Trồng lúa không chỉ bán gạo, nông dân còn bán tín chỉ carbon
Trồng lúa không chỉ bán gạo, nông dân còn bán tín chỉ carbon
Thu Hà
Thứ hai, ngày 12/02/2024 08:59 AM (GMT+7)
Trồng lúa để bán sản phẩm chính (lúa, gạo) và phụ phẩm (rơm, cám, trấu…) là chuyện đã quá quen thuộc với người nông dân vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, nông dân trồng lúa còn có cơ hội thu tiền đô từ bán tín chỉ carbon.
Chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh
Các xã viên HTX nông nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, An Giang) vừa đồng loạt sạ lúa vụ đông xuân trên 200ha ruộng. Họ gieo giống lúa OM18, IR50404, OM5451 và sản xuất theo tiêu chuẩn SRP 100, được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bao tiêu với giá cao hơn thị trường.
Anh Nguyễn Thành Giang – Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Bình Thành phấn khởi cho biết: Năm 2024, HTX sẽ tham gia sản xuất lúa giảm phát thải theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL của Bộ NNPTNT.
"Xác định bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là yếu tố then chốt, nhiều năm qua, HTX Nông nghiệp Bình Thành đã áp dụng phương pháp trồng lúa: "1 phải 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng". Nhờ áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các chi phí sản xuất đầu vào đã giảm mạnh; năng suất, chất lượng và thu nhập của các thành viên tăng lên".
Không chỉ nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, HTX còn có cơ hội bán tín chỉ carbon nhờ việc trồng lúa phát thải thấp, nông dân không còn cảnh được mùa, mất giá. Đặc biệt, hiệu ứng mang lại sẽ là xu hướng để thu hút nhiều người trẻ tham gia làm nông nghiệp xanh, bền vững".
Anh Bùi Văn Tuấn - Giám đốc HTX Dịch vụ, thương mại nông nghiệp Cây Trôm
Khi được chúng tôi hỏi về các kỹ thuật trồng lúa, anh Giang nói vanh vách từng kỹ thuật. Như kỹ thuật "1 phải 5 giảm", đơn cử việc giảm lượng giống gieo sạ, trước đây 1ha lúa phải dùng tới 200kg giống, nhưng giờ chỉ cần dùng 100-120kg giống. HTX áp dụng kỹ thuật sạ thưa, cây lúa cứng cây, ít sâu bệnh mà năng suất lúa cũng cao hơn.
Còn để giảm lượng nước tưới, HTX áp dụng kỹ thuật "tưới ướt – khô xen kẽ" trong sản xuất lúa hàng hóa. Đây là phương pháp canh tác lúa tiết kiệm nước, giảm phát khí thải nhà kính được HTX áp dụng nhiều năm qua. Các thành viên HTX duy trì mực nước ở ruộng từ 5 - 10cm, vừa đủ cho lúa nuôi hạt, khi lúa bắt đầu chín sẽ rút nước đi. Kỹ thuật "tưới ướt - khô xen kẽ", giảm lượng nước tưới trên ruộng lúa là phương pháp giúp giảm ít nhất khoảng 3,5 lần lượng khí thải nhà kính so với các ruộng lúa để nước ngập suốt cả vụ.
HTX Bình Thành có 49 thành viên, với tổng diện tích đất sản xuất trên 1.000ha. Trong đó, mô hình "Mặt ruộng không dấu chân" mà HTX liên kết với Công ty Lộc Trời sản xuất 200ha là "dấu ấn đặc biệt" của HTX. Toàn bộ quá trình sản xuất lúa được cơ giới hóa, máy móc làm giúp hết. HTX và doanh nghiệp liên kết sử dụng máy bay không người lái trong xịt thuốc, bón phân, sạ lúa giống…
"Tất cả đều có máy móc làm thay, bà con nông dân chỉ theo mùa vụ, không phải xắn tay vào làm mà vẫn được cam kết lợi nhuận 40 triệu đồng/ha/năm. Nhờ ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân liên kết với HTX tính sơ sơ cả năm cũng lãi thêm 6 triệu đồng/ha" - anh Giang cho biết.
Nhờ sản xuất hiện đại, đồng bộ hóa từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, hạt gạo từ giống lúa OM18 của HTX Nông nghiệp Bình Thành có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu.
"Năm 2024 này, HTX chúng tôi chuyển sang sản xuất lúa giảm phát thải, hướng đến bán tín chỉ carbon trên nền tảng là HTX đang sản xuất lúa theo quy trình an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu sẽ có nhiều thuận lợi. Chúng tôi hướng đến mô hình "1 phải, 6 giảm" (tức là ngoài việc giảm giống, phân, thuốc… còn phải giảm phát thải nhà kính). Thực tế, nhiều xã viên của HTX đã và đang làm rất tốt việc giảm phát thải nhà kính này rồi" - anh Nguyễn Thành Giang cho biết.
Động lực để người trẻ làm nông nghiệp xanh
Năm 2024 này, HTX Nông nghiệp Bình Thành chuyển sang sản xuất lúa giảm phát thải, hướng đến bán tín chỉ carbon. Thành viên đội bay của HTX Nông nghiệp Bình Thành ở An Giang điều khiển máy bay không người lái sạ lúa giống. Ảnh: N.V
Chúng tôi điện thoại cho anh Bùi Văn Tuấn - Giám đốc HTX Dịch vụ, thương mại nông nghiệp Cây Trôm ở xã Hưng Điền A (huyện Vĩnh Hưng, Long An), anh phấn khởi cho biết: "Năm 2023, doanh thu của HTX từ cây lúa đạt trên 20 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với năm 2022. Với giá lúa ổn định ở mức cao, sản xuất 3 vụ lúa, 1 ha trồng lúa có thể đạt lợi nhuận khoảng 90-100 triệu đồng/năm. Tiếp đà thắng lợi, năm 2024, HTX Cây Trôm đã đăng ký 505ha lúa tham gia Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ NNPTNT".
Hiện nay, HTX Cây Trôm khép kín 100% quy trình sản xuất. Mọi dịch vụ trước, sau thu hoạch lúa được HTX ký liên kết với 4 nhà, gồm công ty phân bón, thuốc BVTV, xuất khẩu và HTX.
"Hộ thành viên của HTX chỉ cần đầu tư sản xuất theo đúng quy trình, giảm lượng phân và thuốc BVTV sẽ được cộng giá mua thêm từ 50-300 đồng/kg lúa theo thang điểm đánh giá của HTX. Nhờ đó, 80% diện tích lúa của HTX đều sản xuất theo kế hoạch và đơn đặt hàng của các doanh nghiệp để xuất khẩu vào thị trường châu Âu"- anh Tuấn nói.
Giám đốc HTX Cây Trôm chia sẻ, so với cây trồng khác, thu nhập từ cây lúa không cao nhưng nếu sản xuất theo tiêu chuẩn mới, bán được tín chỉ carbon, nâng cao giá trị gia tăng từ hạt gạo thì chắc chắn hạt gạo sẽ không thua gì cây khác.
"Từ nền tảng sản xuất lúa đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường châu Âu, cơ bản HTX Cây Trôm đã đáp ứng được các điều kiện yêu cầu đề ra của tín chỉ carbon. Việc cần HTX làm là quản lý chặt và làm cho chỉn chu hơn việc sử dụng nước, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến để giảm phát thải khí nhà kính"- anh Bùi Văn Tuấn khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.