Trồng thứ chuối già lùn, nông dân Thừa Thiên-Huế mong khấm khá

Nguyệt Tạ Thứ năm, ngày 24/11/2022 19:08 PM (GMT+7)
Nhờ phát triển mô hình trồng chuối già lùn mà hàng nghìn hộ dân ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đã thoát nghèo. Để hỗ trợ bà con phát triển cây chuối, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ cây giống, phân bón và chế phẩm sinh học... giúp mở rộng diện tích và tăng năng suất cây chuối lùn.
Bình luận 0

Thoát nghèo nhờ cây chuối

Từ cây trồng truyền thống, cây chuối già lùn được người dân trên địa bàn huyện A Lưới lựa chọn làm cây trồng chủ lực để thoát nghèo. Theo báo cáo, huyện A Lưới hiện có hơn 387ha chuối, trong đó diện tích chuối già lùn hơn 48ha được trồng tập trung tại các xã Hồng Bắc, Hồng Vân, Hồng Thủy. Huyện đang phát triển thêm diện tích chuối già lùn tại các xã Quảng Nhâm, Quảng Vinh.

Từ thực tế đó, mới đây Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định hỗ trợ "Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh cây chuối lùn theo hướng an toàn sinh học tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới". 

Dự án nhằm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây chuối, thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân, tạo sự dịch chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới có áp dụng khoa học công nghệ; tăng cường thương mại hóa và tính bền vững của chuỗi giá trị; tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân…

Hỗ trợ chế phẩm sinh học trồng chuối già lùn ở Thừa Thiên-Huế:  Chuối lùn kỳ vọng cho thu cao  - Ảnh 1.

Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức bàn giao cây giống chuối già lùn cho nông dân xã Quảng Nhâm. Ảnh: H.N.D

"Chuối già lùn là cây trồng quen thuộc của bà con, hy vọng với cách làm mới sử dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất sẽ giúp phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất và sản lượng cây trồng của bà con".

Bà Hồ Thị Tối - Chủ tịch Hội ND xã Quảng Nhâm

Mục tiêu cụ thể dự án hướng tới là sản xuất thâm canh cây chuối lùn ứng dụng chế phẩm vi sinh vật; xúc tiến thương mại, xúc tiến chuyển giao công nghệ trồng chuối tại huyện A Lưới.

Ông Dương Anh Tuyến - Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thông qua dự án, Hội Nông dân mong muốn có thể xây dựng thành công các tổ hợp tác nông dân liên kết phát triển trồng thâm canh cây chuối lùn ứng dụng chế phẩm vi sinh vật. Từ đó góp phần chuyển đổi nhận thức của nông dân về phương thức trồng trọt.

Ban quản lý dự án đã tổ chức đào tạo tập huấn, hội nghị đầu bờ cho 30 hộ nông dân ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh cây chuối và các hộ quan tâm, nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật thâm canh, tăng hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác.

Hỗ trợ chế phẩm sinh học trồng chuối già lùn ở Thừa Thiên-Huế:  Chuối lùn kỳ vọng cho thu cao  - Ảnh 3.

Nông dân nhận cây giống.

Ông Tuyến cho biết, Hội Nông dân tỉnh đã bàn giao cây giống; chế phẩm sinh học; thuốc bảo vệ thực vật; phân bón... cho người dân tham gia dự án vào tháng 10/2022. Theo đó, có 6.000 cây giống chuối già lùn; 750kg phân đạm; 450kg lân và hơn 1.000kg kali; 8.550kg phân hữu cơ sinh học; 2.850kg vôi bột; thuốc bảo vệ thực vật và 3kg chế phẩm sinh học... đã được hỗ trợ cho 30 hộ dân trồng chuối già lùn tại xã Quảng Nhâm. Mỗi hộ dân được nhận 200 cây giống. Diện tích trồng chuối được hỗ trợ tại xã Quảng Nhâm là 3ha.

Nông dân phấn khởi vì được hỗ trợ sản xuất

Theo báo cáo của Phòng NNPTNT huyện A Lưới, toàn huyện có 48ha trồng chuối già lùn. Huyện đang có dự định mở rộng thêm 80ha. Riêng xã Quảng Nhâm có 100 hộ trồng với 10ha chuối già lùn. Trong năm 2022 xã có mục tiêu mở rộng thêm 5ha, và Hội Nông dân đã hỗ trợ giống, vật tư để trồng thêm 3ha.

Theo đánh giá của Phòng NNPTNT, tại A Lưới, cây chuối già lùn cho năng suất, chất lượng và thu nhập cao. Giá chuối dao động từ 4.500 - 10.000 đồng/kg. 1ha chuối già lùn có thể cho doanh thu khoảng 135 triệu đồng.

Hỗ trợ chế phẩm sinh học trồng chuối già lùn ở Thừa Thiên-Huế:  Chuối lùn kỳ vọng cho thu cao  - Ảnh 4.

Các hộ tham gia dự án tiếp nhận chế phẩm sinh học, phân bón... Ảnh: H.N.D

Những năm qua, Hội Nông dân huyện A Lưới đã triển khai nhiều mô hình điểm sản xuất chuối già lùn, sau đó nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa bằng giống cấy mô. Đồng thời, hội cử cán bộ xuống tận cơ sở, tập huấn, phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và bảo quản sản phẩm cho hội viên, nông dân.

Việc làm này được thực hiện theo hướng "cầm tay, chỉ việc" nhằm hướng dẫn đạt hiệu quả tốt nhất cho bà con. Kết quả là sản xuất chuối già lùn đã cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn VietGAP, các buồng chuối to vừa phải, quả đều sáng và đẹp.

Bà Hồ Thị Tối - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Nhâm cho biết, 30 hộ dân tham gia dự án rất phấn khởi vì được hỗ trợ giống và chế phẩm sinh học cùng các vật tư khác phục vụ cho trồng chuối. Hầu hết các tham gia dự án là hộ nghèo và là hộ đồng bào dân tộc thiếu số. "Nhiều hộ nghèo mong muốn mở rộng diện tích trồng chuối nhưng không có tiền nên không thể mua cây giống, phân bón… Nhờ có dự án nên bà con được hỗ trợ để phát triển sản xuất như mong muốn, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo" - bà Tối nói.

Anh Hồ Văn Thiệp (thôn Pi Ây 1, xã Quảng Nhâm) cho biết: "Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, có 5ha đất canh tác nhưng lại không có tiền mua giống, phân bón nên lâu nay chỉ trồng ổi, táo..., năng suất và hiệu quả kinh tế không cao. Được tham gia dự án của Hội Nông dân, gia đình tôi hy vọng phát triển mô hình trồng chuối già lùn hiệu quả để thoát nghèo, có điều kiện vươn lên khấm khá".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem