Truyện dự thi: Hoa dẻ trắng

Bùi Thị Như Lan Thứ hai, ngày 22/03/2021 17:27 PM (GMT+7)
Đêm đầu đông trôi về sáng. Trăng ngồi trong thúng vàng giữa vòm trời tím sẫm, đổ muôn ánh bạc lấp loáng xuống núi, chảy tràn trên rừng dẻ đang mùa trổ hoa, miên man bơi xuống từng nếp nhà trong bản Nà Chang.
Bình luận 0

A.

Đêm đầu đông trôi về sáng. Trăng ngồi trong thúng vàng giữa vòm trời tím sẫm, đổ muôn ánh bạc lấp loáng xuống núi, chảy tràn trên rừng dẻ đang mùa trổ hoa, miên man bơi xuống từng nếp nhà trong bản Nà Chang. Trăng rủ những bông hoa dẻ trắng tỏa hương thơm ngan ngát, loay xoay, quay tít vũ điệu hoa bay. Từ cây dẻ cổ thụ cao to nhất vùng núi Phja Đẻng, lớp lớp chùm hoa kéo nhau bay vút lên cao, quây quần rồi tản ra như chơi trò đuổi bắt. 

Truyện dự thi: Hoa dẻ trắng - Ảnh 1.

Hình vẽ minh hoạ của hoạ sĩ Bùi Tiến Hoà.

Bất chợt, giữa dòng hoa nhảy múa không ngơi ngưng ấy, từng đàn chim nộc cáy, nộc phầy, sải cánh nhuyễn mềm, chao lượn dập dờn, chấp chới ngang bản rồi sà xuống lòng sông Nậm Đeng mất hút… Từ giữa lòng sông bốc hơi ngun ngún, ngàn ngàn tia nước hồng rực rỡ túa ra rồi kết lại, bỗng có đôi cối đá đỏ, bay lên vòm trời. 

Cối đá quây quấn ngả nghiêng quanh thúng trăng vàng, lượn bảy vòng vía trai, chín vòng vía gái, rồi bất chợt như có bàn tay tạo hóa sắp đặt, tụi cối lao vút lên vô vàn vì sao xa tít, nhấp nháy trên cao, ngắt từng chùm sao rơi xuống. Những chùm sao bùng cháy rừng rực thành nấm lửa khổng lồ chơi vơi ngang lưng chừng trời, đến đỉnh núi Phja Đẻng mất hút, trong tiếng gáy vang trời của bầy nộc cáy trên rừng dẻ trổ hoa, gọi mặt trời thức giấc…

Nhanh như một hơi thở, ta dụi mắt, bật dậy, lao ra sàn phơi. Đêm qua, sau hai ngày hộ đám vui con trai nhà bạn toồng, ta về lăn ra phản, kéo chăn ngủ say, giờ mới mở mí mắt. Ô! Không trăng sao. Không lửa trời. Chỉ có hương hoa dẻ nồng căng trong ban mai tinh khiết, cùng tiếng gáy vang trời của bầy gà rừng, gà nhà hiện hữu. Tụi nước trong máng vầu lóc róc chảy vào "lìn" nước bằng gỗ, vang tiếng "xòa..ào …xòa ào" như cười diễu ta. Có lẽ nào ta lo lắng mà nằm mơ chăng?

Những cơn gió bấc kéo cái lạnh về. Gió chạy ầm ầm, cuốn lá khô, bứt lá dẻ tươi quăng xuống sông ràn rạt. Rừng dẻ đợi giá rét về nẩy nụ, trổ hoa. Trời sương sa, giá buốt tái tê thì hoa dẻ bung mình, căng sức tỏa hương. Người bản chân đi qua mấy vạt rừng thưa, rừng rậm, vài quả núi, xuống đến phố huyện rồi mà hương thơm ngọt mềm vẫn đuổi theo.

Ta không biết vì sao hoa dẻ trắng lại chọn mùa khắc nghiệt nở rộ. Mùa đông hoa nở trắng trời trắng núi. Qua xuân, sang hạ kết quả non. Quả dẻ tua tủa gai nhọn bao bọc tắm nắng hè, đến đầu thu thì tách vỏ, rụng hạt xuống đất. Lúc này, dân trong vùng lên rừng thu hoạch hạt. Tụi hạt dẻ to bằng đầu ngón tay, nhiều vô kể.

Vào mùa thu hoạch, người lớn lên rừng từ sáng sớm, đến chiều muộn mới về. Hạt dẻ nhiều thế, không nhặt thì béo tụi cầy, tụi gà gô thôi. Bao lớn, bao bé, thạ nhỏ, thạ to huy động đem ra đựng hạt dẻ.

Hạt dẻ là đặc sản vùng núi quê ta. Nhiều gia đình nhờ hạt dẻ mà cuộc sống không lo cái khổ, nồi cơm không bị vơi. Áo không rách.

Ta yêu mảnh đất hình đôi con nộc cáy vỗ cánh gáy vang, mang tên bản Nà Chang quê ta. Ta yêu những ngôi nhà sàn bình yên san sát giữa mình hai chú nộc cáy. Theo nghĩa của người trên núi, nộc cáy là chim gà. Đây chính là loài gà gô rừng quí hiếm. Thế đất này, theo cụ tổ mấy mươi đời truyền khẩu, đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, vững như bàn thạch, thuận tiện về đường bộ và đường sông. Bao đời nay, từ thời xa xưa tiên tổ ngàn đời, trong chiến tranh chống giặc ngoại bang đã dấy binh dựng cờ nghĩa, chiêu mã quân sĩ, đánh bật quân xâm lăng phía Bắc. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây là vùng căn cứ địa kháng chiến rộng lớn. Lịch sử Nà Chang oai hùng. Đài báo đưa tin rầm rầm từ thập niên tám mươi của thế kỷ trước.

Bề dày là thế, nhưng bao năm nay, sau khi đón nhận danh hiệu quần thể di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia thì công cuộc đầu tư, tôn tạo, giữ gìn bảo quản vùng di tích vẫn mang tính chất nhỏ giọt. Chính sách thu hút đầu tư du lịch vẫn nằm chủ yếu trên giấy.

Hỏi ta có buồn không ư? Có chứ. Với vùng tiềm năng lớn thế này, sau nhiều năm qui hoạch là trung tâm vùng lõi phát triển di tích lịch sử - văn hóa - du lịch vẫn không đáng kể. Người dân Nà Chang ta ai mà không chạnh lòng???

Chuyện này dài lắm, dài như con sông Nậm Đeng lôi nước chảy ra ngoài sông to, biển lớn kia…Ôi da! Nếu cứ thủng thẳng bước một như thế này, đến bao giờ người dân hết khổ đây? Có nhiều lý do lắm.

Ta buồn phiền, nhiều đêm mất ngủ, mắt trân trân nhìn ra ngoài trời đêm, hướng về phía dưới thị trấn sáng đèn… Nhiều chuyện đan xen chằng chịt trong cái đầu già cũ của ta. Những chuyện này lớn lắm, nói ra khó. Mà nói ra liệu có người nghe không? Bây giờ ta mở miệng, tụi trẻ hồ hởi gật đầu ra vẻ chăm chú. Sau lưng ta, chúng nó thầm thì: - Ông cựu chủ tịch xã ơi, ông già rồi, nghỉ hưu mấy năm nay, để đầu thảnh thơi đi. Tư duy chúng tôi thời 4.0 khác ngày xưa…

Đấy, tụi trẻ như thế hỏi sao ta không hẫng hụt? Giật mình, mắt ta trân trân nhìn vào chân ban thờ trống vắng. Đôi cối đá không còn… Tai ta ù ù. Miệng đắng ngắt. Bất giác, ta đưa mắt nhìn sang ngôi nhà sàn làm bằng gỗ lim nhiều đời của ông bà tổ tiên để lại cho thằng cháu Thỏa. Trời lạnh mà mồ hôi ta túa ra. Ngôi nhà biến mất. Thay vào đó là khoảng trống hoang lạnh vô cùng, vô tận. Ta hơ hoải chạy sầm sầm xuống cầu thang, quáng quàng lao đến nơi ngôi nhà từng sừng sững ở đó vài trăm năm tuổi, mặc gió quất vào mặt rát bỏng…

* * *

B.

Đầu ta ù ù như có cối xay thóc đang quay. Tâm cảm căng rung, nặng nề. Ký ức dội lên buốt nhói. Những âm bản phim của gia đình tráng rọi, qua tiếng ngân rung xúc cảm lặng lẽ, rõ dần…

Anh Thuấn ta, trước khi nhập ngũ vào bộ đội, cưới chị May người bản Nà Bùng, cách bản ta non tiếng đi bộ vòng dưới chân rừng dẻ. Chị May đẹp. Da chị trắng tựa bột củ mài. Hai má ưng ửng màu táo chín. Chị hát sli, hát lượn hay nhất vùng này. Mỗi khi chị cất lời ca, bầy chim rừng mê mải hót theo. Lũ gà gô khoác bộ cánh hoa quyến rũ nhảy múa ríu ran.

Vào mùa trăng treo đỉnh núi Phja Đẻng, anh Thuấn ta chụp mũ nồi lên đầu, thầm thì: - Mày ngủ trước, tao đi có việc. Mở cửa nhà, tao về muộn. Mày đóng cửa thì tiếng kẹt gỗ làm pa mé thức giấc, khó ngủ lại.

Ta kém anh trai chín mùa ngô trổ cờ địu bắp. Mé sinh ta sau ngày miền Nam giải phóng, khi pa khoác ba lô từ chiến trường trở về, trong hình hài không còn nguyên vẹn. Chiến tranh cướp đi cánh tay phải của pa. Ta là đứa con muộn mằn, khúc ruột chót cuối của pa mé.

Vào lúc anh trai thả lời sli, lời lượn bằng tiếng sáo tự tình mật ngọt, ta vẫn là thằng trai chưa đủ khôn. Pa mé ta đi nương tra hạt, lên rừng nhặt hạt dẻ… vì thế, ngoài giờ đi học chữ, ta bám anh như tầm gửi bám cây dẻ. Thế nhưng, anh đi chơi đêm thì không cho ta đi cùng. Nhìn ánh mắt buồn của ta, anh cười: - Mày trẻ con, đi theo tao vướng chân. Ở nhà ngủ!

Ta di di ngón chân xuống sàn nhà dát bằng mai, mặt rũ như chiếc lá bị nắng, anh vỗ vai: - Nhóc, bao giờ miệng mày biết thổi sáo, lúc ấy đi với tao chưa muộn.

Anh nói thế rồi chạy xuống cầu thang. Bóng anh trôi trong ánh trăng huyền bí, lênh loang tãi sáng vàng.

Sáu mùa trăng lên, trăng rơi xuống núi, anh đi đêm không biết mỏi. Khuôn mặt chữ điền của anh ngày càng rạng rỡ. Mắt anh tựa tụi sao bay vào.

Đêm đầu thu. Trong ánh lửa bếp bập bùng, mé cầm chiếc đũa tre to bản, mòn vẹt quấy cám sôi lục bục. Pa mang thúng hạt dẻ đầu mùa san vào hai chiếc dậu lớn để sớm mai mang xuống chợ huyện. Anh nói với pa mé, anh muốn lấy vợ.

Pa ngưng tay xúc hạt dẻ, nhìn anh thủng thẳng: - Thằng này, nói chuyện lấy vợ như đùa. Lúc mé mày giục thì ậm ừ. Đùng cái bảo cưới đứa gái về. Mày sắp nhập ngũ rồi đấy.

Mé cho thêm củi vào bếp, nhẹ nhàng: - Đến tuổi rồi, lấy vợ cũng phải. Nhưng mấy con lợn chưa con nào sỉnh sang.

Anh nhấm nhẳng: - Thì con sắp đi bộ đội nên nghĩ lấy thêm người về, đỡ đần pa mé. Chả cần lợn to, bé thì làm cỗ bé.

Nhíu đôi long mày lưỡi mác, pa nói như quát: - Cái thằng này. Mày nói vậy nghe lọt tai a?- Sau phút ngưng lời như để nuốt cái bực,pa thở dài trầm ngâm:- Thôi, để tao đổi lợn.

Từ lúc ấy, pa mé rì rầm bàn chuyện sang nhà trưởng tộc họ Lý, xuống nhà thầy tào xem lá số, định ngày cưới…

Ngày anh rước chị dâu Na về, người bản bảo đám cưới của anh nhanh nhất mường.

Anh chị ăn ở với nhau một tháng, chưa kịp bén hơi ấm thì anh nhập ngũ, lên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang trên biên giới phía Bắc.

Ngày anh đi, nước sông Nậm Đeng rừng rực màu hồng, vỗ bờ đá ầm ầm. Hoa dẻ nở trắng núi, thơm nồng rừng. Chị dâu dúi vào tay anh chùm hoa dẻ màu mây, nước mắt lưng tròng: - Anh đi chân khỏe, mắt tinh. Em chờ ngày anh về.

Pa mé ta, nén chặt tiếng thở. Lưng như vồng lên, nhìn theo dáng anh trai thấp thoáng giữa bạt ngàn hoa dẻ đang tung phấn, trong biển sương trắng đục màu nếp cái.

Anh ta đi xa qua tám mùa trăng, chị dâu Na trở dạ, sinh thằng con trai bụ bẫm.

Cha hái nắm lá dẻ và nhúm bảy hạt dẻ khô cho vào chiếc cối đá đỏ giã nhuyễn. Lạ! Mỗi tiếng chày vang lên, cối đá ngân nga tựa chuông đồng. Quanh cối tỏa ra ánh sáng ảo diệu màu hồng phấn, cùng mùi thơm man mác mãi không ngưng. Pa cho bột vừa giã vào nồi nước lá thơm cùng sáu loại lá khác quanh vườn nhà, trong rừng đun trong chiếc nồi đồng vàng óng, làm nước tắm cho thằng bé. Mé lấy cành lá cài trên cửa, báo cho dân bản biết một sinh linh chào đời.

Ngày cúng đầy tháng tuổi của thằng cháu, theo phong tục là ngày làm lễ đặt tên, gọi là lễ "Khai bươn" (đầy tháng)

Sáng, sương trắng tung tẩy trên rừng dẻ rồi sà xuống bản. Pá bảo ta gỡ cành lá treo ở cửa xuống, cài lên khúc củi nghiến cháy dở. Nhìn củi nghiến cháy, họ hàng nội ngoại biết đấy là bé trai. Nếu bé gái thì gài cây dáy rừng tươi. Thầy tào Nhủng cùng pá làm chủ lễ đặt tên cho bé. Trên ban thờ nhà ta bày mâm xôi ngũ sắc năm màu đỏ, vàng, tím, xanh, đen tượng trưng cho âm dương, trời đất ngũ hành. Trên mâm xôi đặt con gà trống luộc, mỏ ngậm bông hoa đỏ. Vòng quanh mâm xôi có bảy quả trứng đỏ, đó là bảy vía cháu trai.

Mặt trời vén mây tỏa nắng, thầy tào cầm xúc xắc đi quanh nôi cháu ta. Mé cất tiếng hát ru: "…Ứ nọn nòn, nòn đắc, nòn đí…" (…Cháu ngoan ngủ cho say, cho sâu giấc…). Pá ta chắp tay khấn: "…Ơi trời cao, đất dày. Ơi, các vị linh thần ngự trị. Hỡi ông bà dưới chín suối, hôm nay ngày tốt, tháng lành, ngày con cháu trong nhà đầy tháng tuổi, mong các vị thần linh cùng cộng đồng ông bà tổ tiên che chở, phù hộ đứa cháu khỏe mạnh, lớn nhanh, tài giỏi…". Lời khấn vừa ngưng, pá ta cười tươi, nói với họ hàng: Thưa các ông chú, bà mế, bà con làng bản gần xa, tên thằng cháu là Lý Đức Thỏa! Mọi người hởi hả chúc phúc.

Thầy Tào trao ấn bùa may mắn cùng chùm bảy lá cây dẻ xanh ngắt. Lá dẻ và bùa vía đựng trong túi đỏ sẽ theo thằng cháu trai đi suốt cuộc đời.

Nắng cuối xuân chảy tràn màu mật xuống đường đá. Thầy tào Nhủng cầm quyển sách, bế thằng cháu ra đường đón ánh nắng đầu đời, mong cháu lớn lên ham học, giỏi chữ. Nắng nhảy nhót tưng bừng trên rừng dẻ, miên man soi rọi vào người thằng cháu vô vàn tia nắng lung linh màu hồng ngọc.

* * *

C.

