Trồng rau an toàn, làm ra nông sản an toàn, một nông dân Ninh Bình đang gặp khó khăn, thách thức gì?
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Ninh Bình: Thách thức, khó khăn khi nông dân sản xuất nông sản an toàn
Vũ Thượng
Chủ nhật, ngày 15/09/2024 05:30 AM (GMT+7)
Ông Tống Viết Vinh (xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) chỉ trồng, sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp như: Cà chua, bí ngô, dưa vàng…là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024. Tuy nhiên, ông Vinh không ngần ngại chia sẻ tới phóng viên Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt về khó khăn, vướng mắc đang gặp.
Năm 2013, thực hiện chủ trương của tỉnh Ninh Bình về dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Gia đình tôi đã mạnh dạn dồn đổi toàn bộ diện tích 0,5 ha đất canh tác thành một mảnh để thuận tiện trong việc sản xuất hàng hóa.
Nhận thấy sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn là bước đi bền vững, ông Tống Viết Vinh-Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ tỉnh Ninh Bình tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm diện tích 5ha sản xuất cây rau màu các loại.
Quá trình sản xuất, gia đình ông Vinh không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, sử dụng màng phủ chống cỏ dại, giữ ấm; giữ ẩm;…
Ông Tống Viết Vinh nói: "Tất cả các loại cây trồng gia đình tôi đều dùng phân hữu cơ ủ hoai mục để chăm sóc, không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ,…Đặc biệt, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động từ nguồn nước sạch được xử lý qua hệ thống lắng lọc để tưới cho cây trồng".
Năm 2019, mô hình sản xuất rau, củ, quả của hộ ông Tống Viết Vinh (xã Mai Sơn, huyện Yên Mô) được Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình hỗ trợ cấp tem truy xuất nguồn gốc; năm 2020 được các ngành hỗ trợ sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGap.
Các loại rau, củ, quả..hộ ông Vinh sản xuất ra thường được cung cấp cho các trường học, cửa hàng nông sản an toàn ở thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình và các cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn huyện Yên Mô,...
Sản xuất rau an toàn vẫn gặp khó khăn
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở các thành phố lớn, có thu nhập tốt cũng sẵn sàng trả chi phí cao hơn để có được những sản phẩm yên tâm về chất lượng, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, sản xuất lớn một số chỉ đưa vào cửa hàng, siêu thị...còn lại đưa ra chợ bán thì bị đánh đồng với các loại rau không an toàn".
Ông Vinh nói tiếp, chúng tôi còn gặp khó khăn về nguồn giống cho sản xuất rau an toàn. Có những giống không thuần chủng, không đảm bảo chất lượng nên năng suất rau đạt thấp. Riêng nguồn giống rau tự sản xuất nhiều lần cũng bị thoái hóa, ảnh hưởng đến năng suất.
Bên cạnh đó, người dân mua vật tư đầu vào giá cao, bán sản phẩm đầu ra giá thấp và giá bán cuối cùng tới tay người tiêu dùng thì không cạnh tranh được.
Qua trao đổi, bản thân ông Vinh cũng đang vướng mắc, bởi thực tế giá trị sản phẩm làm ra bán không được cao như kỳ vọng, mới đáp ứng được tiêu chí đảm bảo lương cho người lao động….trong khi phải đầu tư lớn.
Ông Tống Viết Vinh-Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Ninh Bình kiến nghị ngành Nông nghiệp quan tâm vấn đề giống, đảm bảo chất lượng cho việc sản xuất rau an toàn. Cũng như khuyến khích, động viên những hộ sản xuất lớn, để tập trung nâng cao sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm rau củ, hướng đến xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.