Trù dập cán bộ khi xin nghỉ việc

Hiếu Lam - Ngô Văn Tước Thứ sáu, ngày 14/11/2014 08:42 AM (GMT+7)
TAND TP.Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) vừa thụ lý đơn khởi kiện hành chính đối với Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) chi nhánh tỉnh Kiên Giang.
Bình luận 0

Nguyên đơn là bà Cao Thanh Tâm - nguyên Giám đốc phòng Giao dịch Rạch Giá, kiện MHB chi nhánh tỉnh Kiên Giang vì đã vi phạm quy định pháp luật trong giải quyết chế độ chính sách nghỉ việc đối với người lao động.

Cụ thể, MHB Kiên Giang ra quyết định cho người lao động nghỉ việc sau hơn 9 tháng nhận đơn xin nghỉ việc, đồng thời trong thời gian này 2 lần hạ bậc lương, chuyển xuống làm nhân viên thu hồi nợ không lý do. Do hoàn cảnh gia đình, vào ngày 9.10.2013, bà Tâm khi đó là Giám đốc phòng Giao dịch Rạch Giá đã làm đơn xin nghỉ việc sau hơn 11 năm công tác. 43 ngày sau, ngày 21.11.2013, MHB Kiên Giang ra quyết định yêu cầu bà Tâm bàn giao công việc, chờ làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định.

Cũng trong thời gian này, MHB Kiên Giang đã tổ chức đối chiếu và xác minh toàn bộ công nợ trong thời gian bà Tâm điều hành Phòng Giao dịch. Trong biên bản bàn giao mà MHB Kiên Giang xác lập cũng đã thể hiện đầy đủ các số liệu, nợ xấu dưới mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể nợ quá hạn 13,5%, trong đó nợ xấu là 1,06% (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì mức cho phép nợ xấu là 3%). Khi làm thủ tục bàn giao công việc, lãnh đạo ngân hàng này cũng không có ý kiến gì.

Ngày 22.11.2013 bà Tâm đã bàn giao toàn bộ công việc cho người kế nhiệm dưới sự chứng kiến của giám đốc chi nhánh Nguyễn Thiện Hải. Tuy nhiên, sau đó gần 1 tháng, ngày 17.12.2013, ngân hàng không ra quyết định cho bà Tâm nghỉ việc theo nguyện vọng mà lại ban hành quyết định hạ bậc lương không lý do với ngạch 8, bậc 3, 480 điểm. Chưa dừng lại, ngày 24.4.2014, giám đốc ngân hàng này tiếp tục ban hành quyết định số 147 tiếp tục hạ lương xuống ngạch 5 bậc 1 – 350 điểm, đồng thời phân việc bà Tâm là nhân viên xử lý nợ.

Trước sự o ép của ngân hàng, bà Tâm đã có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng thì đến tháng 6.2014, giám đốc ngân hàng mới ra quyết định cho bà nghỉ việc nhưng lại ghi chức danh là nhân viên xử lý nợ?

Được biết, trong thời gian từ đầu năm 2014 cho đến ngày ra quyết định cho bà Tâm nghỉ việc, ngân hàng không hề trả cho bà bất kỳ một đồng lương hoặc một khoản phụ cấp nào! Tại buổi hòa giải lần 1, ông Trần Việt Nam - Phó phòng Tổ chức – Hành chính đại diện cho phía MHB Kiên Giang cho rằng: Ngân hàng xử lý chủ yếu dựa vào tình cảm. Ngân hàng làm như vậy là đã rất “có tình có nghĩa” đối với người lao động?

Về phía mình, bà Tâm yêu cầu phía ngân hàng phải hủy bỏ 2 quyết định hạ bậc lương không có căn cứ đối với bà, đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho bà trong thời gian 6 tháng chờ quyết định cho nghỉ việc mà không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem