Bắc Kinh đã giành được sự ủng hộ từ Moscow khi tháng trước Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bình luận rằng, các quốc gia ngoài khu vực (ám chỉ Mỹ) không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
Sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 23.4 tuyên bố, Bắc Kinh đã giành được “sự đồng thuận 4 điểm” với Brunei, Lào và Campuchia về vấn đề Biển Đông.
Trong 4 điểm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, tranh chấp lãnh hải không phải vấn đề giữa Trung Quốc và toàn bộ khối ASEAN. Vì vậy, các bên liên quan trực tiếp nên đàm phán và tham vấn dựa trên điều 4 của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Tuy nhiên, tuyên bố trên của Bắc Kinh về việc nước này giành được thêm sự ủng hộ từ Brunei, Lào và Campuchia trong vấn đề Biển Đông đã thổi bùng lên những chỉ trích mạnh mẽ.
Theo Washington Post, Cựu Tổng thư ký ASEAN kiêm Đại sứ Singapore Ong Keng Yong đã gay gắt cáo buộc, bằng những tuyên bố trên, Trung Quốc có thể đang nỗ lực tìm cách chia rẽ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Đồng tình, ông Bilahari Kausikan, cố vấn chính sách cho Bộ Ngoại giao Singapore cũng nhận định, “sự đồng thuận 4 điểm” có thể là phương tiện để Bắc Kinh chia rẽ ASEAN trước thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan sắp đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Ngoài ra, ngay cả phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan cũng lên tiếng bày tỏ hoài nghi trước tuyên bố của Bắc Kinh. Ông khẳng định rằng, chính phủ Campuchia và Bắc Kinh chưa hề ccó bất cứ thỏa thuận mới nào.
Mặc dù liên tục bị “phản đòn”, Trung Quốc gần đây vẫn công bố báo cáo nhấn mạnh rằng: “Cộng đồng quốc tế đã hiểu và ủng hộ lập trường của chính phủ nước này trong việc xử lý các tranh chấp Biển Đông”.
Ảnh chụp cho thấy hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh chụp từ máy bay quân sự ngày 2.5.2011
Bình luận về những nỗ lực của Bắc Kinh để tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trong vấn đề Biển Đông, ông Yu Maochun, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về nền chính trị Trung Quốc nhấn mạnh, cách tiếp cận trên chứng tỏ nước này rất thèm muốn được tôn trọng trên trường quốc tế và đang ra sức tránh để bị cô lập.
Ông Yu Maochun cũng bình luận rằng, sự ủng hộ của Nga là đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ ngày càng tỏ rõ lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông. Washington đã nhiều lần tuyên bố không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng lãnh hải quanh các hòn đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Đồng thời, cường quốc số 1 thế giới cũng nhiều lần lên tiếng cáo buộc các động thái quân sự của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải trong khu vực.
Trong khi đó, Jonathan Holslag, Giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học Tự do Brussels nhận định, thực tế sự ủng hộ quốc tế dành cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không lớn bất chấp nước này có thế mạnh là nền kinh tế thứ 2 thế giới nên dễ áp dụng chiến thuật dùng sự phụ thuộc về mặt kinh tế để gây ảnh hưởng về ngoại giao.
“Trên thực tế, bất chấp một lượng rất lớn viện trợ tài chính mà Trung Quốc đã bỏ ra, sự ủng hộ dành cho nước này vẫn tương đối nhỏ. Điều này phản ánh những hạn chế trong chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc”, ông Holslag nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.