Dương Phương Toại
Chủ nhật, ngày 07/03/2021 11:21 AM (GMT+7)
Ông là Lý Tấn, từng là lý trưởng cuối cùng trẻ nhất lúc bấy giờ của làng Lụa Vân trước Cách mạng tháng Tám. Trong dân gian các làng xã vùng quê này, người ta vẫn còn truyền nhau những câu chuyện kể về ông như những câu chuyện cổ tích. Những câu chuyện cổ tích ấy lại thấy ngay trong đời thường bên cạnh họ.
Con đường xóm Cổ Thành, xóm Tam Thôn, Thầu Dầu là những quãng đê cổ ngày xưa còn lại. Ngoài xóm Tam Thôn có mô đường Bãi Lau khá rộng ở giáp bến sông Vân Cừ, người dân họp chợ trên đó. Các làng thường gọi đây là chợ Bãi Lau hoặc chợ Ma. Chợ Ma họp vào lúc nửa đêm, gà gáy.
Thuyền nghề đem về rất lắm cá, tôm, cua, mực tươi sống. Cư dân thời ấy đã có cách thử để biết tiền thật hay tiền giả. Vì đêm tối tù mù dưới ánh sáng của những cây đuốc bập bùng, những ngọn đèn dầu leo lét bé bằng hạt đỗ, nên người bán hàng thường múc sẵn một chậu nước để bên cạnh. Ai mua hàng cũng phải thả đồng tiền vào chậu nước đó, đồng nào nổi ắt tiền giả, không nhận; đồng nào chìm thì đấy là tiền thật, mới nhận.
Một dạo dân làng đồn ầm ĩ: Cầu Mương cạnh chợ Ma có con ma áo trắng tóc dài, rất ghê sợ. Cứ vào khoảng nửa đêm gà gáy con ma lại xuất hiện nằm sõng soài vắt ngang cầu. Tóc nó thả chấm mặt nước. Người đẩy thuyền qua đụng vào mớ tóc, rụng rời cả tay sào, ngã nhào xuống sông. Người đánh cá ngoài Cống Mương gánh cá về chợ, đến cầu bỗng vấp phải ma, quẳng cả quang gánh, bỏ chạy thục mạng. Con ma vuột dậy, đuổi theo một quãng xa. Nhưng lạ là sáng ra quay lại thì không thấy quang gánh cùng cá tôm đâu.
Biết chuyện, ban đầu lý trưởng Tấn không tin. Thần hồn nát thần tính. Làm gì có ma! Nhưng chuyện ma Cầu Mương mỗi lúc một rộ và được thêu dệt nhiều tình tiết. Các thuyền nghề bảo nhau chuyển luồng về chợ khác. Mọi ngày, gà gáy trẻ mục đồng đã gọi nhau inh ỏi đánh trâu ra đồng cho người cày. Nay nghe chuyện ma Cầu Mương, bỗng dưng chúng không dám đi sớm nữa. Người làm ruộng ngoài xứ đồng này cũng bị nhỡ buổi cày buổi bừa. Lý Tấn nghĩ: Chả lẽ có ma thật? Chả lẽ ma lại biết lấy hết cả cá tôm? Khi hỏi những người bị ma đuổi thì họ đều thề sống thề chết đã gặp ma và bị cuỗm cả chì lẫn chài.
Để hai năm rõ mười, Lý Tấn bèn lập kế cùng phó lý Đình Kha và thủ bạ Văn Đàn ra xóm Cống Mương. Quá nửa đêm, giả tốp người gánh cá, mỗi người một đoạn cách xa nhau, từ Cống Mương về chợ. Ông đi trước. Khi đến Cầu Mương quả thật thấy hiện lên thân hình một người đàn bà mặc áo trắng toát nằm xõa tóc vắt ngang cầu. Mới thoạt, ông cũng toát mồ hôi, ớn da gà. Bóng ma vụt đứng dậy, nhảy múa. Ông vứt gánh cá bỏ chạy lại đằng sau. Cách một đoạn xa, gặp hai ông đi tới, Lý Tấn vẫy tay: Có ma thật rồi! Nó vừa đuổi tôi… Nhưng hai chú bình tĩnh theo tôi!
Mọi người nín thở bò men theo bờ ruộng lúa đến chân cầu. Trước mắt họ, bóng ma áo trắng đang nhanh tắp nhặt đám cá vung vãi cho vào thúng. Nó đang định cất gánh thì ba người đồng loạt xông tới: Ai? Đứng im!
-Dạ... Dạ... Tôi... tôi... Con ma hoảng hốt kêu lên. Nó sụp xuống van lạy, chân tay run cầm cập: Tôi... tôi… là người... là người… Phó lý Kha và Văn Đàn túm chặt lấy tay ma: A! Hóa ra là Đào Én! Vậy là bắt sống ma nhát người để cướp cá!
Nhà Đào Én ở trên gò Con Cóc có vườn ổi rậm như rừng. Gò Con Cóc có mấy nóc nhà gianh đều là của những người nghèo trong làng dạt ra. Họ ở đây trông đồng cho làng và dưới những ngôi nhà ấy cũng là nơi thợ cày thợ cấy thường lên nghỉ tay tránh nắng, trú mưa, ăn nhờ bữa cơm trưa và gửi cày bừa, liềm cuốc qua đêm. Đám trẻ mục đồng thường lên hái ổi, chơi đánh khăng đánh đáo, chờ thả trâu. Chồng chết đã lâu, Đào Én ở một mình với đứa con gái còn nhỏ. Hằng ngày hai mẹ con đi gặt thuê cấy mướn, đi mót lúa, mò cua bắt ốc....
Lý Tấn hỏi: Sao cô lại liều lĩnh thế? Dạ! Bác tha cho em… Nhà em không còn gì ăn nên mới… làm ma dọa người… để lấy cá bán, lấy tiền… mua gạo… Nhà ngoài đồng thiếu gì việc mà cô lại bày cái trò này ảnh hưởng đến dân chúng? Lý Tấn khuyên: Từ rày chịu khó cày cấy, nuôi thêm con gà con vịt. Đừng làm lại nữa nhá! Còn cả cái chuyện xí nong thuê, cô cũng dẹp đi! Đừng có tiếp diễn như vậy, xấu hổ cái thân người đàn bà lắm!
Đào Én có mẹo xí nong tát nước rất tinh quái. Mùa hạn hán, người trong làng phải đi từ nửa đêm ra đồng mới có nong tát nước. Nhiều người thuê Đào Én xí nong hoặc tát nước hộ. Để được phần, cứ tối đến chỗ nào có nong tát nước cô đều cắm sẵn ba cây chân sòng. Người khác đi tát nước tưởng thật, đành vác khau về. Chỗ nong lớn dưới bờ sông, thường nhiều người đến tranh, cô nghĩ ra một mẹo: Cởi truồng như nhộng, đứng vục gàu dưới nong. Ai đến, thấy người đàn bà trắng lốp, tóc tai lòa xòa, vú vê thăn lẳn cũng giật mình sửng sốt, đành lặng lẽ rút lui. Còn Đào Én mủm mỉm cười, chờ sáng ra người tát nước đến, bàn giao, chỉ việc lấy tiền thuê nong. Từ bữa bắt được quả tang vụ giả ma dọa người, không còn thấy ma Cầu Mương xuất hiện! Và cũng không còn thấy người đàn bà cởi truồng bên nong tát nước nữa!
***
Cũng như các làng xã nằm bên sông Vân Cừ, làng Lụa Vân còn bảo tồn nhiều phong tục tập quán cùng những di tích lịch sử và văn hóa trải qua thời gian mưa gió và các thời đại.
Trong làng có lệ "vào đám". Sau mỗi dịp làng vào đám là tản lộc về các nơi. Làng lại mời ông Đoàn Ngải vào chân chia phần thịt lơn. Đoàn Ngải tay dao tay thớt, miệng nói chân bước, cắt thịt phân chia rất chi công bằng, khiến ai cũng quý mến. Không ít lần chia cho cả làng xong, đến lượt mình quay lại thì sạch ráo, ông lẳng lặng thu dao thớt. Nhưng bao giờ Đoàn Ngải cũng cho người đội mâm phần đến nhà Lý Tấn kính biếu. Lý Tấn vội vã xua tay: Thôi thôi! Coi như tôi đã nhận! Chuyển bác mang về để thêm thắt với bác gái và các cháu. Khổ lắm, cầm dao chia phần cho làng thì tài, không chê vào đâu được, mà mình thì chưa chắc có miếng nào đến miệng không? Hễ có mưa, cháu nó đi câu, bác cứ cho em mớ cá đồng là báu nhất!
Với những người giúp việc đắc lực và nhiệt tâm, Lý Tấn điều hành hệ thống chính quyền trong làng hoạt động rất suôn sẻ và chu đáo. Ông đã tổ chức thực hiện một loạt lệ làng như hoàn chỉnh hương ước, lập lại các toán tự vệ thôn xóm, phòng cháy chữa cháy, phân công người trông coi đê điều, đồng áng. Xóm nào cũng đào và khơi ao hồ. Nhà nào cũng phải chứa nước đầy chum vại. Xảy ra cháy đống rơm, hoặc cháy nhà là thúc trống gọi cả xóm cả làng tới chữa cháy. Cấm cả việc thả rông lợn xề ra đường làng vốn thành nạn bấy nay… Về sản xuất thì khuyến nông, đổ chương chia ruộng sòng phẳng cho các trai đinh đến độ tuổi "vào đám". Hàng năm, qua đầu giêng, sức dân chúng mang mai móng, cuốc thuổng, quang giành đi đắp đê, đào sửa mương máng. Rồi làm từ thiện, khuyến khích dân tu sửa đình chùa, quán xóm; bắc cầu gỗ qua sông ngòi cho dân đi làm ruộng; trồng cây bóng mát, dựng chòi canh ngoài đồng cử người trông lúa mạ... Mương thoát nước chạy dọc đường làng ông cho đào rất rộng, các nhà dân ven đường phải bắc cầu tre, cầu gỗ hoặc cầu đá để đi lại. Mưa lớn, nước thoát rồng rộc, thôn xóm trong làng không bao giờ bị ngập úng.
Lý Tấn còn bỏ tiền nhà ra xây hai cái cống lớn cuốn vòm bằng gạch chỉ và đá xanh luồn dưới đường Cầu Dừa, Ao Cần thoát nước cho khu Thượng Đồng và Hậu Hương. Những ngày mưa rào, bọn trẻ con trong làng đua nhau mang giành chui qua chui lại trong cống để chắn cá. Một vài tấm cầu đá rộng ngang tới hơn mét sót lại ở xóm Ngòi, thời sau này những lần nâng cấp đường làng không biết bị chìm lấp dưới đất hay biến đâu mất.
Làng Lụa Vân còn không ít những tục lệ cổ hủ và lạc hậu. Đó là cái tục ép con cái thể hiện lòng hiếu nghĩa khi cha mẹ qua đời. Nhà có cha mẹ mất, người ta, đặc biệt là dòng họ nội rất lo lắng việc khâm liệm, chôn cất. Khâm liệm phải là người họ nội, mới tin cậy. Khâm liệm phải chú ý ba lớp vải, bó buộc tử thi chặt chẽ, lót đệm các thứ cẩn thận xung quanh, để đề phòng áo quan rò rỉ. Có những đám tang phụ mẫu hàng chức sắc, nhà giàu, linh cữu quàn kéo dài mười ngày hoặc một tháng trong nhà. Người nhà đám phải khoét lỗ áo quan, cắm ống nứa bắc thông lên nóc nhà để thoát khí. Nếu xảy việc rò rỉ nước trong áo quan ra ngoài, bắt buộc người con trai trưởng phải bò lê liếm sạch những giọt nước đó để thể hiện sự hiếu thảo. Nếu chống lại sẽ mang tiếng là kẻ bất hiếu! Lý Tấn đã ra lệnh bãi bỏ lệ này và bỏ cả lệ đội nọn, mũ gậy lăn đường. Trong một cuộc họp ngoài đình làng, ông thẳng thừng:
-Đây là một hủ tục vô cùng mất vệ sinh, không thể chấp nhận, không thể tồn tại! Đây không phải là cử chỉ lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo phải thể hiện trong cuộc sống hàng ngày ăn ở, chăm sóc, đối xử tốt với đấng sinh thành và mọi người. Từ nay làng ta phải cắt đứt "đuôi nòng nọc" nó và thực hiện giữ vệ sinh cho người còn sống, cho làng nước!
***
Một buổi xế chiều, đang cơ nắng dội lửa xuống xóm mạc. Những đọt măng tre rũ ngọn. Những tàu lá cau đứng sững. Một bà cụ gầy nhom đội nón rách bước vào sân nhà lý trưởng. Vừa khóc bà vừa chắp tay: Ối! Ông lý ơi! Cứu giúp tôi với… Thân tôi thế này mà thằng Dặm nó chửi bới tôi! Ông có cách nào dạy nó hộ tôi… Thân góa bụa… nó dể duôi, nó hành hạ tôi…
Lý Tấn ra đón: Có gì thì thong thả kể tôi nghe? Sao mặt mũi bà lại máu me thế này? Bà cụ nức nở: Thằng Dặm con tôi… nó đánh tôi...
Vũ Dặm là một con sâu rượu ở xóm Thầu Dầu. Hắn uống rượu thay nước, ực một hơi hết luôn nửa chai. Rượu vào sinh chửi càn bậy bạ. Dặm chửi khắp xóm, không chừa nhà nào. Mẹ đẻ hắn cũng chửi. Anh chị em đến trói Dặm vào chân giường, đánh nhừ tử. Xong lại đâu đóng đấy. Mọi người về khỏi, hắn lại lôi bà cụ ra chửi như chửi trẻ con. Hàng xóm nghe tức lộn ruột mà không biết làm sao trị nổi. Dọa trói đem trình lý trưởng và điệu sang huyện nhốt bỏ tù, hắn đập chai rượu xuống mâm cơm, mảnh chai bắn tóe lên mặt bà mẹ tứa máu… Giận con quá, bà để nguyên cả mặt mũi loe loét máu lên trình lý trưởng. Ngồi bóp trán đăm chiêu một lúc, Lý Tấn bèn sai phó lý Kha và Ba Xâm (một người câm điếc ông nhặt về nuôi từ bé) đến tận nhà lừa trói được Dặm, dẫn về sân. Ông nhìn thẳng vào mặt nó: Dặm! Ai đẻ ra mày?
-Bu tôi…
-Ta tưởng nhà ngươi từ lỗ nẻ chui lên?
-Không! Bu tôi đẻ tôi thật mà...
-Vậy mà mày nỡ ăn ở tệ bạc. Mẹ có mớ cá đồng đem chợ bán để đong gạo. Ra xin tiền không được, mày nỡ lấy chân giày xéo, hất đổ đám cá. Thế mày ăn bằng gì?
-Cơm…
-Cha mày mất sớm. Một nách bà cụ nuôi sáu, bảy chị em mày… chưa được thức ngon nào vào bụng. Miếng cơm nhai kỹ, miếng cá lìa xương dành cho mày ăn mày ngủ. Còn mày đã miệng nốc rượu chè, bụng đầy cá thịt… nuốt tranh phần mẹ, còn chửi mẹ, là thế nào?
-Bà ấy đổ chai rượu của tôi…
-Câm mồm! Ngày xưa, nàng Thoại Khanh, là đàn bà mà còn khoét cánh tay mình lấy thịt nướng cho mẹ ăn qua cơn đói khát. Mày là đàn ông sức dài vai rộng đã lười biếng lại coi người đẻ ra mày như con trâu con chó! Nghe đây! Mày là người hay là chó?
-Người!
Nghe vậy, tức quá, phó lý Kha đứng bên nhảy bổ tới ấn đầu Dặm xuống: Tiên sư mày! Trước mặt cụ lý, mày phải một bẩm hai dạ cẩn thận! Nghe chưa? Lý Tấn khoát tay: Các chú để yên ta xử!
Ông ra hiệu cho Ba Xâm. Ba Xâm hiểu ý đi ngay, lấy hai cái bát.. Một đơm cơm trắng. Một xúc bãi phân. Hai bát để trước mặt Dặm. Ông hỏi hắn: Dặm! Đây là hai bát gì? Một cơm, một… cứt… Hai bát này mày chọn bát nào? Dặm líu lưỡi, run lẩy bẩy: Dạ! Dạ… Bát… cơm… ạ… Chứng tỏ mày tỉnh, còn là người! Có tỉnh mày mới chọn cơm! Như vậy là mày không say! Mày lợi dụng rượu để láo với mẹ! Nên phải là chó! Là chó thì phải ăn cứt! Nghe chửa? Ông ra hiệu Ba Xâm: Bê cho nó bát cứt! Dặm bặm miệng, vung vẩy đòi thoát khỏi vòng dây. Ba Xâm bê bát phân lên. Hắn nhắm mắt chun mũi: Dạ dạ… Con xin cụ lý tha tội… tha tội cho con… Con xin chừa…
Phó lý Kha đem giấy bút tới, viết làm bằng rồi bắt Dặm điểm chỉ vào góc dưới. Lý Tấn dằn từng tiếng một: Từ rày chừa cái thói thất đức, rượu chè be bét, đi nhá! Đây là ta còn thương, chứ điệu mày ra đình cho dân làng trỏ mặt thì chỉ có chết! Làng này từ trước đến nay không có kẻ nào bất hiếu. Bé cậy cha già cậy con. Làm người phải biết luân thường đạo lý, phải tu tỉnh, lo làm lo ăn mà lấy vợ sinh con cho mẹ mày nhờ! Dạ! Con… con đội ơn cụ… con đội ơn cụ… Ta định chốc nữa điệu ngươi sang huyện… Dạ! Con cắn rơm cắn cỏ lạy ông... lạy... lạy cụ! Dặm rối rít dập đầu.
Được cởi trói, cho về. Sau đó, tịnh không thấy nó chửi bới ai nữa. Vậy là trừ được một thằng say rượu. Xóm Thầu Dầu yên ắng trở lại. Từ đó, dân tình càng hết lời truyền tụng năng lực, đạo đức của Lý Tấn.
***
Đầu tháng tám năm ấy nhân ngày giỗ cha, Lý Tấn mời chức sắc, họ hàng, con cháu trong gia ổ tới ăn giỗ. Ai nấy đang ngất ngư say thì bỗng có tiếng hô hoán bên nhà Đoàn Ngải: Cháy! Cháy nhà! Cháy nhà! Cháy đống rơm… làng nước ơi! Cháy đống rơm nhà Đoàn Ngải… làng nước ơi… ơi…
Phó Lý Kha nhanh nhảu thúc trống liên hồi. Ba Xâm phồng má trợn mắt thổi tù và inh ỏi. Mọi người túa ra. Lửa bốc cao ngùn ngụt muốn liếm sang đống rơm nhà Lý Tấn cách một hàng rào ngay đó. Ngọn lửa vọt lên, sáng rực một góc trời soi rõ những rặng cây, những mái nhà xung quanh. Đám gia nhân la hét, chạy táo tác, xông vào cứu cháy. Chum vại lật nắp, quăng đáp ầm ầm cùng thùng chậu va loảng xoảng. Thóc rơm nổ bỏng lốp bốp. Nước dội ào ào. Lửa gặp nước sủi rùng rục. Những chiếc thang áp tới, bắc đè xuống đống rơm cho người leo lên. Trên ngọn, dưới đất ra sức vùi, đập. Một lúc sau đám cháy bị dập tắt, khói cuồn cuộn nghi ngút, khét khúa mùi rơm, mùi thóc cháy.
Hóa ra đống rơm nhà Đoàn Ngải bị cháy. Mọi người đang nháo nhác thì Ba Xâm vừa ú ớ vừa khóa tay, ôm chặt một người, kéo vào sân, quật ngã đánh uỵch. Anh ta nhổm lên rối rít van xin. Thoắt cái, lấy chiếc khăn trói giật cánh tay hắn lại. Ba Xâm cuống quít ra hiệu ý bảo thằng này là thủ phạm... Đám đông lập tức xúm xít lại, vây kín: Đánh bỏ mẹ nó đi! Đánh bỏ mẹ thằng phá hoại! Ôi! Thằng Mậm! Bà con ơi! Thằng Mậm con ông Xã Vòi. Nó là cháu ông Bạ Miện! Sao mày lại đốt nhà ông Lý? Ai xui mày đổ đốn thế này?
Cuối cùng, thằng Mậm khai: Người nhà ông Bạ Miện xui. Lợi dụng lúc mọi người mải vui, nó đứng ngoài ngõ ném con bùi nhùi chủ định vào đống rơm nhà Lý Tấn, nhưng đuối tầm tay, mồi lửa lại bay chệch sang đống rơm nhà Đoàn Ngải. Lý Tấn giận thằng Mậm lắm! Nhưng ông chợt hiểu. Chả lẽ ông Bạ Miện, không tranh được chức lý trưởng, lại nỡ thế ư?
-Thôi! Các bác các chú cho nó về! Từ rày chừa đi nhá! Có bữa làng đưa đi tù mọt gông, nghe chửa?
Nói rồi ông ra hiệu cho Ba Xâm. Ba Xâm hiểu ý, vào nhà gói một chiếc bánh dày, một cái đùi gà và một đĩa xôi đặt vào tay Mậm. Lý Tấn bước tới vỗ vai Mậm: Ta có thỉnh cụ Bạ cẩn thận nhưng không thấy cụ đến. Tiện đây, ta nhờ anh mang về bảo ta gửi biếu cụ! Vì bấn tiếp khách nên ta chưa kịp cho người mang đến kính! Bẩm cụ thông cảm! Còn đĩa xôi này ta cho các cháu nhà anh…
***
Một hôm, trong bữa cơm chiều, ông bàn với cả nhà: Mình phải giàu có, mới có lực để gánh vác việc làng… Nhưng giàu có chưa đủ, mà phải nhân đức mới không sinh lòng tham lam bớt xén của dân! Lý Tấn chậm rãi bày tỏ: Quan cũng là cái họa của dân! Chớ để dân ghét! Làm quan phải giữ mình như giữ lửa! Cái chức lý trưởng, chánh tổng cũng chẳng chắc bướu gì. Không khéo còn mắc tiếng mắc họa… Quan nhất thời, dân vạn đại! Phải sắm cây gậy mà chống. Mai kia nhỡ có xảy ra hệ trọng, thất thế, mình cũng có chốn ăn, chốn ở, chốn làm một cách ung dung mà "qui cố viên"… Tôi định đắp đầm Nhà Mạc để khai thác cá tôm, cũng như tổ tiên ta xưa từ kinh thành Thăng Long ra tận cửa sông đây lấn biển khai hoang mới có xóm ấp, làng mạc bây giờ cho con cháu…
Được cả nhà nhất trí và khích lệ, Lý Tấn liền rủ hai ông anh rể cất công chèo thuyền đi thăm thú, khảo sát luồng lạch, rừng bãi trên các nhánh sông Vân Cừ.
Lần đầu tiên chèo thuyền trên sông nước, ông mới có dịp quan sát từng khúc sông, lạch bãi và những đoạn đê chạy ven sông bao quanh vùng làng đảo quê hương. Sông như vòng tay mẹ hiền ôm ấp lấy những đứa con. Những đứa con chính là những làng mạc trong kia. Vòng đê xanh ngút mắt những cánh rừng ngập mặn chạy dài xuống mép sóng. Cánh rừng nào cũng cơ man những đàn cò từ khắp nơi bay về như cơ man những mảnh giấy trắng trên vòm trời đáp xuống. Lý Tấn ngây ngất ngỡ lạc vào một bức tranh thủy mặc vô cùng sống động. Giữa kỳ nước nổi, từng bầy cá đối nhảy như cơn mưa bóng mây chạy ào ào. Những vàng lưới dụi tung trên mặt nước đón những bầy cá từ ngoài thềm vịnh Bắc Bộ theo thuỷ triều vào ăn nơi cửa sông, vụng bãi. Dòng sông lăn tăn như được dát lên muôn vàn những vẩy vàng, vẩy bạc. Nước trên các nhánh sông đổ xuống mang theo phù sa, phù du cùng nước mặn dưới biển dâng lên giao nhau thành từng vệt xuôi ngược.
Các cánh rừng ngập mặn lặng gió. Nghe rạo rực tiếng sông chảy, tiếng cá quẫy, tiếng chim hót ríu ran, tiếng cáy còng đùn bọt và cả tiếng những bầy ong rì rào, vo ve. Các nhánh sông chảy len lỏi giữa những vạt sú vẹt, bãi phù sa như những ngón tay bấu chặt lấy nắm cơm. Ngòi lạch chảy róc rách, chỗ nào cũng đọng lại nhung nhúc cá tôm, cua ghẹ... Mấy anh em reo lên: Tiền rừng bạc bể từ đây mà lấy lên chứ đâu xa!
Tháng hai năm sau, sự nghiệp đắp đầm Nhà Mạc của gia đình Lý Tấn được bắt đầu. Của cải và dân công được huy động, thuê mướn. Lợi dụng các kỳ con nước, mọi phương tiện sắp sẵn đợi thủy triều xuống cạn để tranh thủ tạo cốt và lấy đất vật lên. Hệ thống chẫy tre cắm thành từng vách nối nhau, đóng thành từng "xay", từng chuồng giăng hàng làm cốt. Hàng trăm rọ tre lèn chặt đá hộc cùng những con thuyền chở đất trút xuống. Lý Tấn xoay trần lặn lội dưới làn nước đục, hò hét dân công đến khản cổ. Thấy một toán người loay hoay đóng cọc, để mũi cọc ngã xuôi theo dòng nước, ông nhảy xuống vít xoay cọc trở lại: Các chú phải đóng thế này: nghiêng mũi cọc ngược ngọn nước đổ xuống, vì thủy triều rút, sức nước rất mạnh. Đất đá ném xuống sẽ tạo thành khối ngược chống lại cả sức sông đang dồn, thì đê mới vững chân… Ngày xưa thời đức Thánh Trần Hưng Đạo, dân ta cũng mưu mẹo đóng cọc xuống lòng sông như thể để lừa giặc Nguyên Mông vào trận địa...
-Ôi! Ông Lý giỏi quá! Mọi người ồ lên thán phục trong tiếng hò reo, tiếng trống thúc vang dậy cả một vùng. Từng đoạn, từng đoạn một, những khối đất nổi lên như một đàn cá heo bơi vòng tròn cắn đuôi nhau. Con đê nhỏ hiện dần. Qua nhiều lần vỡ phải đắp đi đắp lại, khu đầm mênh mông đã hình thành dưới những tán rừng sú vẹt.
Đầm thủy sản khai thác quảng canh, chẳng khác gì cái bánh đa mỏng manh trên mặt sóng. Vậy mà mỗi kỳ tháo đầm, cá tôm đông đặc như trong chiếc chậu khổng lồ. Đủ thứ tôm rảo, cá vược, cá tráp, cua bể, ghẹ, ốc, rau câu... Nhiều đêm đổ túi, vục tôm cá lên thuyền đến chán cả chân tay. Chim trời thì vô kể. Rạng đông hay lúc hoàng hôn, từng đàn cò, vịt trời, ngỗng trời, le le, bìm bịp kêu âm vang, náo động. Cả một vùng rừng bãi, sông nước hỗn loạn muôn thứ âm thanh tiếng chim bay, tiếng cá quẫy, tiếng lá rừng, tiếng sóng vỗ miên man… Ban đêm, từng đàn vạc bay về như kéo thấp cả vòm sao. Nằm dưới lều thò tay cũng túm được cẳng chim đậu ngay trên những cành cây la đà...
Buổi sáng ở đầm, không gian mênh mông, thoáng mát. Nắng mai rực rỡ, sóng nhẹ lăn tăn. Chim cò bay phơi phới. Lý Tấn cởi trần kéo lưới, tháo túi rất thành thạo. Ông lội bãi xem xét cống máng, rồi chặt sú, chặt đâng đem lên gò chất đống làm củi. Ông còn nhặt những quả đâng quả vẹt già do sóng tấp vào, đem cắm xuống các vạt bãi lầy bùn. Chỉ vài hôm sang đã thấy những mầm non vươn lên lấp ló mặt nước. Giữa thiên nhiên, giữa những khoảnh khắc vô tư, Lý Tấn như sống lại tuổi thơ, hòa mình vào sông nước.
Đầm áng sinh lợi. Có bát ăn bát để, Lý Tấn đã trang trải được hết các khoản nợ. Với hai chân đồng ruộng và đầm thủy sản, cuộc sống dần dà trở nên giàu có, lo được bao nhiêu công ăn việc làm cho gia ổ và làng xã. Gia đình Lý Tấn đã đi lên từ nguồn lợi vớt dưới lòng nước rừng bãi cửa sông Vân Cừ. Ông đã là chức sắc đầu tiên ở vùng làng đảo nghĩ tới và thành công một thời việc khai thác bãi triều đầm Nhà Mạc trên cửa biển sông Vân Cừ.
***
Sau thời kỳ đầm Nhà Mạc bị vỡ, để khôi phục kinh tế gia đình, Lý Tấn bước chân lên bờ tập tễnh nghề thương mại. Năm 1950, ông ra ven đê Cống Mương lập một cửa hiệu bán hàng tạp hóa, mở mang nghiệp thương mại nơi cống bến cửa ngõ phía đông vùng Hà Yên. Trong cửa hàng, Lý Tấn buôn bán đủ các thứ cung cấp cho đời sống dân sinh, cho nghề đóng thuyền, xảm thuyền như dầu mỡ, hắc ín, dây dợ, đinh sa, bát đĩa… và cả những cỗ quan tài phục vụ cho các đám tang. Tại đây, được cách mạng giác ngộ, Lý Tấn đã bí mật nuôi các cán bộ Việt Minh nằm vùng đang hoạt động. Và chính những cỗ quan tài này đã che chở, cứu sống nhiều cán bộ cách mạng bí mật thoát khỏi nanh vuốt địch.
Một buổi sáng tháng Tám, trời nắng gay gắt. Khách mua hàng vừa đi khỏi. Chợt có tiếng súng đằng Cống Lá vọng lại. Làng nước có sự! Giật mình, Lý Tấn đang định đóng cửa hiệu lại thì hai bóng người như cơn gió mạnh đột ngột thốc vào nhà. Ông kịp nhận ra hai cán bộ Việt Minh: Ôi! Chú Tuấn! Chú Tường! Họ hổn hển: Địch đang đuổi! Bác cho trốn…
Không kịp suy tính, Lý Tấn và ông câm Ba Xâm nhanh tắp mở nắp hai chiếc quan tài, ấn hai ông nằm duỗi dài vào đó rồi đậy lại. Xong, vội vàng khiêng mấy chiếc khác chồng lên, rồi lấy chiếu phủ kín gọi là để chống bụi. Chỉ để hở hai đầu trốc áo quan khắc chữ "Thọ". Ông còn nhanh trí giục Ba Xâm kịp xuống bến sông trong đồng, lấy sào khuấy nước cho đục ngầu, rồi vứt chiếc mũ cói cũ rách xuống như thể có người vừa bơi sang bên kia, để lừa địch. Tên quan hai Pháp và bọn lính ập tới. Chúng hồng hộc vây quanh. Tên sếp bang bốt Cống Mang quát hỏi: Ông có thấy hai thằng Việt Minh chạy qua đây không? Lý Tấn đánh liều chỉ xuống bến sông: Dạ! Dạ! Vừa nãy có hai thằng đội mũ cói bơi qua sông vào ruộng lúa! Chắc cũng chạy xa lắm rồi!
Khi chúng đi khỏi, hai ông Việt Minh Phùng Tuấn và Trần Tường mới được hai cha con dỡ đám áo quan để nhảy ra. Hai gương mặt tím tái. Người họ ướt đằm như vừa tắm dưới sông ngoi lên. Phùng Tuấn nhăn nhó: Suýt vỡ mẹ nó bong bóng trâu. Tẹm nữa thì tồ trong áo quan!
Ông cười ngặt nghẽo, lấy bát hứng những giọt mồ hôi trên mặt họ rỏ tong tỏng: Tưởng hai anh thành bã rượu trong đó! Phùng Tuấn và Trần Tường thán phục: Bác giỏi thật! Xin chịu! Xin chịu…
***
Dân làng Lụa Vân thỉnh thoảng vẫn kể câu chuyện vui về ông với anh Ký Được kế toán HTX nông nghiệp, nhà dưới xóm Trại Cau. Ký Được có chiếc răng cửa bị sâu, sang phố huyện trá một chiếc răng vàng. Vốn điển trai, lắp răng vào, khuôn mặt Ký Được càng thêm vẻ phong lưu. Từ đó anh rất hay cười. Mỗi khi cười, hai hàm răng trắng tinh chợt lóe lên ánh vàng chói. Một hôm đi ăn cưới. Cỗ cưới có đủ món thịt gà, thịt lợn, nem chua, chả nướng rất thơm ngon. Rượu vào nhời ra. Mải nhai, mải nói, Ký Được chẳng để ý… Vừa về đến nhà, chị vợ nhìn thấy hàm răng không lấp lánh như mọi ngày, liền hỏi: Răng vàng của anh đâu? Ký Được giật mình sờ lên miệng, vào soi gương: Bỏ mẹ! Đâu mất rồi? Hay rụng xuống chiếu? Hoặc dọc đường? Vợ đoán hỏi. Ký Được đơ mặt: Ơ… Rụng tôi phải biết chớ!
Ký Được liền chạy đến từng nhà có bạn ngồi uống rượu cùng chiếu. Ai cũng lắc đầu: Chả lẽ chúng tôi thò tay vặt miệng anh? Chả lẽ nó quyện với giò với thịt? À… Hay rơi ra, liệu ông Lý Tấn có nhặt? Ông ấy ngồi bên anh!
Ký Được tìm hỏi ông Lý Tấn. Ông cũng ngớ người, không biết. Anh ta khúm núm: Dạ! Vô phép thưa bác: Lúc ấy bác ngồi cạnh cháu. Chiếc răng vàng của cháu rơi ra. Chắc bác nhặt được? Bác cho cháu xin… Ông Lý Tấn buông quyển sách nho đang đọc xuống tràng kỷ: Khéo nó lại trong cái "ông anh ruột" nhà anh ấy chứ! Ký Được ngay mặt đáp: Dạ! Anh cháu đi thuyền! Ông Lý thủng thẳng: Tiên sư anh! Nom bóng bẩy thế mà lại hôn tâm. Anh ruột là trong cái ruột cái bụng anh ấy! Nghe tôi, cứ chờ lúc nào đi đại tiện, rải lá chuối ra mà tìm…
Nhớ lời ông, anh ta bình tĩnh đợi… Hôm sau, buồn đi ị. Ký Được ra góc vườn cắt một tàu lá chuối to đặt xuống rồi ngồi xổm lên. Rặn. Đống phân lù lù như đống đụn. Ký Được lấy que, một tay bịt mũi, một tay tỉ mẩn bới. Một lúc sau, chiếc răng hiện ra vàng chóe. Anh ta cười sằng sặc: Ôi! Đây rồi! Cụ Lý Tấn thánh thật! Đúng là trong "ông anh ruột"! Con xin lạy cụ muôn lần!
***
Một thời trong lúc dân làng chăn nuôi gia cầm, gia súc còn sơ sài, thả rông ra vườn, ra ngõ, ra đường, Lý Tấn đã sắp đặt khu chuồng trại chăn nuôi rất khoa học, gồm các ô nuôi trâu, nuôi lợn, ô nuôi gà, nuôi ngỗng, ngăn chứa ủ phân, chứa nước thải theo một hệ thống liên hoàn, sạch sẽ. Ông còn xây hẳn một "nhà hố xí hai ngăn" ngay đầu ngõ. Đây cũng là hố xí hai ngăn đầu tiên trong làng Lụa. Từ xưa, dân làng chỉ dùng "chuồng khuẩn", lợp mái gianh trên bốn bức tường chình đất, đào hố bên dưới, bắc thanh ván làm cầu. Ngồi trên cầu mà thải, rồi lấy tro bếp, trấu bủi vùi lên. Không thì chạy ra bờ ruộng, nghêu ngao "Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng". Hố xí hai ngăn là một sự lạ. Ban đầu thấy thợ xây trát cái hộp vuông, người ta tưởng ông xây thêm bể con chứa nước ngoài ngõ!
Sau đó một thời gian, làng xóm rộ lên phong trào xây hố xí hai ngăn. Đây đó trên các bức tường đỏ màu khẩu hiệu: "Anh chẳng yêu bạc yêu vàng, bằng yêu hố xí nhà nàng hai ngăn"!!!
Phân bắc phân trâu tại chỗ có vụ không đủ, ông bàn với vợ: Bà này! Hay ta sang phố thị Quảng Yên mua phân? Bên ấy dân phố người ta đang cần người dọn. Họ sẽ bán rẻ như cho không! Vậy là ông bà qua đò sang sông, vào các ngõ phố mua phân gánh về. Phân tươi, ông trộn ít bùn non, đựng bằng thúng quét nhựa hắc ín, bịt kín bằng vải mưa để tránh nước sóng sánh, rò rỉ và mùi xú uế xông ra.
Gà gáy, hai ông bà đã dậy chuẩn bị quang sọt đi nhặt phân chó, phân trâu. Đi sớm mới nhặt được nhiều và ít gặp người làng quở quang. Trời mù sương. Xóm quê yên ả. Đường làng âm ẩm như dòng sông cạn. Hai bóng người di động theo hai bộ quang sọt cúi xuống, đứng lên. Hai chiếc đèn con le lói trong sương. Từng bãi phân chó phân trâu còn bốc khói. Gặp những bãi phân trâu to, Lý Tấn chụm cả hai bàn tay bốc vào sọt.
Sớm hôm ấy, hai người ngồi nghỉ tạm trên bờ con ngòi ven đường. Đêm chưa rạng. Mặt nước ánh lên mờ mờ, nhưng rõ hai con ngan to nằm dệ cỏ bờ bên kia. Thấy bóng người chúng đảo đầu rối rít, kêu kít kít khàng khạc ra vẻ mừng rỡ. Ngan vịt nhà ai lại lạc ra tận ngoài đồng thế này? Bà bảo nhỏ: Ông này! Nhà mình hôm nay còn mỗi mớ sắn khô. Ý tôi… Thôi đành đói ăn vụng, túng làm liều… Hay tôi bắt một con… tốt nhất bắt cả, vừa làm thịt vừa nuôi. Ông đứng đây chờ tôi… Chưa dứt câu, bà đã xắn quần lội xuống ngòi. Sang bờ, bà đưa một con ngan lên: Làm thịt con này lấy cái ăn đã! Ông Lý Tấn đỡ lấy, ôm nó trên tay: Đầu to mình vuông thế này là tốt giống lắm đây! Nhưng… nó là của người thì trả về người ta. Đói thì đói thật, nhưng tôi không nỡ làm bậy! Bà trả nó xuống đi. Người ta mất cũng như mình mất. Đói cho sạch rách cho thơm bà ạ. Được bữa ăn nhưng con cái mình nó sẽ nghĩ sao?
Mặt ngòi lại phẳng lặng soi tấm gương trời đang từ từ sáng dần...
Những sọt phân đã nặng trĩu gánh. Ông bà quay về. Qua đoạn đường Cầu Khế giữa đồng không mông quạnh, bà Hai đi trước suýt vấp lên một người nằm sóng soài ngang chỗ đoạn cống: Ai lại nằm đoàng đoàng thế này? Không một tiếng động. Lý Tấn đi sau vừa tới: Việc gì thế bà? Người… người nằm giữa đường… Ông vội hạ gánh phân, giơ đèn sát lại: Nhà cu Chèm bà ơi! Ông lay vai người nằm dưới đường. Bất động. Lạnh toát. Chỉ vùng ngực còn ấm: Giời ôi! Đi đâu mà say xỉn, mà khốn nạn thế này? Lại ăn đêm về chứ còn đi đâu nữa?
Hai người xúm vào nâng hắn, vực đến một tảng đá mé cống. Người Chèm mềm oặt, mồm sặc sụa hơi rượu, quần áo ướt trương. Chắc uống ở đâu về, say quá, đái cả ra quần! Nốc cho lắm vào. Không chết là may! Cái miệng làm khổ cái thân! Bệnh cũng từ miệng mà họa cũng từ miệng! Bà Hai nhổ bọt: Thôi! Mặc cha nó! Gánh phân về đã ông! Không khéo mó vào, nhỡ làm sao, làm phúc phải tội!
-Bà về trước đi! Để mặc tôi. Tôi dìu nó về nhà nó. Giữa đường gặp chuyện chẳng lành, mình không thể vô tâm!
-Ốc không mang nổi mình ốc còn mang cọc cho rêu. Một thân ông làm sao mà vực được con trâu trương? Rõ khổ! Mấy hôm trước con cái nhà nó ăn trộm rau quả nhà mình. Tôi sang mắng vốn, nó còn cầm chai rượu xông ra chửi bới... Nhưng thôi! Đã trót thì tôi cũng ở lại với ông!
Hai ông bà loay hoay vực tay Chèm đứng dậy. Hắn ú ớ không ra lời. Miệng nhơm nhớp những bọt dãi. Được vài bước, Chèm lại gục xuống, rũ như sợi bún. Say quá, hắn không bước nổi! Hay bà để tôi cõng? Không được đâu ông ơi! Nó đè sập ông xuống ấy chứ! À! Tôi nghĩ ra rồi! Thế này nhá! Đổ hết phân xuống vạ đường, tôi với bà lấy cả hai đôi quang ghép lại làm bàn khiêng hắn về!
Bà trút phân ra vạ đường, đem quang xuống mương rửa sạch sẽ rồi lồng từng cặp một. Rồi người vực nâng tấm thân béo ú nặng trịch, người luồn quang vào dưới lưng hắn. Cuối cùng, toàn thân Chèm đã nằm trong bốn chiếc quang mây. Hai ông bà ghé vào lấy sức gồng lên vai. Hắn rên ư ử, đầu ngửa ra, hai cánh tay rơi thõng quệt xuống đường. Vợ chồng già khom lưng, cố khiêng Chèm qua quãng đồng vắng. Bóng họ ì ạch, mờ ảo dưới ánh rạng đông bắt đầu xòe những nan quạt trong màn sương sớm…
***
Nghiệp nông gia với giấc mộng đất đai vẫn khiến ông hằng đêm thức trắng. Lặn lội đi các nơi Thanh Hà, Hưng Yên, Đoan Hùng, ông lấy giống cam bưởi, vải thiều, táo lai... về trồng. Ông còn gây giống các loại rau răm, rau húng, rau mùi, cần tây, hoa huệ... trồng dặm trên các luống đều đặn và thẳng tắp. Trong khi chờ đợi các loại cây ăn quả bén gốc, đơm hoa, ông còn cấy cả lúa xen canh. Lúa cấy trên vườn, khát nước như người. Ao cạn, phải gánh thêm nước ngoài hồ làng về tưới. Có vụ, đêm chuột vào phá tanh bành, sáng ra mặt đất vương đầy những gié lúa non!
Giống bưởi quý Đoan Hùng về đất mái chua, ra hoa kết quả rất sai. Trái bưởi vàng, sần sùi bởi nắng quái chiều tháng chín. Mỗi khi sau cơn giông, nhiều trái rụng xuống sân vườn như những cục vàng lăn từ vòm xanh. Đám trẻ con tranh nhau chạy ra nhặt. Ông bảo: "Sau cơn giông cuối mùa, những quả nào chịu được sẽ ở bền trên cành, quả nào yếu không đủ sức thì rụng xuống!" Sang tháng Một, ông mới cẩn thận hái từng trái, bôi vôi quanh đầu chuỗm rồi nhẹ nhàng xếp vào thảm cát rải dưới gầm giường. Bưởi để chín trên cành, cắt quả muộn để làm hàng thường nhanh bại cây. Nên sau đây phải bón nhiều phân chuồng xung quanh gốc cho cây mau lại sức! Ông giảng giải và hướng dẫn vợ con: Nhằm thẳng tán lá xuống mặt đất dưới gốc mà đào rãnh sâu rồi bón phân, vùi đất lên. Ngửi thấy hơi phân, rễ cây sẽ bò ra. Tán cây tỏa đến đâu thì rễ cây bâm đến đó. Cứ thế mà làm…
Mùa bưởi chín, lựa những trái bị dập vỏ, những trái méo mó để riêng, rồi gọt cho cả nhà thưởng thức, ông bảo: "Bán trầu chỉ ăn chuỗm cau". Của tăng gia được, nhà chỉ ăn những quả sâu si, trông thì sần sùi, méo mó thế thôi, chứ bổ ra quả nào múi cũng đầy mọng nước. Vỏ bưởi sực nức, cay cay sống mũi. Tép bưởi trong vắt, ngọt lịm, mới qua môi đã thấm lịm tâm can.
***
Vùng ruộng trũng Lụa Vân cấy được cây lúa đã khó chứ nói chi đến việc trồng màu trồng rau xanh! Nhưng ông Lý Tấn đã là một lão nông đầu tiên rải được tấm thảm rau màu xanh biếc mùa nào thức ấy trên đồng ruộng chiêm khê mùa úng. Đến bây giờ ở tuổi tám mươi, khát vọng trồng trọt vẫn hấp dẫn ông như một ma lực.
Cánh đồng Hậu Hương, nông dân bỏ hoang ruộng nhiều quá. Tiếc đất, ông Lý Tấn xin năm sào để làm vụ đông. Về chuyện ông trồng rau màu, trồng cây thuốc lào trên đồng đất chua mặn có thể nói như một huyền thoại. Người ta thấy ông như một người xa lạ ở đâu đó xuất hiện ở nơi này!
Cắt sạch gốc rạ, ông cuốc những hòn đất to như chiếc đấu, lật chổng ngược lên, phơi ải, rồi dùng vồ đập vỡ nhỏ từng hòn. Đất khô, lại xới lên đập lại, bở tơi như cám. Trời mùa đông gió bấc căm căm, ông đập đất để chống rét, mồ hôi toát đẫm áo. Thuở trẻ, mải mê dùi mài kinh sách, vướng bận chức sắc, rồi về mở hiệu buôn bán, hết Quảng Yên ra Hòn Gai, lại Hòn Gai về Quảng Yên, Cống Mương... lúc về quê ông vẫn cầm cày theo trâu cắt sá phăng phăng. Những sá cày úp đều vào nhau thẳng tắp. Ông chăng dây đánh luống, nạo sạch từng rãnh và bổ hốc rất đều đặn rồi bốc phân mục bỏ vào bón lót. Hôm sau mới đặt hạt hoặc cây giống. Ai đi qua cũng phải lắc đầu khâm phục về cách làm tỷ mẩn và đức tính kiên trì.
Để chủ động nguồn nước ngọt tưới, ông đào rãnh, tát gàu, dẫn từ dưới mương lên, đào hố sâu chứa tại chỗ. Nguồn phân bón, của nhà không đủ, hằng ngày ông bà dậy sớm đi dọc các ngõ xóm đường làng nhặt phân chó, phân trâu. Chiều chiều lại xuống chợ Lưu vào các gia đình đặt vại, xin nước giải đem về ngâm ủ lá mắm, lá xoan. Ruộng bao giờ cũng sạch tươm cỏ dại. Vụ nào rau màu cũng xanh tốt, cho củ mẩy quả sai. Củ su hào to như cái bát con; bắp cải, súp lơ to bằng chiếc đĩa tây. Những chùm cà chua chín hồng lúc lỉu trĩu cành. Dưa hấu đậu quả nằm lăn lóc như đàn lợn con. Ngô cho bắp bằng chiếc chày giã cua. Lá thuốc lào xanh mướt, dày ắp ruộng...
***
Bây giờ nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang là những hình ảnh khác! Nếu mới trước đó thôi, khoán 100, khoán 10, người nông dân xẻ thịt các cánh đồng, sông ngòi để lấy đất, thêm diện tích vun vén cho mảnh ruộng khoán của mình thì hiện tại họ lại thờ ơ bỏ đó những sào ruộng công phu cải tạo cho cỏ dại, lau sậy lấn mọc tràn lan và chuột đồng sinh đẻ.
Các làng quê sôi động tình trạng con gái lớn lên cha mẹ lo chạy mối lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, rồi lao động trẻ sang các quốc gia đó hợp đồng lao động, học hành. Diện mạo làng xã ông đây cũng thay đổi đến chóng mặt. Con em nông dân kéo nhau vào các công ty nước ngoài đóng trên địa bàn. Chúng nó đi làm theo ca, có xe ô tô đưa đón, có đóng bảo hiểm. Về nhà chỉ kịp dăm câu ba điều với chồng, với vợ, với cha mẹ, con cái trong bữa cơm, trong ít giờ tranh thủ xem ti vi… rồi bật máy tính, điện thoại lên mạng, rồi tranh thủ ngủ lấy sức. Gia đình hầu như ít hẳn cảnh xum vầy, hỏi han, chăm sóc đầm ấm như xưa. Áp lực công việc chồng lấn lên nhau. Do vậy lớp trẻ ít thiết tha đồng ruộng, dễ nhanh quên đi cái liềm cái hái, cái đòn sóc, sợi mây, dễ quên đi đôi néo đập lúa, quên đi con thuyền nan nhỏ bé cùng bến nước sông quê… Những lời hát ru nôi cũng lặn sâu vào dĩ vãng!
Người nông dân tự nhiên nhiễm tâm lý ngồi chờ "dự án", họ chỉ cấy trồng cầm chừng đợi cơ hội "biết đâu dự án đi qua" được đền bù đất đai, đồng ruộng để đổi đời!
Dự án Đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng-Hà Nội qua vùng đồng trũng quê ông cũng không khỏi tác động đến sự biến đổi bộ mặt và đời sống các phường xã. Nhiều hộ nông dân được đền bù ruộng cấy, đã đổi đời. Vợ chồng thằng cháu Dương ở xóm bên nhận 3 tỷ đền bù đất. Nó cất dựng ngôi nhà cao tầng, rồi chung cổ phần làm đầm nuôi thủy sản với anh bạn xã bên. Ông vừa mừng vừa lo cho cháu quá! Nhưng nó bảo: Ông cứ yên tâm. Bây giờ chúng cháu làm ăn có đường lối của chúng cháu. Vả lại cũng như ông hồi trẻ, chúng cháu cũng bám chặt lấy đồng lấy đất quê hương đấy chứ...
Còn ông, hằng ngày vẫn đau đáu những suy nghĩ về nghiệp nông gia. Ngày nào còn vác được cái cuốc, cầm được cái vồ đập đất là ông còn bám lấy trồng trọt, chăn nuôi. Ông bán cả bộ sập quý bằng gỗ nghiến để lấy tiền mua gạch cát xây một dãy chuồng trại. Chiếc sập gỗ nghiến này đời ông nội mua lại của một vị quan huyện Vĩnh Bảo. Theo ông quan huyện thì xuất xứ của nó lại từ Thăng Long. Trước đó một vị quan ở Thăng Long mua về từ Hoàng cung Luông Prabăng nước Lào. Khi người ta đến khiêng bộ sập đi, vợ con ông tiếc lắm. Thấy vậy, ông cười bảo:
-Cổ kim vị kiến thiên niên quốc! Bây giờ cốt có vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế đã!
***
Chiều hôm ra nhà ông Xã Hảo ở xóm Thầu Dầu để giao cho chi ngành ông giữ một quyển gia phả, ông Lý Tấn bảo thằng cháu Tầm con anh con trai cả cùng đi. Đang giữa đường thì gặp trời mưa. Hai ông cháu tạt vào cổng chùa Lụa trú tạm. Bao năm nay không có sư thầy trụ trì trông nom, ngôi chùa thật lạnh lẽo, buồn tẻ. Giữa cảnh chùa vắng vẻ, mưa trút ào ào, ông cảm như mất một thứ gì đó rất khó tả. Sân chùa rêu mọc loang lổ từng mảng đến tận thềm. Mái chùa võng xuống như lưng con ngựa gầy, lỗ chỗ sụt lở. Trong chùa tối om, xộc lên mùi ẩm mốc. Những pho tượng Phật trên bục cao mờ mở ảo ảo bởi bụi phủ dày. Những chỗ mái ngói thủng dột lóe những tia sáng, nước mưa rỏ xuống lộp độp, long tong. Gian phía bắc, pho tượng Thành hoàng đặt thờ tạm dưới bệ thấp cũng bị nước mưa dột chảy mòn tróc một vệt dài ngoang ngổ trên vai trước tới lưng tượng. Nước mưa cưa giời! Cứ đà này chả mấy khi sẽ hỏng mất pho tượng! Nói vậy, ông bèn cởi chiếc áo mưa đang khoác, rũ sạch nước: Cháu trèo lên bệ quàng tấm áo mưa này cho pho tượng... Đây là tượng ông nào mà lại thờ trong chùa hả ông? Đứa cháu thắc mắc... Tượng Thành hoàng! Pho tượng này nguyên thờ ở đình Lụa. Đình sập, dân đem vào đây thờ tạm! Theo dân gian ngài là một dũng tướng có công diệt một đám thủy binh giặc ở cửa sông Vân Cừ giúp Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông năm Mậu Tý 1288...
Tìm mãi, ông mới thấy một thẻ hương mốc meo cùng bao diêm còn mấy que giấu sau chiếc bát hương. Ông kẹp thẻ hương vào nách cho nóng, cố thắp hết ngần ấy nén. Sau ngọn lửa nhỏ cùng những làn khói mỏng manh, mùi hương trầm thức dậy, lan tỏa khắp ba gian thờ ẩm ướt. Những pho tượng như động đậy, bớt lạnh lẽo, cô đơn... Khấn vái xong, ông bảo đứa cháu:
-Nhân cuộc họp Hội Người Cao Tuổi xã tới đây, ông sẽ đưa việc tu tạo ngôi chùa ra bàn cháu ạ! Làng mình phải xây dựng lại chùa Lụa Vân. Làng quê ta phải có chùa thì mới yên bình tâm linh và tín ngưỡng của dân làng! Có thế mới góp phần cho làng ngày càng vững mạnh và giàu có thêm lên !
20-1-2021
Địa chỉ: DƯƠNG PHƯỢNG TOẠI - ĐT: 0982 367 982
XÃ CẨM LA-THỊ XÃ QUẢNG YÊN-TỈNH QUẢNG NINH
Tin cùng chủ đề: Thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.