Trồng đủ loại rau theo mùa VietGAP, nông dân Tráng Việt sống khỏe

Mạnh Hà Thứ hai, ngày 23/10/2017 13:20 PM (GMT+7)
Với kinh nghiệm canh tác rau kết hợp với kỹ thuật hiện đại, người dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội đã tạo nên một vùng rau đa dạng, nhiều chủng loại với củ cải, bí xanh, rau cải… đem lại giá trị kinh tế cao, đời sống có sự thay đổi rõ rệt.
Bình luận 0

Củ cải ăn ngay tại ruộng

Anh Nguyễn Văn Đức, xã Tráng Việt bắt đầu trồng củ cải từ năm 2006. Hiện tại, gia đình anh có 4 mẫu trồng củ cải. Anh là người đầu tiên đưa giống Hàn Quốc về xã. Trước kia, mọi người trồng giống củ cải của Trung Quốc, củ nhỏ, năng suất chỉ khoảng 2 tấn/sào. Giống mới này cho củ to, năng suất cao hơn từ 2, 5 – 3 tấn/sào. Củ có thịt giòn và không bị sượng, vị ngon ngọt hấp dẫn, rất được lòng người tiêu dùng. Đây lại là cây ngắn ngày, một năm anh có thể trồng 4 – 5 vụ, thu được 150 – 200 tấn. Thu nhập bình quân 600 – 700 triệu đồng/năm, trừ đi chi phí cũng được 200 – 300 triệu đồng.  Từ hiệu quả của gia đình anh, nhiều hộ khác trong xã cũng trồng củ cải Hàn Quốc.

img

Ở Tráng Việt người dân thành công khi làm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP.  Ảnh: M.H

Quỹ đất trên địa bàn xã rất hạn chế, trong khi địa phương lại không thể bố trí diện tích đất ven bãi sông để xây dựng nhà xưởng, do vướng quy định của Luật Đê điều. Hiện, địa phương đang tập trung tìm hướng giải quyết cho bài toán hạ tầng này nhằm tháo gỡ khó khăn giúp vùng rau an toàn phát triển được thuận lợi hơn”.

Ông Đàm Văn Thìn - 
Phó Chủ tịch UBND
xã Tráng Việt

Anh Đức cho hay: “Củ cải chúng tôi trồng tại đây có thể ăn ngay tại ruộng vì sản xuất theo quy trình an toàn. Nước tưới được lấy từ giếng khoan sâu hàng chục mét, được chi cục BVTV Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm an toàn. Trước đây, chúng tôi phải dùng máy chạy xăng để bơm nước lên ruộng, tốn nhiều công sức lao động, chi phí cao mà lượng nước phân bố không đều. Sau khi học hỏi mô hình tưới tiêu ở Đà Lạt (Lâm Đồng), chúng tôi đã đưa hệ thống tưới này được làm bằng các ống nhựa, trên cùng là các đầu phun sương cỡ lớn có thể điều chỉnh. Chi phí đầu tư khoảng 1,3 triệu đồng/sào cho hệ thống này. Mô hình này giúp một người trung bình trong ngày có thể tưới được 2 mẫu ruộng.

Theo ông Nguyễn Văn Minh – Trưởng ban Kiểm soát rau sạch HTX Nông nghiệp Đông Cao Hà Nội, để đảm bảo chất lượng rau an toàn, HTX thành lập ban kiểm soát trong từng thôn. “HTX giao mỗi nhà một cuốn sổ ghi chép, để họ ghi vào đầy đủ để tiện kiểm tra. Một tuần kiểm tra 3 lần, chi cục phối hợp kiểm tra 1 tuần/lần. Ví dụ, có hiện tượng sử dụng thuốc cho lúa, lập tức sử dụng loa phát thanh, loa tay để tuyên truyền cho dân. Đầu tiên là nhắc nhở, đến ngày thu hoạch không cho cưỡng chế, không cho xuất ra thị trường” – ông Minh cho hay.

Tháo gỡ khó khăn cho người trồng rau

Xã Tráng Việt có trên 300ha đất nông nghiệp trồng rau an toàn, trong đó có 118ha tại thôn Đông Cao. Phần lớn diện tích trồng rau an toàn tại thôn Đông Cao là trồng củ cải có nguồn gốc từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra người dân còn trồng thêm cà chua, dưa chuột, su hào, bắp cải…, tất cả đều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng củ cải, hàng năm các hộ trồng 3 vụ, bắt đầu từ tháng 8 hàng năm và cứ 2 tháng được một vụ.

Trong khoảng 2 - 3 năm qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao đã liên kết với Công ty CP Nhất Nam (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Fivimart) hỗ trợ tiêu thụ rau an toàn cho các thành viên HTX. Ấn tượng hơn khi mới đây, những đơn hàng đầu tiên do HTX sản xuất, đóng gói đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Vũ Văn Kỳ - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao cho biết, việc HTX được Sở NNPTNT Hà Nội hỗ trợ xây dựng thương hiệu và website quảng bá nhãn hàng đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm rau an toàn. Theo ông Kỳ, trong quá trình sản xuất, HTX đặc biệt chú trọng tới chất lượng. Bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con xã viên về sản xuất sạch, với sự giúp đỡ của Chi cục BVTV (Sở NNPTNT Hà Nội), địa phương đã thành lập và triển khai 15 tổ PGS (kiểm tra giám sát chéo) nhằm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nông sản của các hộ xã viên.

Chất lượng rau từng bước được nâng cao, song nhiều hộ nông dân ở Tráng Việt không khỏi băn khoăn vì sản xuất vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi. Đó là hạ tầng thiếu thốn từ hệ thống điện, đường giao thông nội đồng. Nhiều hộ dân muốn đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng để sản xuất rau theo hướng công nghệ cao, song hệ thống điện không đảm bảo và nguồn vốn hạn chế. Vấn đề tìm kiếm quỹ đất để xây dựng nhà xưởng cho hoạt động sơ chế cũng gặp nhiều khó khăn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem