Hàng nghìn nông dân có thu nhập tăng gấp 5-7 lần nhờ trồng loại cây này

Thùy Anh Thứ tư, ngày 07/09/2022 06:11 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên một mô hình liên kết sản xuất dược liệu giữa nông dân tại hợp tác xã trồng dược liệu với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước được ký kết. Điều này tạo công ăn việc làm, sinh kế bền vững cho hàng nghìn nông dân trong cả nước, thu nhập tăng gấp 5-7 lần so với trồng cây trồng khác.
Bình luận 0

Liên kết trồng cây dược liệu tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn nông dân 

Chiều 6/9, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cùng với Cục Quản lý dược cổ truyền (Bộ Y tế) cùng các hợp tác xã trồng dược liệu tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên đã tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Phát triển vùng trồng dược liệu quốc gia.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, biên bản là điều kiện để các bên cùng thống nhất hợp tác trong việc phát triển vùng trồng cây dược liệu quốc gia nhằm phục vụ sản xuất thuốc trong nước và phục vụ xuất khẩu, phát triển nguồn tiềm năng cây dược liệu của Việt Nam.

trồng cây dược liệu

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (ở giữa) phát biểu về ý nghĩa của mô hình liên kết trồng dược liệu giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ quan quản lý Nhà nước Ảnh: N.T

"Đặc biệt, dự án sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn người nông dân, thành viên của các hợp tác xã, tổ nhóm nông dân người dân tộc thiểu số trong đó có cả người nghèo nhằm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống", ông Thịnh nói.

Theo Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) hiện Việt Nam có hơn 5.000 cây dược liệu có thể dùng phục vụ chăm sóc sức khỏe và cả nước có hơn 10.000 cơ sở khám điều trị y dược cổ truyền có sử dụng dược liệu làm thuốc. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 100.000 tấn dược liệu từ Trung Quốc về phục vụ cho sản xuất thuốc và điều trị bệnh.

Tham gia dự án này, phía doanh nghiệp sẽ tài trợ các quy hoạch các vùng trồng dược liệu tại một số tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại đăng ký trồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP nhằm đảm bảo chất lượng dược liệu đạt tiêu chuẩn kiểm nghiệm trước khi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Cả nước mới chỉ có 450 hợp tác xã trồng dược liệu

Ông Thịnh cho biết thêm, hiện cả nước có hơn 2.000 hợp tác xã, trong số này có tới 450 hợp tác xã trồng cây dược liệu. Cây dược liệu đang là sinh kế chính của nhiều người dân tại các vùng nông thôn, vùng núi, vùng đồng bào còn nhiều khó khăn.

Đa phần bà con trồng dược liệu trên vùng đất đồi, vùng đất rừng nên không chỉ tạo ra sinh kế, gia tăng thu nhập mà còn góp phần bảo vệ đất rừng. Bởi vậy, theo ông Thịnh, mô hình có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

"Chúng tôi hy vọng, sẽ có nhiều hơn các hợp tác xã trồng cây dược liệu ra đời, tạo sinh kế bền vững cho nhiều nông dân hơn nữa. Đồng việc liên kết cũng góp phần nâng cao cả quy mô, chất lượng sản phẩm dược liệu của Việt Nam", ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cũng hy vọng, sau này sẽ có thêm nhiều đơn vị tham gia hợp tác phát triển vùng dược liệu tạo sinh tế cho người dân. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển cũng hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã, cấp mã vùng trồng, hỗ trợ giống, công nghệ, đào tạo... để nông dân, lao động ở hợp tác xã phát triển sản xuất.

hợp tác xã trồng dược liệu

Mô hình trồng cây Sâm Báo tại xóm Đồng Tâm xã Động Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Đây cũng là địa phương có diện tích trồng dược liệu lớn toàn tỉnh.

Theo nghiên cứu, việc trồng cây dược liệu có thể cho thu nhập cao gấp 5-7 lần so với trồng cây ăn quả hoặc trồng cây lương thực. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, trồng dược liệu còn góp phần phủ xanh đất đồi trọc.  

Thống kê chưa đầy đủ của Cục trồng trọt cho thấy cả nước có khoảng 15.000ha trồng cây dược liệu, gồm diện tích cây dược liệu dài ngày khoảng 10.000ha, dược liệu ngắn ngày khoảng 5.000ha. Cây dược liệu phổ biến như: Atiso, bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, hoa hòe, tam thất…; hiện hơn 70% là cây thuốc mọc tự nhiên, gần 30% được đầu tư gieo trồng và chăm sóc; nguồn cây thuốc tự nhiên mỗi năm cung cấp khoảng 20.000 tấn. Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều loài dược liệu quý hiếm khác được thu hái, sử dụng tại chỗ trong cộng đồng nhưng chưa có thống kê cụ thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem