Đỉnh Phia Jạ cao nhất huyện Bảo Lâm, xấp xỉ 2.000m, quanh năm mây phủ, đứng từ xa tưởng như chỉ có mây và gió, nhưng giữa gió và mây ấy vẫn có những xóm, bản của người Mông, Dao, Lô Lô… Năm 2012, Trường Mầm non Thái Sơn được thành lập, về mặt cơ cấu đã hoàn chỉnh các cấp giáo dục ở một trong những điểm khó khăn nhất huyện, nhưng thực tế thì đứa con út, hoặc như nhiều người nói vui “con thêm” ra đời cứ như sự nhỡ nhàng không mong muốn.
Trường học 24m2Đại bản doanh của Trường Mầm non xã Thái Sơn là một phòng tạm do dân bản dựng rộng 24m2, nằm hẳn phía sau Trường THCS xã Thái Sơn trên thửa đất rộng chừng 100m2, giáp vách núi chia làm 3 lớp. Không có ván, các thầy cô huy động dân lấy giát tre bưng tạm, 2 năm nay ở Bảo Lâm tre nứa bị khuy (nở hoa), xốp ộp, mới được nửa năm mà mọt “không tả được” mỗi buổi gió, bụi mọt bay “không mở được mắt”. Cô giáo Lương Thị Mười cười nói với chúng tôi: “Ở đây chúng em thiếu bụi phấn mà thừa bụi… mọt, sau mỗi buổi học là tóc, quần áo cô trò đều chuyển màu bụi… lãng mạn lắm”.
Giờ học của lớp 5 tuổi tại điểm trung tâm Trường Mầm non Thái Sơn.
Năm nay cô Đinh Thị Cúc- Hiệu trưởng nhà trường khoe cơ sở hạ tầng nhà trường có tiến bộ so với năm trước, sự tiến bộ ấy là cái nền xi măng. Nhân dịp doanh nghiệp làm sân cho trường anh chị, các cô giáo “vận động” được ít xi măng, cát, lát cái nền đất cho 3 phòng học. “Tụi trẻ đỡ vày đất trong giờ học, vệ sinh hơn nhiều…”- cô Cúc bảo.
Tới đây cái nhà trường rộng 24m
2 ấy cũng sẽ không còn, xã mượn dân miếng đất để trường mầm non về đóng tạm, “ngôi trường” dù xác sơ cũng phải trả lại cho trường cũ. Kinh phí làm trường mới chưa có, vận động dân mãi cũng không được. Chuyển đến các cô giáo khoản tiền gúp đỡ cô trò mà ông Dương Đức Nguyện - Phó Tổng biên tập Báo NTNN buồn rười rượi. Khoản tiền đóng góp của Đoàn thanh niên phòng Dịch vụ Ngân hàng điện tử VietinBank và công nhân xưởng in của Báo NTNN chỉ đủ mua khung gỗ, tái tạo lại “ngôi trường 24m2”, mà chắc sẽ kém hơn bởi thua cái nền xi măng.
Người thầy và những cô giáoThầy Nông Văn Long- giáo viên mầm non nam của duy nhất của trường cũng là duy nhất của huyện Bảo Lâm giờ đã có 2 năm trong nghề. Hai năm trước, tôi có may mắn đi cùng thầy lên nhận lớp ở bản Sán Xáy - bản xa nhất của xã. Cũng vì quá xa mà bao năm Sán Xáy không nhận bố trí được giáo viên mầm non để mở lớp. Phòng Giáo dục tính phương án “đột phá” chọn giáo viên nam mở lớp mầm non ở Sán Xáy, thầy Long được chọn để làm thực hiện bước đi đột phá ấy.
Buổi lên lớp đầu tiên của thầy Long có đến cả trăm người hồi hộp- cả thầy, các đồng nghiệp và dân bản. Nghe có giáo viên mầm non về mở lớp, ai cũng mừng rồi lo vì là… thầy giáo, rồi xúm đến xem thầy giáo Tày dỗ trẻ. Tiếng Mông thầy chưa rành, hơn 20 đứa trẻ “bị” bố mẹ lần đầu tiên “thả” vào lớp học, ngơ ngác quanh thầy giáo, cũng lần đầu tiên đứng lớp. Một cháu khóc rồi 3 cháu cùng khóc, trong trời lạnh mà chúng tôi thấy rõ từng giọt mồ hôi trên trán thầy. Thầy Long bế 2 cháu trên tay, một cháu trên đùi… nựng, lần lượt từng cháu nín, các thầy cô thở phào, mấy bà mẹ xuýt xoa “ui cái thầy giáo khéo quá”.
Bụi mọt dày đặc trên vách lớp học.
Gặp lại thầy Long, thấy thầy “già” đi nhiều, nhưng vẫn hát hay múa dẻo, thầy bảo: “Em đã chọn đúng nghề”. Nơi chót cùng, xa xôi và gian khó nhất vùng lưng núi Phia Jạ 2 năm qua đã ổn ở hệ mầm non, dù thầy Long ngã xe nhiều không đếm hết nhưng “may lắm chưa rách hay gãy cái gì”- thầy Long nói.
Hai năm trước, tôi từng đi dọc tuyến 4 điểm trường Khau Dề, Bản Là, Bản Lìn, Sán Xáy bằng xe máy mà không ngã lần nào, các thầy cô vỗ tay phong “anh hùng”. Thú thực nghĩ lại chặng đường mà ớn, tuyến đường đất dài hơn 50km, rộng chừng nửa mét, như con rắn trườn bên mép vực, đi xe lúc nào cũng co chân sẵn sàng đạp bỏ xe lao mà nhào vào vách núi. Hỏi các cô giáo “tớ là anh hùng thì các cô là gì”, mấy cô giáo nhìn nhau buồn thiu, một cô nói “chúng em… quen rồi, với lại việc nó phải thế”.
Hồi đầu năm học, cô giáo Nguyễn Thị Trang - giáo viên mầm non ở điểm trường Bản Là ngã nhào xuống vực, rách te tua… đứng khóc một tý rồi nhờ dân bản kéo xe lên… đi tiếp. Lúc mới thành lập trường vào tháng 10.1012, cô Cúc - Hiệu trưởng cùng cô Nguyễn Thị Đường - Hiệu phó đưa cô giáo Nông Thị Hồng vào nhận lớp ở bản Lũng Là, đường dốc trơn thi nhau ngã, đến lúc cùng ngã, hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên mới cùng nhau đứng khóc giữa đường. Sau những chuyến đi xe máy để ngã lên ngã xuống phần lớn các cô có kinh nghiệm hơn để… không đi xe nữa. Họp hành hay có việc gì thì đi nhờ xe hoặc đi bộ, gần nửa ngày, xa cả ngày thong thả bước.
Mơ về một… khu lều trung tâm
Ngày 16.11, Báo NTNN phối hợp với Chi đoàn thanh niên phòng Dịch vụ điện tử Ngân hàng VietinBank trao cho trường mầm non xã Thái Sơn hơn 100kg gạo, thực phẩm, sách vở cùng khoản tiền 21 triệu đồng từ đóng góp của các đoàn viên NH và công nhân xưởng in Báo NTNN.
|
Cô Cúc tâm sự: “Trước chưa tách trường, thôi thì mọi việc còn dựa vào hệ trên, nay tách ra thành tay trắng, nhiều khi cứ thấy tủi tủi …”. Cô cho biết đất dự kiến chuyển đến vẫn là đi mượn, còn việc xây trường mới thì cô cũng chịu, không thể biết được đến bao giờ. Chứng kiến trường học của các cô, anh Lê Việt Hưng - Phó phòng Dịch vụ Ngân hàng điện tử VietinBank sốc thực sự: “Không hiểu tại sao lại có cái cảnh trường lớp, dạy và học như vậy được”.
Hơn một năm vào làm hiệu phó của nhà trường, “thon thả” đi 4-5 ký, đến giờ cô Nguyễn Thị Đường đã thực sự “ngấm đòn”. Tới đây khi cô Cúc - Hiệu trưởng không thể đi bản được, cái sự chị kéo em đẩy xe mỗi khi quá khó không còn, cô nói thực: “đành bỏ xe mà đi bộ thôi, mà đi bộ thì tháng không thể đi kín vòng các bản được”. Chuyện trường sở, cô không dám mơ lớn chỉ mong “giáo viên ở các bản về có chỗ trú lại, họp hành, ngủ qua đêm. Trường xây, chắc mơ xa quá, chỉ dám mơ trường trung tâm có một khu lều kín gió, chắc chắc một chút cho chị em là mừng rồi”.
Xuân Trường (Xuân Trường)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.