tivi to nhờ cây dâu con tằm

Đến buôn Klong Tum khi mùa mưa đang bắt đầu, chính vì vậy, những cánh đồng trồng dâu của người dân tộc thiểu số K'Ho nơi đây đang xanh tốt, hứa hẹn một mùa bội thu. Tiết trời sáng nắng, chiều mưa vào tháng 4 tại Tây Nguyên cũng khiến cho người dân tại địa phương hối hả hái dâu để cho tằm ăn, tránh dâu dính nước tằm ăn sẽ bị bệnh, hỏng cả lứa tằm.

Ông K'Biếu nói về nghề trồng dâu, nuôi tằm đã giúp gia đình mình thoát nghèo.

Gặp già làng K’Biếu (dân tộc K'Ho, 69 tuổi) đang hái những nắm lá dâu xanh tốt bỏ vào bao, phóng viên nhận thấy được sự phấn khởi của ông khi nghề trồng dâu, nuôi tằm đã mang lại của ăn, của để cho gia đình ông hàng chục năm nay.

Người dân buôn Klong Tum thoát nghèo vươn lên từ cây dâu, con tằm - Ảnh 2.

Ông K'Biếu phấn khởi khi kinh tế gia đình phát triển, thoát nghèo từ nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Trao đổi với phóng viên, già làng K’Biếu cho hay: "Cách đây 20 năm, gia đình tôi cũng chỉ trồng ngô, trồng rau như bao gia đình người K'Ho khác tại địa phương. Thế nhưng tình cờ một lần có vài người dân tại xã Bình Thạnh (huyện Đức Trọng) đi qua họ nói đất ở N’Thol Hạ này trồng dâu nuôi tằm thì rất tốt. Nghe vậy, tôi cũng hỏi thăm và biết được cách trồng dâu, nuôi tằm của người Kinh. Sau đó, tôi đã về trồng dâu và mua giống tằm về nuôi thử, thấy hiệu quả hơn trồng ngô, trồng rau nên đã chỉ cho bà con người dân tộc thiểu số K'Ho trong buôn làm theo. Vì thế mà giờ nhiều gia đình đã thoát nghèo, đời sống khá hơn nhiều".

Người dân buôn Klong Tum thoát nghèo vươn lên từ cây dâu, con tằm - Ảnh 3.

Những cũi tằm đã mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình tại buôn Klong Tum, xã N’Thol Hạ.

Già làng K’Biếu cũng cho biết, nhờ có cây dâu, con tằm mà vợ chồng ông đã nuôi 8 người con trưởng thành, cuộc sống no đủ, xây được nhà, mua sắm được xe máy, tivi màn hình lớn, máy giặt, tủ lạnh… Hiện nay giá kén tằm đang ở mức 200 ngàn đồng/kg nên nghề này càng mang lại thu nhập cao hơn. Hai người con của ông K’Biếu cũng đang tiếp tục làm nghề này cùng bố mẹ.

Theo ông K’Biếu, với giá kén tằm cao như hiện nay, người dân nuôi tằm có thể thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Tuy thu nhập khá cao nhưng công việc luôn tay, luôn chân, bận rộn nhất là khi tằm ăn rỗi. Thế nhưng, tại địa phương vẫn có nhiều người chọn nghề này vì công việc nhẹ nhàng, dễ làm.

Cây trồng chủ lực trong vùng

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Bá Dương – Phó Chủ tịch xã N’Thol Hạ cho hay, Buôn Klong Tum còn gọi là thôn Đoàn Kết, hiện nay có 315 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu, trong đó có tới 80% là người K’Ho. Tại buôn Klong Tum có 15 ha trồng dâu của người dân.

Ông Lê Bá Dương nói về nghề trồng dâu, nuôi tằm tại buôn Klong Tum, xã N’Thol Hạ.

"Người đồng bào dân tộc thiểu số K'Ho ở buôn Klong Tum trước đây chủ yếu trồng lúa và cà phê. Tuy nhiên, sau nhiều thời gian canh tác thì lợi nhuận của người dân không được lớn. Từ năm 2009, nhiều hộ dân tại địa phương đã tiếp cận với mô hình trồng dâu nuôi tằm và nghề này đang rất phát triển tại buôn Klong Tum. Theo thống kê thì có đến 90% người dân tại địa phương đã chuyển đổi sang nghề này.

Nhờ mô hình trồng dâu nuôi tằm này mà đã giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Địa phương đã tranh thủ mọi nguồn lực để người dân tại địa phương để hỗ trợ bà con, đặc biệt những chương trình vay vốn, phát triển sản xuất, quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới, địa phương sẽ vận động, tuyên truyền để mô hình này được nhân rộng ra trên địa bàn xã để góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương", ông Lê Bá Dương cho hay.

Người dân buôn Klong Tum thoát nghèo vươn lên từ cây dâu, con tằm - Ảnh 5.

Vợ ông K'Biếu phấn khởi hái dâu về cho tằm ăn rỗi.

Năm 2016, xã N’Thol Hạ được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn 3,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 67 triệu đồng. Người dân và chính quyền xã N’Thol Hạ đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Người dân buôn Klong Tum thoát nghèo vươn lên từ cây dâu, con tằm - Ảnh 6.

Hiện nay, tại buôn Klong Tum có khoảng 90% người dân địa phương làm nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Trong năm 2023, UBND huyện Đức Trọng sẽ chú trọng hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, dự án phát triển sản xuất, các mô hình giảm nghèo nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững với số vốn khoảng 1,6 tỷ đồng. Theo đó, chính quyền chủ yếu hỗ trợ máy móc, giống cây trồng, vật nuôi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và các mô hình giảm nghèo như phát triển chăn nuôi đàn gia súc, trồng cây dược liệu có giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng trong cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem