Ngày 10/10, Thành ủy Hà Nội, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm phong trào thi đua Người tốt, việc tốt (1992-2022), vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022 cho 10 cá nhân (Ảnh: Viết Thành).
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay, với sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, 30 năm qua, phong trào thi đua Người tốt, việc tốt của TP được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo nhân dân Thủ đô.
Đặc biệt, trong 2 năm qua, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, phong trào thi đua yêu nước nói chung, phong trào thi đua Người tốt, việc tốt nói riêng của Thủ đô như được nhân lên.
"30 năm qua, phong trào người tốt, việc tốt của Thủ đô Hà Nội đã trở thành nếp sống văn hóa, bản sắc riêng của mảnh đất ngàn năm văn hiến", Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
Đến nay, Hà Nội đã có gần 30.000 cá nhân được tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt", 119 cá nhân có đóng góp tích cực, tiêu biểu trên các lĩnh vực được tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo TP.Hà Nội tiếp tục tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" cho 747 cá nhân; tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" cho 10 cá nhân tiêu biểu, trong đó có Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Thước (96 tuổi), Hội viên Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) và PGS.TS Bùi Thị An (79 tuổi), Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội.
Theo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ Hà Nội), Trung tướng Nguyễn Quốc Thước là người có nhiều đóng góp trong xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, Chế độ xã hội chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch. Ông cũng tích cực tham gia xây dựng địa phương, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; sống mẫu mực, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, tín nhiệm, có uy tín cao, lan tỏa trong nhân dân.
Trung tướng Thước đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng 3 bằng khen; được UBND TP tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt"…
Sau khi nghỉ chế độ, ông luôn tâm huyết trong xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch.
Về PGS.TS Bùi Thị An, trên cương vị là đại biểu HĐND TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2004-2011) và ĐBQH khóa XIII (2011-2016), bà đã phát huy hết khả năng của mình, đóng góp nhiều ý kiến với HĐND TP Hà Nội, Quốc hội tại các phiên họp. Sau khi nghỉ hưu, bà liên tục tham gia chủ trì và thực hiện nhiều đề tài, dự án về tài nguyên, môi trường đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường nước các hồ ở Hà Nội...
8 cá nhân khác được trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022 gồm có:
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu (thế danh Vũ Đức Chính), Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.
Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, sinh năm 1974:
Ông Nguyễn Ngọc Hoài, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam; Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Marie Curie;
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quang Phùng (Quang Phùng), Hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; Vận động viên Đinh Phương Thành, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội,
Trung tá Phạm Như Trường, Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.