Truyện dự thi: Chân thực

Mạc Yên Thứ sáu, ngày 20/08/2021 06:01 AM (GMT+7)
Đã có kẻ đánh cắp cái chết. Người mất cắp tiếc thay lại chẳng thành bất tử. Bởi họ không chỉ vuột mất sự thiêng liêng của cái chết mà còn bị vứt thẳng vào phế ngục ghẻ lạnh của tử thần, biến họ trở thành giống hồn thờ ơ bởi tất cả tạo hóa nằm ngoài rìa lãng quên.
Bình luận 0

- Các anh nên thử tìm một tà giáo có hơi hướng Ai Cập. – Tôi kéo sập ve áo vào người để tránh gió tuyết, bực dọc nói thêm. – Nói trắng ra là dịch vụ ăn tiền mai táng kiểu mới, tráo người chết vào quan tài cổ rồi đưa vào kim tự tháp để hưởng phước lành.

- Rồi xác ướp cũ thì sao? – Anh cảnh sát hỏi.

- Vứt vào Fluoroantimonic Acid. – Tôi thở dài nhắm chặt mắt, thật không thể nhìn cái thứ xấu số đẫm màu cay độc ấy thêm một giây nào nữa.

Truyện dự thi: Chân thực - Ảnh 1.

Hình minh họa truyện dự thi "Chân thực".

Tất cả sự thật đã tan biến dưới sức mạnh của thứ acid ma quỷ. Còn đời họ, thành quả của họ đều bị xé vụn ra, ném tơ hơ trên cánh đồng phủ định. Câu chuyện của họ sẽ biến mất giữa khoảng trống của các bức sử thư, rơi thỏm vào nhịp nghỉ trong các khúc ca truyền miệng. Đấy không phải lãng quên mà là một cú nã bom khinh khí vào sự tồn tại con người, hủy diệt mọi thứ đến cấp độ hạ nguyên tử. Tồn tại hóa vô nghĩa.

- Ừ, Vậy… – Anh cảnh sát ngần ngừ. – Tôi có thể hỏi cậu từ đâu đến không?

- Berlin! Tất nhiên! – Chợt nhớ, tôi cười xòa nói thêm. – Việt Nam.

Anh khẽ gật đầu cười tế nhị, không giấu nổi vẻ ngạc nhiên trong mắt.

***

Kì Lộ

Cỏ cây cũng giúp ích đời,

Thế gian căng tràn nhựa mới...

Tay ông Khánh cầm con mã dừng giữa không trung, chắc cũng được hẳn năm phút dài. Lão Dư ngồi đối diện cũng chẳng màng hối thúc. Cả hai đều bận nhướn bốn con mắt cườm thao láo nhìn thẻo đất trũng khô khốc bên cạnh. Giữa cái trũng ấy là tay tỷ phú Vĩ "Cuồng" đang ngó đông dòm tây trong lùm chuối gầy đét.

Cái thằng nhà giàu này đang quấy rối xóm làng một cách hết sức tĩnh lặng. Hắn ta cứ thốt nhiên xuất hiện ở chỗ nào đấy, lùng sục giữa khoảng không, thậm chí là đứng bất động phóng mắt xa xăm vào một mảnh tường bể nát. Và sau bao hôm nghe người ta đồn tới nhờn nhĩ, hắn đã thọt tới cái đìa cá của ông Khánh chỉ để ngắm lá chuối như thế.

Bỗng, hắn nhảy phóc khỏi bụi rậm, hộc tốc trờ lại bàn cờ với tốc độ hổ báo. Hai ông già hoảng hồn bật dậy. Hắn chộp lấy cái ghế còn trống, tót vào bụi chuối một lần nữa.

Và điều sau đó đã đánh rớt con mã trên tay ông Khánh đánh bụp lên nền đất khô, tuột luôn vào cái trũng chỗ hắn đứng.

Cái ghế đủ kê cho đầu hắn trồi qua mấy tàu lá rậm, trôi nhấp nhô trên làn sóng nhờn nhợt vàng. Giữa sự bồng bềnh ấy, hắn cười.

***

Tai cậu đã ù đi vì áp suất thay đổi đột ngột, nhưng lời Eckstein nói vẫn cứ nhức nhối như cái dầm kẹt giữa xương búa và màng nhĩ, thọc liên tục vào dây thần kinh tự tôn khi hai chữ Việt Nam dội vào người mình.

- Mày không biết gì à? Kì Lộ ở quê mày đấy!

Cậu tự hỏi, tận cùng kiêu hãnh là gì? Thứ tài sản vô giá ấn hằng lên những thước đo lơ lửng khái niệm khi một cá thể len lỏi vào phần tâm rỗng tộc đoàn. Hay nó chỉ là lớp thành trì trong suốt, mà gần vô hình, quấn bọc quanh vệt tinh thể hình chim kêu liếp chiếp trong cái tổ thẫm màu nhục cảm của tự ti. Dường như chẳng câu trả lời nào làm cậu bớt muộn phiền đi. Vì khác với toàn thể những người rời khỏi đất tổ để vong thân nơi khác, cậu luôn nói về sự sính ngoại của mình với sự bằng lòng, bởi người ta chỉ có một cách để bước đi trong đời mà không bận chút ái ngại nào, đó là phải thừa nhận sự thiếu khuyết của mình bằng một niềm tin toàn vẹn. Và nếu không có sự sính ngoại đáng nguyền rủa ấy, cái tên hoàn toàn thuần Việt của cậu, đã không bao giờ xuất hiện trong bảo tàng Pergamon.

Nhưng cậu đã về, đứng lớ ngớ bên một người thanh niên lạ mặt đang chờ đợi gì đó dưới tấm bảng Kì Lộ xập xệ mục nát và ám đầy mùi sắt thép phân rã bên mấy ụ xà bần ngổn ngang. Đúng lúc cậu cởi bỏ măng tô và khăn choàng cổ, một chiếc xe lôi đạp trờ tới trước cổng.

- Ê, tới sớm vậy mày?

- Nôn mà chú! - Anh thanh niên lao ra trông bộ dạng cũng hớn không kém. Rồi họ khệ nệ bê xuống hai cái thùng loa toàn dải thời Đông Dương với phần gỗ ngoài đã xỉn hẳn đi trong lớp bụi da người thít chặt vào năm tháng. Thế nhưng điệu bộ thận trọng của họ là tất cả những cung cách trân quý dành cho quá khứ.

- Nay dẫn bạn tới nữa hả?

Ông nhìn qua cậu. Anh thanh niên ngơ ngác.

- Con nghe ở đây có nhiều đồ cổ nên tới coi. – Cậu liền chộp lấy sự lầm lẫn xinh xắn ấy để che đi sự thừa thãi của mình.

- Đóng thùng mới là ngon. – Anh thanh niên vẫn mân mê cái loa. – Mà gỗ này là gì ta…

- Giá tỵ đấy. – Cậu nói bằng thứ giọng điệu thuật lại kiến thức cho các nghiên cứu sinh. – Ngày xưa người ta lấy làm báng súng AK, nhưng ở Scandinavie thì hay làm đồ nội thất, bề ngoài hơi cũ chứ còn tốt lắm!

Anh gật gật đầu trong khi mắt đã dò tới mấy cái mạch điện.

- Nhưng dân chơi nhìn nó không lún là biết ma trận thông hơi nghẹt cứng rồi, không đóng mới không được. Tới nhắm món khác của ổng phải không?

Mặt ông chủ từ hớn hở trở nên thẳng đứng chẳng chút cảm xúc nào, hai tay bất giác khoanh trước ngực.

- À… Con nghe nói có một kim tự tháp nào đó ở Kì Lộ.

Tên thanh niên và ông chủ ve chai trố mắt nhìn nhau, rồi họ cùng phá ra cười. Anh thanh niên lại cặp cổ cậu ra vẻ thân tình.

- Kim tự tháp thì theo tôi.

***

- Không có! – Anh cán bộ xua tay. Đã là lần thứ tám trăm có lẻ tay Vĩ "Cuồng" này mò tới hỏi một cái tên lạ hoắc lạ huơ nào đó, chán tới mức anh chỉ muốn trốn luôn khi hắn lú đầu vô nhà văn hóa.

- Bảy Xi Bảy Xị gì đó.

- Nguyên cái xóm này tôi thuộc hết mấy chục gia phả, làm gì có ai tên Bảy Xí Bảy Xì nào.

Tiếng bước chân thình thịch ào vào nhà văn hóa. Một bàn tay đánh bộp lên đầu anh cán bộ.

- Thằng quỷ! Bảy Xì là má tao! Là bà cóc mày đó! Cái thứ không biết tổ tông gì ráo trọi.

- Ông cậu! Con xin lỗi! Con biết lỗi rồi!

Vĩ lao tới nắm chặt hai vai ông lão, mắt long lên như vừa trục được tấn kho báu thất lạc dưới đáy sâu.

- Bảy Xì? Vậy còn ông Hai Thôn?

- Ở đây không có Hai Thôn. – Ông lão cố lẫy vai để thoát khỏi cú kẹp mạnh mẽ của Vĩ "Cuồng" nhưng bất thành. – Có Hai Khôn thôi.

- Ở đâu, đưa tôi đi gặp đi. Ông cậu làm ơn đưa tôi đi gặp liền đi!

Ông Chín nhìn hắn, không thể tin được thằng máu điên này là tỷ phú. Tiền nhiều quá nên điên chăng? Hay vì hắn điên nên thành tỷ phú nhỉ? Ông chẳng biết, chỉ biết là cũng vừa lúc ông đang rảnh nên làm phước cuốc một chuyến cho tay tỷ phú cũng được. Thế là ông dẫn hắn tìm tới nhà bà Kế, rồi bà Kế dẫn mọi người phăm phăm ra vườn dừa sau nhà.

Vĩ lâng lâng bước trên tiếng lá dừa khô, cười phớ lớ như thể toàn bộ gia sản vừa được nhân đôi ra vài lần nữa. Đã nhiều ngày rồi hắn chưa thấy yêu đời tới vậy. Cho tới khi mọi người dừng hẳn lại ngay rìa khoảnh đất trống thì hắn đổ sụp xuống đất. Quỳ mấy tiếng liền.

Sau hôm đó, hắn cứ tới lui cái gò chơ vơ giữa đống cỏ cây đìu hiu khô quạnh. Bà Kế cũng kệ. Đã bao năm rồi chỉ có mấy cái mạng già lâu lâu tấp vô nhà bà tằng hắng vài câu rồi biến, nay có hẳn một người tới thăm cha bà mỗi ngày, tuy không nói gì chỉ ngồi như cương thi, nhưng ít ra còn có kẻ tới lui cho thơm mùi người. Chứ nhà chỉ toàn mùi mốc.

Đến ngày thứ năm, bà rình thấy gã tỷ phú bắt đầu đi đi lại lại, dường như gã đã bắt gặp cái gì đó. Nhưng, có gì ngoài đó đâu?

***

Thi lăng

Chân giá trị muôn đời

Chưa bao giờ đổi thay

Cõi đất trời từ trước tới nay

Cậu sững lại trước cảnh tượng lạ lẫm nơi bến phà.

Bên kia sông rộng là dãy dài những ngôi nhà sàn sơn đỏ với một tầng hành lang gỗ bao quanh ăn thông nhau. Cặp hai bên nhà có thang gỗ dẫn xuống những cầu tàu dài và rộng bằng mấy thân thuyền tỉa ra như xương cá, chia mặt sông thành những khoảnh nước vuông vức cho nhộn nhịp xuồng lớn ghe bé cập vào. Lũ lượt từng gói đồ ăn cuộn trong lá chuối được các bạn phục vụ mặc bà ba đon đả tới lui để chuyền xuống những bàn tay lênh đênh trên sóng. Hay xôm tụ hơn là vài chiếc nón lá nêm trọn một bữa thịnh soạn từ khai vị đến tráng miệng.

Cạnh những nhà hàng ngấp nghé mặt nước ấy là vài căn có dầm móng cao vượt hẳn với mặt tiền trống hoác. Từ trên trần rủ xuống hai tấm lụa dài tận mặt sàn gỗ, cắt bề ngang căn nhà thành ba phần gần như đều nhau. Đếm từ sàn gỗ, de ra mặt sông có ba tầng hành lang nữa. Chỉ duy nhất tầng trên cùng có những tay vịn ngăn cách, nơi đó dựng đầy các loại đàn và trống. Mỗi sân khấu như thế không chỉ có một tầng ván không tay vịn ăn thông các nhà sàn khác, mà có hẳn đôi cầu gỗ hai bên cong cong hình bán nguyệt. Đỉnh bán nguyệt nhà này giao với đỉnh bán nguyệt nhà kia thành một điểm nhọn như cái mỏ gà, biến ra một khán đài giữa trời gió và nước lộng, tách biệt hoàn toàn không gian nghệ thuật đầy tính cổ truyền với phần ẩm thực xôn xao.

Và kia, sau dãy sân khấu bờ sông, cách một vạt cây xanh rì mướt mắt chính là khối kim tự tháp khổng lồ. Đỉnh của nó ánh sắc bạch kim hướng thẳng lên trời, bốn mặt thoải dài loang loáng vàng xanh màu lá mạ chứ không xù xì như Kheops mà cậu từng thấy. Không có gờ đá thô vẹo, vỡ ra theo dấu tích thời gian, mà sự bất đồng nhất của kim tự tháp này lại giấu chìm vào bên trong phần kính lấp lánh. Những thảm li ti trải đều thành từng tầng bởi một thứ vật chất sống kì lạ và đầy quý giá giữa lòng thành phố hiện đại: Thực vật.

Gió bạt tóc cậu phớ phơ, từ bao giờ nơi đây đã mọc lên một chiếc kim tự tháp? Cậu đã rời đất tổ bao lâu rồi? Chín năm? Có lẽ là hơn một chút. Cũng phải, người ta chỉ mất hai năm để thay thế toàn bộ thể xác. Mười năm với đất, chắc cũng vừa đủ thay da.

Chiếc vỏ lãi cập bến. Khi anh thanh niên quẩy loa qua cầu ván lướt luôn vào sân khấu nhà sàn gần đó, cậu líu ríu trèo xuống, tất tả đuổi theo.

- Bác ơi, có người tìm Kì Lộ! Để con lên nói ảnh xuống.

Ông bác lớn tuổi ngồi ở hành lang mé nước lau đàn chợt ngừng ngang một hơi thuốc lá. Bàn tay đang vặn cần cũng dừng hẳn lại. Cậu hổn hển bước vào khoanh tay thưa. Ông bác cười khà khà.

- Chờ chút, thằng kia ra liền đó.

Ông bác trịnh trọng đặt cây đàn xuống đùi. Không phải thùng hình số 8 quen thuộc của những cây guitar phím lõm, thậm chí nó còn không có phím hay vạch chia nào, đàn này mỏng và thuôn hơn nhiều. Cậu hít một hơi đầy ứ, giọng không giấu nổi trầm trồ.

- Cây Hạ Uy Cầm này chắc cổ lắm hả bác?

Ông bác lại cười hà hà, tay vuốt nhẹ từ đầu đến cuối từng sợi trên đó, tổng cộng sáu lần. Rồi ông gảy, ngón tay miết trên dây đàn tỉ tê như vuốt trên thân cò, vuốt ra những âm ngân, luyến quyện qua các giai hoài vọng, thanh sắc kim mỏng mà lại bầu bầu như tiếng độc huyền cầm. Nỉ non có, liến thoắng có, tựa như sáu cây đàn cò hòa thanh với cây guitar bên bờ nước. Tiếng đàn theo gió sông, hòa vào sóng vỗ ràm rạp dưới chân nhà. Và ông bác ngâm nga.

Kì Lộ đây Lăng Thi

Lục phẩm ngũ tầng tam trân bảo

Nhị hương hòa độc lộ thanh ca

Vạn vật sinh ra giá trị tuần hoàn

Chảy truyền trong huyết khí thời gian

Kể chuyện đời lắm gian nan

Người xưa xa trong lòng đất nước

Hỏi Kì Lộ

Tầm Chân Thực Thi Lăng…

Lời ngâm nga vừa dứt, tiếng huýt sáo liền loang dài ra hòa với cung ngân, nhẹ nhàng trôi chảy trong không gian, luồn qua tiếng lạch tạch của máy tàu vọng lại. Cậu chợt ngừng thần, đây có phải cảm giác của thời quá vãng, khi con người lấy nước mưu sinh giữa những bưng điền kinh rạch còn chưa khai phá hết? Thứ cảm khái tiếu ngạo giang hồ này tựa người đã tan vào tự nhiên, không phân định thắng thua, không gào thét chống trả, biến trật tự thành những hỗn độn trong vô thức của sự ghi nhận.

- Ai đâu? Ai tìm Kì Lộ? – Một gã nhảy xổ vào nhà sàn, xé nát cái không gian đầy chất thẩm mĩ nghệ thuật. Vẻ mặt gã tớn lên chẳng khác gì một con tinh tinh trâng tráo thó mất món ngon ngay trước miệng người khác. Rồi gã ta ba chân bốn cẳng phóng tới bên ông bác, gọn ghẽ quỳ xuống, cất giọng trọng thị.

- Bác ngâm bài vè đi. Con nghe đây ạ.

- Vừa xong, bác tiễn khách.

Ông bác hững hờ cầm đàn đứng lên, vén rèm vỏ ốc kêu lanh canh rồi mất dạng vô cánh gà. Cậu cười khẩy khoái trá, thấy vậy hắn liền chạy tới ngọt nhạt.

- Ông hát gì cậu lặp lại được không?

- Cho tôi biết Kì Lộ là gì trước đã.

***

Từ khi Vĩ "Cuồng" không tới nữa, bà Kế lại là người theo rình. Được dăm hôm có thêm ông Chín nhập bọn. Hai người đều ngửi thấy rằng hắn thật sự có mục đích nào đó đằng sau những hành động điên khùng ấy.

- Sáng nay có người lại dạy nó nhìn miệng người khác. – Ông Chín vừa ngồi xuống quán nước mía cầu tàu đã đánh tiếng ngay.

- Hả? Dòm miệng người ta ăn?

- Không, nhép miệng đoán coi nói cái gì ấy.

- À! Đọc miệng hả. Học cái đó làm chi trời. Bữa giờ có thấy nó đi nói chuyện với ai đâu, mà cũng đâu có ai nói chuyện cho…

Bà Kế ngừng ngay lại khi một đợt gai ốc rần rần trên da mình. Ông Chín cũng nhạy, không dám lên tiếng. Rồi đột nhiên bà khều mạnh ông một cái, hất mặt về gốc dừa cách đó không xa. Vĩ "Cuồng" đang tới, còn kè thêm thầy dạy đọc miệng. Hắn lại chăm chú vào khoảng không làu bàu không rõ tiếng.

***

Gã kéo cậu xuyên qua vạt cây xanh mướt. Hóa ra nó là công viên trồng toàn cây ăn trái được tỉa cành tạo tán hết sức tỉ mỉ và công phu. Một cặp xoài không thấy mặt vừa phả mùi phớt qua mũi, làm cậu chợt nhận ra công viên rậm rạp này chẳng hề chắn mất con gió sông phía nhà sàn. Ngược lại còn tính toán bố trí cho gió len vào mọi ngóc ngách bên trong, đánh bạt đi luồng khí thổi từ mặt bên này vốn sẽ mang theo mùi chợ hải sản.

Nhưng ý nghĩ đó ngay lập tức bị "ổ phố" trước mắt hất sạch xuống cống. Bởi đấy rõ ràng là nhà nhưng không tách thành căn hay từng lô riêng biệt. Nó giống một tập hợp những căn nhà bị ném vào nhau, và thay vì vỡ ra thì chúng đã nuốt lấy nhau, chồng lên nhau, xuyên qua nhau. Biến cả cái xóm thành tổ hợp của những ngôi nhà chồng lấn y chang nồi canh hẹ. Mà đâu chỉ phần nhà!

Đường ở đây lát đá hoa cương thô, quanh co, lúc cong lên lúc quẹo xuống, ngoặt liên tục sau những vách nhà chìa ra thụt vào, thậm chí còn bay vọt lên những lan can nhỏ hẹp vắt vẻo giữa tầng không, rồi sà xuống chui qua gầm các cao lâu như đường hào địa đạo. Một số con đường như hiện ra từ hư vô giữa hai bức tường giáp mí chỉ vừa một người, hay lủi vô ngõ cụt rồi biến mất không thấy đầu ra giữa một căn bếp. Người ở đây cứ thoắt ẩn thoắt hiện như thể họ vừa xài một loại bùa biến bụp vào không khí rồi thình lình thoát hình trên cửa sổ nào đó, ở một hành lang mượt màu hoa lá hay thậm chí là tót trên nóc nhà lúc nào không hay. Cái thứ duy nhất để phân biệt đường đi và hành lang nhà người khác chính là những khối Gabro vuông vắn. Nơi nào có Gabro, nơi đó là đường.

Nếu một căn nhà có "đường Gabro" cắt ngang phòng khách, hay đâm xuyên qua hành lang biến cửa phòng ngủ và nhà bếp thành mặt tiền cũng không có gì lạ. Thậm chí có nhà cách nhau tới hai mê lộ, nhưng chỉ cần vén một rèm dây leo là có thể bước vô sân trước của nhà kia với con đường Gabro đột ngột hiện ra dưới chân.

Cậu nghẹn cả họng vì gần như nhà nào cũng có một phần mái hay vách lộ thiên, như thể người ta chẳng cần riêng tư ở góc đó nữa mà biến nó thành mảnh trưng bày đời sống thường nhật ra bàn dân thiên hạ.

- Xóm này xây trên nền mê cung à? – Cậu lạnh giọng. Rồi cậu chợt nhận ra sai lầm của mình khi đi hết đoạn đường bị bẻ dặt dẹo vì một bức tường chắn ngang.

Hóa ra những con đường vô danh liên tục uốn mình vào góc khuất là để tránh đi những địa điểm đặc biệt không thể phá hủy. Như bên này chính là mặt lưng miễu nhỏ, tất yếu phải có một khoảng không đằng trước cho luân phong chuyển thủy, và để giải quyết điều đó, đường Gabro lòn dưới cao lâu phải tách làm hai nhánh, một nhánh leo lên ban công nhà bên kia để đáp ngang mặt miễu, xuyên qua phòng khách nhà này. Phần trên miễu cũng cần một khoảng thăng cho việc thờ cúng, vậy nên hai tầng nhà bên kia đường móp hẳn vào như hạt đậu.

Đường cứ thế hàng trăm ngã rẽ, những nơi từng là hồ nước sẽ thoải xuống lòng hồ, gò cao sẽ dốc lên, quấn vào hầm công sự hay tỏa ra những ngả loanh quanh hòng né tránh một cột ghi công, một gốc cây già tuổi hay cái ban thờ nào đó mà bên dưới chính là nơi an nghỉ của họ. Và sự khó ở trong cậu chợt tan biến khi anh chàng mua loa ban nãy tiến về một giàn dây leo lủ rủ chắn ngang con đường đâm xuyên nhà. Anh ta không bước qua mà cất tiếng xin thưa, chờ một lời hồi đáp mới chịu vén rèm cây bước qua. Hóa ra là vậy. Tất cả những thứ cậu thấy kì cục nhất chính là tận cùng văn hóa chốn này.

- Người thân người nên nhà không biên giới, nhà nối nhà thông sân. Nhưng vì không có biên giới nên lễ tiết càng phải tự mình tu thân mới sống cùng nhau được. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Tôi thật hồ đồ.

- Ừ, đây là Xóm Chài mà. Nơi cất giấu nhiều truyền thuyết thành thị nhất thành phố đấy.

- Vô đây lạc tới già chứ không về được.

Gã cười ha hả, gật gù với bộ mặt cực kì khoái chí.

- Nói quá! Ai cũng nói tới Xóm Chài lỡ may đi lạc, ở Xóm Chài lạc hoài mới vui. Vạn gia nghệ nhân, đơn truyền trăm năm. Bảng hiệu độc quyền, ai cũng có vô số câu chuyện kể. Bất kì dịch vụ thương mại hợp pháp nào cũng có. Thấy nửa cánh cửa dưới con đường kia không? Ban ngày bán băng đĩa, nhưng ban đêm có thể mua game 2D hay tạp chí Manga mới phát hành ở Nhật đấy!

Cậu tròn mắt nhìn nửa cái cửa đang đội Gabro lên đầu. Dường như nó chỉ là cửa sau nên vẫn đóng kín.

- Rẽ ở kia, theo cánh phải chui xuống một cao lâu là nhà đóng hòm. Chỉ cần đưa mẫu mã, còn lại 99% giống y đúc từng cây đinh con tán.

- Rồi nó liên quan gì tới Kì Lộ? – Cậu chớp mắt bối rối với cái mớ thông tin không tưởng ấy.

- Kì Lộ thì trên kia. – Gã chỉ về kim tự tháp. – Cậu chưa nghe gì về truyền thuyết kim tự tháp duy nhất trên thế giới chôn cất sự sống à? Trong đó chứa hàng ngàn giống thảo mộc và hai mươi cổ văn.

Cậu chợt bừng tỉnh, Eckstein đã nói như thế: "Kim tự tháp hai mươi vĩnh hằng".

- Để lên được phải có vé thông hành. Muốn lấy vé người ta phải đi vào một trong hai mươi lộ. Cậu có biết đặc sản trăm năm của Xóm Chài là gì không? Đó là câu chuyện! Hai mươi chuỗi câu chuyện từ cổ xưa hòa tới hiện tại, và chỉ có người gọi đúng tên lộ, thành tâm lắng nghe hết một chuỗi mới được cho vé. Tới nay chỉ có hai chuỗi được khám phá, Kì Lộ chính là lộ thứ ba.

Máu nóng bắt đầu chạy rần rần trong người cậu. Một cuộc truy tìm văn hóa cổ xưa trong các câu chuyện ư? Có khác gì một chuyến khảo cổ linh thiêng tới vùng đất lăng tẩm của các vị Pharaoh? Hay khác chi một cuốn Hành trình về phương Đông bằng tiếng mẹ để? Nó chính là kho báu lịch sử, là suối nguồn văn hóa của miền đất này!

- Sao anh không đi tìm nó một mình? Cái chuyện hấp dẫn như thế này chắc phải có cả lô người bu tới đây để tra lý và đào bới rồi chứ?

- Tất cả đều là do luật lệ mấy cụ lập ra. – Gã cười trong đau khổ. – Tôi chỉ là kẻ dẫn đường.

***

- Được rồi! – Vĩ hô hoán, tóm cổ áo người bên cạnh lắc lấy lắc để. – Lại nói về bà Bảy Xì, phải đi kiếm bả liền!

Vĩ "Cuồng" lao đi.

Hơn ba tháng rồi hắn lang thang ở chốn này như hồn ma. Phải, bởi những người hắn quan tâm đều đã chết. Từng người một lờ nhờ trong thế giới linh hồn, tựa như họ bị ném vào một vũ trụ song song của thần chết, nơi những con ma khác cũng chẳng thèm để ý tới nữa. Còn hắn thật may mắn khi là kẻ duy nhất được xem trộm những cuộc trò chuyện trong hư vô. Ám ảnh bởi vẻ đẹp của thế giới ấy.

Bà Bảy Xì đã hai lần xuất hiện trong câu chuyện của họ. Bà ta có lẽ cùng thời với họ, có lẽ từng nghe những gì họ nói. Hắn lạy trời cho bà còn sống và còn nhớ. Bởi một khi lòng đất đòi trả người, những câu chuyện không đầu không cuối ấy sẽ mãi mãi ám ảnh gã. Như một bóng ma.

- Bà Bảy Xì, làm ơn cho con gặp bà đi!

Ông Chín gật đầu. Từ khi nghe tên Vĩ "Cuồng" nhắc tới mẹ mình, ông đã thật sự tò mò, và ông biết sớm muộn gì hắn cũng mò tới đây.

Ông Chín đưa hắn vào buồng trong. Người phụ nữ tên Bảy Xì đang ngủ. Chân gã run lên, cả người gã co giật theo từng bước. Nhưng rồi ông Chín chặn gã lại, buông ra một câu thì thầm nhẹ tênh.

- Đầu năm má bị trúng gió, giờ miệng không nói được.

Một lần nữa gã đổ sụp.

***

Lục kì phẩm

Xuân đi hạ đến thu sang

Đông về - bốn mùa biến đổi

- Lục phẩm ngũ tầng tam trân bảo… – Gã vừa dẫn cậu đi vừa lẩm nhẩm.

- Tôi thấy không khó để giải nhỉ? Văn hóa ở đây không đánh đố mà thách đố. Kiểu như làm được rồi họ trả công.

- Sao biết nhanh vậy?

- Nhìn khách tới lui thôi.

Với mê hồn trận Gabro, tìm đường ở Xóm Chài nan giải như lên trời. Thế nên hoạt động tất yếu là hỏi đường. Một khi đã hỏi đường, người hỏi phải làm vài việc như tìm hàng trao đổi hoặc dẫn đường cho người đi lạc khác. Tất nhiên không ít trường hợp lạc thành bầy, lạc hai ba lần, rồi việc chồng lên nhau, đẩy họ vào mấy ngóc ngách kì ngộ ít người tìm thấy để lại bị hàng quán nào đó mê hoặc lúc cuối giờ. May mà người Xóm Chài biết điểm dừng, đến khi nguy cơ không thể về quá cao thì khéo dẫn họ lại mục đích ban đầu vào Xóm Chài.

Dạng thứ hai cực công hơn: Tham gia thử thách, tranh món trấn tiệm. Ngoài dẫn đường, đổi hàng còn phải nghe kể chuyện và phụ việc để họ hiểu vài nét phong tục xứ này.

Chưa kể các hội lễ mỗi tháng, mỗi tiết khí, tuần trăng vận dụng triệt để biến hóa mê lộ Gabro, mê cung chuyện kể. Chẳng còn đầu óc nào muốn lên kim tự tháp.

Gã dẫn cậu tới cao lâu ba tầng có đường vắt lên nóc tầng một. Biển hiệu mực tàu: Lục Bát Thư Quán.

Hầm ngầm dưới đường, mà thật ra là tầng trệt của Lục Bát Thư Quán bán bút nghiên giấy mực. Thi nhân văn sĩ đàm thơ luyện chữ trên tầng hai. Còn tầng ba hiếm ai lên, bởi đó là nhà riêng của thi nhân Mạc Thanh Tú.

- Khoan… Dòng họ Mạc Cửu? Mấy người lập Chiêu Anh Các quy tụ hiền tài văn sĩ năm xưa?

- Ừ nhà thờ họ Mạc ở tầng ba.

- Hèn chi toàn bộ xà gồ, vì kèo, giá chiên chồng lên thanh gườm đều là liên kết mộng. Đúng kiểu nhà gườm người Hoa rồi. – Cậu đang đưa tay vuốt tấm liễn "Tốt Động chi thi tích dã, di xú thiên niên" thì ông Tú mở cửa, ánh mắt vui vẻ đã dành sẵn về phía cậu.

- Muốn đi Kì Lộ lấy kì thư nhất phẩm đăng. Xuống chọn một tờ giấy.

Ông Tú nói xong liền đóng cửa. Đầu gã chưa kịp suy diễn thì bị cậu kéo tới tầng trệt lúc nào không hay.

- Chỗ mình bán bao nhiêu loại giấy ạ? – Cậu nhẹ nhàng hỏi.

- Không tính nhãn hiệu thì có hai trăm sáu mươi ba loại, thưa anh.

- Chết… lần trước mười tám loại mực, lần này không lẽ mua hơn hai trăm lần? – Gã bối rối làu bàu.

- Có bao nhiêu loại làm đèn trời vậy chị? – Cậu lại hỏi.

- Một loại có thể viết chữ lên nhưng phải mua khổ lớn vì giấy nặng. Loại kia làm đèn nhỏ dán chữ mỏng, vì chữ viết không đều các mặt sẽ làm chao đèn, rất dễ cháy.

- Tôi lấy loại thứ hai.

Gã chưa kịp nắm bắt gì thì cậu lại lướt vèo đi.

- Này này giải thích ngay đi chứ!

- Chúng ta đang ở đâu? – Cậu dừng ngay trước cửa nhà ông Tú.

- Xóm Chài.

- Vậy bên kia sông?

- Thì…

- Bình Ngô Đại Cáo viết thành một cặp: "Ninh Kiều chi huyết thành xuyên, lưu tinh vạn lý. Tốt Động chi thi tích dã, di xú thiên niên", là nhắc tới đâu? Gần đây một phim dã sử trận Tốt Động quân ta đốt đèn trời báo hiệu giáp công. Đăng là đèn, là lên trời, vừa là thiên thời cho trận chiến.

- Vậy sao không chọn loại kia?

- Dám lập Lục Bát Thư Quán, dòng họ lập Chiêu Anh Các, tài viết chữ của ông Tú đủ thành kì thư nhất phẩm không?

- Chí phải! – Ông Tú đã xuất hiện trước cửa từ nãy giờ, nghe không sót chữ nào. – Không mấy người trẻ bắt được hàm ý của ông!

Ông nói rồi múa bút ngay lên tờ giấy trên tay cậu:

Trư Tam Túc

Đất Hổ Lai

Gạch lò Bắc

Mộng Kế bần

Hũ Chiêu Thủy

Kì thư nhất phẩm đăng

- Thuộc chưa? Thuộc rồi thì đi đi. – Ông Tú lại đóng cửa tiễn khách.

***

Ngũ kì vị

Hóa công sớm an bài

Con người thiên nhiên chung sống

- Một món ăn à. – Gã nham nhở cười. – Trúng mánh rồi!

Kì thực, đoán chữ với cậu còn tí chuyên môn, chứ xóm này lạ nước lạ cái, không theo gã chỉ có lạc. Nhưng gã không giải thích gì lại dẫn thẳng đến hàng bán rượu ngoại.

- Rượu vang tôi có biết chút đỉnh. – Cậu tự tin nói.

- Vậy Hũ Chiêu Thủy là rượu nào? – Cô bán hàng đá mắt thách thức.

- Chiêu thủy… chắc là tính háo nước của cồn. Mỗi giống nho có lượng đường khác nhau, đường càng cao độ rượu càng mạnh. Thổ nhưỡng, mùa vụ, năm trồng, loại thùng gỗ lên men, pha trộn hay có chưng cất, chắt lọc gì không. Nhưng nói chung vang cô là cao cồn nhất. Vậy chắc là Vermouth. Mà dùng Vermouth nấu ăn thì…

Mọi suy luận hợp lý của cậu không cản được cảm giác sai lầm đang nảy nở theo từng cái gật gù của chị chủ hàng.

- Anh ta cố tình không nói món trấn tiệm nhà tôi cho cậu biết à? – Chị ta lườm gã. Lấy từ thùng đá khô một cái khạp nhỏ đặt lên bàn. Băng giá tỏa ra những làn khói trắng tràn xuống mặt bàn như dòng thác, cuốn theo nhiều con mắt hiếu kì. Vật trấn tiệm hàng bán rượu lại chẳng phải rượu, càng không phải men. Mà là một hũ mắm cá sông.

- Hũ duy nhất còn lại từ năm 1997. Ai ở đây nói được vì sao món này độc nhất vô nhị tôi sẽ cho một nửa.

- Chơi lớn chị Bảy! – Gã hô hoán, lo lắng phần mắm cá vuột vào tay người khác. Mắm cá sông thì cứ tới mùa nước nổi chài rẹt một phát là đầy mấy chục cái hũ. Năm 1997 thì như bao năm thôi? Không. Khoan đã nào, năm 1997 ư? Hình như gã còn chút kí ức.

- Tôi chưa từng nghĩ tới chuyện này! Mỗi lượt mắm cũng đặc biệt như một dòng rượu vang! Mùa nước nổi mỗi năm mỗi khác, cá linh năm nhiều năm ít, có lúc non lúc già, trộn chung sặc, lòng ròng đủ loại. Cá mỗi vùng một mật độ, tỉ lệ khác nhau làm vị thịt không thể trùng lắp. Từng ly từng chén đều là một cuốn biên sử ẩn giấu, từng giọt mắm là từng hớp văn hóa ủ lấy thế sự con người lúc đó.

- Vậy mùa nước nổi năm 1997 có gì đặc biệt? – Chị cười nhẹ, trong nét cười phảng phất một vẻ buồn mơn man.

- Cơn bão Linda. – Gã chùng giọng. Tiếng ồn quanh bàn rao giá đột nhiên biến mất. – Mùa nước nổi lần đó không chỉ có sông từ dưới dâng lên, còn thêm nước trời từ trên dội xuống. Hàng ngàn người mất tích ngoài biển khơi, những người đàn bà đột nhiên mất chồng.

Đôi mắt ướt của chị Bảy nhìn gã không chớp. Lại là cái chết, cái chết chưa bao giờ ngừng thay đổi dạng hình của mình, len xuống thế gian, gieo vào tất cả mọi thứ hạt mầm chờ đến lượt gọi tên. Ngực cậu nghẹn thắt. Hũ mắm bất giác như một chiếc quan tài mặn chát.

Nhưng nó không mặn như cậu tưởng, ngược lại còn ngọt đượm vị cá mà không nồng. Và có thứ gì đó mỏng manh ghim lên vòm họng tựa khoáng chất trong nước mắt đàn bà. Có lẽ là nhiều hơn nước mắt của một người đàn bà.

- Thấy không? Mảnh như kim ấy. – Chị hỏi.

- Cá gì lạ quá chị Bảy? – Gã hỏi.

- Do cục dằn mắm. Đi lấy cho chị một cục.

***

Cục dằn mắm hóa ra không xa lạ, nó chính là một trong lục kì phẩm: Gạch lò Bắc.

- Gạch dằn mắm hả? Vô đây. – Ông Dư hồ hởi đi tới đống gạch chất cao như núi, nói gọn lỏn. – Chọn đi.

Gã nhanh như cắt, cầm từng viên gạch lên liếm trong sự ngỡ ngàng của cậu, rồi chắc như đinh đóng cột chỉ cục hoa vân. Lão Dư vỗ tay tán thưởng.

- Đốm như mây thế này bị người ta chê tạp. Kể cũng lâu quá rồi, cái thời bọn trẻ như bây bỏ xứ đi làm giàu bên kia không ai về, mấy chính sách bảo tồn làng nghề gì đó đắp chiếu. Bác định đi nằm. – Ông Dư thản nhiên. – Tự nhiên thành phố cho mấy anh khoa học xuống nghiên cứu, lập trại ở đây mấy tháng rồi kết luận dưới này có một vỉ đá tốt. Nước qua đó lọc hết kim loại nặng xong còn bổ sung khoáng. Cái vị như kim là từ đây ra. Hội phụ nữ ra tay liền, con nhỏ làm mắm phất lên xong bán rượu tây chơi thôi!

Ông Dư tợp một ngụm trà, cậu và gã theo quán tính cũng nhấp theo. Trà thơm dịu mà dai hơn, vị cũng đằm và ngọt hậu. Chắc lại nhờ ấm lò Bắc mà ngon.

- Mà bí kíp từ đời bà ngoại nó kìa. Bả kể lần đó đi chợ về thấy một bà trên cầu tàu lượm đống cá nhảy soi sói. Bả kêu ngoại con Bảy chạy qua lò Bắc lấy giùm một hũ cho bả đựng làm mắm. Bà này te te đi liền, đem lại thì bà kia mất tích, chỉ còn đống cá. Bả mang về mắm luôn. Sau này bả ngờ ngợ chắc thổ công hà bá nào độ chứ không phải người. Ờ mà mấy đứa bây muốn lấy cục gạch thì đổi hai bình rượu dừa nghe.

Gã cười, rượu thì phải hỏi lửa.

***

- Đố cậu, thứ trấn lò rèn nhà anh Hai Lửa là gì? – Gã hào hứng đánh đố.

- Ờ… Võ công à?

- Sai! – Anh Hai Lửa cất giọng ồm ồm đi ra. – Đệ nhất trư Tam Túc danh chấn Trấn Giang.

- Anh chịu khai bí quyết chưa? – Gã nhìn Hai Lửa khiêu khích.

Anh Hai khịt mũi ném ra hai con dao, đòi mài bén xong ra vườn bà Hồng chặt một cây Thanh Diệu và hai cây mía lau đem về đổi ba bí quyết.

- Mà nhắc bí quyết nuôi heo làm tao nhớ năm đó heo bị dịch chết hết, mãi chẳng gầy lại được đàn. – Anh Hai nhịp giò, mắt xa xăm. – Bên quận cho khuyến nông qua tìm hiểu rồi họ quyết định dẹp luôn.

- Ủa? Chính sách gì kì? – Gã đang hì hục mài cũng phải ngẩng cổ bất bình.

- Đúng mày ơi! Gầy lại là tao đổ nợ bán nhà rồi. Dịch tái hoài. Được cái đàn heo chiến còn sống khỏe. – Anh rổn rảng cười. – Mà nghề rèn mài nhà này từ đâu biết không? Ông sơ tao là quân triều đình, tới đời ông cóc thì hết thời, binh pháp đem nhóm lò rèn hết. Tính ra cái lò kia cỡ tuổi ông nội.

- Dao nhà mình bén lắm hả anh? – Cậu tò mò.

- Không phải bén. – Anh áp hai cây lên tay cậu. Một ấm và một lạnh tanh. – Phải gọi là sắc thần. Dao có sinh mạng, ấm chứ không lạnh. Dao sắc mài năm năm mười năm quen tay, dao có thần phải mười lăm năm học từ cách trộn nước thép. Nuôi heo kì nghệ, mổ heo phải kì công. Mạng heo cũng là mạng, mình đang sống bằng sinh mạng vật khác nên phải giúp nó không cảm thấy đau đớn, chất lượng thăn thịt cũng đảm bảo. Từng nhát phải chuẩn đao pháp. Dao nội trợ nặng đầu nhẹ chuôi, dao lóc nặng đuôi nhẹ đầu, dao rọc biến đổi linh hoạt, dao chặt bên trong như có khí, lúc lắc nghe tiếng nước chảy. Đặc biệt dao nhà này không được vứt bỏ.

Lắc dao trong tay, đâu đó có âm thanh tựa như một loại nhạc cụ có thể giả tiếng mưa mỗi khi người ta đảo đầu. Mỗi lúc giơ cao dao nhẹ bỗng đi, còn lúc chém tiếng róc rách biến mất làm mũi dao nặng hẳn, kéo lực đà quán tính tăng lên rất rõ. Nắng loang một đường chậm rãi, cây mía đã thành hai đoạn.

Cậu liếc lưỡi dao lên trời, điểm chói tròn lăn dài sáng bóng. Đằng sau ánh đỏ phản chiếu là những tấm nhà cài vào nhau, diêu cong và quanh quất, lồi ra khuyết vào như viên tinh thể cắm trên vỉ đất thô.

Cậu đã đến nhiều nơi sự linh thiêng ám lên đất trời, hít thở sự nhiệm màu bằng một ngôn ngữ trái ngược với thế giới công nghệ. Nhưng nơi đây, những huyền thuyết bằng tiếng mẹ đẻ len vào hiện thực thời đại với những dấu vết chi li của khoa học, nào có khác mấy phát hiện cậu để lại trong bảo tàng Pergamon.

- Trước khi tôi về nước có một vụ đánh tráo xác ướp.

Gã thôi săm soi con dao, nhìn cậu ngạc nhiên.

- Tôi chợt nghĩ. Nếu hồn đất này cũng mất đi như người đàn bà đó, có khi tôi sẽ hóa điên mất.

***

Truyện dự thi: Chân thực - Ảnh 2.

Hình minh họa truyện dự thi "Chân thực".

Anh Hai Lửa phun luôn ngụm trà khi tay Vĩ "Cuồng" xộc vào. Hắn cúi chào rồi ào xuống ghế.

- Cụ kị xưa là quan quân triều đình hả anh?

Anh toát mồ hôi hột, cái màn tra khảo lý lịch trứ danh của hắn ta đã bắt đầu rồi. Trời ạ, triều đình gì ở đây? Năm xưa cụ cố nội còn phải cải họ để tránh vạ triều đình kia mà.

- Anh thấy chú dạo này phiền xóm giềng hơi nhiều đấy. Mười đời nhà anh chẳng có ai làm quan. Nuôi dăm ba con heo thôi. Bây giờ không có miếng đất cắm dùi rồi.

- Phải giống Ba Xuyên không anh? Ba Xuyên lai Duroc. – Hắn sấn thêm.

- Giờ ai nuôi mấy loại đó nữa, dẹp hết rồi. Hồi đó nuôi dở nên bỏ luôn.

Hắn đảo mắt quanh nhà, hòng tìm chút dấu vết của cái lò rèn nào đó.

- Ê nói thiệt, không phải mua hết đất nơi này rồi thích quậy gì cũng được nghe mậy! Làm gì cũng nể mặt bà con…

Vĩ "Cuồng" thất thần lủi thủi đi. Nhưng chỉ vừa khỏi cửa, anh Hai đã thấy hắn đuổi theo một khoảng không vô hình.

***

- Mộng dừa, trái cám và hèm.

- Trái cám? – Từ cha sinh mẹ đẻ, cậu chỉ biết cám gạo chứ trái cám thì chịu.

- Ừ, mỡ sẽ thơm và ngậy. Người ta nói trong dừa có acid béo không no hòa tan làm mỡ tăng thêm hương vị khi kết hợp với hèm rượu. Vân mỡ đều đẹp, mỡ khối mềm đủ lưu hương liệu thảo mộc. Mỡ tan tới đâu hương bay tới đó, từng tầng bậc không xung đột nhau.

- Anh không sợ em cướp nghề à? – Gã xởi lởi.

- Rồi cho ăn bao nhiêu? Tỉ lệ phối trộn? Hương liệu thảo mộc nào? Chưa kể làm chuồng, chăm sóc, phòng trừ địch hại cũng khác. Mỗi con mỗi nết, đố mày canh ra lúc nó sắp đạt đỉnh sinh trưởng để tăng mỡ thơm, bơm mỡ thuốc. Năm đó không nhờ tao kể tới mấy ông khuyến nông cũng lé mắt, quyết tìm đầu ra cho tao thì đã đi ăn mày rồi. Dễ gì bán tám con lời cả năm.

- Mà Tam Túc là ba chân hả anh? – Cậu thắc mắc.

- Là lai ba máu, Ba Xuyên lai từ Bershire và Bồ Xụ, thêm Duroc là dòng thứ ba. Mà láp giáp hồi quên. Đố biết trái cám, mộng dừa, hèm rượu tao lấy ở đâu ra?

***

Tam kì trân

Vạn vật không thể tách rời

Quỳ lạy đất mẹ cha trời

Chở che muôn loài bình an

- Nhà bà. – Bà Kế lui hui quét dọn bàn thờ. – Vựa dừa của Xóm Chài mà. Than dừa cha bà chế ra cùng gốm Bắc và đất Hổ Lai làm lọc nước pha trà, cà phê là ngon nhức nách! Nhớ hồi đó than này chỉ để ông Sáu Quyên chồng bà Bảy Xì làm trứng thôi. Tụi bây muốn lấy than thì đem trứng trấn Toàn Dải lại đổi.

Cái tên Toàn Dải quen quen, mãi cậu mới nhớ ra anh chàng mua loa ban sáng. Nhưng hàng bán loa mà trấn bằng trứng ư? Thì ra nhà Toàn Dải của anh Đẹt chuyên bán loại cà phê thảo dược "ngon nhức nách" bà Kế vừa nói, bên cạnh còn có cà phê trứng. Và nơi đó ngày xưa làm lò ấp kiêm vựa trứng của thành phố. Thật là một vòng tròn tạo hóa.

- Cách kiểm trứng độc quyền nhe.

Anh Đẹt đặt quả trứng vào một chung đồng xung quanh đính mười tám cánh mỏng như chong chóng, tay liên tục gảy cọng dây đàn nối vào đáy chung. Các cánh đồng rung theo nhịp, đạt mười lăm lá trở lên thì chia chuẩn hạ, trung, thượng. Hy hữu hôm nao rung hết mười tám cánh thì mở trò chơi tặng trứng đặc biệt.

- Ông Sáu Quyên là thầy đờn đó. – Gã nói.

- Thầy đờn có tiếng nhưng gốc làm Đông y. Sau này rã đoàn ông lại về bốc thuốc, tự tìm ra cách làm Bắc Thảo này. Nếm thử đi, không nồng khai cũng không quá cay, vị nó thanh hơn, béo bùi than dừa rồi mới tới mùi thân mộc lá thuốc. Ông gọi trứng cút Bắc Thảo là đệ nhất kì trân.

- Tam kì trân! – Cậu và gã nhìn nhau đồng thanh.

- Đệ nhị là hột vịt Bắc Thảo, đệ tam là hột vịt muối màu xanh dương.

- Cái gì xanh dương? – Gã như không tin vào tai mình.

- Ngâm chút phèn xanh ấy mà. Thậm chí ông còn viết lại cuốn sách về thực dưỡng "Tam trân kì".

Đầu cậu choáng dần, chỉ một món ăn mà hàng trăm gia hệ đã liên kết quá nhiều câu chuyện kể từ cổ đến tân. Tựa cái rễ phát ra từ gốc cổ thụ triệu năm về trước, ăn xuống kí ức, chảy chằng chịt qua kiếp phận con người. Dường như mơ, nhưng không, nó là thực. Một hiện thực rờ rỡ.

***

- Ông Khánh! – Lão Dư tất tả ập vô. – Thằng Vĩ phá nhà bà Bảy kìa!

- Cái gì? – Ông Khánh chạy ra sân. – Bà mẹ nó tui nhịn mấy tháng nay rồi.

- Kìa! – Lão Dư chặn ông Khánh lại, xoay hẳn người ông ra sau.

Xa xa trong vườn nhà bà Bảy đã mọc lên chiếc cần trục tháp lừng lững ngang trời. Nay gần xuống lỗ rồi ông mới thấy cần trục vô xóm, nâng cả một ban công tòng teng giữa không trung chỉ để một thằng khùng đứng ngắm cảnh giữa bầy gió tạt lộng gan như thế.

***

Nhị kì hương

Trần gian

Cỏ cây hoa lá muôn loài

Sinh diệt cứ luân hồi

Khi trao được món cuối trong lục kì phẩm là nồi đất Hổ Lai để lấy thẻ thông hành thì trời sầm sập tối. Anh Tư Đẹt liền xung phong dẫn cậu và gã lên kim tự tháp. Con đường cứ thưa người dần theo từng bước chân đi. Mà nói cho ngay là vạn dân nơi này đã dọn sẵn hết cả. Dù bề ngoài làm như không quan tâm, kì thật lòng họ sục sôi trông ngóng. Điển hình tếu lâm nhất là lúc cả hai vòng lại lấy mắm chỗ chị Bảy có hẳn ba bốn người khách tới báo tin "họ tới chỗ anh Đẹt rồi", "họ vừa lấy dao đi chặt mía", "họ sắp qua chỗ thầy Chơn"… cứ như có cả đoàn quân phân thân của cậu và gã long nhong ngoài kia vậy.

Cả ba cứ đi trên đường vắng, đến khi thông ra khoảng sân lớn trước kim tự tháp. Bảng tên đường "Kì giá vạn lộ" nằm cạnh cả thẩy mười chín nhánh rẽ khác.

- Lần trước tui đi đường Cửu long đăng thiên. – Gã chỉ bên trái, rồi trỏ sang phải. – Trước nữa là Lưu thủy trường sa.

- Lại nghe quen quen… - Cậu lơ đãng nói khi sự hùng vĩ của hàng ngàn khớp xương sắt bán động được phơi ra trước mắt. Từ bên ngoài, bề mặt kim tự tháp như ốp một thứ vật liệu ánh khói xanh dương, nhưng bên trong nó lại hóa thành vàng nhạt. Trong kim tự tháp rỗng là một kim tự tháp chín tầng, mỗi tầng chia năm thang cao độ, mỗi cao độ tạo ra từ một đường hào và hai luống cây chênh nhau vài tấc.

- Vào trong này lại thấy như vườn treo Babylon thủy canh vậy. – Cậu nhìn trân trân xuống hào nước.

- Tự động hoàn toàn đấy nhưng chúng tôi vẫn ghé chăm sóc mỗi ngày. – Đẹt nói. – Chín tầng tách thành ba cụm vườn, nhờ lớp Aerogel và pin mặt trời trong suốt nên công nghệ điều khiển khí hậu rất tiết kiệm điện.

- Aerogel? Vật liệu nhẹ nhất hành tinh? – Cậu hỏi.

- Ừ, từ ngoài nhìn vào sẽ thấy như có khói xanh, còn bên trong nhìn ra lại vàng nhạt. Giống hiệu ứng của đá mặt trăng.

- Tôi đoán là trong lòng kim tự tháp còn kim tự tháp khác? – Cậu tò mò.

- Đúng luôn! – Gã sấn sổ. – Kim tự tháp cho các loài tảo. Sâu hơn là kim tự tháp trồng nấm, cuối cùng là bể ngầm nuôi cá giống.

- Như vậy mới xứng danh ngân hàng Nam dược, bảo quản giống tốt nhất Đông Nam Á. – Giọng anh Đẹt đầy tự hào.

- Khoan… – Cậu bối rối. – Chúng ta bước sang thế giới viễn tưởng rồi sao?

- Người kể chuyện đâu phải bọn cổ hủ từ chối thế giới thay đổi! – Đẹt cười. – Rồi sẽ tới lượt chúng tôi kể về truyền thuyết của hai mươi đền thờ trong mê cung Thi Lăng.

Đẹt vừa dứt lời liền rẽ vào một lối hẹp giữa hai tầng cây. Đường hào cũng như đường Gabro, lên vài bậc thang rồi lại xuống vài bậc thang, vòng vèo đủ kiểu. Chỉ có điều không khí ngày một lạnh hơn quyện lấy mùi thơm cây cỏ. Chợt một làn hương ấm nóng len lỏi qua khoảng trống, hòa vào sự tươi mát tinh khôi. Tựa hồ hai vệt âm dương vuốt ve vào tâm khảm. Rồi chợt, cả thành phố bên kia sông bừng hiện trước mặt cậu.

Bên này, tất cả những người kể chuyện hôm nay đã ngồi trên chiếu, giữa chiếu còn khoét sẵn một lỗ trống cho cái nồi Hổ Lai đang liu riu lửa than. Đẹt đẩy một chiếc xe lăn đi tới, trên đó là người phụ nữ già chủ tiệm trò chơi điện tử mà cậu hiếu kì ghé mắt ban chiều.

- Chào trai trẻ! – Người phụ nữ cười hề hề với đôi mắt trong vắt. – Bà năm nay chín mươi tám, tên cúng cơm là Thanh Pha, ngoại hiệu trên chiếu bạc là Bảy Xì.

Tư Đẹt đẩy bà Bảy Xì về cái hốc lớn phủ đầy dây leo xung quanh. Giữa hốc là ban thờ viết đầy thư pháp nhưng không để lư hương mà chỉ có cái giá bằng đồng đỡ lấy một cuộn giấy dài. Bà Bảy nhấc cuộn giấy đặt vào tay cậu.

- Thanh ca.

Cậu chợt bừng tỉnh. "Nhị hương hòa độc lộ" chính là con đường cậu vừa qua. Và cuộn giấy này là một bài hát cổ xưa của người nơi đây.

Đèn trời được ông Tú thắp lên. Trong tích tắc, một thanh âm ngân vang tỉ tê như vuốt trên thân cò, luyến quyện qua không gian, thanh sắc kim mỏng mà bầu lại như độc huyền cầm.

Bà Bảy chỉ tay vào nồi Hổ Lai. Bên trong, một đóa hồng trong se màu nâu đỏ run rẩy bung nở, lấp lánh như khối thủy tinh nghệ thuật được thổi ra bên bờ Venice. Những cánh hoa cứ mở ra, mở đến tận cùng phơi lộ viên kì bảo đen láy. Bà Bảy Xì liền cất giọng:

"... Trần gian (liu)

Cỏ cây hoa lá muôn loài (xề)

Sinh diệt cứ luân hồi (xề)

Chân giá trị muôn đời (hò)

Chưa bao giờ đổi thay (xang)

Cõi đất trời từ trước tới nay (xang)

Hóa công sớm an bài (xang)

Con người thiên nhiên chung sống (cống)...

... Dù cho (liu)

Cỏ cây cũng giúp ích đời (xề)

Vạn vật không thể tách rời (xề)

Quỳ lạy đất mẹ cha trời (hò)

Chở che muôn loài bình an (xang)

Xuân đi hạ đến thu sang (xang)

Đông về - bốn mùa biến đổi (cống)

Thế gian căng tràn nhựa mới (cống)".

- Thì ra… Thì ra là… – Cậu nhảy cẫng lên mừng rỡ, miệng cười không ngớt. – Vạn vật sinh thành đều có giá trị. Một bài Vạn Giá! Lưu thủy trường sa là Lưu thủy trường. Cửu long đăng thiên là bài Long đăng. Ba bài trong hai mươi bài bản tổ!

Bà Bảy rưng rưng cười.

- Thầy tuồng Hai Khôn sáng tạo ra điệu Song Định, đệ nhất Hạ Uy Cầm Sáu Quyên, thầy ca Thanh Pha. Năm đó bọn ta kế thừa tục bao đời, kể chuyện trong tiếng hát. Cuối cùng chỉ ta còn nhớ. Thằng Chín mà không cản bà này chắc cây đàn đã theo ba nó xuống mồ. – Bà đưa tay run run chỉ gã. – Còn thằng khùng đó không nhứt quyết làm dãy nhà sàn sân khấu, chắc gì Kì giá vạn lộ được nghe tên.

- Bà… Bà là thầy ca cuối cùng của Xóm Chài sao? – Cậu lạc cả giọng.

- Cuối cùng của thành phố này. – Anh Đẹt gượng cười.

- Những câu chuyện từ thuở khai hoang đã chết hết rồi. Chúng tôi nhớ họ, nhưng câu chuyện của họ chỉ còn vài phần. – Bà ngả người vào ghế. – Những thầy tuồng cũng không còn nữa, lời ca chỉ quẩn quanh hơn trăm bài bản cũ. Rồi lời ca này sẽ mất, nhưng tinh thần con người xứ này, văn hóa xứ này sẽ theo từng thế hệ hồi sinh. Vạn vật sinh ra giá trị tuần hoàn. Người ở đây chưa từng khư khư cái cũ, nhưng cũng không cho phép thế giới hiện đại bên kia nuốt mất.

- Nhưng… đã giữ được rồi! Từng đó chuyện cũ, bao nhiêu kí ức của người xưa, cả những bài hát nữa.

Tất cả mọi người đều im lặng. Cậu chợt thấy có một điều quái dị đang manh nha trào khỏi mặt đất qua những đôi mắt trước mặt.

- Nói thế nào ta. – Ông Tú đánh tiếng. – Thật ra ngoài cái họ, tất cả cầm kì thi họa đều do ông đi học bên ngoài.

- Cách nuôi heo do anh hợp tác với trường đại học để cải tiến lại, không hoàn toàn truyền thống. – Anh Hai Lửa cười hề hề.

- Chị đi học rượu vang rồi mới áp lý thuyết vô bí kíp làm mắm của bà. – Chị Bảy nói.

- Cái lò Bắc của cụ nội năm xưa bị pháo kích bể nát rồi, cái bây thấy không phải di tích đâu.

- Ngày xưa chỉ có trứng cút Bắc Thảo do cụ tôi truyền lại, hai loại kia do tôi sáng tạo thêm.

Cậu ngạc nhiên nhìn mọi người, vỡ một tràng cười xòa. Có bao nhiêu câu chuyện thần thông linh dị trên thế giới là thật? Cái tinh thần của Xóm Chài cả ngày nay cậu hít hà căng phổi chẳng lẽ hư? Biết bao huyền tích đều bảy phần hư ảo, nhưng cái tâm rèn dao, cái lý nuôi mắm, cái tay nắn đất có hời hợt đi đâu? Cũng như những con đường tưởng lộn xộn mà chẳng hề lộn xộn đều có lý do cả. Hồn đất này chưa một giây nào giả tạo.

***

Vĩ "Cuồng" quỳ thụp xuống sàn ban công sắt. Hắn đọc được toàn bộ. Ngay cạnh chân hắn, nồi Hổ Lai kho trư Tam Túc với đệ nhất kì trân đang từ từ thấm vị.

Hắn òa khóc. Hắn cứ chạy tìm ảo ảnh bao tháng nay để tận bây giờ mới hiểu được: Hắn thật là ngu ngốc.

Khi cần trục vừa đáp xuống, hắn chạy như bay tới nhà ông Chín, chạy như sợ thần chết đuổi kịp. Rồi hắn gom mọi người mở sòng tứ sắc bên giường bà Bảy Xì. Đánh từ trưa ngả qua chiều thì Vĩ "Cuồng" thấy bà cười khoái chí. Bên dưới sòng bài, bầy con cháu ai cũng cười tít mắt để cố sức ép cho tuyến lệ nghẹt hẳn lại. Lâu rồi họ không thấy bà cười.

Hết đôi tới sảnh, hết sảnh là mưa. Lượt này ông Chín hí hửng thắng mà đếm bài đền còn quá cả phần lời.

- Ha ha ha. Ngu!

Bà Bảy Xì lấy chân đá thằng con một cái. Cả nhà sững sờ im như thóc nhìn bà cười ngặt nghẽo. Ông Chín bật cười ha ha, cốc đầu thằng con cho đỡ quê, cả chiếu bạc nghiêng ngả. Mãi đến lúc ông Chín xòe bài thành rẻ quạt đưa lên hỏi má đánh làm sao thì bà đã ngủ từ khi nào. Lần này bà ngủ luôn, không dậy nữa.

Vĩ "Cuồng" lặng lẽ rời đi. Vậy là pho chuyện cổ cuối cùng của Xóm Chài đã lặng im mãi mãi. Nhưng hồn đất này, hắn sẽ không cho ai chôn nó xuống nữa. Hắn lấy điện thoại ra và gọi.

***

Cậu ngừng chép. Gã cũng ngừng đọc trộm, nhanh tay cuộn một nắm lá hẹ nước, hẹ trời và mớ xoài hôi chấm vào nước thịt kho kẹo sánh, kéo thành một đường tơ lấp lánh dài, ngoằm một phát ngập họng.

Ban trưa anh Hai Lửa ngả thịt một con trư Tam Túc, đến khi rửa rượu dừa để ướp thì thịt đã vừa độ ngọt mềm. Khúc mía dưới nồi ngọt lịm trên đầu môi rồi cả nước mắm cá sông ngọt hậu thật là đủ cả ba tầng ngọt ngào. Hương rượu dừa béo thanh, mỡ Tam Túc béo bùi nhờ mộng dừa và trái cám, còn cả nước dừa sủi ga của bà Kế dây lên trên vòm họng liền bị vị chua chua của xoài hôi, vị mặn của nước mắm, vị nhân nhẫn của thứ khoáng đất lò gạch Bắc cùng nắm rau thơm dằn lại, đằm trong khoang miệng mà không ngấy. Hương thơm cũng từ đó tuôn ra từng đợt, mùi thơm của xoài và mỡ thấm hèm xông lên trước nhất bật vào vòm hầu, hương của rau thơm đi theo sau cùng với mùi dừa phả tràn lên mũi, rồi đến mùi thảo mộc bí quyết của anh Hai Lửa và cuối cùng một dư hương đọng lại từ trứng Bắc Thảo.

- Đúng là Chân Thực! – Gã cảm thán.

- Theo bà Bảy Xì… anh cho xây dãy nhà sàn. Mà người xây nhà sàn cũng xây lại Xóm Chài, xây luôn kim tự tháp này. Anh chính là chủ nhân của nơi này.

- Thì sao? – Gã cười hề hề. – Tôi chỉ có tiền, họ mới là hồn đất. Ý tưởng của tôi nhưng họ là người thiết kế sau cùng. Những con đường, những đền thờ tôi không muốn biết trước để được khám phá giống một đứa trẻ.

Cậu phì cười. Gã im lặng hồi lâu rồi nói.

- Thế giới không có Thi Lăng chắc sẽ rất buồn, vậy mà đôi khi tôi thấy hình như nó tồn tại thật.

- Không có Thi Lăng ít ra phải còn người. Nếu không còn người… – Cậu thở dài. – Nhân tiện, tôi quên mất tên anh rồi.

- Có hỏi đâu mà quên. Tôi tên là Vĩ, người ta hay kêu Vĩ "Khùng".

Cậu cười. Anh ta khùng nhưng sống rất thật. Chợt, cậu mơ hồ cảm giác có một Vĩ "Khùng" khác bên cạnh mình. Gã không ăn gì cả, chỉ nhìn và khóc.

Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học – Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức, nhà tài trợ Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) – nhà tài trợ kim cương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem