Nuôi dúi như nuôi chuột, bán đắt như tôm tươi, trai làng tỉnh Gia Lai giàu hẳn lên
Nuôi con đặc sản không bao giờ đòi uống nước, gặm tre sồn sột, trai làng 8X tỉnh Gia Lai nuôi đâu lãi đó
Trần Hiền
Thứ hai, ngày 15/11/2021 06:36 AM (GMT+7)
Bén duyên với cặp dúi rừng, chỉ sau vài năm, anh trai làng 8X Đào Anh Tuấn (xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) đã nhân rộng mô hình nuôi dúi lên đến 400 con. Sở hữu trang trại nuôi loài chuột gặm tre sồn sột này, chàng trai trẻ thu về gần 100 triệu đồng/ năm, sau khi đã trừ đi chi phí.
Clip: Anh trai làng 8X Đào Anh Tuấn gây dựng mô hình dúi trên núi, thu về gần 100 triệu đồng/năm. Trang trại nuôi dúi của Anh Tuấn ở xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai.
Từ lâu, xã Hà Đông được mệnh danh là "ốc đảo" bởi bao quanh bốn bề đều là đồi núi hiểm trở. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất khó, cũng vì vậy chàng trai trẻ Đào Anh Tuấn (SN 1987, xã Hà Đông) luôn canh cánh trong lòng nỗi lo về cơm áo, gạo tiền.
Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi dúi ở "ốc đảo"
Trước và sau khi lập gia đình kinh tế của gia đình anh Tuấn đều không mấy khá giả, quanh năm chỉ biết trồng mì, trồng lúa. Thậm chí dù đã vay mượn tiền bạc nuôi thêm gà, vịt nhưng cuộc sống của 2 vợ chồng túng thiếu quanh năm.
Năm 2014, 2 loại cây trồng chính là mì và lúa của gia đình đều phải hứng chịu điệp khúc "mất mùa, mất giá" nên anh đã lên mạng tìm tòi một số mô hình mới. Trong một lần tình cờ, qua sóng truyền hình anh biết đến mô hình nuôi dúi thoát nghèo.
Tâm sự với PV Báo điện tử DANVIET.VN, anh Tuấn bộc bạch: "Ngay khi biết đến mô hình nuôi dúi, 2 vợ chồng tôi đã lên mạng tìm hiểu cách thức chăm sóc dúi. Thậm chí, tôi còn lui tới một số tỉnh thành để tìm hiểu về loại vật nuôi này. Sau khi có chút ít kinh nghiệm, tôi trở về bàn bạc với vợ thực nghiệm mô hình trên. Ban đầu, 2 vợ chồng xây chuồng nhỏ theo kiểu nhà tầng để thả nuôi thử nghiệm 2 cặp dúi rừng.
Trong quá trình thuần cặp dúi rừng, tôi gặp khá nhiều khó khăn do chưa có nhiều kiến thức về việc nuôi dúi. Cùng với tập tính hoang dã của dúi rừng nên việc chăn nuôi không đạt hiệu quả cao.
Điển hình là việc thay đổi thời tiết từ rừng về nhà nên dúi thường xuyên bị sốc nhiệt. Để khắc phục nhược điểm này, tôi đã trang bị máy phun sương, quạt và che lưới, tưới nước lên mái tôn để duy trì nền nhiệt chuồng dúi không quá 33 độ C".
Thời gian thấm thoát, cặp dúi rừng của anh Tuấn bắt đầu sinh sản, phát triển. Nhận thấy con vật này đã dần thích nghi với khí hậu ở địa phương, anh Tuấn bắt đầu mua thêm con giống và mở rộng quy mô với hơn 100 chuồng.
Tiếng lành đồn xa, mô hình nuôi dúi rừng của anh không chỉ phát triển ở "ốc đảo" mà còn lan rộng đến các xã cận kề.
Nhận thấy mô hình nuôi dúi mang lại triển vọng thoát nghèo ở vùng "ốc đảo", năm 2016 Phòng Dân tộc huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) đã hỗ trợ thêm con giống giúp anh nhân rộng số lượng.
Khi được hỗ trợ con giống, chàng trai 8X tiếp tục vay mượn tiền xây thêm 200 chuồng lớn, đầu tư mua máy xay cám để đảm bảo nguồn thức ăn ổn định cho đàn dúi. Khi có sẵn máy móc, anh từng bước nhân rộng số lượng dúi. Đỉnh điểm nhất là vào cuối năm 2020 trong trang trại của anh chứa đến 400 con.
Sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật nuôi dúi cho bà con nông dân
Dù dịch bệnh hoành hành, song đầu năm nay anh Đào Anh Tuấn vẫn xuất bán hơn 200 con dúi thịt và dúi giống. Hiện, trang trại của anh còn khoảng150 con dúi cái và 50 con dúi đực.
Dẫn chúng tôi tham quan chuồng trại, anh Tuấn chia sẻ về kỹ thuậtnuôi dúi: "Điều cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng chính là việc xây dựng chuồng trại. Chuồng dúi có thể xây hoặc đổ tấm bê tông gắn lại với nhau theo kích thước cao 60cm, rộng 50 cm và dài 50 cm....".
Theo kinh nghiệm nuôi chuột tre của anh Tuấn, chuồng nuôi dúi phải kín gió, nên bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
Điều quan trọng thứ 2 là khi dúi khoảng 6 - 7 tháng là thời điểm dúi phát dục, cần ghép đôi để dúi giao phối. Cần theo dõi sát sao, nếu hai cá thể không xung đột thì ghép đôi với nhau. Sau 15 ngày tách đôi để dúi cái dưỡng thai và sinh sản. Khi dúi sinh sản được một tháng thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm...
Theo anh Tuấn, dúi là động vật hoang dã, nhưng dễ thuần chủng, dễ nuôi, ít tốn kém chi phí, không mất nhiều công chăm sóc và ít rủi ro. Đặc biệt, dúi có sức đề kháng cao nên ít bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên vì thức ăn là tre, thân mía, bắp, cỏ voi… nên dúi dễ bị đau bụng, phải chú trọng chuẩn bị thức ăn sạch, khô ráo, phòng bệnh viêm đường ruột, bệnh ngoài da. Dúi thường ăn 2 lần/ngày, buổi sáng ăn tre thì chiều thay bằng thân mía, cỏ voi...Đối với dúi vào giai đoạn sinh sản thì ăn ít hơn bình thường
Dúi sinh sản rất nhanh, một năm 1 con dúi mẹ đẻ khoảng 3 - 4 lứa, mỗi lứa khoảng 3 - 5 con. Đối với dúi thương phẩm, mỗi con có trọng lượng từ 0,8-1,2kg/con, giá bán dúi thịt dao động 400.000 - 600.000 đồng/con.
Dúi giống thì tùy theo kích cỡ, thông thường dúi giống có giá dao động 800.000 - 1,2 triệu đồng/con. Cùng việc duy trì số lượng dúi, mỗi năm anh xuất bán hàng trăm con dúi thịt và dúi giống, thu về gần 100 triệu đồng sau khi đã trừ đi chi phí.
Nhận xét về mô hình nuôi dúi ở vùng "ốc đảo", bà Choắt - Phó Chủ tịch xã Hà Đông nhận định: "Mô hình nuôi dúi của anh Đào Anh Tuấn là mô hình mới tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện để anh Tuấn được vay vốn, tham gia các lớp tập huấn về nuôi dúi. Cùng với đó khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi dúi, nâng cao thu nhập".
Thịt dúi rất ngon và bổ dưỡng nên trở thành đặc sản của nhiều địa phương. Hiện nay thị trường dúi thương phẩm nguồn cung chưa đủ cầu nên giá thành dúi thịt khá cao. Chính vì vậy, mô hình nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biêt là vùng "ốc đảo" Hà Đông.
Để có đầu ra ổn định, anh luôn chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều nhà hàng, khách sạn tại nhiều địa phương. Cũng nhờ vậy, nguồn đầu ra của anh luôn ổn định, hàng trăm con dúi vẫn xuất đi đều đều giữa mùa dịch. Thị trường tiêu thụ thịt dúi của anh Tuấn phần lớn là Sài Gòn, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây.
Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Đào Anh Tuấn cho biết: "Theo kế hoạch, thời gian tới tôi sẽ chủ động liên kết và hỗ trợ người dân trong vùng, hướng dẫn kỹ thuật để họ nuôi dúi nhằm giúp dân thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Nếu mô hình nuôi dúi được nhân rộng trên địa bàn xã, việc đầu tiên cần làm chính là tìm kiếm nơi tiêu thụ. Vì vậy, tôi đang tiến hành hợp tác với các chủ trang trại trên địa bàn tỉnh Gia Lai, để có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm đầu ra ổn định cho bản thân cũng như cho người dân".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.