Trồng lúa sạch, nông dân Cần Thơ bán giá cao, lãi tăng 7 triệu/vụ

Thu Hà Thứ năm, ngày 04/01/2018 13:40 PM (GMT+7)
Thực hiện liên kết xây dựng chuỗi giá trị lúa sạch, HTX Nông nghiệp Khiết Tâm ở xã Thạnh Lợi (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) đã nhanh chóng tìm hướng đi mới, khuyến khích thành viên và người dân sản xuất. Bên cạnh việc nâng cao sản xuất, lợi ích của các thành viên cũng được HTX quan tâm.
Bình luận 0

HTX Nông nghiệp Khiết Tâm được nhiều người biết đến từ khi còn là Tổ hợp tác Khiết Tâm. Các thành viên của HTX đều là những người có kinh nghiệm trong sản xuất lúa giống, lúa hàng hàng hóa. HTX hoạt động theo mô hình dịch vụ phục vụ thành viên với các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, máy gặt đập liên hợp, các dịch vụ trước và sau thu hoạch... Hiện, HTX có 40 hộ thành viên, diện tích liên kết sản xuất 340ha, tổng vốn điều lệ 1 tỷ đồng.

Chi phí đầu tư giảm, lợi nhuận tăng

Anh Nguyễn Ngọc Huấn - Giám đốc HTX Nông nghiệp Khiết Tâm, cho biết: Những năm trước đây, trình độ sản xuất của nông dân còn lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ theo phương thức hộ gia đình “tự sản, tự tiêu”. Bà con trồng lúa theo tập quán cũ như: Gieo sạ mật độ dày, sử dụng giống lúa chất lượng kém; sử dụng phân bón, thuốc BVTV không đúng quy trình; thu hoạch bằng thủ công gây thất thoát và chi phí sản xuất cao, dẫn đến thu nhập thấp.

img

Hoạt động tại kho trữ lúa của HTX Khiết Tâm. Ảnh: Thu Hà

Khi phát triển cánh đồng mẫu lớn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP), HTX tiến hành gieo một loại giống, xuống giống đồng loạt. HTX cũng áp dụng đầy đủ các giải pháp kỹ thuật và cơ giới hóa. Đặc biệt là giải pháp “1 phải 5 giảm” (phải dùng giống lúa được xác nhận - giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm phân bón); kỹ thuật cải tiến “1 phải 6 giảm” (giảm khí thải nhà kính) cũng được các thành viên và người dân áp dụng, vừa tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, vừa cải thiện tốt môi trường đồng ruộng.

“Lúc đầu khi sản xuất theo mô hình này, các thành viên của HTX không tránh khỏi tâm trạng lo ngại vì không biết quy trình sản xuất Global GAP này như thế nào. Thế nhưng khi bắt tay vào sản xuất, được sự hỗ trợ trực tiếp của cán bộ kỹ thuật, các viện, trường đã giúp nông dân ứng dụng thành công tiến bộ khoa học vào sản xuất, không những giúp tăng năng suất, còn giảm chi phí sản xuất. Điều làm xã viên phấn khởi hơn cả là sau khi thu hoạch lúa được HTX bao tiêu, không lo thương lái ép giá” - anh Huấn phấn khởi nói.

Lợi ích thiết thực, nông dân phấn khởi

Theo anh Huấn, hiện HTX trồng 100ha lúa giống và 240ha lúa hàng hóa theo quy trình Global GAP. Đối với 100ha lúa giống, HTX thu mua toàn bộ sản lượng với giá mua cao hơn 1.000 đồng/kg so với giá thị trường. Còn đối với lúa hàng hóa, HTX thu mua với giá cao hơn thị trường 40 đồng/kg.

Giám đốc HTX Nguyễn Ngọc Huấn thông tin, để hoàn thiện quy trình sản xuất chuỗi lúa sạch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đến nay HTX đã xây dựng xong khu nhà kho chứa lúa quy mô 1.500 tấn, nhà và máy sấy lúa quy mô 40 tấn…

Là 1 trong những xã viên tích cực tham gia HTX, ông Đoàn Văn Minh phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có 2ha tham gia mô hình sản xuất lúa giống theo tiêu chuẩn Global GAP. Theo quy trình này, tôi sạ lúa thưa hơn, phân bón, thuốc BVTV dùng đúng theo đúng kỹ thuật “4 đúng” nên chi phí giảm mà năng suất, chất lượng lúa cao hơn. Bình quân 1ha lúa giống Jasmine vụ hè thu 2017 với năng suất là 7,5 - 8 tấn/ha, tôi thu nhập hơn 23 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất truyền thống khoảng 6-7 triệu đồng/ha/vụ”.

Theo ông Minh, khi tham gia quy trình này, mọi người phải thực hiện trên 100 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí liên quan đến sinh hoạt, sức khỏe của người tham gia sản xuất như: Kho chứa thuốc BVTV, phân bón phải sử dụng đúng lúc,  đúng chỗ, đúng lượng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem