|
Theo một số nhà khoa học, trục Thăng Long liền Ba Vì với Ba Đình chỉ nên có vì mục đích giao thông và quốc phòng. |
Ngày 22-4, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo góp ý kiến quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những vấn đề được các nhà khoa học quan tâm nhiều nhất là đặt Trung tâm hành chính quốc gia ở đâu?
GS.TS Nguyễn Trường Tiến - Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam - cho rằng không nên di dời Trung tâm hành chính lên Ba Vì, mà nên mở rộng trên cơ sở của tâm điểm Hoàng Thành Thăng Long. Cha ông ta xưa không phải ngẫu nhiên mà chọn Hồ Gươm là tâm, là “cái rốn” của Hà Nội. Hà Nội nên phát triển rộng ra từ tâm là Hồ Gươm.
Còn GS.TSKH Nguyễn Mại phân tích, theo quy hoạch trước đây, khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính của thành phố, quận Ba Đình và Tây Hồ là trung tâm hành chính Quốc gia. “Địa linh” là vùng đất tổ tiên ta lựa chọn làm kinh đô.
Ở đây đang xây dựng hai công trình khá hoành tráng là trụ sở và nhà làm việc của Quốc hội. So với khu vực Ba Vì, khu vực Ba Đình có ưu thế hơn nhiều về khả năng tiếp cận dễ dàng với các tuyến đường giao thông công cộng và sự kết nối với đường quốc lộ.
TS. Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng VN - đưa ra quan điểm: Đưa trung tâm hành chính quốc gia về Ba Vì sẽ càng làm xa dân!
Về phương án trục Thăng Long nối liền Ba Vì với Ba Đình như là một trục tâm linh, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng: Nên bỏ câu chuyện về trục tâm linh đi vì chưa hề được đề cập đến trong quá khứ và hiện nay, mà “chỉ là tín điều của vài người giàu óc tưởng tượng đem ra giới thiệu với tư vấn nước ngoài”.
GS.TS Nguyễn Trường Tiến đồng tình với quan điểm này và khẳng định: “Trục tâm linh là ý tưởng quá vớ vẩn và lãng mạn”.
Ngoài ra, theo TS. Phạm Sỹ Liêm, việc phát triển các trục trung tâm, trục hướng tâm và trục phụ trong bản quy hoạch chung thiếu giải thích rõ ràng ý tưởng và mục tiêu, thiếu cách tiếp cận hệ thống, gắn kết với hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại của toàn Hà Nội. Trục Thăng Long chỉ nên có vì mục đích giao thông và quốc phòng.
Thanh Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.