Long An: Phương pháp mới trồng thanh long giúp đưa trái đặc sản này bán ngon lành vào thị trường khó tính

Trần Đáng Thứ năm, ngày 09/03/2023 07:07 AM (GMT+7)
Nông dân trồng thanh long ở huyện Châu Thành (Long An) đang tham gia vào Dự án “Cải thiện chất lượng trái cây nhiệt đới Việt Nam” với hy vọng đưa sản phẩm thanh long vào thị trường châu Âu.
Bình luận 0

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Lê Văn Hùng cho biết, tại Long An mục tiêu của Dự án là chuyển giao kỹ thuật sản xuất, khoa học công nghệ trồng thanh long và tiếp cận thị trường xuất khẩu trái cây.

Phương pháp mới trồng thanh long giúp nông dân đưa sản phẩm vào thị trường khó tính - Ảnh 1.

Cán bộ Dự án “Cải thiện chất lượng trái cây nhiệt đới Việt Nam” thăm mô hình trồng thanh long của ông Thủy (xã An Lục Long, Châu Thành, Long An). Ảnh: Trần Đáng

Trồng thanh long bền vững

Ông Mười Tổng (Lê Văn Tổng, xã An Lục Long), một trong 25 nông dân ở Châu Thành tham gia Dự án cho biết, đã tham gia Dự án được 5 tháng nay. Hiện, ông Mười Tổng đang trồng  thanh long với 2ha, gồm thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng.

Mặc dù, ông Mười Tổng đã tham gia trồng thanh long GlobalGAP xuất khẩu từ vài năm nay, nhưng khi tham gia Dự án với việc lấy mẫu đất trồng thanh long để phân tích, đánh giá dinh dưỡng đất, ông cho là rất mới mẻ.

"Bà con nông dân ở đây trồng thanh long lâu nay có bao giờ test mẫu đất, nước. Tham gia Dự án phải test đất mới thấy rất lạ", ông Mười Tổng bộc bạch.

Với ông Mười Tổng, giờ trồng thanh long quan trọng nhất là cách xử lý đất. Phải lấy mẫu đất rồi phân tích, đánh giá để biết đất có đủ dinh dưỡng không? Đất dư, thiếu chất gì để bổ sung hay hạn chế giúp nâng chất trái thanh long.

Ngoài việc xử lý đất, theo ông Nguyễn Văn Thủy (xã An Lục Long), một nông dân cũng đang gia Dự án, còn phải phân tích mẫu nước để đánh giá chất lượng, mực nước ngầm, sự nhiễm mặn.

Hiện, ông Thủy đang trồng thanh long tham gia Dự án với 2,5ha. Khi tham gia Dự án, ông Thủy còn được hỗ trợ kỹ thuật trồng thanh long để nâng cao chất lượng trái thanh long.

Phương pháp mới trồng thanh long giúp nông dân đưa sản phẩm vào thị trường khó tính - Ảnh 3.

Đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam phát biểu tại chương trình"Ngày công nghệ trái cây sáng tạo" tổ chức tại Long An (7/3). Ảnh: Trần Đáng

"Tôi tham gia Dự án được khoảng 5 tháng, vườn thanh long mới xong một "cây đèn". Nhìn chung, năng suất thanh long chưa hơn hẳn cách trồng cũ. Nhưng tôi cho rằng, cách trồng thanh long kiểu này rất hay, bổ ích, bền vững. Tôi nghĩ, phải cần thời gian để thấy hết tính hiệu quả của Dự án", ông Thủy thổ lộ.

Trồng thanh long xuất khẩu thị trường khó tính

Tại chương trình "Ngày công nghệ trái cây sáng tạo" tổ chức tại Long An (7/3), ông Peter Prins, Giám đốc Công ty Tư vấn đất, nước, nông nghiệp Prins Hà Lan, chuyên gia tư vấn của Dự án cho biết, trái cây của Việt Nam sử dụng hóa chất nhiều, trong đó trái thanh long, làm ảnh hưởng đến chất lượng trái cây xuất khẩu.

Theo ông Peter Prins, để cải thiện chất lượng trái cây, đầu tiên phải cải thiện chất lượng đất bằng cách cân đối các chất trong đất, quản lý nguồn nước (tưới tiêu), sử dụng phân bón tối ưu và bảo quản sau thu hoạch.

"Bà con nông dân ở ĐBSCL cần phải có kiến thức về các tầng nước để tưới tiêu. Phải tối ưu hóa vấn đề bón phân. Lạm dụng phân đôi khi phản tác dụng", ông Peter Prins chia sẻ.

Để hỗ trợ nông dân Việt Nam, ông Peter Prins cho biết, đã mang sang Việt Nam máy móc, thiết bị giúp bà con nông dân phân tích, kiểm nghiệm chất lượng đất.

Ông Peter Prins cũng cho biết, sẽ cố gắng hỗ trợ để đưa trái cây Việt Nam vào thị trường châu Âu qua "cánh cửa" Hà Lan.

Phương pháp mới trồng thanh long giúp nông dân đưa sản phẩm vào thị trường khó tính - Ảnh 4.

Những năm qua, nông dân trồng thanh long gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu thanh long. Ảnh: Trần Đáng

Được biết, Dự án "Tăng cường chất lượng trái cây tại Việt Nam" do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam cung cấp tài chính cho Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện tại 4 tỉnh, gồm: Đồng Tháp (bưởi), Bến Tre (dừa), Long An và Bình Thuận (thanh long). Dự án bắt đầu từ năm 2022 và kết thúc vào giữa năm 2024.

Theo Ban quản lý Dự án, hiện đã có 5 nông dân nòng cốt được chọn để xây dựng mô hình trình diễn về sử dụng phân bón, bảo vệ thực vật và tưới tiêu, tổ chức 3 đợt tập huấn tại 4 tỉnh cho nhóm nông dân tích cực (25 nông dân/nhóm)… 

Các hoạt động tiếp theo của Dự án là thực hiện kiểm nghiệm đất cho 500 nông dân, xây dựng khóa tập huấn cho 10 hợp tác xã và công ty xuất khẩu trái cây…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem