Xét một cách công bằng, ở Quảng Trị, Cùa là nơi đẹp nhất, từ cảnh quan, văn hoá, ẩm thực cho đến con người. Nơi đây có nhiều sản vật nổi tiếng, bước đầu thống kê được trong “5G, 2C”.
Cùa là tên gọi thân thương, đã có từ rất lâu, thuộc 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ. Vùng đất đỏ bazan màu mở này nằm cách TP Đông Hà về phía tây khoảng 20km, cách thị trấn Cam Lộ 10km. Muốn vào Cùa phải vượt qua đèo Cũ – con đường băng qua vùng đồi núi, hai bên là cây rừng trồng.
Đường đến vùng Cùa - nơi có nhiều sản vật với 5G và 2C. Clip: Ngọc Vũ.
Cùa từng được vua Hàm Nghi lựa chọn để dựng sơn phòng Tân Sở, ra chiếu Cần Vương trong hành trình xuất bôn kháng Pháp năm 1885.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Cam Chính, ngày xưa dù là vùng đất trù phú nhưng đường sá hiểm trở, phải cuốc bộ, gánh vác… nên người dân sống ở Cùa chỉ chăn nuôi trâu, bò, gia cầm… chứ không thể nuôi lợn. Thịt lợn trở thành thứ xa xỉ, chỉ được ăn vào dịp lễ tết, cưới hỏi, đám đình, kỵ giỗ.
Ngày nay, khi đường vào Cùa đã được nhựa hoá, chẳng những nuôi lợn rất nhiều mà người dân còn trồng trọt, chăn nuôi đa dạng, phục dựng và sáng tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo. Trong số đó có 5 chữ G (giếng, gạo, gà, gia vị và girl – con gái), 2C (chè và cao).
5G ở Cùa
Từ xưa đến nay, muốn an cư, lập làng phải có nước. Vì vậy, giếng được nhắc đầu tiên trong 5G ở Cùa. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, người được mệnh danh là "nhà giếng cổ học", cho hay hầu hết giếng vùng Cùa có niên đại hàng trăm năm.
Cùa là vùng đất đẹp, có nhiều sản vật… ai cũng thích. Nhưng có một điều khiến mọi người canh cánh trong lòng, đó là câu hỏi: "Vì sao lại có tên Cùa", chưa có câu trả lời. Câu hỏi đó đang chờ những nhà sử học, nhà nghiên cứu dày công tìm hiểu để đưa ra đáp án.
Ví dụ giếng Cây Thị ở thôn Mai Lộc, xã Cam Chính được tạo dựng từ năm 1911. Giếng có 2 đáy, được ghép bằng gỗ trai, loại gỗ ngâm dưới nước bao nhiêu cũng không hỏng, mục đích là để không bị động bùn. Thân giếng bằng đá ong, xếp lại với nhau bằng mộng mà không cần dùng vữa. Ngoài ra còn có giếng Ông Cây, giếng Cây Bàng, giếng Vòi…
Ông Nguyễn Thanh Lâm – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Cam Chính cho biết, trải qua bao cuộc bể dâu, giếng cổ ở Cùa, cụ thể là thôn Mai Lộc bị vùi lấp. Nhờ người dân phát hiện, tự nguyện đóng góp mới phục hồi tôn tạo đẹp như ngày nay.
"Sau khi tôn tạo giếng cổ, bà con nhân dân mừng lắm. Mở tiệc ăn mừng ngay tại khuôn viên giếng. Bà con nói rằng, đó là giếng nước của tổ tiên khai khẩn đất đai, nên phải cùng nhau khôi phục, giữ gìn và lưu truyền cái gốc của mình" – ông Lâm cho hay.
Hiện nay, ở Cùa còn nhiều giếng cổ, đang được chính quyền, người dân tiếp tục nghiên cứu tôn tạo. Trong tương lai, rất có thể tên tuổi giếng Cùa sẽ sánh ngang với giếng cổ Gio An.
Có thực mới vực được đạo. Vì lẽ đó, gạo được xướng tên thứ 2 trong 5G ở Cùa. Theo những bô lão, Cùa có ít ruộng nước nên từ xa xưa, người dân vừa trồng lúa cạn vừa trồng lúa nước. Lúa cạn gieo trồng trên vùng đất khô, nắng hạn đến mấy cũng không chết. Lúa này cho ra gạo cồ. Thứ gạo này ngon, hạt không trắng nhưng giã ra ăn rất béo, có thể nấu bánh đúc hoặc bỏ thêm lá mía vào cùng ăn. Dù vậy, vì năng suất quá thấp, làm không đủ ăn nên giống lúa cồ bị mai một dần.
Ngày nay, với xu thế của du lịch về nguồn, chính quyền địa phương đang phục hồi lại giống lúa cồ để du khách có dịp thưởng thức.
Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, bước đầu xã sẽ trồng khoảng 4 sào (2.000m2), sau đó sẽ mở rộng nếu thấy hiệu quả.
Đã có cái ăn rồi thì phải hướng đến ăn ngon. Và tất nhiên, gà Cùa là món ngon nức tiếng gần xa, mọi người đều muốn thưởng thức. Chị Nguyễn Thị Thuỳ Trang (thôn Đốc Kỉnh, xã Cam Chính) cho hay, gà Cùa thả vườn chân nhỏ, lông mượt, mỏ dài, cân nặng tối đa chỉ khoảng 1,2kg, thịt thơm và dai. Gà được chăn thả tự nhiên, "sáng ăn mối, tối ngủ cây".
Hầu như ai đến Cùa đều muốn thưởng thức cho bằng được gà Cùa. Thương hiệu, sản phẩm gà Cùa đã vượt khỏi không gian của tỉnh Quảng Trị, đi đến nhiều miền đất hứa.
Để nấu nướng thơm ngon, không thể thiếu gia vị. Ở Cùa, những thứ gia vị như ớt, tiêu, nén, giong riềng, nghệ… đều ngon hơn nhiều nơi khác. Có lẽ là nhờ được trồng trên đất đỏ bazan kết hợp khí hậu khá ôn hoà. Vào mùa hè, so với TP Đông Hà, Cùa luôn có nhiệt độ thấp hơn từ 1 đến 3 độ C.
Trong nhiều thứ gia vị ở Cùa, vang danh nhất vẫn là tiêu. Cùng với tiêu Vĩnh Linh, tiêu Cùa có màu đen và cay nồng, chất lượng thuộc top 1 cả nước. Bởi vậy, Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị đã liên kết với nông dân trồng, thu mua đóng gói xuất sang Châu Âu, châu Mỹ, được thị trường ưa chuộng. Trong bộ sản phẩm làm quà tặng mỗi khi trở về từ Quảng Trị, du khách gần xa không quên tiêu Cùa.
Nằm ở vị trí đặc biệt trong chữ G là girl. Phần lớn mọi người đều nhận xét, con gái xứ Cùa mỗi người mỗi nét đẹp riêng. Nhưng tựu chung lại là đẹp từ ngoại hình đến lời ăn tiếng nói. Lý do vì sao con gái Cùa xinh đẹp không ai giải thích được. Nhưng điều đó dường như không quan trọng. Bởi dù với lý do gì, vẻ đẹp con gái Cùa là không cần bàn cãi, ai cũng thích ngắm nhìn, đặc biệt là đấng mày râu.
Chè và cao
Đó là 2C ở Cùa. Nói về chè, ở Cùa không chỉ có cây chè bình thường mà còn có chè cổ thụ, tuổi đời hơn trăm năm.
Bao quanh ngôi nhà nhỏ của ông Lê Quang Khai (xã Cam Chính, Cam Lộ) có 300 gốc chè cổ tuổi đời 120 năm. Những cây chè cổ được gọi là "chè lối", nhiều gốc chè có đường kính 20-40cm, cao 6-7m.
"Khi tôi còn bé, bà nội và mẹ tôi đã bứt chè mang ra chợ bán được mấy chục năm rồi. Vườn chè nhà tôi đến nay đã trải qua 5 thế hệ" – ông Khai nói. Mỗi năm, riêng việc bán lá chè gia đình ông Khai đã kiếm được 15 đến 20 triệu đồng.
Gần nhà ông Khai là vườn chè cổ hơn 100 gốc có tuổi đời khoảng 102 năm của gia đình ông Trương Vĩnh Ký (Trung Chỉ, Cam Chính). Chè Cùa sạch 100%, không dùng bất cứ loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nào.
Lá chè sau khi hái đem rửa sạch, để khô ráo rồi vò nát cho vào ấm nước sôi, đậy nắp lại hãm trong khoảng 20 phút là có thể thưởng thức.
Khi vừa cho vào miệng, nước chè Cùa cho ta cảm giác hơi chát, nhưng sau một lúc lại thấy ngọt nhẹ trong cổ họng, càng chép miệng vị ngọt thanh ấy càng trở nên "quyến rủ". Người dân muôn phương có câu "Ngậm mà nghe chè Cùa đặc sản".
Thời dân cây cảnh hứng thú với chè cổ thụ, mỗi gốc chè Cùa có thể được ngã giá đến vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, không phải chủ nhân nào cũng đồng ý bán. Một phần bởi sau nhiều năm xây dựng, đời sống người dân vùng Cùa đã được nâng cao. Phần nữa vì những vườn chè cổ đã gắn bó với đời sống tinh thần của họ suốt bao đời nay, thân thuộc không thể tách rời.
Cao là chữ C thứ 2. Bởi Cùa là khởi nguồn của việc nấu cao từ các loại lá cây, thảo dược. Cao lá vằng là sản phẩm đầu tiên. Sau khi tạo nên "cơn địa chấn" về thương hiệu cao lá vằng vùng Cùa, người dân nơi đây còn phát triển thêm nhiều sản phẩm mới như cao cà gai leo, cao lạc tiên, cao hà thủ ô… Gọi chung là cao cùa. Các loại cao này không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà đã được xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Bà Mai Thị Thuỷ (chủ cơ sở sản xuất cao ở Cùa) cho biết, đáp ứng nhu cầu của thị trường, các cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn Cùa đã nghiên cứu, đưa ra nhiều sản phẩm có giá trị cao. "Chúng tôi tự hào khi góp công tạo dựng một chữ C trên bản đồ đặc sản Cùa" – chị Thuỷ chia sẻ.
Ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, Cùa là vùng đất đẹp về không gian, thổ nhưỡng, khí hậu và đặc biệt là con người. Nơi đây, người dân luôn biết khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Ý thức xây dựng nông thôn mới của người dân vùng Cùa thì miễn chê.
Một ví dụ đơn giản là đến Cùa rất ít rác, không gian xanh mát và đặc biệt là hầu như nhà nào cũng trồng hoa để góp phần làm đẹp quê hương. Nhờ tinh thần đó, Cùa trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới và phát triển văn hoá-kinh tế-xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.