Tại Bình Thuận, giá thanh long đã quay đầu giảm mạnh so với nửa tháng trước. Giá thanh long loại 1, bán tại vườn giao động từ 13.000đ – 16.000 đồng/kg, giảm khoảng 15.000 đồng/kg so với nửa tháng trước. Tương tự, thanh long loại hàng dạt chỉ được thu mua ở mức 5.000đ/kg.
Theo các thương lái, giá thanh long đột ngột giảm mạnh là do các loại trái cây khác cũng đang vào chính vụ thu hoạch nên lượng cầu trên thị trường đang phải san sẻ.
Giá thanh long ở Bình Thuận quay đầu giảm mạnh
Một số chủ vườn ở các tỉnh miền Tây cho biết, giá mít Thái đang lao dốc do đây cũng là thời điểm thu hoạch rộ nhiều loại trái cây khác, nên nhu cầu về mít giảm. Thêm vào đó, thị trường Trung Quốc đang “ăn chậm” khiến giá giảm theo. Lâu nay, gần 90% mít Thái vẫn được tiêu thụ qua thị trường này.
Giá mít Thái ở Hậu Giang loại 1 từ mức 70.000 - 80.000 đồng/kg hiện chỉ còn 18.000 đồng/kg; loại 2 chỉ 10.000 đồng/kg.
Tại huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), các hộ trồng sầu riêng cho biết chưa năm nào sầu riêng rớt giá thê thảm như năm nay. Nếu đầu vụ, sầu riêng đẹp có giá 55.000 đồng/kg, sầu riêng rụng 70.000 đồng/kg thì thời điểm này thương lái thu mua tận vườn giá chỉ 32.000 - 35.000 đồng/kg sầu riêng đẹp, sầu riêng rụng 50.000 đồng/kg; giảm từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.
Nhiều nông dân trồng sầu riêng cũng đang lo lắng khi giá giảm do thu hoạch rộ vào chính vụ.
Ông Mai Ngọc Định, nông dân trồng sầu riêng ở xã Nhơn Nghĩa cho biết, hiện nhiều vườn đã chín rộ nhưng thương lái ít thu mua khiến bà con lo lắng. Năm nay nguồn cung dồi dào, sầu riêng Việt Nam lại xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch Trung Quốc nên phụ thuộc nhiều vào sức mua của thị trường này.
Theo ông Định, thời gian gần đây, Trung Quốc siết đường tiểu ngạch lại tăng cường kiểm tra truy xuất nguồn gốc và kiểm định chất lượng nên việc thu mua và giá cả bị ảnh hưởng theo.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Tùng, nông dân trồng sầu riêng ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành, Đồng Nai) cho biết các vườn sầu riêng trồng theo hướng VietGAP hiện vẫn đang được thương lái thu mua với giá tốt.
Trái cây trồng theo hướng VietGAP và truy xuất nguồn gốc vẫn đang mang lại hiệu quả cao.
Hiện tại, sầu riêng sống đang được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 45.000 đồng/kg. Theo tính toán, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư, các vườn năng suất cao có thể cho lợi nhuận hơn 300 – 400 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành cho biết, mô hình trồng sầu riêng VietGAP vẫn đang phát huy hiệu quả cả năng suất, chất lượng và giá cả. Nhất là việc chứng minh được nguồn gốc giúp sản phẩm dễ xâm nhập vào siêu thị hay xuất khẩu đi các nước.
“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này không chỉ đối với những hộ trồng sầu riêng còn lại trên địa bàn, mà còn áp dụng cả với những loại cây ăn trái khác như chôm chôm hay là bưởi da xanh...” - ông Thanh chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.