Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản": Doanh nghiệp, hợp tác xã hiến kế đưa nông sản Sơn La vươn xa

Nhóm P.V Tây Bắc Thứ hai, ngày 27/11/2023 14:05 PM (GMT+7)
Với mục tiêu góp phần giúp hội viên nông dân có thêm giải pháp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương Sơn La ngày càng văn minh giàu đẹp, Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản" tổ chức chiều 27/11 tại Sơn La thu hút 200 đại biểu tham dự.
Bình luận 0

Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản" do Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Sơn La tổ chức, thu hút khoảng 200 đại biểu tham dự là lãnh đạo Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở khoa học và Công nghệ; Sở Công Thương; Ban Dân tộc; Bưu điện tỉnh Sơn La...; đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố; Hội Nông dân các cấp trong tỉnh; các doanh nghiệp, HTX và đông đảo hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản" là sự kiện nằm trong chương trình phối hợp công tác năm 2023 giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tỉnh ủy Sơn La.

Tham dự Gala có đồng chí Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La; đồng chí Phan Huy Hà, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố cùng các doanh nghiệp, HTX và đông đảo hội viên nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Trực tiếp: Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản"  - Ảnh 1.

Toàn cảnh Gala: Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản.

Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Sơn La, trên địa bàn tỉnh Sơn La đang hỗ trợ duy trì, phát triển 254 chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn, trong đó có 33 chuỗi rau an toàn, diện tích 269 ha, sản lượng 11.211 tấn/năm; 161 chuỗi quả an toàn; 03 chuỗi cà phê diện tích 2.060 ha, sản lượng 2.632 tấn/năm; 09 chuỗi chè diện tích 527 ha, sản lượng 7.515 tấn/năm; 19 chuỗi thủy sản nuôi 2.879 lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La, sản lượng 1.543 tấn/năm;...

Đến nay, Sơn La đã có 26 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh trong đó: 12 sản phẩm quả, cụ thể: 01 chỉ dẫn địa lý (quả xoài tròn Yên Châu), 11 nhãn hiệu chứng nhận (Cam Phù Yên; nhãn Sông Mã; táo sơn tra Sơn La; na Mai Sơn; bơ Sơn La; chuối Yên Châu; mận Sơn La; chanh leo Sơn La, nhãn Sơn La; bơ Mộc Châu; xoài Sơn La); 05 sản phẩm chè (01 chỉ dẫn địa lý chè: Shan tuyết Mộc Châu; 02 nhãn hiệu chứng nhận: chè Olong Mộc Châu, chè Phổng Lái; 01 nhãn hiệu tập thế: chè Tà Xùa Bắc Yên; Đăng ký thành công hộ sản phẩm tại Thái Lan: chè Shan tuyết Mộc Châu); 01 nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Mộc Châu; 01 nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Vân Hồ; 01 nhãn hiệu chứng nhận lúa nếp tan Mường Và; 01 chỉ dẫn địa lý cà phê; 01 nhãn hiệu tập thể sản phẩm khoai sọ Thuận Châu; 02 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm cá (cá tầm Sơn La, cá Sông Đà Sơn La); 01 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm chuối Yên Châu; 01 nhãn hiệu chứng nhận mía tím Sông Mã.

Trực tiếp: Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản"  - Ảnh 2.

Đội văn nghệ bản Bó biểu diễn chào mừng Gala.

Trực tiếp: Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản"  - Ảnh 3.

Gala thu hút đông đảo bà con nông dân, các HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Toàn tỉnh có 744 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.

Toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bằng 91,7% tổng số doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.  Toàn tỉnh có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản (trong đó có 17 nhà máy, 543 cơ sở). 

Tính đến tháng 11 năm 2023, tổng sản lượng các lại cây ăn quả chính của tỉnh đã tiêu thụ đạt 423.780 tấn, giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu tính đến tháng 11/2023 ước đạt 158 triệu USD, tăng 6,43% so với cùng kỳ năm 2022. 

Hội Nông dân tỉnh Sơn La chủ động liên hệ, kết nối thị trường

Phát biểu khai mạc Gala: Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La khẳng định:  

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Sơn La chỉ đạo hội nông dân các huyện, thành phố rà soát, thống kê diện tích cây trồng đã cho thu hoạch và dự kiến sản lượng. Thông tin đến các hội viên, HTX chủ động phân loại nông sản theo các nhóm chất lượng; báo giá sớm để gửi cho các đối tác, bạn hàng. 

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã chủ động liên hệ, kết nối với các thị trường truyền thống tại các thành phố lớn trên cả nước cùng một số tỉnh phía Nam triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. 

Trực tiếp: Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản"  - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La phát biểu khai mạc Gala.

Liên kết với Hội Nông dân các tỉnh hỗ trợ tỉnh Sơn La mở các gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đã được công nhận VietGAP, sản phẩm an toàn, có mã số vùng trồng; Kết nối cho các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử Postmart, đưa các sản phẩm nông sản lên sàn Postmart.vn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, liên kết với các doanh nghiệp kết nối đưa trên 155 ngàn tấn nông sản các loại qua thị trường tiêu thu xuất khẩu đi Trung Quốc và thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị, tạo ra sức lan tỏa đến các vùng nông thôn, phối hợp hướng dẫn hội viên nông dân tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; Tổ chức tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu... Qua đó góp phần giúp hội viên nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương Sơn La ngày càng văn minh giàu đẹp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt tiêu thụ, chế biến tiêu thụ nông sản của tỉnh hiện nay còn một số vấn đề cần được quan tâm như: liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân; kỹ thuật bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn chưa phát triển. 

Trực tiếp: Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản"  - Ảnh 5.

Các đại biểu tham gia Gala.

Phần lớn nông sản Sơn La tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng rất thấp, chưa có thương hiệu; việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế; vốn đầu tư, cho sản xuất nông nghiệp, tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Thị trường tiêu thụ và giá cả một số nông sản chủ lực của tỉnh chưa thực sự ổn định do chưa tạo được liên kết 06 nhà trong sản xuất một cách bền vững. Chưa khai thác được hết tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm mang địa danh của tỉnh đã được cấp văn bằng bảo hộ... 

Đây là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của giai cấp nông dân. Giải quyết những đề này đòi hỏi phải có sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà Nước và đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng của các cấp Hội Nông dân và nông dân.

Để Chương trình Gala đạt được những kết quả tốt đẹp và đúng với ý nghĩa chủ đề, ông Huy Anh đề nghị các đại biểu sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận đưa ra các giải pháp về: Xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn; Vai trò và hiệu quả kết nối tiêu thụ nông sản cũng như định hướng thị trường trong thời gian; Đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu, Chỉ dẫn địa lý với nông sản Sơn La; Vai trò doanh nghiệp trong hỗ trợ nông dân phát triển SX và tiêu thụ nông sản; Tham gia kết nối tiêu thụ nông sản cũng như cam kết tiếp tục đồng hành cùng Hội Nông dân trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm…

Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, gắn kết doanh nghiệp và nông dân

Báo cáo về kết quả xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La trong những năm gần đây, ông Hồ Trung Kiên, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La) cho biết: 

Trực tiếp: Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản"  - Ảnh 5.

Ông Hồ Trung Kiên, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La) tham luận tại Gala.

Tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra trên địa bàn tỉnh Sơn La tính đến tháng 11 năm 2023 ước đạt trên 83.478 ha, sản lượng cả năm ước đạt trên 450.000 tấn. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 145 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP còn hiệu lực.

Sơn La hiện có 218 mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu, bao gồm các loại cây ăn quả như: nhãn, xoài, chuối, thanh long, mận, mắc ca, chanh leo; với tổng diện tích 3.151 ha tham gia xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường: Trung Quốc, Úc, Mỹ, Newzealand, EU và thị trường khác. Tổng mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu: 10 mã số, được cấp cho 9 tổ chức, cá nhân đóng gói quả tươi xuất khẩu.

Theo ông Hồ Trung Kiên, việc đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu gắn liên kết chặt chẽ sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản; giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng; ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, tạo được khối lượng hàng hóa tập trung lớn, chất lượng đồng đều đáp ứng yêu cầu thu mua của các doanh nghiệp chế biến; hợp tác xã, hộ gia đình tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp cho các hộ dân yên tâm sản xuất; doanh nghiệp chủ động thu mua sản phẩm, có đủ, đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Đến nay đã có nhiều mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả như:

Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm với 10.500 hộ trồng mía. Năm 2023, diện tích vùng nguyên liệu trên 10.000 ha, tổng sản lượng mía thu mua dự kiến trên 685.000 tấn.

Clip: Ông Hồ Trung Kiên, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tham luận tại Gala.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La đã hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ dân trong việc sản xuất, tiêu thụ, chế biến nguyên liệu cà phê của Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La, Công ty Cát Quế, Nhà máy chế biến cà phê HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Chanh Hợp tác xã Bích Thao, HTX Ara-Tay Coffee tham gia liên kết sản xuất, thu mua, chế biến khoảng trên 50% sản lượng quả cà phê toàn tỉnh.

Vùng nguyên liệu cung cấp cho Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, chi nhánh Sơn La tham gia liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình phát triển diện tích vùng nguyên liệu là 1.863,2 ha trong đó gồm: Dứa 402,9 ha; chanh leo 745,8 ha; ngô ngọt 408,4 ha, đậu tương rau 285,0 ha, rau chân vịt 21,1 ha.

Vùng nguyên liệu cung cấp cho Công ty TNHH IC FOOD Sơn La: Công ty đã và đang tiếp tục ký hợp đồng liên kết, sản xuất thu mua 4.350 tấn nguyên liệu để chế biến 200 tấn thành phẩm...

Bưu điện tỉnh Sơn La tích cực đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Là đơn vị rất tích cực tham gia quảng bá, tiêu thụ nông sản, trong bài tham luận của mình, bà Hà Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Sơn La cho biết: Trong thời gian qua, Bưu điện tỉnh Sơn La phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương, có thể kể đến một số hoạt động như: Hoạt động hỗ trợ các Hợp tác xã, hỗ sản xuất nông nghiệp tại địa bàn xã Phiêng Khoài, xã Lóng Phiêng tiêu thụ mận; Kết nối, hỗ trợ các Hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp tại địa bàn huyện Sông Mã tiêu thụ nhãn; Kết nối, hỗ trợ các Hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp tại địa bàn huyện Yên Châu tiêu thu xoài hay là kết nối, hỗ trợ các Hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp tại địa bàn xã Mường Bú, huyện Mường La tiêu thụ táo...

Trực tiếp: Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản"  - Ảnh 8.

Bà Hà Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Sơn La tham luận về kết quả đưa nông sản Sơn La lên sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, cũng giống như những hoạt động sản xuất kinh doanh hiện đại ngày nay, nhận thức được sự chuyển đổi số trong nông nghiệp là yếu tố cần thiết và cần được quan tâm, giúp nông dân và hộ sản xuất nông nghiệp nâng cao năng suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm. 

Và một trong những khâu quan trọng của sử chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp là việc có thể kết nối, đưa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm mang tính trưng của địa bàn đến với khách hàng, phù hợp với xu hướng mua hàng hiện nay, ngoài ra các sản phẩm được tiếp cận với nguồn gốc rõ ràng, nhà cung cấp uy tín và tiện lợi cho cả nhà cung cấp và người mua.

Thấu hiểu được những nội dung đó, Bưu điện Việt Nam cũng như Bưu điện tỉnh Sơn La đã giới thiệu và cung cấp đến người dân và hộ sản xuất nông nghiệp sàn thương mại điện tử Postmart để trở thành một nền tảng công nghệ số trong việc phát triển cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử và là một kênh tiêu thụ nông sản mới, hiệu quả, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế tại địa phương.

Đến nay, tổng số tài khoản người mua hàng trên sàn là 838 tài khoản, tổng số tài khoản người bán hàng trên sàn: 154 tài khoản, cùng với một số sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng tại địa phương được đưa lên sàn như: Thịt trâu gác bếp, chẩm chéo khô, măng trúc muối ớt, long nhãn sấy khô, mật ong, thịt trâu hun khói, xoài sấy dẻo, tỏi đen Yên Châu, chuối sấy giòn, trà đu đủ... 

Trực tiếp: Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản"  - Ảnh 9.

Bưu điện tỉnh Sơn La tham gia đưa sản phẩm nhãn lên sàn thương mại điện tử.

Các sản phẩm đều được đảm bảo nguồn gốc rõ ràng và được cung cấp bởi các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp uy tín. Với sự uy tín và việc đảm bảo chất lượng như vậy, số lượt khách hàng người dùng truy cập mua sắm trên sàn ngày một tăng, tạo thành một kênh bán hàng mới cho người sản xuất nông nghiệp.

Về  định hướng hoạt động trong thời gian tới, bà Hằng cho biết, trong năm 2024 Bưu điện tỉnh Sơn La để xuất phối hợp với Hội nông dân tỉnh xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho người nông dân, hỗ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Triển khai các hội nghị tập huấn, đào tạo, củng cố thêm về kiến thức, kĩ năng cho người nông dân có sự tham gia của Bưu điện tỉnh Sơn La. Thông qua việc đào tạo hướng dẫn các cách thức bán hàng, cách thức quảng bá sản phẩm cũng như truyền thông qua các kênh số, mạng xã hội phổ biến hiện nay.

Bưu điện tỉnh Sơn La cam kết phối hợp cùng Hội nông dân triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, quảng bá sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương đến với khách hàng, góp phần phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Hợp tác xã kiến nghị những giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản 

Phát biểu tại Gala, bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết, HTX Bình Thuận được thành lập từ năm 2013 đến nay đã có 25 thành viên và khoảng 35 lao động thời vụ. HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là bao tiêu chè búp tươi cho bà con và sản xuất chế biến chè khô. Năm 2018 HTX đã được UBND huyện Thuận Châu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể "Chè Phổng Lái - Thuận Châu". 

Trực tiếp: Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản"  - Ảnh 10.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La phát biểu tại Gala.

Để giữ và phát triển thương hiệu chè Phổng Lái Thuận Châu; năm 2023 tiếp tục được Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu gia hạn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể "Chè Phổng Lái - Thuận Châu". Năm 2021, 2022 sản phẩm đều đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia; năm 2023 đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Tuy nhiên, theo bà Bình, HTX Bình Thuận vẫn gặp không ít khó khăn do trình độ quản lý điều hành của hội đồng quản lý chưa qua đào tạo nên còn nhiều khó khăn trong quản lý và điều hành hoạt động. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và quy mô của HTX còn nhỏ ; liên doanh, liên kết xúc tiến thương mại với các đối tác còn nhiều khó khăn. Tuy cây chè đã quen thuộc với vùng đất Thuận Châu nhưng vấn đề về công tác chăm sóc cây chè một số bà con vẫn phun thuốc bảo vệ thực vật chưa đủ thời gian cách ly nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

LIVE: Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản": Hợp tác xã hiến kế thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ nông sản - Ảnh 11.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Bình Thuận hướng dẫn các xã viên sản xuất chè an toàn.

Từ thực tế đó, bà Bình kiến nghị, trong thời gian tới các cấp các ngành quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thu mua chè búp tươi để tránh tình trạng tranh mua tranh bán làm giảm chất lượng sản phẩm chè, ảnh hưởng uy tín thương hiệu chè Phổng Lái Thuận Châu. Các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện thường xuyên thanh kiểm tra cơ sở kinh doanh, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, thuốc trừ cỏ kinh doanh, cung ứng các loại không có tên trong danh mục Bộ NNPTNT ban hành.

Để chất lượng sản phẩm chè đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu việc ứng dụng mạnh hơn khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến; gắn với hoàn thiện mối quan hệ phân phối lợi ích để phát triển sản xuất, chế biến chè  việc ứng dụng công nghệ cao để có vùng nguyên liệu theo hướng nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững thì các cấp các ngành cùng với các doanh nghiệp, các HTX quyết tâm thực hiện để có được vùng nguyên liệu theo hướng công nghệ cao.

LIVE: Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản": Hợp tác xã hiến kế thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ nông sản - Ảnh 12.

Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX Xuân Tiến, huyện Yên Châu kiến nghị các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản ổn định cho nông dân.

Tiếp nối kiến nghị của các HTX tại Gala: Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản năm 2023, ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX Xuân Tiến, huyện Yên Châu cho biết, HTX được thành lập từ năm 2017, đến nay HTX có 27 thành viên, với tổng diện tích đất nông nghiệp 40ha trồng xoài, chuối. 

Từ thực tế sản xuất của HTX sản phẩm sản xuất ra nhưng chưa có đầu ra ổn định, hay bị tư thương ép giá; các nhà xuất khẩu chưa đến đặt hàng với nông dân ngay từ đầu vụ, ông Xuân kiến nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân tỉnh cùng các sở ban ngành của tỉnh, huyện cần quan tâm hơn nữa đến ngành sản xuất nông nghiệp, tập trung rà soát lại và cảnh báo cho người dẫn biết sớm về nhu cầu thị trường, giá cả để người dân biết tránh việc phát triển ồ ạt, khó kiểm soát tạo ra hiện tượng cung quá cầu. Đề nghị Doveco có kế hoạch và cam kết thu mua đúng thời vụ với giá cả hợp lý.

Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản": Doanh nghiệp, hợp tác xã hiến kế đưa nông sản Sơn La vươn xa - Ảnh 13.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn chia sẻ tại Gala.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cho biết, dâu tây là 1 trong những giống cây mới được đưa về trồng tại huyện Mai Sơn từ những năm 2015 – 2016. Những năm mới trồng diện tích còn ít, tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Mai Sơn diện trồng dâu tây ngày càng tăng, dự kiến đến năm 2023 - 2024 diện tích tự phát tăng từ 326ha lên khoảng 900ha so với vụ mùa năm 2022 - 2023. 

"Với sự gia tăng diện tích ồ ạt không kiểm soát như vậy sẽ là mối đe doạ đến các HTX sản xuất tiên phong như chúng tôi. Về chất lượng đầu ra không đảm bảo sẽ làm giảm uy tín, ảnh hưởng đến thương hiệu, làm mất niềm tin với người tiêu dùng cho quả dâu tây Sơn La trên thị trường cả nước", ông Nam nói.

Từ thực tế đó, ông Nam cho biết, HTX sẽ tích cực quy hoạch vùng trồng; xây dựng thương hiệu; kiểm soát chất lượng đầu ra sản phẩm; xây dựng kho bảo quản thể tích lớn để lưu trữ,...

LIVE: Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản": Hợp tác xã hiến kế thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ nông sản - Ảnh 13.

Ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Thành Long chia sẻ về giá trị của cây sâm Ngọc Linh.

Tăng cường chế biến sâu sản phẩm sâm Ngọc Linh

Chia sẻ về hành trình đầu tư ở Sơn La, ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Thành Long cho biết, hơn 10 năm qua, bản thân ông đã lặn lội, tìm tòi, sáng tạo; mạnh dạn đầu tư để đưa cây sâm Ngọc Linh về trồng ở Sơn La. Sau không ít lần thất bại, đến nay, công ty đã thành công.

 Không chỉ thành công trong việc phát triển diện tích cây sâm Ngọc Linh ở Sơn La mà song song với đó, công ty đã rất thành công trong việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La. Qua các kết quả kiểm định chất lượng của các cơ quan quản lý Nhà nước cho thấy sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La có chất lượng tất tốt; có những chỉ số quan trọng còn cao hơn cả sâm Ngọc Linh trồng ở Đăk Lăk, Quảng Nam. 

"Đến nay, sau nhiều năm đầu tư phát triển, chúng tôi đã có cả chục ngàn cây sâm Ngọc Linh, cho thu hoạch cả thân, lá, quả hàng năm; ngoài ra còn của "của để dành" đó là nguồn thu từ củ sâm. Giá trị của sâm Ngọc Linh rất lớn, mỗi mét vuông nếu được đầu tư chu đáo, có thể cho thu nhập cả trăm triệu đồng", ông Long nói.

Nông thôn ngày nay/Dân Việt đồng hành cùng Sơn La trong thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Phát biểu tại Gala, thay mặt Ban Biên tập Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt, ông Phan Huy Hà, Phó Tổng biên tập Thường trực báo nhấn mạnh, nông sản và tiêu thụ nông sản luôn là bài toán hóc búa với nông nghiệp toàn cầu. Đặc biệt, đối với Sơn La – một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng nông sản thuộc hàng lớn nhất cả nước thì bài toán tiêu thụ nông sản ngày càng nóng hơn. 

Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản": Doanh nghiệp, hợp tác xã hiến kế đưa nông sản Sơn La vươn xa - Ảnh 15.

Ông Phan Huy Hà, Phó Tổng biên tập Thường trực báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt phát biểu tại Gala.

Qua thông tin mà chúng tôi nắm được thì thật vui mừng là tỉnh Sơn La dù bứt phá vươn lên từ một tỉnh nông nghiệp miền núi nghèo khó, trở thành tỉnh có nền nông nghiệp phát triển với nhiều hàng hóa nông sản với diện tích và sản lượng nông sản rất lớn nhưng lại làm rất tốt bài toán tiêu thụ nông sản. Nông sản của Sơn La ngày càng có sự tăng trưởng mạnh mẽ, không chỉ về số lượng, sản lượng mà còn tang trưởng mạnh mẽ về mở rộng thị trường, về thương hiệu. 

Là cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Báo Nông Thôn Ngày Nay, điện tử Dân Việt những năm qua đã rất vinh dự được đồng hành cùng tỉnh Sơn La nói chung và nông dân – nông nghiệp – nông thôn Sơn La nói riêng trên những bước đường phát triển. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về tam nông của Sơn La  trên tất cả các ấn phẩm báo chí của cơ quan, chúng tôi còn xây dựng những chuyên mục riêng của Sơn La trên báo điện tử Trang Trại Việt như: Chuyển động Tây Bắc, Nông dân Sơn La thị đua yêu nước. 

Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản": Doanh nghiệp, hợp tác xã hiến kế đưa nông sản Sơn La vươn xa - Ảnh 16.

Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La; ông Phan Huy Hà Phó Tổng biên tập Thường trực báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tặng Bằng khen của Hội Nông dân Sơn La cho 12 cá nhân có thành tích trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản tại tỉnh Sơn La năm 2023.

Song song với việc chuyển tải thông thông nhằm khuyến khích, động viên, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước ở tỉnh Sơn La; Báo Nông thôn Ngày Nay cũng rất vinh dự được đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân trong công cuộc xóa nghèo, làm giàu bằng những việc làm cụ thể.

 Trong mấy năm gần đây, Báo Nông Thôn Ngày nay chúng tôi đã kêu gọi từ thiện xây dựng giúp Sơn La hàng chục phòng học, nhà tình thương; cấp nhiều cây, con giống; hỗ trợ đời sống và sản xuất với bà con bị ảnh hưởng thiên tai; nông dân vùng khó khăn; cấp trang thiết bị, học bổng, quần áo chăn màn cho các cháu học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng trong khuôn khổ Gala: Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản năm 2023, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã tặng Bằng khen của 12 cá nhân có thành tích trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản tại tỉnh Sơn La năm 2023.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem