Trồng mắc ca ra nữ hoàng quả khô, nông dân Đắk Nông làm gì để tránh mắc cạn?
Trồng cây ra "nữ hoàng quả khô" ở Đắk Nông làm sao để nông dân không mắc cạn?
Thứ tư, ngày 13/04/2022 19:03 PM (GMT+7)
Mắc ca là cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở nhiều địa bàn tại Đắk Nông. Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất, loại cây này cũng bộc lộ một số hạn chế, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục.
Mắc ca bắt đầu được trồng tại Đắk Nông cách đây khoảng 10 năm. Hiện nay, Tuy Đức là địa bàn có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh, với khoảng 1.800 ha, chiếm khoảng 65% diện tích cây trồng này của toàn tỉnh.
Mắc ca đã và đang đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Loại cây trồng này cũng rất phù hợp với phong tục, tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Mắc ca đem lại nguồn thu nhập khá cao cho bà con nông dân. Nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ có cây mắc ca mà thoát nghèo. Huyện Tuy Đức cũng xem loại cây trồng này là "cây xóa đói giảm nghèo".
Tuy nhiên, thời gian qua, cây mắc ca cũng bộc lộ một số vấn đề hạn chế. Đó là hiện nay vẫn chưa có quy trình chuẩn về kỹ thuật trồng và chăm sóc phù hợp đối với loại cây này.
Các hộ trồng mắc ca thường gặp khó khăn trong việc áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cây. Nhiều vườn cây trồng cùng thời điểm, nhưng cây cho quả, cây thì không hoặc cho quả không đáng kể.
Vào thời điểm tháng 10-11 hằng năm, cường độ gió khu vực Tuy Đức rất mạnh, rễ cây mắc ca lại ăn nông, nên dễ bị đổ ngã. Cũng vào thời điểm này, cây mắc ca bắt đầu ra hoa. Khi gặp gió mạnh thì rất khó đậu quả...
Cũng theo bà Phượng, trước những hạn chế này của cây mắc ca, huyện đang tích cực hợp tác với các đơn vị chuyên môn, các nhà khoa học để tìm ra giải pháp xử lý, khắc phục.
Trong đó, huyện đang hướng tới nghiên cứu, tìm ra bộ giống mắc ca phù hợp nhất với đất đai, thổ nhưỡng của địa phương. Cùng với đó, huyện chú ý xây dựng các mô hình điểm trồng mắc ca; đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca cho người dân.
Hiện nay, huyện đang hình thành các vùng trồng mắc ca quy mô lớn tại xã Quảng Trực, Đắk Búk So. Các vùng trồng mắc ca lớn đều có sự liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT, diện tích mắc ca của tỉnh đến nay khá lớn, với 2.749 ha. Hầu hết diện tích mắc ca đã bắt đầu cho thu chính, với năng suất đạt mức khoảng 1 tấn/ha.
Hiện nay, Sở NN-PTNT đang chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương để đánh giá lại hiệu quả của cây trồng này. Trong đó, mục tiêu chính vẫn là tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển cây mắc ca một cách hiệu quả, bền vững hơn.
Cụ thể, Sở NN-PTNT đang phối hợp với Hiệp hội mắc ca Việt Nam để tìm hiểu các nguyên nhân chính làm cây ra hoa, đậu quả với tỷ lệ chưa cao. Hai bên cũng phối hợp nghiên cứu, xây dựng bộ quy trình kỹ thuật chăm sóc mắc ca phù hợp.
Việc xây dựng mô hình điểm về thâm canh mắc ca cũng sẽ được triển khai. Từ đó, tìm ra một số dòng giống mắc ca phù hợp để khuyến cáo rõ ràng hơn cho người dân.
Sở NN-PTNT cũng tiến hành nghiên cứu, đánh giá, kiểm soát nguồn giống mắc ca một cách chặt chẽ hơn, nhằm tránh những nguy cơ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân.
Sở NN-PTNT tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất mắc ca. Từ đó, hình thành các vùng trồng mắc ca với diện tích lớn, có đủ sản lượng cung cấp cho các nhà máy, doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp từng bước phát triển cây mắc ca theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm. Định hướng đến năm 2025, Đắk Nông sẽ phát triển khoảng 8.000 – 11.000 ha mắc ca.
Do đó, việc tìm ra những giải pháp khắc phục các hạn chế của loại cây trồng là nhiệm vụ cần thiết của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.