Trung Quốc thua trong vụ kiện Đường lưỡi bò, chuyện gì sẽ xảy ra?

Phương Đăng Thứ sáu, ngày 10/06/2016 14:00 PM (GMT+7)
Trung Quốc sẽ không bận tâm đến phán quyết của tòa án quốc tế về vụ kiện Đường lưỡi bò với Philippines. Kể cả khi Mỹ và các đồng mình của cường quốc số 1 thế giới mạnh mẽ gây áp lực, họ cũng khó lòng ép Trung Quốc tuân thủ phán quyết.
Bình luận 0

img

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc bồi đắp phi pháp đảo nhân tạo tại Đá Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Đó là nhận định của James Crabtree, nhà nghiên cứu cấp cao của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore trong một bài bình luận mới đây được đăng tải trên tạp chí Foreign Policy.

Theo ông James Crabtree, lập trường của Trung Quốc về vấn đề này một lần nữa được phản ánh trong những tuyên bố gần đây của Phó Tổng Tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Tôn Kiến Quốc tại Đối thoại Shangri-La.

“Một mặt, chúng tôi nhận thấy rằng một số nước áp dụng luật pháp quốc tế chỉ khi nào họ cảm thấy họ được hưởng lợi. Mặt khác, thông qua đó, họ muốn hỗ trợ các đồng minh của họ chống lại Trung Quốc", ông Tôn nhấn mạnh, ám chỉ tới Mỹ khi phát biểu trong ngày cuối cùng diễn ra Đối thoại Shangri-La.  

img

Phó Tổng Tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Tôn Kiến Quốc

Phó Tổng Tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc còn mạnh mẽ cáo buộc rằng, Mỹ đang “quân sự hóa” khu vực và “Trung Quốc phản đối những hành vi như vậy”.

“Chúng tôi không gây ra rắc rối, nhưng chúng tôi không sợ rắc rối”, ông Tôn tuyên bố.

Nhà nghiên cứu James Crabtree bình luận, những tuyên bố cứng rắn trên của Phó Tổng Tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc  không phải được đưa ra ngẫu nhiên và không có chủ ý. Những tuyên bố ấy được đưa ra trong bối cảnh, chỉ vài tuần tới, Tòa án Trọng tài Thường trực có trụ sở ở The Hague (Hà Lan) sẽ đưa ra phán quyết cho vụ kiện Đường lưỡi bò liên quan đến các tuyên bố chủ quyền đơn phương vô lý của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích ở Biển Đông.

Philippines đã đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực vụ Đường lưỡi bò từ tháng 1.2013. Manila tuyên bố các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và cần được tòa án quốc tế công nhận là không có căn cứ.

Lâu nay, Trung Quốc vốn tuyên bố không chấp nhận và không tham gia vụ kiện với Philippines. Bắc Kinh nhiều lần khẳng định không chấp nhận kết quả giải quyết từ bên thứ ba, kêu gọi Manila rút lại vụ kiện và quay lại đàm phán song phương đồng thời tuyên bố tòa trọng tài được thiết lập theo đề nghị từ phía Philippines không có quyền phán quyết đối với vụ kiện.

Phần lớn các nhà quan sát đều cho rằng, Trung quốc sẽ thua trong vụ kiện Đường lưỡi bò. Trong trường hợp này, giới phân tích quan ngại, Bắc Kinh sẽ đẩy căng thẳng Biển Đông leo thang vì muốn chứng minh họ không e ngại phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực. Những khả năng leo thang bao gồm:

Một là, Bắc Kinh sẽ áp đặt một lệnh phong tỏa quân đội Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú (bất hợp pháp) ở bãi Cỏ Mây, Trường Sa (Việt Nam), tiến hành hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa bãi cạn Scarborough mà họ chiếm quyền kiểm soát từ Philippines tháng 4.2012.

Hai là, Trung Quốc sẽ triển khai bất hợp pháp các loại vũ khí hiện đại ra một số đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép ở Trường Sa.

Ba là, Bắc Kinh sẽ đơn phương áp đặt một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông.

img

Mỹ thường xuyên tuần tra Biển Đông thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực.

Tuy nhiên, phán quyết của tòa án quốc tế về vụ kiện Đường lưỡi bò lại được xem là một trường hợp thử nghiệm lớn đối với năng lực của Mỹ và các nước đồng minh trong việc bảo vệ trật tự “dựa trên nền tảng pháp lý ” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một mặt, nếu quả thật Trung Quốc làm ngơ mọi phán quyết của tòa án quốc tế, việc này sẽ khiến những tuyên bố của phương Tây về một trật tự dựa trên luật pháp chỉ như lời nói xuông đồng thời cũng làm suy yếu chính sách “xoay trục” về châu Á của Mỹ vốn được thực hiện từ năm 2011.

Mặt khác, nếu Mỹ cứng rắn và tìm cách trừng phạt Trung Quốc - chẳng hạn bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực đồng thời áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế - thì việc này có khả năng càng khiêu khích Bắc Kinh, càng khiến nước này hung hăng hơn, quyết liệt hơn trên biển.

Cho đến nay, Mỹ vẫn chứng tỏ rằng, nước này theo đuổi cách tiếp cận thứ 2. Ngày 4.6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo, nếu Trung Quốc không tuân thủ phán quyết thì nước này sẽ tự cô lập mình với các nước láng giềng.  

Trong khi đó, bất kể kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2016 diễn ra như thế nào, các nhà phân tích nhận định, căng thẳng Trung – Mỹ sẽ không ngừng leo thang. Nếu ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã tuyên bố về một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc thì ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton được cho là có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh hơn Tổng thống Barack Obama.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem