Trung gian hoà giải khó thành công

Trần Đức Mậu Thứ bảy, ngày 10/06/2023 19:30 PM (GMT+7)
Vụ việc đập chứa nước Kakhovka ở vùng miền nam Ukraine bị vỡ, bất kể bởi bị ai đó phá hoại, làm cho việc nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine trở nên càng thêm cấp thiết.
Bình luận 0

Nhưng làm thế nào để có thể nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến này lại vẫn là câu hỏi hiện chưa ai có thể trả lời nổi. Về lý thuyết cũng như trên thực tế chỉ có hai kịch bản kết cục cho cuộc chiến này. Thứ nhất là một trong hai bên giành được chiến thắng về quân sự. Thứ hai là hai bên chấp nhận giải pháp chính trị hoà bình nào đấy giúp chấm dứt cuộc chiến tranh. 

Trung gian hoà giải khó thành công  - Ảnh 1.

Cuộc chiến càng kéo dài dân thường hai bên càng chịu nhiều tổn thất. Ảnh: Sputnik.

Kịch bản thứ nhất nhiều khả năng sẽ không xảy ra hoặc phải còn rất lâu nữa mới xảy ra. Lý do là cả Nga lẫn Ucraine đều quyết chí chiến thắng và quyết tâm không để bị thất bại. Cả hai đều không còn đường lùi. 

Mỹ, EU, NATO và đồng minh đã quyết tâm trợ giúp Ukraine đến cùng và bằng mọi giá để Ukraine chắc thắng và Nga chỉ có thể thua. Trong khi đó, Nga cũng quyết tâm thắng ở Ukraine và chắc chắn sẽ trả mọi giá để không bị thua ở Ukraine. 

Kịch bản thứ hai có nhiều khả năng xảy ra hơn. Nhưng Nga và Ukraine sẽ không tự nguyện đi vào hoà đàm với nhau mà thông qua sự trung gian hoà giải của ai đó bên ngoài bởi chỉ như thế mới có thể bảo toàn thể diện và không bị coi là yếu thế. 

Cho tới nay, bên ngoài Nga và Ukraine đã có không ít đối tác chủ động đề xuất sáng kiến hoà bình, xung phong thực thi sứ mệnh ngoại giao trung gian hoà giải giữa Nga và Ukraine nhưng đều không đưa lại kết quả tích cực nào. 

Trung Quốc không những chỉ đưa ra sáng kiến hoà bình mà còn cử đặc sứ riêng cho chuyện hoà giải giữa Nga và Ukraine. Brazil thành lập hẳn "Câu lạc bộ hoà bình" bao gồm nhiều nước trên thế giới để cùng làm việc trung gian hoà giải giữa Nga và Ukraine. Nam Phi tập hợp 6 quốc gia châu Phi cùng vận động Nga và Ukraine hoá giải bất hoà. 

Ngay đến cả Toà thánh Vatican cũng cử đặc sứ riêng cho chuyện xử lý cuộc chiến ở Ukraine. Tại sự kiện Đối thoại Shangri-La năm nay ở Singapore, Indonesia cũng tiện thể đưa ra đề nghị hoà bình cho cuộc chiến ở Ukraine. 

Tất cả những nỗ lực, ý tưởng và động thái nói trên đêu rất đáng khích lệ. Chúng tạo áp lực không hề nhỏ tới Nga và Ukraine cũng như tới các đối tác ủng hộ họ về chấm dứt chiến sự và tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình. Nhưng khách quan và thực tế mà nói thì tất cả đều rất khó thành công, nếu như không muốn nói là không thể thành công. 

Cấu trúc chung của các đề nghị, sáng kiến hay ý tưởng về giải quyết hoà bình chuyện cuộc chiến ở Ukraine đều đại khái là ngừng chiến sự, tạo vùng đệm phi quân sự giữa hai bên (hai bên rút quân lính ra khỏi hành lang hoặc triển khai lực lượng quốc tế gìn giữ hoà bình giữa hai bên), trưng cầu dân ý ở những vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga hiện đang kiểm soát, ký kết hoà ước giữa Nga và Ukraine..... 

Tất cả những đề xuất hoà bình nói trên đều khó, thậm chí không thể thành công bởi ba lý do chính. Thứ nhất, tuy trên chiến trường là cuộc chiến trực tiếp giữa Nga và Ukraine nhưng trong thực chất còn có đồng thời cuộc đối kháng giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và đồng minh. 

Mục tiêu của phe này mà họ không hề giấu diếm là không những chỉ chống lưng cho Ukraine bằng mọi giá và với mọi cách để Ukraine không bị Nga đánh bại về quân sự mà còn làm cho Nga phải chịu thua ở Ukraine, để rồi từ sau cuộc chiến này không còn đủ năng lực về chính trị, kinh tế và quân sự thách thức và đe doạ an ninh Mỹ, EU, NATO và đồng minh của họ. 

Chính phe này chứ không phải Ukraine quyết định có đàm phán hoà bình, khi nào mới đàm phán hoà bình với Nga và đàm phán hoà bình với Nga với những điều kiện tiên quyết nào. Chừng nào phe này chưa từ bỏ mục tiêu chiến lược nói trên đối với Nga, chừng ấy họ sẽ vẫn còn tiếp tục hậu thuẫn và khích lệ Ukraine chiến tranh với Nga và chừng ấy chưa thể có giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc chiến này.

Thứ hai, Ukraine không chấp nhận bất cứ giải pháp chính trị hoà bình nào nếu giải pháp ấy không giúp Ukraine giành lại những vùng lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát và Nga sẽ không chấp nhận bất cứ giải pháp chính trị hoà bình nào nếu giải pháp ấy buộc Nga phải từ bỏ những vùng lãnh thổ hiện đang kiểm soát.

Tất cả những đề xuất hoà bình từ bên ngoài nói trên đều không đưa lại cho Nga và Ukraine sư đảm bảo chắc chắn là không bị mất. Vì thế, cả hai bên đều hoan nghênh nỗ lực ngoại giao trung gian hoà giải từ bên ngoài nhưng đều không sẵn sàng chấp nhận chúng. 

Thứ ba, giải pháp chính trị hoà bình nào cho cuộc chiến cũng đều sẽ bao gồm quy định về trách nhiệm chính trị, pháp lý và vật chất về cuộc chiến và cho việc giải quyết hậu quả của cuộc chiến. Trong đấy ẩn chứa rất nhiều rủi ro và thua thiệt về mọi phương diện đối với cả hai bên. 

Vì thế, cả Nga lẫn Ukraine đều phải rất thận trọng. Cho nên có thể nói hiện tại chưa thấy hội tụ thiên thời, địa lợi và nhân hoà cho thành công của giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc chiến ở Ukraine. Nỗ lực ngoại giao trung gian hoà giải vì thế rất khó có thể thành công.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem