Gạo Tánh Linh của Bình Thuận với hành trình "thổi" thành bát cơm ăn ngon nổi tiếng trong và ngoài nước

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 11/10/2022 19:19 PM (GMT+7)
Tánh Linh là huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, giáp với cao nguyên Lâm Viên, nhưng ít ai ngờ đây là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh, là vựa lúa, cho ra hạt gạo ngon, ăn là nhớ... Thương hiệu Gạo Tánh Linh nổi tiếng trong và ngoài nước, do những nông dân miền núi khăn gói đi Viện lúa ĐBSCL học hỏi làm ra…
Bình luận 0

Chính quyền quyết tâm, nông dân đồng lòng với thương hiệu Gạo Tánh Linh 

Để có được hạt gạo ngon và nổi tiếng như hôm nay, biết bao thế hệ lãnh đạo và nông dân huyện Tánh Linh phải khăn gói về ĐBSCL học hỏi cách trồng lúa và lúa giống…

Hành trình đưa Gạo Tánh Linh ăn ngon, nổi tiếng trong và ngoài nước - Ảnh 1.

Cánh đồng lúa giống ở xã Gia An huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Một ngày đầu tháng 10/2022, chúng tôi theo ông Giáp Hà Bắc- Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh( Bình Thuận) đi thăm một cánh đồng lúa đang tuổi "dậy thì" ở xã Gia An và cảm nhận được sức sống mãnh liệt trên cánh đồng này.

Theo quan sát của chúng tôi, đây là vùng thung lũng, bao quanh bởi những dãy núi trùng trùng điệp điệp giáp tỉnh Lâm Đồng…

Ấn tượng với chúng tôi bởi hệ thống kênh mương thủy lợi được xây dựng bài bản, nước từ thượng nguồn được dẫn về tận ruộng đồng. Đi đâu chúng tôi cũng nghe bà con nông dân bàn tính về cách chăm sóc lúa hữu cơ, chất lượng cao.

Hành trình đưa Gạo Tánh Linh ăn ngon, nổi tiếng trong và ngoài nước - Ảnh 2.

Hệ thống kênh mương trên cánh đồng lúa giống ở xã Gia An huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Lúa từ cánh đồng trong thung lũng này, đã biến thành những hạt gạo mang thương hiệu Gạo Tánh Linh, mấy năm qua đã vang danh khắp trong và ngoài nước bởi chất lượng ngon tuyệt hảo…

Theo lời ông Giáp Hà Bắc, để có được hạt gạo Tánh Linh ngon như hôm nay, trước hết phải nhớ đến các thế hệ lãnh đạo từ tỉnh, huyện đến xã, các nhà khoa học, cán bộ chuyên môn, các nhà doanh nghiệp. 

Và công lớn nhất là các thế hệ nông dân ở Tánh Linh luôn gắn chặt với ruộng đồng, cùng chung một ước mơ đưa thương hiệu Gạo Tánh Linh đến người tiêu dùng trong mọi miền đất nước…

"Đặc biệt là sau khi hệ thống Đập dâng Tà Pao chính thức đưa vào vận hành vào đầu năm 2015, hệ thống tưới tiêu và hạ tầng kênh mương đã cơ bản hoàn thiện, phát huy khá tốt tiềm năng nông nghiệp ở vùng thung lũng sông La Ngà. Việc này vừa hạn chế thiệt hại do mưa lũ, vừa đem lại hiệu quả cao hơn cho cây lúa…", ông Giáp Hà Bắc nói.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Tánh Linh, gần cả chục năm qua, các chuyên viên của huyện và nông dân liên tục khăn gói đi các tỉnh miền Tây, học hỏi các chuyên gia ở Viện lúa ĐBSCL rồi về áp dụng, hướng dẫn lại bà con nông dân đang trồng lúa khoảng 11.000 ha ở vùng thung lũng sông La Ngà.

Nông dân miền núi đi miền Tây học làm lúa giống

Là một trong những người tiên phong được huyện chọn đi Viện lúa ĐBSCL học cách làm lúa giống, nông dân Nguyễn Đình Chiến (hiện là giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ Gia An).

Hành trình đưa Gạo Tánh Linh ăn ngon, nổi tiếng trong và ngoài nước - Ảnh 4.

Nông dân Nguyễn Đình Chiến (hiện là giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ Gia An) bên cánh đồng lúa giống. Ảnh: Bùi Phụ

"Cách đây hơn 5 năm, mỗi lần đi học là mất khoảng 1 tháng. Tôi biết khăn gói từ miền núi đi xuống tận Viện lúa ĐBSCL ở Cần Thơ rất xa xôi cách trở, khó khăn trăm bề. Nên mỗi lần đi, tôi cố gắng học hỏi kinh nghiệm của quý thầy ở Viện để về áp dụng cho quê hương. Những ngày ở Viện lúa, sáng tôi ra đồng rất sớm, tranh thủ gặp bà con nông dân địa phương sau đó về gặp trao đổi với quý thầy. Tôi ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ quy thầy đã dạy về quy trình phát triển của hạt lúa giống. Phải mất hơn một năm trời, đi lại mấy lần tôi mới thành công với giống lúa mới…", nông dân Nguyễn Đình Chiến tâm sự.

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa giống ở xã Gia An do chính tay mình cùng các thành viên trong HTX gầy dựng, anh Chiến cho rằng, vùng đất thung lũng này phù hợp với các giống của Viện lúa ĐBSCL như: OM18 – OM 4900 - OM 54512…

Cũng theo anh Chiến, hiện nay mỗi năm HTX Dịch vụ Gia An cung cấp cho bà con nông dân ở Tánh Linh khoảng 300 tấn lúa giống. Nhưng số lượng này chẳng thấm vào đâu khi nhu cầu toàn huyện phải hơn 3000 tấn lúa giống.

Nhờ đi học làm lúa giống ở Cần Thơ, đến nay anh HTX do anh Chiến làm giám đốc đã phát triển lên 14 thành viên là nông dân. Sau khi trừ các chi phí, thu nhập hàng tháng, mỗi thành viên khoảng gần chục triệu đồng(chỉ tính làm lúa giống).

Để việc sản xuất lúa giống phục vụ bà con nông dân tốt hơn, anh Chiến đã đầu tư cơ giới hóa như máy cày và một số phương tiện áp dụng công nghệ số…

Gạo Tánh Linh ăn một lần nhớ cả đời

Một trong những người áp dụng giống lúa mới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là nông dân Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình(Tánh Linh).

Hành trình đưa Gạo Tánh Linh ăn ngon, nổi tiếng trong và ngoài nước - Ảnh 5.

Nông dân Nguyễn Anh Đức(trái) đang trao đổi với nông dân Nguyễn Đình Chiến. Ảnh: Bùi Phụ

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa hữu cơ của gia đình gần Đập dâng Tà Pao, ông Đức tâm sự: "Quang điểm của gia đình tôi là làm ít nhưng chất lượng cao chứ không làm nhiều nhưng chất lượng lại giảm. Nhờ đó mà thương hiệu gạo Đức Lan của gia đình tôi làm ra không đủ bán...".

Cũng theo ông Đức, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình hiện có hơn chục thành viên là nông dân ở xã Đức Bình cùng tham gia "dồn điền" với diện tích hơn 20 ha, sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình khép kín, tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Đức, để có hạt gạo ngọn, ngay từ khi chọn lúa giống tốt đưa vào gieo sạ trên cánh đồng, các xã viên phải tuân thủ nghiêm ngặt khâu chăm bón. Đặc biệt là dùng phân hữu cơ từ nguồn phân chuồng chăn nuôi heo, bò trong các hộ xã viên, hoặc mua thêm bên ngoài về tập kết ủ một thời gian "chín mùi". Sau đó mới đưa vào bón cho cây lúa qua từng giai đoạn làm đòng, ngậm hạt…

"Chăm bón theo cách này, cây lúa phát triển hơi chậm hơn phân bón hóa học, nhưng khi kết tinh, hạt sẽ chắc, căng đầy… Sau khi thu hoạch và chế biến gạo trắng như sữa, có mùi thơm nhẹ. Nếu nấu cơm sẽ dẻo, thơm ngon. Chính cái ngon độc đáo này, không chỉ người dân trong tỉnh Bình Thuận, mà người tiêu dùng trên cả nước và nước ngoài đều ưa thích nhãn gạo Đức Lan. Vì vậy gia đình tôi làm ra không đủ bán…", ông Đức chia sẻ.

Hành trình đưa Gạo Tánh Linh ăn ngon, nổi tiếng trong và ngoài nước - Ảnh 6.

Nông dân Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình(Tánh Linh). Ảnh: Bùi Phụ

Hiện tại gia đình ông Đức mỗi tháng đóng gói và giao khoảng 10 tấn gạo hữu cơ cho khách hàng trong tỉnh và TP.HCM và cả nước ngoài. Mỗi bịch 5kg, có logo Gạo Tánh Linh trên bao bì với các giống lúa OM 18 - ST 25 … ông bán giá khoảng 140.000 đồng trở lại. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông Đức thu nhập trung bình từ 500 đến 700 triệu đồng/năm.

Được biết, sản phẩm của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp giấy chứng nhận "Gạo Đức Lan". Sản phẩm gạo này nằm trong thương hiệu, chỉ dẫn địa lý "Gạo Tánh Linh".

Thương hiệu Gạo Tánh Linh

Theo ông Giáp Hà Bắc, huyện Tánh Linh hiện là vựa lương thực của tỉnh Bình Thuận, hàng năm sản xuất ra trên 100 nghìn tấn gạo cung cấp nhu cầu lương thực trong và ngoài tỉnh.

"Thương hiệu Gạo Tánh Linh được sản xuất theo hướng an toàn sinh học, sử dụng nước thượng nguồn sông La Ngà, kết hợp với các giống chất lượng cao của Viện lúa ĐBSCL, được nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ nên đáp ứng nhu cầu sử dụng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Thời gian vừa qua, lãnh đạo huyện Tánh Linh đã đi mời gọi các doanh nghiệp, cùng liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao cho nông dân…", ông Giáp Hà Bắc cho biết.

Cũng theo ông Giáp Hà Bắc, những vụ đầu trong vùng 3.000 ha lúa chất lượng cao (có khoảng 1200 ha "Cánh đồng lớn", trong đó có khoảng 200 ha trồng lúa hữu cơ). Việc này cho thấy, chất lượng lúa rất tốt, nên sắp tới huyện Tánh Linh tiếp tục nhân rộng.

Hàng năm, huyện đã dành nguồn ngân sách đầu tư, hỗ trợ cho nông dân kỹ thuật trồng lúa, trong đó có trồng lúa hữu cơ.

Ban đầu chỉ 3 HTX và 3 Tổ hợp tác chuyên sản xuất giống lúa với diện tích khoảng 50 ha/vụ (chỉ sản xuất 2 vụ lúa giống/năm) tham gia. Đến nay nhãn hiệu Gạo Tánh Linh đã có một số đơn vị trên địa bàn sử dụng, đóng bao sản phẩm theo hướng hữu cơ với số lượng khoảng 1000 tấn/năm như gạo Đức Lan, Đức Phú, Nghị Đức, Đức Bình…

Hành trình đưa Gạo Tánh Linh ăn ngon, nổi tiếng trong và ngoài nước - Ảnh 7.

Hệ thống Đập dâng Tà Pao chính thức đưa vào vận hành vào đầu năm 2015 đã tạo thuận lợi cho nông nghiệp huyện Tánh Linh phát triển. Ảnh: Bùi Phụ

Thu nhập nông dân trồng lúa khá hơn

Theo UBND huyện Tánh Linh, nhờ liên kết với Viện lúa ĐBSCL chuyển giao kỹ thuật từ năm 2015 đến nay, nguồn thu nhập của người dân trồng lúa chất lượng cao và trồng lúa hữu cơ tốt hơn.

Huyện Tánh Linh cũng đặc mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ tiếp tục mở rộng diện tích xây dựng "Cánh đồng lớn" trên toàn bộ vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha. Bên cạnh đó là xây dựng vùng trồng lúa hữu cơ, hướng hữu cơ khoảng 1000 ha…

Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem