Lễ hội cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe của dân tộc La Ha
Lễ hội Pang A của đồng bào La Ha ở Sơn La không thể thiếu cây Xặng Bók
Văn Ngọc
Thứ hai, ngày 20/11/2023 06:30 AM (GMT+7)
Lễ hội Pang A của dân tộc La Ha (tỉnh Sơn La), là nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo được tổ chức để cầu cho mùa màng tươi tốt, con người có sức khỏe, cầu may mắn cho dân bản và bày tỏ lòng cảm tạ thần linh, cùng các thầy lang có công bảo vệ dân bản.
Clip: Lễ hội cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe cho dân làng của đồng bào La Ha
Nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc La Ha
Khi trên những cánh rừng cây cối bắt đầu thay lá đâm chồi, hoa ban bắt đầu nở, măng đắng bắt đầu nhô lên khỏi mặt đất, đồng bào các dân tộc vùng cao bắt đầu dọn nương chuẩn bị cho một vụ mùa màng mới (cuối tháng 3, hoặc đầu tháng 4 dương lịch hằng năm) cũng là lúc đồng bào dân tộc La Ha tại xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La bắt đầu tổ chức lễ hội Pang A. Đồng bào dân tộc La Ha tổ chức lễ hội Pang A để cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khoẻ, may mắn cho dân làng đồng thời tỏ lòng cảm tạ, tri ân thần linh, các thầy lang có công bảo vệ dân bản.
Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Lò Văn Siêng, bản Tát Ướt, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Người La Ha quan niệm con người có hồn vía, khi hồn vía bị lưu lạc con người sẽ ốm đau, bệnh tật, vì vậy phải nhờ thầy cúng gọi hồn về. Để cảm tạ, người bệnh nhận thầy cúng làm cha nuôi. Hằng năm hoặc vài năm một lần, tùy vào điều kiện gia đình thầy cúng sẽ tổ chức lễ, mời các thần linh về dự phù hộ cho các con nuôi, dân bản khỏe mạnh, cho mọi loại bệnh đều được chữa khỏi.
Vào dịp này, các con nuôi ở khắp nơi đều về để dâng lễ lên các thần linh, báo đáp công lao của cha nuôi, cùng nhau vui chơi, giao lưu tình cảm. Các con nuôi tùy thuộc vào điều kiện gia đình, bệnh được chữa nặng hay nhẹ, là con nuôi lâu năm hay mới mà chuẩn bị các lễ vật dâng cúng phù hợp. Đứng ra tổ chức là ông mo có tiếng trong vùng. Theo quan niệm của bà con, ông mo là người kết nối giữa các thần linh với người trần thế, những người được ông cúng, tế, chữa khỏi bệnh sẽ được nhận là con nuôi và được mời đến. Ngoài ra còn có các tổ chức chính quyền, bà con trong bản và các vùng lân cận đến tham dự.
Chuẩn bị cho lễ hội Pang A, chủ lễ sẽ mổ 2 con lợn, một con để làm lễ, một con để thờ cúng tổ tiên. Các con nuôi của ông mo được mời đến mang theo những sản vật do mình làm ra như gà, vịt, gạo nếp, chai rượu, hoa quả... để tỏ lòng thành kính biết ơn đến thần linh phù hộ độ trì trong những năm qua. Các nghi lễ thường được tổ chức tại gian giữa của nhà ông mo.
Tại đây, ông mo bắt đầu cúng mời tổ tiên, thần thánh trên trời, thần núi rừng, sông suối, thổ công, thổ địa về chứng giám cho lòng thành của ông và bà con dân bản, cầu mong phù hộ cho mọi người có cuộc sống bình yên, mùa màng bội thu.
Khi ông mo cúng xong, các con nuôi của ông lần lượt bày các sản vật mình mang theo lên bàn để ông cúng mời thần linh về ăn và phụ hộ cho con cháu nhiều sức khoẻ, mùa màng tốt tươi, trâu bò, lợn, gà...sinh sôi nảy nở... Sau khi làm xong phần lễ một người chuyên giúp ông mo sẽ chia lộc cho các con cháu, mỗi người một đùi gà, một gói xôi mang về.
Đặc biệt, trong lễ Pang A không thể thiếu được cây Xặng Bók. Cây Xặng Bók là yếu tố trang trí không thể thiếu trong nghi lễ, được làm từ cây móc và chuối rừng, dựng ở gian giữa nhà. Cây móc (lăm la) tượng trưng cho con trâu đen, cây móc chết hóa thành trâu đen, cây chuối rừng (lăm tốc) tượng trưng cho con trâu trắng, là những người bạn của nhà nông.
Ngoài ra, cây còn được trang trí các dải hoa vải, trống làm bằng sợi chỉ màu, ve sầu, dế mèn được đan bằng lạt tre, quả còn bằng vải, chim cu gáy, cày và bừa nhỏ bằng gỗ, hoa mạ, hoa ban. Số lượng mỗi đồ trang trí là số chẵn vì người La Ha quan niệm tất cả đồ vật hay con người đều phải có đôi. Các đạo cụ để múa có bu (ống tre), khăn vải, cày, bừa, kiếm, lá chắn làm bằng gỗ, tre...
Phần lễ chủ yếu mời các vị tổ tiên, các vị thần linh, âm binh giúp đỡ cứu chữa bệnh cho tộc người về dự lễ, hưởng lộc của các con nuôi, với mong muốn các vị thần linh về phù hộ cho dân tộc La Ha luôn khỏe mạnh, ít ốm đau, mách bảo cho con người một số bài thuốc từ thiên nhiên có khả năng chữa bệnh. Tiếp đến, mọi người bắt đầu múa tăng bu, đánh trống, tung khăn múa xung quanh cây Xặng bók, nghiêng ngả di chuyển theo nhịp gõ của tăng bu hết sức sôi nổi, rộn ràng.
Dân tộc La Ha cùng nhau trao đổi công việc đồng áng
Sau phần lễ là phần hội sôi động, vui vẻ, khẳng định tính sáng tạo, các điệu múa gần gũi với cuộc sống hằng ngày mang đậm bản sắc tộc người, phản ánh các hoạt động lao động sản xuất, ước nguyện mong muốn các vị thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm, nhắc nhở con cháu nhớ công lao thầy thuốc. Sôi động nhất là các trò diễn miêu tả một số loại bệnh thường gặp trong cuộc sống, như trò giả làm người bệnh bướu cổ đi tìm người chữa bệnh; người què chân, đi khập khiễng kêu cầu tìm phương cách cứu chữa... rồi có sự xuất hiện của thầy thuốc cứu giúp mọi người... tất cả đều tham gia vào các trò diễn quanh cây Xặng bók.
Tiếp đó, còn tổ chức các trò diễn người trông nương (ma nơ canh); giả làm con khỉ tinh nghịch hái trộm trái cây trên cây Xặng bók; cảnh cày bừa làm ruộng của bà con; múa cầu mưa, mong cho mưa thuận, gió hòa; múa khăn đi vòng tròn thể hiện tình đoàn kết; múa kiếm tượng trưng cho sức mạnh, bảo vệ bản làng; tung còn để nam nữ gặp gỡ, hẹn hò, tìm hiểu, kết duyên đôi lứa.
Vui nhộn nhất là phần múa Sừng Lừng, thể hiện sự phồn thực sinh hoạt nam nữ, tạo nên tiếng cười sảng khoái, vui vẻ. Sự tự nhiên, hài hước của người diễn trò, sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người, tạo không khí sôi động. Đây là điệu múa truyền thống của dân tộc La Ha cầu sinh con, cháu khỏe mạnh. Đồng thời, dọa tà ma không được làm hại đến trẻ sơ sinh. Kết thúc phần hội là nghi thức tiễn hồn tổ tiên lên trời, hạ cây Xặng bók, xin lộc, phá cỗ liên hoan, uống rượu cần, chúc phúc vui vẻ.
Ông Quàng Văn Păn, bản Tát Ướt, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Pang A là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc La Ha được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Để là đây cũng là dịp để bà con dân bản tạ ơn với thần linh. Đắc biết lê hội là nơi để bàn con bản trên xóm dưới cùng tụ họp, giao lưu văn hóa văn nghệ. Cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi… cùng nhau làm ăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc La Ha
Đồng bào La Ha là một trong những dân tộc thiểu số rất ít người, dưới 10.000 người, sinh sống tập trung tại 42 bản ở 17 xã thuộc các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mộc Châu của tỉnh miền núi Sơn La. Người La Ha chủ yếu làm nương rẫy và trồng lúa nước trên ruộng bậc thang, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Để đưa dân tộc La Ha vươn lên thoát khỏi đói nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, tiếp tục củng cố sự bình đẳng đoàn kết giữa các dân tộc, những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (Chương trình 135); hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo chí; hỗ trợ muối iốt phòng, chống bướu cổ; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giáo dục, y tế, văn hóa và nhiều chính sách hỗ trợ về nông, lâm nghiệp... nhất là chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội dân tộc La Ha giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định số 2086 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lường Văn Toán, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết: Tỉnh Sơn La đã tập trung hỗ trợ đồng bào dân tộc La Ha ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất, phát triển trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng, củng cố trường lớp, chăm lo cho học sinh... Cùng với đó, tỉnh chú trọng thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc La Ha trước thực trạng có nguy cơ đang dần bị mai một.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng và Ban Dân tộc tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục rà soát, nắm chắc địa bàn sinh sống, đời sống của đồng bào cũng như những vấn đề còn tồn tại để có các giải pháp hỗ trợ phát triển hiệu quả hơn. Qua đó góp phần phát triển kinh tế- xã hội để cuộc sống đồng bào dân tộc La Ha bắt kịp với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.