Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, Bắc Kinh đã khởi động kế hoạch truyền thông chiến lược bằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Ấn Độ cuối tuần qua.
Ông Vương tuyên bố, Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được sự đồng thuận quan trọng, đó là cả hai cần ủng hộ nhau mạnh mẽ khi năm nay Bắc Kinh và New Delhi đều đứng ra đăng cai tổ chức những hội nghị lớn.
Trong khi hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp tới được tổ chức tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc thì hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế đang nổi lên (BRICS) sẽ được tổ chức tại Goa, Ấn Độ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) trong chuyến thăm Ấn Độ cuối tuần qua.
Trung Quốc, giống như nhiều nước đang phát triển khác, khao khát xây dựng hình ảnh của nước họ như là "một cường quốc có trách nhiệm" thông qua nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau.
Trong số các diễn đàn quốc tế, G20 và BRICS đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với Ấn Độ và Trung Quốc trong tiến trình xây dựng một trật tự thế giới đa cực, giúp các nước đang phát triển có thể nói lên tiếng nói của mình.
Theo đó, hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay dự kiến diễn ra vào ngày 4.9-5.9 tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc được cho là sẽ mang lại cho Bắc Kinh cơ hội đặc biệt quan trọng để chứng minh mình là một quốc gia có trách nhiệm với "các ý định tốt đẹp".
Một mặt, Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền (CPC) xem hội nghị G20 là cơ hội quý giá để củng cố quyền lực và tăng tính hợp pháp của Đảng ở trong nước, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng GDP của nước này đang sụt giảm, khoảng cách giàu nghèo ngày càng chênh lệch cũng như những áp lực ngày càng lớn từ dư luận liên quan đến vấn đề "cải cách chính trị".
Mặt khác, CPC cũng xem hội nghị G20 là cơ hội giúp Trung Quốc thu hút sự chú ý của thế giới và tự giới thiệu mình như là một quốc gia có trách nhiệm.
Do tầm quan trọng của sự kiện này, Bắc Kinh đã mạnh tay chi tới 100 tỷ USD (theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Trung Quốc) để chuẩn bị cho hội nghị G20 tại Hàng Châu. Những hoạt động chuẩn bị bao gồm, xây dựng sân vận động mới hiện đại, đổi mới đô thị và đầu tư mạnh vào các vấn đề an ninh.
Ngoài ra, dịp này, Bắc Kinh quyết tâm tránh để bị "chỉ trích", gây tổn hại cho hình ảnh của Trung Quốc, cả trong và ngoài nước bởi bất cứ thành viên G20. Bắc Kinh đã tỏ ra quan ngại rằng, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ sẽ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông ngay tại G20 ngay sau khi tòa án trọng tài quốc tế vừa ra ra phán quyết bác bỏ quyền lịch sử mà nước này đơn phương tuyên bố trong khu vực.
Vì vậy, Bắc Kinh đang tìm mọi cách để ngăn chặn nguy cơ Biển Đông "đốt nóng" hội nghị G20.
Là một thành viên của G20, Ấn Độ vốn bị Trung Quốc xem là đối thủ, trong cả vấn đề kinh tế lẫn chính trị trong khu vực cũng như quốc tế. Bắc Kinh nhận định, tại G20, vấn đề nhạy cảm nhất giữa 2 bên sẽ là về Biển Đông.
Ấn Độ, đặc biệt là dưới thời chính quyền Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ quan điểm với Mỹ, nhiều lần kêu gọi các nước cần "tôn trọng nguyên tắc tự do hàng hải và thương mại trên Biển Đông".
Trong khi đó, các nước trong khu vực bao gồm Philippines cũng xem Ấn Độ là đồng mình quan trọng để chống lại các yêu sách lãnh thổ ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh rất cần đảm bảo rằng, Ấn Độ sẽ im lặng về Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới. Con rồng châu Á đã chọn tiếp cận Ấn Độ bằng chiến lược "củ cà rốt và cây gậy" và chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị phản ánh rõ điều đó.
Trong những tuyên bố của mình tại Ấn Độ, ông Vương đã đề cập đến hội nghị thượng đỉnh BRICS mà New Delhi sẽ đăng cai tổ chức sắp tới. Theo đó, giới chuyên gia bình luận, Trung Quốc đã ngầm đea dọa rằng, nước này có thể áp dụng chiến lược "ăn miếng trả miếng" đối với Ấn Độ, rằng: Nếu New Delhi bàn về vấn đề Biển Đông tại G20, Bắc Kinh cũng sẽ "trả đũa" tại hội nghị BRICS. Mặt khác ông Vương cũng hứa hẹn rằng, Trung Quốc sẽ ủng hộ tư cách thành viên của Ấn Độ tại Nhóm các cung cấp hạt nhân nếu nước này "im lặng" về Biển Đông.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, chiến lược "củ cà rốt và cây gậy" của Trung Quốc sẽ không đủ hiệu quả và Bắc Kinh không thể bịt miệng Ấn Độ tại G20. Bởi trên thực tế, mặc dù Ấn Độ cần sự ủng hộ của Trung Quốc trong các cuộc đụng độ với Pakistan về vấn đề Kashmir, thì đổi lại, Bắc Kinh cũng cần sự ủng hộ của New Delhi về vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương...
Do đó, rõ ràng, "củ cà rốt" mà Trung Quốc chìa ra cho Ấn Độ không có vẻ hấp dẫn, trong khi New Delhi đang xem vấn đề Biển Đông là cơ hội quan trọng nhằm giúp tạo ra và đoàn kết một liên minh khu vực để chống lại sự bành trướng với chính sách "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc. Theo đó, bất chấp những nỗ lực "bịt miệng" của Bắc Kinh, vấn đề Biển Đông được cho vẫn sẽ "đốt nóng" hội nghị G20 ở Hàng Châu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.