Cuối thu. Từ sàn phơi, ta nheo mắt nhìn rừng dẻ chang chang nắng vàng. Bỗng nhiên ta giật mình bởi tiếng động cơ gầm rú của xe ô tô. Còi xe toe toe ầm ĩ, náo loạn. Từ trên xe, thằng cháu Thỏa khệnh khạng bước xuống. Nó dạo này phương phi, béo tốt. Nhìn dáng đi của nó, ta thấy mệt con mắt.

À, xe ô tô đen bóng màu nhựa trám này của thằng cháu Thỏa. Ta nghe nó gọi điện thoại, khoe mua xe chục tỷ. Chẳng hiểu nó lấy tiền ở đâu ra lắm thế. Cả đời ta chỉ có tiền lẻ thôi, nhiều lắm cũng vài chục triệu.

Thỏa bước uỳnh uỳnh lên cầu thang gỗ. Nhìn ta, nó gọi: - Chú. Cháu về thăm cô chú.

Ta chép miệng, nhẩn nha: - Ờ, nghĩ mày lấy vợ giàu có, quên lối về. Nếp nhà sàn của ông bà để cho mày, tao ngày nào cũng sang quét dọn.

Nó cười giả lả, nói nhạt thếch: - Thì cháu bận mà!- Ngưng một chút, nó chằm chằm nhìn mặt ta, nói ráo hoảnh: - Mấy ngày nữa chú chả phải quét dọn cũng sạch bách.

Bàn tay múp míp, đeo nhẫn vàng chóe to kệch của nó, cầm bàn tay khô gầy, đen xạm của ta: - Chú à, vào trong nhà cháu bàn và xin ý kiến một việc.

Nếp nghĩ của ta dấy lên nghi ngờ. Cái thằng này sao tự dưng tử tế với ta? Hồi nó mới xuống núi, học trường đại học kinh tế, lần nào về nhà cũng khịt mũi, bĩu môi chê bai đủ chuyện. Nó lớn lên từ hương hoa dẻ trắng thân thuộc, lại bảo hoa dẻ hắc, ngửi nhiều mũi dị ứng. Thôi thì đủ thứ chê. Lời nó nói chui từ tai nọ sang tai kia của ta, chuồi ra ngoài.

Ta chăm nó từ bé đến lớn, nhiều khi không hiểu vì sao thằng cháu Thỏa tính nó trái ngược ta đến thế? Anh trai, chị dâu ta có một mình nó thôi. Nó là niềm hy vọng của nhà ta. Anh chị ta đã theo tiên tổ về nơi chín suối. Anh ta hy sinh không biết mình có thằng con. Chị dâu ta khuất núi cùng ước nguyện dở dang thằng Thỏa trưởng thành…

Ngày mặt trận Vị xuyên, Hà Giang ngưng tiếng pháo nổ, đạn rơi, lửa cháy hơn một tháng, gia đình ta nhận tin dữ. Thay vì anh ta khoác ba lô về bản là tấm bằng "Tổ quốc ghi công" cùng giấy báo tử. Anh hy sinh tại điểm cao 685 xã Thanh Thủy, trên mặt trận Vị Xuyên.

Sững sờ. Đột ngột. Đau thương. Pa mé ta gọi vía anh trong tiếng nấc khan. Chị dâu nước mắt lã chã rơi, chạy như hóa điên, hóa dại vào rừng dẻ, miệng ời ời gọi tên anh.

Đêm, chị không về, người bản đốt đuốc vào rừng dẻ tìm. Chị nằm bất động giữa rừng dẻ, trên tấm thảm lá rắc trắng phấn hoa. Người chị lạnh ngắt, tím tái. Dưới chân chị có vết bập sâu như bị rắn chúa cắn. Chị đi theo anh trai ta về nơi miên hằng, để lại thằng cháu Thỏa lên sáu tuổi mồ côi…

Gió chạy ràn rạt như u uất khóc than. Núi Phja Đẻng đêm ấy sáng rực nấm lửa khổng lồ. Nước sông Nậm Đeng sôi ùng ục dựng cao cột lũ. Rừng dẻ hoa rụng xác xơ. Năm ấy, dẻ không đậu quả…

Cha mé ta đau buồn, suy nghĩ ốm lay lắt ba năm. Mỗi năm đi bệnh viện mấy lần. Mé ta người gầy như thể cành củi khô trên nương. Mé bỏ cha con ta, bỏ cháu ra đi đúng vào hôm sương muối trắng rừng. Hoa dẻ nồng nàn tỏa hương.

Chập tối tháng Chín, sau ngày mé ta mất hơn hai năm, thằng Thỏa sang nhà ông cậu học bài cùng thằng em. Nó học xong ngủ luôn bên ấy.

Pa gọi ta đến quì trước ban thờ gia tiên. Trong xôi hạt dẻ đầu mùa thơm nồng, dâng lên ban thờ, pa mặc bộ quần áo chàm mới. Trước khi thắp nhang, pa vuốt ve hai cối đá đỏ đứng hai bên chân ban thờ. Pa lầm rầm chuyện gì đó mà ta không nghe rõ. Dường như pa nói chuyện với từng chiếc cối. Tay pa vuốt đến đâu, cối sáng bừng màu đỏ như thể có lân tinh rực rỡ. Những vệt sáng tỏa ra luồng khí thơm thanh khiết. Không nồng như hoa dẻ, không nhẹ như hương trầm. Mùi thơm từ cối đá khác lạ, tựa như hương của hạt bưởi nướng, muốn người ta hít hà tận hưởng. Giờ thì ta biết, vì sao bao năm qua, nhà ta thơm tho đến thế.

Nhang trầm cháy đỏ, pa kể chuyện về hai chiếc cối đá đỏ. Giọng pa trầm buồn xa lắc…

Tương truyền từ xa xưa, núi Phja Đẻng có các vị thần ngự trị. Thần núi biết hú gió, gọi mưa, cho hoa dẻ thơm, hạt dẻ ngọt bùi. Đêm đêm, thần soi sáng một vùng bằng trăm ngàn ngọn lửa thiêng gộp lại. Dân trong vùng lên đỉnh núi, thần phạt, bắt nhốt vào chín cửa ngục…

Cụ tổ họ Lý ta là người đầu tiên đặt chân khai khẩn lập mường ở đây. Chuyện về núi Phja Đẻng có thần do cụ tổ nhà ta kể cho dòng tộc họ Chu, họ Nông nghe. Cha ta bảo, chuyện núi thần bắt nguồn từ đôi cối đá cổ này.

Đôi cối đá cổ quí hiếm được cụ tổ họ Lý mấy đời trước, đục từ hai viên đá lớn, quí hiếm trong lòng núi Phja Đẻng. Tiếng dân tộc ta thì Phja Đẻng, nghĩa là núi đỏ. Những viên đá quí trong lòng núi được cụ tổ ta phát hiện, nhưng dấu kỹ. Theo gia phả để lại thì cối đá đến đời ta là đời thứ sáu.

Đá trên núi biết phát sáng, tỏa hương thơm ngan ngát. Nếu không dấu kỹ thì nghịch tặc đến đây đào bới, khai thác, xới tung vùng núi này lên. Cụ tổ ta muốn để đá quí cho người đời sau.

Người dân trên này, lộc trời cho lúa ngô đầy bồ, cho thêm hạt dẻ nữa. Nếu giáp hạt thì hạt dẻ cũng đổi được cái ăn no bụng. Vậy thì đá quí để nằm yên dưới đất, không moi lên.

Bao đời nay, cây dẻ mọc đến đâu thì chân người bản đi đến đấy. Rừng dẻ mọc ngang lưng chừng núi. Loài cây leo lên đỉnh núi là tụi mây chằng chịt gai. Cây nào, cây ấy xoắn bện vào nhau, to bằng hai ba con trăn gộp lại. Tụi mây xanh rì, bí hiểm làm tường vững chắc để núi Phja Đẻng rực sáng mỗi đêm.

Cụ tổ ta căn dặn, người giao giữ bí mật câu chuyện đá núi, là người đàn ông có tâm đức, trưởng tộc. Nếu con trưởng không tốt, hoặc không may gặp tai ương, thì chọn con trai thứ. Chẳng may nhà trưởng tộc không có con trai thì chọn người kế vị cành dưới… truyền lại câu chuyện.

Pa ta kể xong thì thở dài, giọng lạc đi: - Con à, cha sức tàn, lực kiệt rồi, sau này tìm người tin cẩn truyền khẩu, giữ lại mỏ đá hiếm này cho đời sau…Giữ núi đá khi nào không giữ được đành chịu…Cố nuôi thằng cháu Thỏa thành người…

Pa khẽ cúi thấp người xuống, ông thở dốc. Ta nghe như tiếng gió rít xen lẫn cật nứa siết vào đá trong lồng ngực xẹp lép của pa. Ông ho rũ rượi, thổ huyết, đổ gục người xuống. Pa ta viên tịch. Người ra đi thanh thản như trút gánh nặng trần tục. Cha về miền miên hằng trong tiếng nấc nghẹn ngào, đau xót của ta…

Dù nỗi bực thằng cháu trào ứ nghẹn cổ như cục đá chắn ngang họng, thế mà ta bấm miệng, nhẫn nhịn nghe nó nói.

Từ ngày nó lấy vợ là con gái ông Chủ tịch tỉnh, bấm đốt ngón tay hơn bảy năm Thỏa không về quê. Mộ chị dâu Na mé nó, mỗi năm vào dịp thanh minh tảo mộ, ta cùng vợ con thắp đỏ nhang. Nhưng lần nào gia đình ta thắp hương, chân nhang trên mộ chị dâu cũng cháy bùng bùng.

Sao bỗng nhiên hôm nay thằng Thỏa xuất hiện? Ta đang nhíu mày suy nghĩ thì nó hồ hởi: - Chú à, cháu có hơn ba mươi hecta đất đồi, cách trung tâm thành phố bảy cây số. Cháu qui hoạch làm mô hình bảo tồn văn hóa dân tộc.

-Ờ, mày lấy con nhà quyền thế giàu có, trong tay tiền tấn, tiền tỷ thì vẽ ra làm gì chả được. Sao mày không về trên này mà bảo tồn văn hóa dân tộc? Có sẵn rồi, chỉ đầu tư nâng cấp thôi, vậy chả tốt hơn a? – Nói vậy rồi ta thở dài.

- Ô, đầu tư nơi khỉ ho cò gáy này chỉ công cốc. Chú rõ lẩm cẩm! - Nó dài giọng như diễu cợt!- Bất chợt, Thỏa hạ giọng ngọt tựa nước cây mía: - Cháu về lần này, mong cô chú thu xếp xuống dưới đấy ở. Hai em thành đạt, đi xa có về đây đâu? Hai nếp nhà sàn trên này dỡ xuống dưới phố, cháu phục dựng lại.

Tiếng thằng Thỏa thốc xoáy vào tai, khiến ta có cảm giác lạnh thấu xương. Ta nhìn ánh mắt ham hố của nó bỗng lợm giọng. Nó thao thao nói như tiếng thóc hắt ra từ máy tuốt lúa:

-Vợ chồng cháu mua gần ba mươi chục nếp nhà sàn rồi. Đẹp gấp vạn nhà sàn này. Chú xuống sẽ thích mê. Giờ cháu gọi gần hai chục gia đình đến trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề thủ công rèn, đúc, dệt vải, đan lát, thêu thùa… Mô hình chỗ cháu trên đồi là rừng, dưới suối đầy cá…đẹp miễn chê. Tiền làm ra cháu quản. Mua sắm sinh hoạt ăn ở, may vá, học hành con cái cháu lo tất. Khách du lịch tây ta tham quan du lịch kìn kìn.

Máu nóng bốc hỏa trên mặt ta. Hóa ra, nó muốn ta bỏ quê cha đất tổ xuống phố tù túng giam lỏng a? Ta gằn giọng quát: - Thằng mất gốc, ngậm miệng. Hai thằng con tao, em mày đấy, nó là kỹ sư, công an, đâu nghĩ láo như mày. Đi biệt tăm gần tám năm trời, giờ về dụ dỡ nhà, chuyển nơi ở. Tao sống trên đá. Chết trên đá. Nằm dưới mộ đá.

Không biết nó có nghe ta quát không, bởi mắt nó hau háu, gian xảo nhìn hai chiếc cối đá đỏ. Bỗng nó nhe răng cười nhăn nhở: - Ôi, ông chú tội nghiệp. Chả trách cả đời nghèo! – Nó chợt nói thẳng tưng: - Chú không biết đấy thôi, tỉnh đang xin cấp giấy phép cho doanh nghiệp khai thác đá, về cào núi Phja Đẻng. Nhà chú không khéo cũng đi tong, lúc ấy đừng có trách thằng cháu không nói. Thôi, chào cụ khốt, cháu chuồn.

Thằng Thỏa tệ bạc. Mở miệng là tiền. Không biết nó có ra núi mả thắp hương cho mé nó với ông bà không ?

Tiếng xe ô tô rú ga ầm ầm vọt đi mà ta vẫn ngồi lặng giữa gian nhà trống vắng. Mồ hôi ta túa ra. Đầu óc trống rỗng… thằng Thỏa đâm lời nhọn vào bụng ta, sục những đường cày máu vào tim ta. Nát vụn. tứa táp. Người ta gây gây như lên cơn sốt.

Bí mật về núi Phja Đẻng có đá quí lẽ nào không được nút kín? Vì sao lộ ra? Ta có hé răng nói với ai đâu? Vợ ta, bà ấy không biết. Đau xót quá thôi. Ta giật mình, chợt nhớ, cách đây hơn hai năm, đoàn người lạ, tay xách, nách mang đồ đạc lỉnh kỉnh, phần nhiều máy móc gọn nhẹ đi lên núi. Họ trình giấy tờ là kỹ sư, lên Phja Đẻng thăm dò địa chất.

Lời thằng Thỏa bô bô nói chắc không sai. Bố vợ nó là chủ tịch tỉnh. Vụ cào núi này lớn thế, chắc ông ta có phần.

* * *

D.

Mắt ta nổ hoa cà, hoa cải. Căn nhà sàn năm gian có những cây cột gỗ lim đen bóng mấy trăm tuổi từ đời các cụ tổ họ Lý tạo dựng để lại cho thằng Thỏa không cánh mà bay. Năm cây dẻ cổ thụ gần nhà sàn cũng bị lấy mất, để lại những chiếc hố sâu hoắm. Tan hoang...

Thằng Thỏa lợi dụng ngày ta đi sang nhà bạn toồng lẻn về trộm nhà, trộm cây mang xuống phố.

Cổ họng ta khô cháy. Người ta rung lên trong tiếng nấc nghẹn. Rưng rức. Uất ức.

…Vô vàn bụi huyết hồng từ khoảng không trên núi, theo gió lắc rắc trôi trong sương. Núi Phja Đẻng rừng rực sáng, hắt lên vòm trời màu cam vàng. Đâu đó âm âm, rung rung, vang rền, chát chúa như là núi vỡ, đá tan. Từ những đám mây màu huyết dụ trên không trung, bóng hai cối đá đỏ nhưng nhức tan chảy, tỏa luồng chớp lửa phủ trùm. Tiếng nổ lớn khiến đất trời rung lắc dữ dội. Rừng dẻ rùng rùng chuyển động ngả nghiêng. Cối đá hóa biến bụi đỏ chói rạng, òa ập xuống sông Nậm Đeng cuồn cuộn sôi réo. Giữa bầu trời rực đỏ, năm cây dẻ đang kỳ nở hoa trắng, bật gốc bay bay lên trời cao. Những cánh hoa trắng lả tả rơi lưng chừng, chuyển màu đỏ tươi, nhỏ máu, loang sẫm vạt sông. Mưa đỏ. Mưa như trút huyết hồng trong mùa đông lạnh giá. Nhòa ướt, đỏ sẫm…

Mưa giông đỏ đến bất chợt, đi cũng nhanh. Những đám mây màu hồng cùng ngàn vạn hạt mưa hun hút trôi theo con nước dưới lòng sông Nậm Đeng. Thoáng chốc, mặt trời huơ tay kéo mây, tỏa nắng như thể chưa từng có giông gió. Nắng đông ấm áp gọi bầy chim nộc phầy sải cánh mải miết, vẽ vào không gian những nét màu huyền ảo.

Rừng dẻ bung lụa, tung hoa trắng ngần, thả hương ngọt say, tấu lên giai điệu cổ tích rì rầm miên man, gọi bầy gà gô khoác bộ lông hoa sặc sỡ lúc túc, xòe cánh rộn ràng vũ điệu hoang dã…

Thái Nguyên, ngày khai bút 2/1/2021

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem