Vốn là kỹ sư giao thông nhưng không thích cảnh gò bó trong cơ quan nhà nước, anh Sơn xin nghỉ việc, ra ngoài thành lập công ty xây dựng rồi lại quay sang trồng rau thủy canh. Anh là người đầu tiên ở Lai Châu áp dụng công nghệ tiên tiến vào trồng rau.
Anh Sơn xây dựng 2 khu nhà lưới, với tổng diện tích hơn 2.500m2, ở bản Cắng Đắng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) để trồng rau thủy canh trên giàn ống cách nhiệt. Khác với lối canh tác truyền thống, đó là trồng rau trên đất, anh Sơn sử dụng xơ dừa làm giá thể để trồng rau xanh các loại như: Cải, xà lách, muống, dền, cà chua, dưa leo...
Theo anh Sơn, trồng rau thủy canh có ưu điểm vượt trội so với trồng rau theo phương pháp truyền thống. Việc trồng rau thủy canh không chỉ giải phóng hoàn toàn các khâu lao động nặng nhọc như: Làm đất, làm cỏ, bón phân... mà còn có thể kiểm soát được tình hình sinh trưởng của cây rau. Cây rau sinh trưởng và phát triển phụ thuộc hoàn toàn vào lượng phân hòa tan trong nước, được tưới tự động thông qua chế độ hẹn giờ và theo nhiều khung giờ trong ngày.
Anh Sơn sử dụng bẫy dính để diệt côn trùng gây hại đối với cây rau chứ không phun thuốc bảo vệ thực vật. Loài côn trùng gây hại chủ yếu đó là ruồi giấm châm lá. Ngoài sử dụng bẫy dính ruồi, anh Sơn còn lắp bóng điện vào ban đêm để dụ ruồi. Nhờ đó, các loại rau xanh nhà anh luôn sinh trưởng và phát triển tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn: Ngon, sạch và bắt mắt. Đều đặn mỗi tháng, anh Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 9 tấn rau xanh các loại. Sau khi trừ chi phí phân bón, nhân công, anh Sơn lãi hơn 60 triệu đồng. Như vậy, bình quân mỗi ngày anh "bỏ túi" hơn 2 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.