Với những lợi ích kinh tế bên ngoài, câu hỏi liệu có xảy ra chiến tranh Mỹ -Trung hay không có vẻ khá ngớ ngẩn, nhưng những tiềm ẩn bên trong hoàn toàn phù hợp để giải thích cho khả năng này.
Chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc phòng Harry Kazianis thuộc trung tâm nghiên cứu Lợi ích quốc tế nhận định rằng: “Xét bên ngoài, Washington và Bắc Kinh có mối giao thương hai chiều hơn một nửa nghìn tỷ USD. Trung Quốc nắm giữ hàng nghìn tỷ trong tổng nợ của Mỹ. Hơn 300.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Mỹ. Người nhập cư Trung Quốc cũng đã trở thành một phần phong phú của nền văn hoá Mỹ. Vậy, làm sao lại có thể có một cuộc xung đột quân sự xảy ra trong mối đan xen lợi ích giữa Washington và Bắc Kinh cho được?”
Tuy nhiên, chuyên gia Harry Kazianis cho rằng, bất chấp vô số lĩnh vực có lợi ích đan xen nhau, quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington rõ ràng đã có sự suy giảm. Vòng căng thẳng được miêu tả chạy từ Biển Đông đến những cáo buộc làm gián điệp không gian mạng. Với mức độ cáo buộc qua lại ngày càng gay gắt và nghiêm trọng, có vẻ như một cuộc đụng độ liên quan đến những vấn đề này ngày càng có thể xảy ra.
Tờ Nationnal Interest ngày 4.3 dẫn phân tích của Robert Farley, tác giả cuốn sách: “Nỗi sợ lớn nhất của châu Á: Chiến tranh Mỹ- Trung” cho rằng, một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm thay đổi một số khía cạnh địa chính trị của khu vực Đông Á, nhưng cũng sẽ để lại nhiều yếu tố quan trọng không thay đổi.
Theo phân tích của chuyên gia Robert Farley, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ không để Mỹ có cơ hội tấn công phủ đầu. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng với tốc độ căng thẳng leo thang thông qua vài sự cố. Và cuối cùng khi Mỹ chuẩn bị để chống lại những sự cố va chạm, Bắc Kinh sẽ tổng hợp các hoạt động này và lu loa lên rằng Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thực sự. Các bước chuẩn bị của Mỹ có thể bao gồm việc tăng các nhóm tàu sân bay, phi đội máy bay chiến đấu từ châu Âu và Trung Đông đến châu Á -Thái Bình Dương. Cho đến thời điểm đó, Trung Quốc sẽ cần phải quyết định xem có nên đẩy vấn đề lên phía trước hay lùi lại phía sau bằng kỹ xảo hoà hoãn.
Theo chuyên gia Robert Farley, đặt giả thiết Trung Quốc “đẩy về phía trước”, kinh tế sẽ là một vấn đề lớn trong cuộc xung đột như vậy.
"Về mặt kinh tế, Bắc Kinh và Washington sẽ đóng băng tài sản của nhau, cũng như những cá nhân và tập thể có liên quan đến cuộc chiến. Điều này sẽ là cú đánh mạnh vào kinh tế và người tiêu dùng trên khắp Thái Bình Dương, và phần còn lại của thế giới. Các mối đe dọa của một cuộc chiến với cường độ cao cũng sẽ phá vỡ mô hình vận chuyển toàn cầu, gây tắc nghẽn nghiêm trọng trong sản xuất công nghiệp”, ông Robert Farley nhận định.
Mục tiêu của cả hai là gì?
Vậy nếu có chiến tranh, mục tiêu của cả Washington và Bắc Kinh là gì?
Theo Robert Farley, về phía Mỹ, Washington sẽ theo đuổi cuộc chiến tranh nhằm mục đích: Đánh bại các mục đích viễn chinh của Hải quân Trung Quốc (PLAN); Phá huỷ các khả năng tấn công của PLAN và lực lượng không quân Trung Quốc (PLAAF); Làm mất khả năng kiểm soát sự ổn định của Chính phủ Trung Quốc trên đất liền”.
Đối với Trung Quốc, Robert Farley nhận định: "PLA sẽ theo đuổi những mục tiêu này gồm: Đạt được mục đích chinh phục; Tiêu diệt càng nhiều các khả năng viễn chinh của Không quân và Hải quân Mỹ càng tốt; cản trở các hoạt động can thiệp của Mỹ trong tương lai; phá vỡ hệ thống liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Đông Nam Á ".
Ai sẽ thắng?
Trong khi chuyên gia Robert Farley không nêu đích danh một người chiến thắng trong bài viết của mình, ông chỉ giải thích rằng "chiến tranh không kết thúc với một sự đầu hàng hay một thoả hiệp được ký kết trên một chiến hạm. Thay vào đó, nó kết thúc với những đau thương của trận chiến và rất có thể chuẩn bị cho các vòng tiếp theo.
Lý do lớn nhất để băn khoăn về một cuộc xung đột trong tương lai giữa Washington và Bắc Kinh là các vấn đề nhạy cảm liên quan đến Biển Đông, biển Hoa Đông, Đài Loan, Triều Tiên, tấn công mạng và hoạt động gián điệp mạng ...
Theo chuyên gia Robert Farley, hãy hy vọng các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đang nhìn xa về mối quan hệ Mỹ- Trung sau nhiều năm căng thẳng kéo dài để nhận ra rằng sẽ không có "người chiến thắng" thực sự trong một chiến như vậy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.