Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiệm vụ, quyền hạn gì theo quy định mới?

PVCT Thứ năm, ngày 23/09/2021 14:31 PM (GMT+7)
Theo Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị, khi cần thiết Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp làm việc với cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bình luận 0

Như Dân Việt thông tin, mới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 32 –QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo). Quy định số 32 –QĐ/TW thay thế cho Quy định số 211- QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII.

Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiệm vụ, quyền hạn gì theo quy định mới? - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại phiên họp thứ 20 (ngày 5/8/2021) của Ban Chỉ đạo. Ảnh Ban Nội chính Trung ương

Về nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ đạo, theo Quy định số 32: Trưởng Ban lãnh đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo; Chủ trì, định hướng thảo luận, kết luận các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo.

Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiệm vụ, quyền hạn gì theo quy định mới? - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo diễn ra ngày 5/8/2021. Ảnh Ban Nội chính Trung ương

Khi cần thiết, Trưởng Ban Chỉ đạo trực tiếp làm việc với cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp không họp được Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo, trực tiếp quyết định và chỉ đạo thực hiện một số công việc cần thiết để đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác, chịu trách nhiệm về quyết đinh của mình và báo cáo Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tại phiên họp gần nhất.

Ngoài ra Trưởng Ban Chỉ đạo còn quyết định những vấn đề khác liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động của Ban Chỉ đạo. Đây là nội dung mới được bổ sung so với quy định cũ. Nội dung bổ sung này có tính chất "mở" để bao quát những vấn đề liên quan đến hoạt động của Ban Chỉ đạo, cũng giúp cho Trưởng Ban chủ động, linh hoạt hơn trong công tác.

Về nhiệm vụ và quyền hạn của Thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Thường trực, Phó Trưởng ban, Thường trực Ban Chỉ đạo (gồm Trưởng ban và các Phó Trưởng ban), Quy định số 32, cơ bản mang tính chất kế thừa quy định cũ.

Về chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo, ngoài những nội dung được kế thừa quy định cũ, Quy định số 32 đã bổ sung nội dung: Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, Trưởng ban quyết định triệu tập các phiên họp, cuộc họp bất thường của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo. Còn theo Quy định cũ: Căn cứ vào thực tiễn của công việc, Trưởng Ban quyết định triệu tập các cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.

Về chế độ làm việc, một nội dung mới được bổ sung, đó là: Trong thời gian Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo không họp, nếu có vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo cần phải giải quyết khẩn trương, kịp thời, Cơ quan Thường trực (Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo) có trách nhiệm gửi văn bản xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo và tổng hợp, báo cáo Trưởng ban xem xét, quyết định; đồng thời thông báo kết quả tới các thành viên Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo.

Năm 2013, Bộ Chính trị khóa XI đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị và ban hành Quy định số 163 -QĐ/TW năm 2013, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo. Năm 2019, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Quy định số 211 -QĐ/TW để thay thế cho Quy định số 163. Đến nay, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Quy định số 32 thay cho Quy định 211, trong đó tên gọi được bổ sung thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem