Truyện dự thi: Bến nước mười ba

Tạ Tư Vũ Thứ ba, ngày 06/07/2021 06:25 AM (GMT+7)
Sương nhẹ nhàng đổ vào cái hộp nhỏ trong lồng chim những con sâu nhung nhúc. Con chim chào mào trong lồng nhảy loạn xạ rồi mạnh dạn đậu lên bàn tay Sương đang đưa vào lồng như chào ngày mới với Sương.
Bình luận 0

Bao nhiêu năm nay vẫn vậy, một ngày của Sương bắt đầu bằng việc chăm nom chú chào mào, rồi sau đó, Sương thắp hương cho chồng. Mọi việc xong xuôi, Sương sẽ pha trà cho bà Năm, mẹ chồng của mình và nấu bữa ăn cả ngày cho cả nhà. Nhà chỉ còn ba người đàn bà. Sương, bà Năm và chị chồng là Liễu. Ngày bà Năm dẫn Sương về làm dâu ở cái xứ thăm thẳm mịt mùng này, Liễu chỉ nhìn mặt Sương rồi gọn lỏn:

- Tướng này sát phu…

Sau lời phán nhanh như gió thoảng, Liễu quăng luôn cục lơ đầy mặc kệ với Sương. Cứ mỗi trưa gay gắt nắng, Liễu cùng cái chân tật nguyền của mình cà nhắc ra ngồi ở bến sông sau nhà, nơi Sương đang ngồi giặt đồ. Liễu nhìn Sương hậm hực rồi bỏ đi. Sương ngẩn ngơ. Bà Tư Mù U gần nhà nhìn Sương rồi chặc lưỡi.

- Kệ nó đi con, gái xóm này chồng con ráo trọi, chỉ còn mình nó hổng ai thèm nhìn nên nó như vậy đó.

Sương chỉ khẽ cười rồi vặn cái quần con màu cánh sen của chồng. Nước cùng xà bông chảy giọt xuống sông. Tư Mù U nhìn Sương rồi chặc lưỡi:

- Tội nghiệp mày Sương ơi... về đây chi vậy con!

Truyện dự thi: Bến nước mười ba - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa truyện dự thi: "Bến nước mười ba". (Ảnh sưu tầm)

Sương chẳng biết ba mẹ mình là ai. Chỉ biết sư cô nói với Sương rằng bà nhặt được Sương. Ngày bà bồng Sương trên tay, dây rốn còn lòng thòng. Sư nói với Sương, nếu bà gặp Sương trễ thêm chút nữa, có lẽ Sương đã làm mồi cho đám chó dữ chạy rông trong xóm. May nhờ Phật độ.

Bà Năm lên Sài Gòn mần vợ cho thằng Út Thờn Bơn. Nhưng chỉ sau một buổi nói chuyện với nhà người ta, cha của cô gái đã thẳng thừng với bà Năm:

- Bà cầm tiền về đi, con tôi ở vậy cũng được. Nói thiệt, nhìn con bà là tôi biết mà. Con gái tôi về dưới làm dâu chắc cũng như không. Thôi, nghỉ chơi.

Bà Năm hặm hực dẫn Út Thờn Bơn ra về. Gió từ kênh thổi mùi thối hoắc cả một vùng trời. Bà Năm nhìn con trai rồi chặc lưỡi:

- Thôi, để tao kiếm cho mày đám khác. Con gái sống ở con kênh này chỉ mang tổ bệnh cho cháu tao. Về.

Út Thờn Bơn cứ dửng dưng đi theo bà Năm. Út cũng chẳng thiết tha gì chuyện vợ con. Đối với Út, được trong vòng tay một con nhỏ nào đó chỉ tổ làm Út nổi da gà. Sống nơi mịt mù sông nước, nhưng Út Thờn Bơn vẫn hiểu rằng, nam nữ bình quyền. Ai cũng có quyền chọn được người mình muốn sống cùng. Mà cái xứ Nam mình cũng kỳ. Dựng vợ gả chồng thì cha mẹ cứ xông xồng xộc vào cốt chỉ để cho mình, chứ quan tâm chi hạnh phúc con cái. Út Thờn Bơn đâu muốn lấy vợ, nhưng bà Năm cứ than vắn thở dài chuyện cháu nội nối dõi. Chị Liễu thì coi như xong, chồng con cũng xa vời như một lời hứa. Còn chỉ mỗi Út Thờn Bơn. Đúng y như lời anh Chí Gia Súc thường nói với Út: "Vì là cha mẹ nên lúc nào cũng làm cha mẹ. Mình phải nghe theo thôi. Có bao giờ cha mẹ chịu sai đâu?". 

Út Thờn Bơn biết mình rất yêu anh Chí Gia Súc, không phải vì 25kg vàng anh đeo trên người. Đối với Út Thờn Bơn, vòng vàng trên người anh Chí Gia Súc không giá trị bằng con người anh. Ở nơi miệt thứ hẻo lánh quê Út, anh Chí Gia Súc còn ăn đứt hàng trăm tên diễn viên ở thành phố chỉ có tiếng mà không có miếng như Út biết. Cứ mỗi khi bàn tay của anh Chí Gia Súc nắm chặt bàn tay Út Thờn Bơn là Út rùng cả mình vì sung sướng. Anh Chí Gia Súc còn hứa với Út rằng, sẽ có lúc anh cho Út Thờn Bơn đủ tiền để phẫu thuật giống như nghệ sĩ Lâm Chí Khanh mà Út hâm mộ. Nghĩ đến những lúc như vậy, Út Thờn Bơn khẽ cười hạnh phúc:

- Mất vợ mà cười như trúng đề vậy mậy? Bà Năm vừa đi vừa quạu.

Út thôi cười, vừa đi vừa nhìn bà Năm rồi thở dài. Út Thờn Bơn quyết tâm rồi, Út sẽ cố lấy một con nhỏ nào đó bất kỳ như má muốn. Cố rặn giúp cho bà đứa cháu nội rồi Út sẽ bỏ mặc tất cả để sống cuộc đời của mình. Ai cũng chỉ sống được có một lần, không được là mình, không biết biến báo để tìm cuộc sống như mong muốn, chẳng phải phí công thở lắm sao. Cá thờn bơn còn biết đổi màu theo con nước nữa mà.

- Qua chùa này tao coi quẻ xong rồi mình về. Xứ gì mà nóng... - Bà Năm vừa chùi mồ hôi vừa nói với Út…

Cơ duyên đưa đẩy thế nào mà khi Sương vừa bưng ly trà ra cho Bà Năm trong lúc đợi Sư gieo quẻ cho bà, thì ánh mắt Bà Năm và Sương gặp nhau. Khi Sư thầy đang lần ngón tay bấm đốt thì bà Năm nhẹ nhàng để phong bao lấp đầy hai hào xẻng trên đĩa. Sư cô nhướng mày thì bà Năm bẽn lẽn cười hỏi thăm về Sương. Sau một hồi trò chuyện, bà Năm mới thở dài nói với Sư cô:

- Nhìn tượng Phật mưa nắng ngoài sân, con xót lắm!

Út Thờn Bơn đang hí hoáy nhắn tin với Chí Gia Súc dưới bóng cây sứ ngoài sân chùa. Tiếng bà Năm hối thúc Út vào xem mắt Sương. Út làu bàu:

- Gái chùa? Má tôi rảnh dữ....

Sau lời hứa sửa sang lại chùa cho Phật có mái che, cùng số tiền bà Năm lễ trước cho Sư, Sương cũng theo má con Út Thờn Bơn về làm dâu nhà mới...

***

Tin bà Năm sắm được vợ thành phố cho Út Thờn Bơn tạo ra sự kiện xôn xao ở khu xóm nhỏ heo hút miệt thứ. Từ chợ cho đến những quán cà phê cóc, ai ai cũng bàn tán xôn xao chuyện này. Ngày bà Năm làm đám rình rang ở sân nhà, Chí Gia Súc đã tặng nguyên con bò cho bà Năm làm món đãi khách. Ai cũng lác mắt trước sự chơi sộp hiếm hoi của Chí Gia Súc, chỉ có Tư Mù U thì dửng dưng:

- Chia tay còn cho quà, không chừng nghiệp chướng đó bây...

Sau buổi làm đám rình rang, Sương đã chính thức là gái có chồng. Điều làm Sương hạnh phúc nhất là Sương biết mình lần đầu tiên có một gia đình, thậm chí một người chồng, dù suốt ba tháng trời sống chung với nhau, Sương vẫn hồi hộp cho lần đầu tiên với Út Thờn Bơn. Cơm bưng nước rót cho mẹ chồng và chị chồng không làm Sương nề hà, vì suy cho cùng, được chăm sóc người thân của mình là vinh hạnh đối với Sương. Cứ mỗi lần Sương cùng bà Năm ra chợ, nhìn ánh mắt bà Năm hãnh diện với mọi người về Sương, Sương cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc, ít nhất là đối với một đứa bị vứt lăn lóc giữa trời như Sương.

Chỉ có điều làm Sương day dứt. Không biết Sương đã làm phật ý điều gì mà chồng Sương vẫn lạnh nhạt với Sương. Suốt một ngày, chồng Sương mãi đi theo Chí Gia Súc để thu mua trâu bò heo từ khắp nơi, tối mới về đến nhà. Nhiều lúc, chồng Sương nhìn Sương đang hâm lại thố cá kho cho mình mà thở dài. Sương biết hết, Sương nghe thấy hết. Sương biết rằng, yêu đương nhiều lúc phải như đôi dép, cứ tưởng vừa vặn lúc mới mua, nhưng phải mang lâu thì bàn chân kia với đôi dép mới thật sự là một cặp. Sương sẽ làm hết sức cho tròn dâu hiền vợ thảo, miễn sao Sương vẫn có một gia đình là Sương cảm thấy yên lòng.

Bà Năm ngày càng khó chịu. Đã một năm trôi qua nhưng con dâu bà vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Bà bực lắm, nhất là khi mỗi lần bà đi đâu đó thì lại nghe thiên hạ xì xầm chuyện con dâu bà mắc bệnh, nên tiệt đường con cái. Bà buồn bực, bà về tâm sự với Liễu, Liễu chỉ cười lạnh nhạt:

- Biết đâu như vậy lại may.

Bà Năm nghe vậy càng rầu thêm. Bà chẳng có điều gì để chê Sương được. Sương vẫn là con dâu nức tiếng thơm thảo, chịu thương chịu khó ở xứ này. Nhưng cả một năm rồi mà chẳng có biến chuyển, bà khó hiểu. Bà biết thằng Út Thờn Bơn không phải là đứa lêu lổng chơi bời, cho nên, không thể là nó được. Còn con Sương dù gì cũng là một đứa ất ơ được người ta lượm về nuôi, ba mẹ nó như thế nào thì ai biết được. Kiểu này, trách con trai mình có khi lại oan. Bà Năm hậm hực quầy quả đi ra bến nước. Sương đang ngồi giặt đồ thì nghe giọng bà Năm quát lên:

- Sương...

Sương khóc hết nước mắt phân trần với bà Năm. Suốt một năm qua, mỗi khi đêm về là y như rằng có một khoảng cách vô tận trên chiếc giường của vợ chồng Sương. Sương phập phồng một góc, chồng Sương thì xoay lưng góc kia ngáy rền. Giữa hai người chỉ là khoảng không mênh mông:

- Nhiều lúc con ước mình được như con chào mào anh Út đang nuôi. Ảnh thương nó còn hơn thương con.

Bà Năm khó hiểu. Bà tợp ngụm trà rồi nhìn xoáy sâu vào Sương:

- Hay là ngày nào đi chợ, mày cũng nghe thiên hạ nhiều chuyện về nó, rồi mày bóng gió với nó khiến nó tự ái chứ gì?

Sương giật nảy mình, nước mắt ngắn dài quơ tay phân bua:

- Dạ không, không hề có đâu má. Con chưa hề làm chồng con phật ý điều gì. Chỉ có một lần duy nhất cách đây mấy tháng... nhưng... chuyện đó...

Bà Năm nhướng mày… bà gằn giọng:

- Tao là mẹ chồng nhưng cũng có thể coi như mẹ ruột của mày, chuyện gì mày phải nói tao biết. Chuyện gì?

Sương cúi gằm mặt, ấp úng:

- Dạ, thưa má... Hôm đó con bị sốt, mà trời lại mưa suốt ngày, con không giặt đồ cho anh kịp. Tối đó…

Sương im lặng, bối rối. Bà Năm bực mình quát lên:

- Tối đó làm sao? Sương giật mình…

- Dạ… dạ… tối đó anh đi làm về, không còn quần lót để thay, con giật mình dậy thì thấy anh...

Bà Năm trân người, gương mặt ngờ ngợ. Sương cứ ấp úng… Bà Năm buông thõng:

- Nó đi tắm và bận quần lót của mày phải không?

Sương lí nhí:

- Dạ!

Chuyện này thì bà Năm tin Sương nói thật, vì đêm đó, bà Năm giật mình khi nghe tiếng Út Thờn Bơn huýt sáo với con chim chào mào. Bà dụi mắt mấy lần vì thấy con trai mình mới tắm vào, tồng ngồng với cái quần trong của con dâu.

- Rồi mày chửi nó, khiến nó giận phải không? - bà Năm nói lảng:

- Đồ cho anh thôi.

Bà Năm thở dài, ngồi thừ ra sau khi cho Sương lui để đi nấu cơm. Bà tư lự. Con Liễu thì tới lúc bà chết cũng chẳng biết ma nào chịu rước nó không. Con gái mà không tài, không sắc, lại còn tật nguyền thì chỉ có nước chơi lô tô với số phận. Bó tay. Còn thằng con Út Thờn Bơn thì bà biết chứ. Bà mẹ nào dù tệ như con cua lột xác đi nữa, thì cũng phải biết tâm tính con mình. 

Nếu bà cứ để hai đứa nó sống mặc ý, thì gia đình này tuyệt tự. Khó khăn lắm bà mới hốt con Sương về làm dâu nhà này. Thời thế nhiễu nhương, chẳng có con nào như con Sương đâu. Vì nó mồ côi, cần gia đình nên mới chịu về làm dâu bà, làm vợ thằng Út Thờn Bơn, chứ gặp mấy con khỉ gió khác, mẹ con bà chắc bị chúng nó nhìn nửa con mắt chứ đừng nói chuyện cưới xin. Bằng mọi cách phải giữ con Sương và hối thúc thằng Út, nhất là khi bà thấy thằng Dũng cử nhân gì đó chạy xe ôm đầu chợ cứ tìm cách làm quen với con Sương mỗi khi con dâu bà đi chợ… Miễn là có đứa cháu, xong xuôi rồi thì bà mới yên tâm. Đến lúc đó, tụi bây muốn gì tao cũng chiều hết. Nghĩ xong, bà Năm móc điện thoại, gọi cho Út Thờn Bơn:

- Nghe đây má - Út Thờn Bơn đang ngái ngủ trên giường nhà Chí Gia Súc.

- Tao muốn có cháu, năm nay tao không thấy tin gì từ vợ mày thì đất vườn tao bán rồi giao hết cho con Liễu, tao lên chùa ở. Tao sẽ từ luôn mày. - Gằn giọng xong, bà Năm cúp máy cái rụp. Y như đến hồi gây cấn của mấy phim hành động.

Út Thờn Bơn nghe má nói xong, mặt Út chán nản. Út quăng luôn cái điện thoại vào góc nhà. Chí Gia Súc đang mình trần, ngồi cộng sổ sách ở bàn, chẳng thèm nhìn Út Thờn Bơn, Chí Gia Súc ráo hoảnh:

- Tội nghiệp cưng. Ráng đi cưng, thời thế này không có tiền thì cạp đất mà ăn đó nha.

***

Sương cứ như người vô hồn. Những cơn đau âm ỉ ở bụng chỉ nắm lá ổi là Sương giải quyết xong, nhưng có những cơn đau vô hình khác thì làm Sương bối rối đến ngơ ngẩn. Từ buổi nói chuyện với mẹ chồng, Sương cảm thấy có điều gì đó nặng nề trong bụng dạ. Chị Liễu thì lạnh mặt với Sương, đôi lúc chị còn bóng gió nghiệp chướng gì đó. Dù Sương đã ra sức chăm sóc cho chị Liễu, nhưng dường như có điều gì đó sắt đá lắm đã lấp đầy những thiện cảm mà chị nên dành cho Sương, dù là nhỏ nhoi. Bà Năm thì khỏi phải nói. Bà hết đi chùa này đến chùa kia. Đêm về, Sương bóp vai cho bà và phải lắng nghe để thấu hiểu những họa phúc mà bà đang mong mỏi. 

Nhiều lúc Sương nhìn con chim chào mào đang nhảy nhót, véo von trong chiếc lồng tre. Chào mào nhìn Sương, ngoảnh đầu như muốn lắng nghe. Sương mỉm cười. Sương biết, điều quý giá nhất của cuộc sống suy cho cùng cũng chỉ là người thân và một mái ấm. Chẳng phải nhiều người đang bon chen với đời cũng chỉ để vun vén cho hai tiếng gia đình. Những thất bại của tình yêu, công việc, làm sao bất hạnh bằng hai tiếng mồ côi, nhất là khi mồ côi mà chưa chắc cha mẹ mình đã chết thì thật thảm hại. Sương nhớ lúc Sương hỏi sư cô về ba mẹ, sư cô chẳng buồn nhìn Sương, sư cô chỉ gọn lỏn: "Ai tốt với con, người đó là cha mẹ". 

Sương có một người mẹ, người chị và một người chồng ở đây, chẳng phải điều đó là đáng để Sương cảm ơn số phận hay sao. Tất cả họ chính là nguồn sống, chính là điều mà Sương bám víu để thương yêu. Chỉ có chăng là những điều mà Sương muốn nói, thì con chào mào chẳng trả lời được. Và một lần nữa, ông trời lại mang cho Sương một người bạn. Anh Dũng chạy xe ôm. Sương mông lung khi nghe những điều anh Dũng hay nói khi chở Sương từ chợ huyện về nhà.

- Vì đất đai của mẹ nên nó nên mới chịu cưới em? Trong triết học người ta gọi đó là cặp phạm trù động cơ và mục đích. Nói chung, khi người ta đạt được mục đích rồi thì hay trở mặt, anh lo đời em sẽ bị lên bờ xuống ruộng quá Sương ơi!

Sương nghe anh Dũng nói vậy, Sương mỉm cười vui sướng. Có lẽ từ lúc về nơi heo hút này làm dâu, Sương mới được nghe ai đó ngoài cô Tư Mù U nói lời quan tâm đến mình.

- Anh Dũng học cao, nói chuyện em hổng hiểu gì hết. - Sương trả lời trong tiếng gió thổi phần phật bên tai.

- Sương, anh nói lời thật lòng, ngày mới gặp em, anh thương em đứt ruột. Anh chỉ mong... - Dũng xe ôm ngập ngừng...

Sương đột nhiên hoảng sợ. Tay Sương thôi vịn chiếc áo gió phần phật trên người Dũng mà đưa ra nắm chặt ghi đông sau yên xe.

- Đừng… anh đừng nói nữa nghen. Em là gái đã có chồng. Ai nghe được thì oan cho em…

- Gái có chồng.? Chồng con mẹ gì. Em yên tâm, dù thế nào anh vẫn thương em, vẫn đợi chờ em. - Nói xong, Dũng rồ ga mạnh hơn.

Sương nghĩ hoài về những điều anh Dũng xe ôm nói. Dù nhiều lần Sương cố ý tránh mặt Dũng khi Sương ra chợ, nhưng Dũng vẫn dành cho Sương những ánh mắt nồng cháy. Dũng hỏi thăm Sương và lo lắng cho Sương đủ thứ chuyện mỗi khi anh gặp Sương.

Sương mỉm cười khi nhớ về Dũng, nhưng Sương biết mình không nên đèo bòng. Sương biết mình chỉ cần mái ấm như hiện có, cùng với con chào mào cứ nghiêng mặt lắng nghe mình là Sương cảm thấy đủ. Sương cười nhìn chú chào mào.

Bà Năm đi ngang qua nhìn Sương với con chào mào, bà lắc đầu lẩm bẩm:

- Con gây ra nghiệp gì vậy ông trời!

***

Sương nằm khép nép trong góc giường. Bộ váy ngủ màu đen, mỏng tang, ren tua tủa mà Út Thờn Bơn ném cho Sương bảo Sương bận vào làm Sương ngại ngùng. Hôm nay thật lạ, chồng Sương về sớm. Chồng còn gọi Sương nướng mấy con cút rồi mua hai xị rượu về uống. Sương lăng xăng làm ngay lập tức. Bà Năm tò mò hỏi Sương:

- Gì vậy?

Sương mỉm cười hạnh phúc:

- Anh Út tặng con bộ đồ. Anh kêu con nướng mấy con cút làm mồi ảnh nhậu.

- Nó nhậu với ai? Bà Năm tò mò:

- Dạ anh nhậu một mình, nhà trên đó má.

Bà Năm nhướng mắt nhìn lên nhà trên. Bà Thấy thằng Út Thờn Bơn đang cởi trần, cắm mặt vào xem cái gì đó trên điện thoại. Bà Năm độc thoại:

- Đêm hôm cởi trần ăn nhậu. Thằng này hôm nay lạ thiệt.

Sương lăng xăng mang đĩa cút lên cho chồng. Sương đỏ mặt khi thấy chồng đang chăm chú xem cảnh trai gái bậy bạ của mấy bộ phim đen trên màn hình điện thoại. Út Thờn Bơn ngẩng mặt nhìn Sương:

- Xem phim sex bao giờ chưa?

Sương lắc đầu quầy quậy, tay quýnh quáng xếp ngay ngắn dĩa cút, rót rượu cho chồng. Út Thờn Bơn vẫn nhìn Sương:

- Ngồi đây, nhậu chung, xem chung nè.

Sương lắc đầu ngầy nguậy, đứng đực ra góc bàn.

Út Thờn Bơn thôi nhìn Sương rối hất mặt vào phía giường.

 Sương lí nhí: 

- Dạ.

Sau tiếng dạ, Sương vào giường, bối rối cầm cái váy ngủ màu đen, mỏng tang lên nhìn. Gương mặt Sương đỏ lựng lên. Sương vụng về, bối rối bận vào cái váy ngủ chồng đưa. Sau lưng Sương, ngoài tấm ri đô là Út Thờn Bơn vẫn ngồi vừa uống rượu, vừa chăm chú vào màn hình điện thoại. Tiếng hú hét, rên rỉ của những nhân vật trong bộ phim kỳ cục kia cứ văng vẳng bên tai Sương.

Út Thờn Bơn nốc hết ly rượu cuối cùng. Trăng khuya sáng vằng vặc xuyên qua cửa sổ. Không gian trong căn phòng ngủ vợ chồng Sương bàng bạc màu ngà đầy u ám. Út Thờn Bơn đứng dậy đóng cửa sổ, căn phòng chỉ còn lại ánh sáng đỏ lờ mờ của bóng đèn trái ớt ngay ổ cắm. Út Thờn Bơn tay run run móc từ trong túi quần ra một bịch nhỏ màu trắng, đổ lên bàn, rồi Út hít lấy hít để. Út ngồi thừ ra, mắt nhìn thẳng vào giường nơi Sương đang nằm. Chừng một lúc, Út ngật ngưỡng đứng dậy, tiến vào giường.

Tấm ri đô được kéo xoạt qua một bên. Sương thấy chồng mình đang đứng ngây dại nhìn mình. Tim Sương đập loạn xạ. Sương sợ hãi. Út Thờn Bơn cứ đứng đó, mắt sòng sọc nhìn Sương. Rồi bất ngờ, Út Thờn Bơn lao vào Sương. Bàn tay Út quyết liệt xé toạt cái vảy mỏng tang Sương đang bận trên người. Hai tay Út như gọng kìm chụp lấy chân Sương. 

Sương đau đớn, kinh hãi nhìn chồng đang như con thú dữ vồ mồi. Sương cảm giác hồ như cơ thể mình bị xé ra từng mảnh. Sương quằn quại, nước mắt đầm đìa. Út chèn chặt cái gối vào mặt Sương. Sương đối diện với màn đen kinh hãi cùng hàng triệu nỗi đau như những mũi dao đang đâm nát vào xương thịt mình. Một màu đen đầy đau đớn bao trùm lấy Sương. Nỗi đau đớn Sương đang gánh chịu dường như kéo dài đến vô tận. Tiếng thở dốc dồn dập của chồng cứ như những nhịp kinh gọi hồn đầy ghê rợn. Đến một lúc, hai bàn tay Út Thờn Bơn bỗng nhiên bấu nghiến vào hông Sương tựa hồ như nát cả da thịt. Sương kiệt sức trong đau đớn. Màn đen sâu dần, sâu dần nặng trĩu đổ ập xuống người Sương. Sương không còn biết gì nữa. Mọi thứ im lặng đầy u ám.

Sương lờ đờ mở mắt. Cơ thể Sương vẫn còn đau đớn, tay chân rệu rã. Sương thấy mình đang nằm trong phòng mẹ chồng. Bà Tư Mù U đang ngồi gần Sương:

- Tỉnh rồi hả con. Con thấy trong người thế nào. - Tư Mù U lo lắng nhìn Sương.

Sương chỉ mấp máy như định hình mọi thứ. Tiếng con chim chào mào hú hét loạn xạ ngoài sân. Tư Mù U nhìn Sương chặc lưỡi thở dài:

- Hồi sáng cô thay đồ cho con. Nhìn người con y như người ta quết cá thác lác. Thứ gì ác ôn. - Nói xong, Tư Mù U nhìn ra ngoài cửa phòng.

- Chuyện gì vậy, thím Tư. - Sương thều thào. Tiếng bà Năm khóc than vật vã ở nhà trên. Tiếng bước chân người vào ra loạn xạ.

Tư Mù U nhìn ngó trước sau rồi thì thầm như đủ cho Sương nghe:

- Thằng Út Thờn Bơn chết rồi. Người ta nói là do nó sốc ma túy gì đó rồi đột quỵ Sương như rụng rời. Bà Tư Mù U nhìn Sương đầy trắc ẩn.

- Tao biết gì đâu. Mới sáng sớm, con Liễu gọi tao qua bận đồ cho mày. Tao chẳng hiểu, chạy qua thì thấy vợ chồng mày như mới đánh nhau. Trần truồng cả hai. Thằng Út Thờn Bơn thì sùi bọt mép, người lạnh ngắt.

Tư Mù U thoa dầu lên trán Sương. Nước mắt Sương chảy dài:

- Thứ gì đâu. Em trai thì chết. Em dâu thì bị hành hạ, vậy mà con Liễu nó cứ bình thản như âm binh. Thứ không cảm xúc như vậy ế là phải.

***

Thường từ lâu, người ta không còn nói nhiều về Út Thờn Bơn nữa mà thay vào đó, họ lại lo lắng cho nhau. Đằng nào thì thằng Út Thờn Bơn chết cũng vì ma túy. Chuyện to tát không phải là sự ra đi đột ngột của thằng Út Thờn Bơn hay chuyện nó chết vì má nó cố ép nó phải mần ra đứa cháu. Mà chuyện lớn là ma túy giờ đã len lỏi về tận xóm nghèo xứ Đất Mũi này. 

Chuyện người ta đánh nhau, hay chuyện có người nào đó trở chứng lang thang, nói nhảm hay trèo cột điện để múa ba lê là chuyện thường ngày. Ai sao mặc kệ, chỉ có mỗi Chí Gia Súc là vẫn làm ăn phát đạt. Chí Gia Súc giờ không chỉ thu mua trâu bò với giá cao nữa, mà cả heo gà vịt gì Chí Gia Súc cũng mua luôn. Người ta đồn rằng Chí Gia Súc giờ nổi tiếng không chỉ ở cái xứ heo hút này, mà đã lan ra tận cả nước. Ai hổng tin thì cứ mở mạng miếc gì đó là thấy Chí Gia Súc nổi ầm ầm, nhất là sau khi Chí Gia Súc đội cái nón kết làm bằng vàng, ngồi chễm chệ trên chiếc ghế bành cũng mạ vàng để chờ đàn em cân xong bò, heo rồi trả tiền ở vựa nhà mình. 

Chí Gia Súc không những nổi tiếng là tấm gương vượt khó điển hình của tỉnh nhà, mà còn bởi tấm lòng nhân hậu. Ngày mà Út Thờn Bơn mất, Chí Gia Súc xuất tiền lo hết cái đám ma cho Út Thờn Bơn. Rồi Chí Gia Súc còn xây nguyên một cái nhà mộ cẩn đá hoa cương to nhất xứ cho Út Thờn Bơn. Từ sau vụ nhà bà Năm, nhiều người cảnh giác hơn với nạn phê pha ma túy. Ai điên điên khùng khùng gì cũng bị nghi là ngáo. Chỉ trừ con Liễu con bà Năm. 

Từ ngày Út Thờn Bơn mất, con Liễu cũng trở chứng nặng. Nhiều lúc mưa giông gió giật, người ở xóm còn thấy con Liễu vừa đi cà nhắc vừa nói cười như diễn tuồng. Có lần, giữa trưa nắng, con Liễu chơi trò cô dâu, tổ ong bầu ngoài vườn, nó đốt luôn tổ ong để làm pháo cưới. Không nhờ mẹ Tư Mù U tả xung hữu đột lôi con Liễu nhảy xuống kênh, chắc giờ con Liễu đang ngồi đánh cờ tướng với thằng em nó ở đâu đó rồi. Sau vụ đó, Chí Gia Súc cho đàn em đưa con Liễu lên bệnh viện tỉnh chữa bệnh giúp bà Năm.

Trăng lên soi xuống vùng quê ánh sáng vằng vặc. Tiếng côn trùng nỉ non trong đêm tĩnh mịch. Bà Năm ngồi thẩn thờ bên ly trà nghi ngút khói mà Sương mới pha. Bên kia bàn là Chí Gia Súc. Rít xong điếu thuốc mùi vani thơm phức, Chí Gia Súc nhìn bà Năm vẻ khẩn khoản:

- Dì nghĩ coi. Dì cưới con Sương cho con thực chất là việc tốt chứ không tai tiếng gì như dì nghĩ đâu.

- Sao lại tốt? - Bà Năm nhìn Chí Gia Súc ngờ vực.

- Thứ nhất, dì gả chồng cho con Sương chứng tỏ dì biết nghĩ cho con dâu. Dì sẽ được tiếng là không vì chuyện Út Thờn Bơn mà ám cả hạnh phúc của nó. - Chí Gia Súc lăng xăng.

- Thứ hai. Ai cũng biết con Sương mồ côi. Dì vừa là mẹ chồng cũng như coi là mẹ đẻ. Dì không có cháu nội được, thì con cưới Sương, dì lại có cháu ngoại. Con đâu cần Sương làm dâu. Sương ở với dì cũng được. Con chỉ cần đứa con cho bà già thôi.

Nghe tới cháu, bà Năm sáng mắt lên. Bà đăm chiêu suy nghĩ những điều Chí Gia Súc vừa phân tích. Thực tế, bà đâu quan trọng chuyện tai tiếng gì nếu con Sương đồng ý đi bước nữa. Điều bà lo lắng là con Sương giờ là trụ cột trong căn nhà này. Không có nó thì bà với con Liễu sống làm sao?. Mấy năm nay bà ra sức cấm đoán chuyện thằng Dũng xe ôm cưa cẩm con Sương cũng là vì lý do này. Cũng may con Sương biết nghe lời và đàng hoàng, nên bà cũng yên tâm, nó mà trở chứng rửng mỡ thì bà cũng chịu. Nhiều lúc bà nhìn thấy con Sương cực khổ, bươn chải để lo cho bà và con Liễu, bà cũng thấy tội nó. Nhưng nghĩ lại cảnh vì nó mà thằng Út Thờn Bơn chết, bà lại điên tiết. Dễ gì bà cho lại căn nhà và hai mẹ con bà vất vưởng được. Nhưng giờ nếu bà gả con Sương cho thằng Chí Gia Súc thì ngoài chuyện bà được tiếng như thằng Chí Gia Súc vừa nói, bà vẫn còn con Sương mà còn được tiền và có cháu nữa. Bà Năm ngồi im tính toán.

- Dì cứ suy nghĩ. Còn đây... Chí Gia Súc đẩy phong bì qua phía bà Năm rồi mỉm cười. - Con gửi dì 50 triệu coi như là tiền dạm ngõ. Dì cứ dùng để lo cho mình hoặc em Liễu. - Nói xong Chí Gia Súc chặc lưỡi. - Con cũng nghĩ đến em Liễu, nhưng dì biết đó. Em nó không may tật nguyền. Con có lòng rồi đó, nhưng nếu lỡ sinh ra đứa con cũng tật nguyền thì khổ cho nhiều phía. - Chí Gia Súc rít thuốc rồi nói tiếp. - Con Sương thì ai cũng biết rồi. Đành vậy thôi. Vả lại con cũng chấp nhận ở rể mà. Dì có mất gì đâu. Dì cứ suy nghĩ nhé…

Nói xong, Chí Gia Súc kín đáo ra về. Bà Năm ngồi thừ với bọc tiền trên bàn. Vẻ mặt bà dãn ra.

Con chim chào mào thôi đậu trên tay Sương mà nhảy nhót trong lồng dưới nắng sớm. Sương mỉm cười đóng cửa lồng, rồi Sương cắm bó hoa cúc vàng tươi vào bình ở mộ Út Thờn Bơn. Đã mấy năm trôi qua rồi mà nỗi đau trong lòng Sương vẫn chưa nguôi. Sương cảm thấy mình có lỗi gì đó với chồng, dù lỗi gì thì cô chưa định hình được. 

Nhiều lúc, chị Liễu nhìn Sương rồi mỉm cười sằng sặc nói "sát phu, sát phu" khiến lòng Sương đau như dao cắt. Bà Năm thì thẫn thờ mỗi ngày, đôi lúc bà chửi rủa Sương thậm tệ chỉ vì Sương lỡ ho khan không phải lúc. Sương chấp nhận hết. Sương hiểu rằng, nỗi đau mất người thân là điều mà nhiều người dù đã tính trước, nhưng vẫn đau đớn tột cùng. Huống gì là đột ngột như sự ra đi của chồng Sương. Sương sống lầm lũi với mình mỗi ngày, và Sương dồn hết sự tận tụy, thủy chung của mình cho mẹ và chị. Dù gì, Sương cũng còn mỗi hai người thân này trong cuộc đời. Thỉnh thoảng, Sương lại đem quần áo còn sót lại của chồng mình ra bến sông để giặt. 

Sương chẳng biết điều đó có phải là do mình nhớ chồng hay không. Sương chỉ biết rằng, mình đã từng có chồng. Một ngày nên duyên thì trọn đời nên nghĩa. Nhiều lúc, anh Dũng hay nói những lời thiết tha với Sương. Anh lo lắng cho Sương nhiều lắm. Có lúc, anh Dũng còn nhét vội vào giỏ đi chợ của Sương thuốc này, thuốc kia để Sương tẩm bổ. Mỗi lần như vậy, Sương đều đem đống thuốc ra mộ chồng để kể lại cho chồng biết. Xong xuôi, Sương đem đổ hết xuống sông. Người đàng hoàng, thì phải đàng hoàng từ tâm. Sương không mơ tưởng gì đến bóng hình nào khác. Đôi lúc, Sương có thổ lộ chút ít cuộc sống của mình với anh Dũng, chỉ điều đó thôi là quá lắm với Sương rồi. Dù sao thì con chim chào mào cũng đâu biết nói. Tiếng bà Năm gọi làm Sương giật mình.

Bà Năm ngồi uy nghi ở cái bàn trước tủ thờ gia tiên. Sương đứng khép nép một góc. Bà Năm tợp xong ngụm trà rồi nhìn Sương.

- Ngày má về làm vợ ba mày, má đã được dạy là thân gái mười hai bến nước. Về nhà chồng, trong nhờ đục chịu chứ không được phép lựa chọn gì cả, không được sống hỗn hào hay bậy bạ gì được. Hồi đó, mẹ chồng má nghiêm khắc và phong kiến, không như má đâu.

Sương vẫn đứng khép nép. Lòng Sương mơ hồ chuyện hệ trọng gì đó mà mẹ chồng sắp tâm sự với mình.

- Từ ngày con về làm dâu nhà này, má luôn suy nghĩ về hạnh phúc của con. Chuyện thằng Út qua rồi. Má lo cho tương lai của con. Má quyết định sẽ làm mai cho con.

Sương nghe mà giật mình như sét đánh ngang tai. Sương run rẩy, lắp bắp…

- Má, má, con làm sai điều gì má cứ trách. Đừng đuổi con đi. - Nước mắt Sương bắt đầu lã chã.

Bà Năm hớp ngụm trà rồi mỉm cười nhìn Sương:

- Tao có đuổi mày đi đâu. Mày lấy chồng nhưng vẫn ở đây hầu hạ má mà.

Sương nghe xong bối rối. Hai tay Sương vần vò viền áo. Bà Năm nhìn Sương vậy, mỉm cười tiếp lời:

- Dù sao con và thằng Út cũng chưa làm hôn thú. Chuyện này càng dễ. Má lo cho mày nên má mới tính như vậy. - Bà Năm đắc thắng, đủng đỉnh.

- Con cảm ơn má. Nhưng, nếu má cho phép con lấy chồng, con sẽ chỉ lấy người con muốn.Thật sự, giờ con chỉ muốn ở đây với má, chứ không muốn cưới chồng nào nữa. - Sương lí nhí…

Vừa nghe xong, bà Năm dần phừng phừng cơn giận. Có lẽ sau bao năm Sương làm dâu nhà bà, đây là lần đầu tiên Sương dám nói trái ý bà. Bà Năm bực quá, quăng cái ly uống trà vào góc nhà. Bà đứng phắt dậy, chỉ thẳng tay vào mặt Sương. Mắt bà trợn lên.

- Tao mới nói với mày thế nào? Thân gái mười hai bến nước. Tao chọn chồng cho mày sướng tấm thân để mày dám cãi lời tao hả?. Tao chọn hay mày chọn?. - bà Năm hùng hổ, Sương rúm ró người, nép hẳn vào tủ thờ…

***

Truyện dự thi: Bến nước mười ba - Ảnh 2.

Hình ảnh minh họa truyện dự thi: Bến nước mười ba. (Ảnh: Sưu tầm)

Chỉ trong một lúc mà người dân ở xứ đìu hiu Đất Mũi này bị chấn động bởi hai tin thiệt sốc. Đầu tiên, đó là chuyện của Chí Gia Súc. Một ngày kia, công an ở đâu tràn về xóm nhỏ nhà Chí Gia Súc. Cảnh sát trang bị súng ống hầm hố, xe đặc chủng to đùng được chặn tứ phía ra vào. Đến lúc chính quyền ập vào nhà bắt Chí Gia Súc, người ta mới vỡ lẽ, Chí Gia Súc là đầu nậu buôn ma túy mấy năm nay. Nhiều người hết hồn về mưu mô của Chí Gia Súc. Hồi giờ ai cũng tưởng tên này mua trâu bò để thịt đi bán lại cho các chợ đầu mối. Ai ngờ, Chí Gia Súc bán thịt trâu bò thì ít, mà nó dùng bộ lòng trâu bò chết để nhét các gói ma túy như cục gạch vào để ngụy trang đi giao hàng thì nhiều. Hèn gì mà không ai cạnh tranh nổi với thằng Chí Gia Súc trong việc mua trâu bò. 

Nhiều người cho rằng, có lẽ nhờ vậy mà ở cái xứ Đất Mũi này giờ tràn lan ma túy. Bọn nghiện che giấu và hỗ trợ Chí Gia Súc buôn bán thứ chết người này, nên mãi đến giờ Chí Gia Súc mới bị bắt. Mà dù bị bắt rồi, thì "di sản" mà thằng Chí Gia Súc để lại là hàng loạt con nghiện đang lang thang khắp xứ Đất Mũi để sống bậy tìm tiền để thỏa. Hèn gì mà Chí Gia Súc có nhiều tiền như vậy. Nhiều người chặc lưỡi, bán ma túy mà đeo mấy chục ký vàng lên người để khoe, đúng là thằng đó vừa ác vừa ngu như gia súc.

Khi mà dư chấn vụ thằng Chí Gia Súc còn chưa kịp qua, thì người dân xứ Đất Mũi, nhất là khu xóm chợ huyện lại choáng váng vì tin khác, mà tin này đúng là cực sốc: Con Sương dâu nhà bà Năm có bầu. Trước đó, nhiều bà ngồi chụm lại với nhau tán dóc. Có bà cảm thấy nghi nghi khi mỗi lần thấy con Sương ra chợ, thì tay nó cố che cái bụng lúp xúp rồi. Mãi đến khi bà Năm tuyên bố với mọi người là từ con dâu sau khi dần nó một trận roi mây và đuổi đi, người ta mới chắc chắn chuyện chửa hoang của con Sương. 

Bà Năm còn tuyên bố, con Sương quen ai, bà sẵn sàng gả ngay vì bà không muốn vì chuyện thằng Út Thờn Bơn mà chốt hạ luôn tương lai của con dâu mình, như thế là ích kỷ. Tuy nhiên, bà chỉ muốn cưới xin đàng hoàng, chứ không phải lén lút gặp nhau làm chuyện đã rồi để ép bà. Nhiều người đồng tình với ý kiến bà Năm và khen bà. Có người thì lại tiếc về Sài Gòn, thì thằng Dũng cử nhân cử nhiếc chạy xe ôm cũng biến mất dạng. Mà tin con Sương lại sống dai hơn tin của Chí Gia Súc. Nhiều ngươi như mụ Tư Mù U, tiếc cho thằng trời đánh Chí Gia Súc thì ít, mà thương tiếc cho con nhỏ Sương hiền lành thì nhiều. Như hôm qua, mụ Tư Mù U lấy tay quẹt nước mắt rồi đáp: "Tao vẫn thương con Sương".

Bà Năm ngồi đờ đẫn trong căn nhà vàng ánh điện mù mù. Liễu thì ngồi trên giường, ngắm mình trong gương, cười nói những câu ngơ ngẩn. Bà Năm nhớ lại, mới tối hôm qua. Một con nhỏ nào đó thập thò vào nhà gặp bà. Bà nhớ những câu nói của nó mà ớn lạnh.

- Bà nợ anh Chí Gia Súc 50 triệu. Con Sương có bầu với thằng khác, bà phải trả lại cho tôi. Hết tháng bà không trả, tôi sẽ tung tin bà bán con Sương với giá đó. - Nói xong, con nhỏ vọt lẹ cùng cái hẹn nó để lại cho bà.

Bà Năm thở dài rót trà. Bình trà không, chẳng còn một giọt. Bà Năm bực mình hét lên:

- Sương...

Liễu giật mình, quay đầu nhìn bà Năm rồi cô cười ré lên:

- Sát phu, sát phu. Có bầu, có bầu. - Nụ cười con Liễu cứ sằng sặc.

Bà Năm thừ người. Bà nhớ lại cái đêm kinh hoàng của bà và Sương. Bà nhớ bà lôi con Sương vào nhà, bảo nó lột hết đồ ra. Bà nhìn con dâu đang trần truồng trước mặt bà. Bà nhìn thấy cái bụng của Sương. Cái bụng tròn lẳng, nhô cao. Một cái bầu tầm 5 tháng. Bà điếng người. Bà chụp cái roi mây góc nhà quất túi bụi vào người Sương. Bà vừa quất vừa hét lên:

- Thằng nào, mày có bầu với thằng nào hả thứ con hoang. - Bà quất roi liên tục vào người Sương.

Sương đứng im cho bà Năm đánh. Máu chảy dài từ tay, từ ngực, và từ bụng theo từng cú roi quất của bà Năm.

Bà Năm vừa đánh vừa hét. Đánh xong, bà mệt quá, thở hồng hộc. Bà chạy vào giường Sương lôi cái ba lô ra và quẳng vào Sương. Mắt bà trợn trừng lên, bà chỉ tay vào mặt Sương:

- Đi, đi khỏi nhà tao gấp. Đồ chửa hoang.

Con chim chào mào nhảy loạn xạ trong lồng đêm. Bên dưới, Liễu đang dùng dây thun bắn chóc chóc lên lồng chim. Liễu vừa bắn vừa cười nói:

- Chửa hoang, chửa hoang...

Sau trận đánh đó, Sương bị đuổi ra khỏi nhà. Bà Năm chỉ biết Tư Mù U kể rằng, đêm đó, Tu Mù U gặp Sương với cái ba lô lê chân ra chợ như người sắp chết. Tay Sương ôm ba lô, tay ôm bụng bầu để tìm thằng Dũng xe ôm. Tư Mù U thương quá nên dúi cho Sương ít tiền để nó đón xe về chùa ở Sài Gòn.

Bà Năm nghe xong nhếch môi cười:

- Thứ đàn bà lăng loàn, chết tao cũng không tiếc.

***

Sương đờ đẫn ngồi ở quán nước trước chùa xưa. Sài Gòn về đêm nhộn nhạo, lung linh ánh đèn. Trước mặt Sương, bên kia đường, cổng chùa đã đóng. Ông Bảy Sầu Đời đem ly nước chanh ra cho Sương. Ông ngồi xuống nhìn Sương mỉm cười:

- Sao rồi con, nghe nói con đi lấy chồng mấy năm nay. Sống vui không con? Sương không trả lời, chỉ khẽ cười. Tay Sương xoa xoa bụng mình.

. Bảy Sầu Đời chắc lưỡi nhìn Sương:

- Chùa có gì thay đổi không chú? - Sương cố nhấp ly nước rồi hỏi như đánh trống lảng câu hỏi của Bảy Sầu Đời.

Bảy Sầu Đời gác chân, móc điều thuốc ra mồi. Đoạn, Bảy Sầu Đời ngẩng mặt lên phà ra ngụm khói thuốc.

- Năm con đi thì chính quyền cũng hỏi thăm chùa. Mấy vụ bói toán mê tín gì đó đổ bể. Dư luận làm căng lên. Bà sư cũng đi đâu biệt tích. Giờ có người khác về. Chú tưởng con biết rồi chứ. - Bảy Sầu Đời vừa trả lời vừa rít thuốc. Thôi, con ngồi chơi. - Nói xong, Bảy Sầu Đời vội đi bán nước cho khách mới vào.

Sương run rẩy kéo lại chiếc áo khoác. Những lằn roi vẫn còn nhức nhối trên cơ thể gầy gò của Sương. Nhưng những nỗi đau đó đâu sánh bằng những vết thương mà Sương liên tiếp gánh chịu trong lòng. Mẹ chồng Sương không cho Sương một lần có cơ hội được nói. Sương nhớ lại lúc mình lê lết ra chợ để gặp anh Dũng. Vừa mới gặp Sương, anh Dũng đã sầm mặt rồi nói như xua đuổi Sương.

- Thôi, tôi chở hàng cho Chín Gia Súc giờ liên lụy đủ khổ rồi. Cô đừng đem cái bầu ra đây để làm phiền tôi nữa. Cô đi đâu thì đi đi.

Nói xong Dũng xe ôm nổ máy vọt lẹ. Sương chơ vơ giữa khu chợ vắng. Sương như hóa đá trước ngã tư vàng vọt ánh đèn. Sương đau đớn ôm bụng, gục mặt bật khóc.

Sương nhìn qua cánh cổng chùa. Chẳng phải chùa là nơi để Sương có thể quay về sao. Nhưng giờ Sương phải ngồi nơi này, trước cánh cổng đã khóa. Sương hoang mang, rốt cuộc thì mình thuộc về nơi nào? Sương cảm giác như mọi thứ mình có hay đã từng có đều giống như một chút an ủi mà cuộc đời dành cho mình, một chút yêu thương, một chút hơi ấm, rồi mọi thứ lại nhanh chóng quay mặt với Sương. Cứ như Sương còn sống đã là điều may mắn nhất rồi. Phần còn lại, Sương chỉ minh họa thêm cho rõ ràng thôi.

Cơn đau lại kéo đến. Sương hai tay xoa bụng. Mặt Sương tái nhợt. Cơn đau dữ dội dần. Sương hoa mắt lên. Sương thấy mái chùa bên kia xoay vòng vòng, điên đảo, mọi thứ nhòa đi. Tiếng ông Bảy Sầu Đời vang lên ở đâu đó…

- Sương, Sương... trời... con sao vậy...

Mọi thứ quay cuồng cùng cơn đau quặn thắt… Ánh sáng chói lòa bất chợt từ đâu bừng lên trước mặt Sương như sấm chớp. Sương ngã vật ra.

***

Sương mở mắt. Một cảm giác lành lạnh xung quanh. Những âm thanh rì rào từ đâu đó. Sương nghiêng đầu nhìn quanh. Sương thấy một bóng áo trắng đang nhìn mình.

- Cô thấy trong người thế nào rồi?

Sương nhìn kỹ lại. Cảm giác đau đớn vẫn lởn vởn trong người Sương.

- Đây là bệnh viện. Người ta đưa cô vào đây tối qua. - Vị bác sĩ nhẹ nhàng đáp.

- Bệnh viện? - Sương hoảng hốt. Hai tay Sương bấu chặt vào giường. Vị bác sĩ nhìn Sương khẽ thở dài.

- Tôi muốn gặp người nhà cô.

Sương mấp máy môi. Mệt nhọc. Cơn đau lại kéo đến. Sương chỉ kịp thấy vị bác sĩ hoảng hốt, vội vàng làm gì đó. Mọi thứ mờ dần.

Tiếng chim chào mào hót. Tiếng roi mây đập vào da thịt Sương. Nụ cười ma quái của Liễu dành cho Sương cùng lời tru "sát phu, sát phu" cứ văng vẳng. Tiếng xe máy của anh Dũng nổ vội rồi ào đi… Sương bật tỉnh. Mồ hôi vã ra khắp người Sương…

Sương định hình nhìn lại. Sương thấy bảng tên của một cô y tá.

- Chị… bị… gì vậy em? - Sương thều thào một cách khó nhọc… Vẻ bối rối hiện lên trên gương mặt cô y tá trẻ măng.

- Em phải làm sao để liên lạc với người nhà của chị? - Cô y tá nhìn chằm chằm Sương. Cơn đau lại nổi dậy từ trong người Sương. Sương nhăn nhó, đau đớn.

- Chị mồ côi mà. Chị… bị bệnh… gì vậy em?

Cô y tá thở dài, vuốt mấy lọn tóc bung trên trán Sương, cô y tá trả lời thật chậm.

- Chị bị u nang buồng trứng ác tính. Sương hoang mang.

- Là... sao vậy? Không phải là có... bầu đúng không? - Sương căng thẳng.

- Không phải chị à. Là chị bị ung thư giai đoạn cuối rồi. Cho nên bụng chị trướng, dễ lầm là có thai thôi.

Sương thở hắt ra, rồi khẽ mỉm cười. Cô y tá đứng nhìn Sương chằm chằm.

- Sao đến giờ chị mới vào bệnh viện?. Hồi giờ chị không quan tâm sức khỏe mình sao? - Cô bé y tá hỏi dồn:

- Lúc đau bụng thì chị uống lá ổi non. Lâu rồi. - Sương trả lời nặng nhọc.

- Ai đánh chị vậy? Người chị toàn vết thương. Chị bị bạo hành đúng không? - Cô y tá nhìn thẳng mặt Sương.

- Chị sắp chết rồi phải không? - Sương nhìn cái quạt đang xoay mòng mòng trên trần nhà hỏi bâng quơ.

Cô y tá ngập ngừng:

- Sống có ý nghĩa mới khó, chứ chết thì có gì đáng sợ đâu chị.

Cơn đau lại trỗi dậy trong người Sương. Sương khẽ cựa mình. Cô y tá đang bơm thuốc vào ống tiêm.

- Chị biết không, mẹ em trước kia bệnh nặng. Bà sợ chết lắm. - Cô y tá vừa nói vừa lấy bông gòn thoa thoa cánh tay Sương. - Từ lúc ba tặng mẹ quả thận, mẹ sống tiếp. Rồi vài năm sau đó, ba em mất. Nhưng đối với mẹ cũng như cả gia đình thì ba chưa bao giờ mất. Nên em quyết sống có ý nghĩa như ba.

Sương nhói người lên vì cơn đau quặn xé bụng dưới mình. Sương dần dần hôn mê. Sương mở mắt. Dường như có sức nặng ngàn cân đang đè nặng lên người Sương. Trong cơn mê man, Sương thấy con chim chào mào bay vào phòng. Nó đậu trên thành giường, nghiêng ngiêng đầu nhìn Sương. Sương khẽ cười, đưa cánh tay về phía nó. Con chào mào không bay đậu lên cánh tay Sương như thường lệ, mà nó bay ra ngoài. Sương cố bước ra khỏi giường để đến bên con chào mào. Nhưng con chào mào lại bay lên cao nữa, rồi đậu tít trên cành cây phía xa nhìn Sương. Nó có vẻ như gọi Sương bay cùng với nó. Sương đứng nhìn chào mào mỉm cười: "Chị đâu biết bay".

Sương biết mình không nằm trong phòng cũ nữa. Sương không thấy cái cánh quạt quay mòng mòng trên đầu. Căn phòng chỉ có mỗi mình Sương và hàng đống dây nhợ. Dường như có một ngọn núi đang đè lên đường thở của Sương.

Cô y tá bước vào, gặp Sương đang mở mắt, cô vui cười:

- Bữa giờ ca em trực thì chị ngủ. Giờ mới thấy chị thức.

- Ba em còn sống? - Sương thều thào…

- Chị vẫn nhớ à? - Cô y tá trẻ reo lên với Sương.

Thêm một ngọn núi khác đè lên lồng ngực Sương. Mọi thứ như mờ mờ trước mắt Sương.

- Nếu em cho chị chọn cưới một ông vua nhưng sống cô đơn, hoặc cưới một nông dân nghèo nhất vương quốc nhưng sống bình thường. Chị sẽ chọn ai? - Cô y tá nói chuyện như cố làm Sương tỉnh táo.

Sương khẽ cười…

- Chị được... chọn? - Sương cố trả lời.

Cô y tá lật đật đo gì đó trên người Sương. Sương thấy như có đến năm ngọn núi trên lồng ngực teo tóp của mình. Phía xa xa trên trần nhà, Sương thấy con chim chào mào đang nhảy nhót.

- Chị... chọn... chị... muốn gặp... bác sĩ - Sương cố thều thào...

Cô y tá lộ vẻ hoảng hốt trên gương mặt. Cô vội ấn nút gì đó rồi chạy đi.

***

Bà Năm ngồi trong căn nhà như hoang tàn. Liễu lại lang thang đâu đó mất dạng. Bà Năm gương mặt u ám. Chỉ độ đâu một tuần nữa là con nhỏ của thằng Chính Gia Súc sẽ đến lầy tiền. Bà Năm thở dài. Xỏ dép, bà bước ra vườn nhà cho con chim chào mào ăn. Từ lúc bà đuổi con Sương đi, con chim cũng tắt tiếng hót. Bà Năm lụi cụi lột trái chuối trên đôi tay già khọm của bà. Bà run rẩy mở cửa lồng.

Tiếng Tư Mù U gọi bà ý ới. Bà Năm ngoái ra nhìn thì thấy Tư Mù U đang xồng xộc bước vào nhà. Sau lưng Tư Mù U là lố nhố người tay cầm cặp sách.

- Bà Năm, nhà báo xuống đây tìm bà sáng giờ nè. - Tư Mù U nói cho kịp thở. Một cô gái trẻ trung đến gật đầu chào bà Năm.

- Chào bà. Bà là mẹ của chị Thích Thị Sương?

Bà Năm giật mình khi cô gái nhắc tên Sương. Bà nhìn cô gái như dò hỏi. Bà chưa kịp trả lời thì tiếng Tư Mù U nhanh nhảu.

- Đúng rồi đó cô. Bà này là mẹ của Sương, y như địa chỉ cô cầm đó.

Bà Năm bực mình vì thái độ lanh chanh của Tư Mù U. Bà định đuổi Tư Mù U về thì cô gái tiếp lời.

- Tụi con đại diện cho tòa soạn, xuống đây gửi tiền bạn đọc ủng hộ chị Sương cho bà. - Cô gái mỉm cười nói với bà Năm.

Bà Năm nghe xong như có luồng điện chạy xẹt qua bên người.

- Mời... mời mấy cô cậu vào nhà. - Bà Năm quýnh quáng.

Bà Năm run run cầm những tờ báo viết về Sương. "Cô Tấm qua đời và cứu sống năm người nhờ hiến tạng". "Giấc mơ bất tử của cô gái mang họ Thích"… Cô phóng viên đưa bà Năm xem những tấm ảnh của Sương trong bệnh viện. Bà Năm cầm lên xem. Bà thấy một đám bác sĩ đứng vòng tay, cúi đầu bên cái xác Sương trên băng ca. Tấm khác, bà thấy những gia đình ôm nhau vui vầy vì ai đó được sống lại nhờ tim gan phổi gì đó mà con Sương hiến tặng như lời phóng viên giải thích. Cô phóng viên nhìn bà Năm rồi nhỏ nhẹ. - Những ngày cuối đời, chị Sương không viết nổi. Nói cũng khó khăn. Nhưng tụi con kịp ghi lại những điều chị Sương trăn trối. Nay con đưa lại cho bà. - Cô phóng viên đưa tờ giấy cho bà Năm. Bà Năm đôi mắt vô hồn..

- Mắt tôi kém, cô đọc giúp tôi...

Cô gái phóng viên nhìn bà Năm, rồi cô mở tờ giấy ra.

Thưa mẹ!

Hiện giờ người con rất đau. Con thở không được. Con biết mình không sống được nữa để được về với mẹ. Con nhớ mọi điều mẹ đã dạy con. Thân gái mười hai bến nước. Lấy chồng phải chung thủy theo chồng chứ không được đứng núi này chọn núi khác. Con xin thề là con không làm gì có lỗi với mẹ và chị. Mẹ đừng buồn con nữa nhé! Giờ con chỉ một lần duy nhất tự lựa chọn cho mình. Con chọn một bến nước mà mình sẽ sống mãi, nơi con cảm thấy thanh thản và bình an nhất. Cảm ơn một gia đình mà mẹ đã cho con. Thưa mẹ con đi.

Nước mắt lăn dài trên gương mặt Tư Mù U nơi góc nhà. Bà Năm gương mặt đờ đẫn, ngồi bất động. Ai cũng nhìn nhau.

Cô phóng viên gấp tờ giấy rồi cầm tay bà Năm nhỏ nhẹ.

- Bạn đọc gửi ủng hộ chị Sương nuôi mẹ. Đợt này tụi con nhận được 200 triệu đồng. Thay mặt tòa soạn, con gửi trước cho bà. Bà chỉ ký nhận thôi. Lần sau tụi con sẽ xuống tiếp. Bà Năm không nói gì. Bà đứng dậy như người vô hồn. Bà nhìn thấy Tư Mù U đang ngồi thút thít ở góc nhà. Bà bước ra sau, nơi cái lồng tre của con chào mào đang tòng teng cạnh mộ Út Thờn Bơn. Tiếng con Liễu lao xao vừa nói vừa cười nơi đầu ngõ.

- Chửa hoang... chửa hoang. - Con Liễu nhảy cà chụm cà chụm trên đôi chân đã vẹo một bên.

Bà Năm bước ra, ngước nhìn lồng chim. Cánh cửa lồng bà chưa kịp khóa. Con chim chào mào nghiêng nghiêng đầu nhìn bà. Nó réo rắt gì đó rồi nhảy ra khỏi lồng. Nó bay rồi đậu lên cành cây khế nhìn xuống bà. Nó rỉa mỏ, rỉa cánh như sẵn sàng. Rồi nó bất ngờ bay vút lên nền trời xanh. Bên dưới đôi chân của nó là khung cảnh mênh mông, xám xịt nơi Đất Mũi. Nơi có bà Năm đang ngước lên nhìn bầu trời, nước mắt bà lăn dài, miệng bà lẩm bẩm: "Sương ơi!".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem