Nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, Dân Việt xin giới thiệu bài viết của
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (giảng viên Khoa Văn
học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) về
“Truyện Hồng Bàng Thị và cội nguồn Thần Nông của dân tộc”.
Truyện
Hồng Bàng Thị nằm trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái cổ xưa và được đưa
vào Đại Việt sử kí toàn thư. “Hồng – Bàng – Thị”, ba chữ đó đối với
chúng ta ngày nay quen thuộc và hiển nhiên như một danh từ riêng chỉ về
một thời đại đầu tiên, thời đại cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
Hùng vương (Hình minh hoạ)
Hồng, chữ Hán so nghĩa là to lớn, cũng có nghĩa là trận lụt lớn bao trùm
toàn cầu, đồng nghĩa với hồng thủy (theo Hán – Việt tự điển của Thiều
Chửu). Bàng, chữ Hán có nghĩa là to lớn mênh mông, rộng trùm vũ trụ.
Điều gì đã xảy ra khi hai chữ Hồng và Bàng này kết hợp lại để chỉ thời
kì khởi nguyên của dân tộc? Không gì khác hơn đó chính là biểu tượng
thần thoại phổ biến toàn thế giới (Vũ trụ Khaox: Vũ trụ khởi nguyên mênh
mông mù mịt và hỗn mang, bắt đầu của mọi bắt đầu).
Ở các cộng đồng
khác nhau trong khối Bách Việt, phía Nam Dương Tử, đều có biểu tượng
này, nằm dưới cách diễn đạt vừa trực quan sinh động vừa khái quát. Mọi
thần thoại đều hướng về hỗn mang theo tư duy suy nguyên. Cũng như mọi
lịch sử thế giới đều bắt đầu bằng thần thoại.
Trước mắt các trí thức
Lý – Trần là kho tàng thần thoại phong phú của miền Lĩnh ngoại khác
Hán. Trong tim họ là tấm lòng yêu nước thiết tha. Trong óc họ là yêu cầu
khái quát lịch sử. Trong tay họ lúc đó là những quy thức từ chương học
chữ Hán.
Một phát kiến không thể súc tích hơn: ba chữ Hồng – Bàng – Thị.
Nó
tích lũy như một symbol, một biểu tượng, một phù hiệu cao quý mãi mãi,
trang trọng theo đầu nguồn lịch sử dân tộc, mà không một thế lực nào từ
đó có thể hạ xuống. Trong lòng nó, tích lũy cả một kho tàng thần thoại.
Nó chính là phát kiến của Đại Việt, dù là được viết bằng chữ Hán. Một
khẩu hiệu vĩnh hằng về độc lập dân tộc.
Phát kiến này đã đưa thẳng Đại
Việt thành một quốc gia bình đẳng với các quốc gia khác trong khu vực
lúc đó. Hồ Chủ tịch cũng nói: “Hồng Bàng là Tổ nước ta”.
Trống đồng Đông Sơn
Điều đáng nói ở đây là, ba chữ Hồng Bàng Thị chắc chắn không phải là một
phát ngôn tự sự thông thường ở cấp độ từ vựng. Đây là một kiểu tự sự
khác, tự sự trầm tích, tự sự ẩn dụ. Nhận xét nó đơn giản như một tên
truyện là một nhận xét thô sơ.
Hãy đặt nó trong một hệ thần thoại Mường,
Thái, Kinh, Tày và thậm chí là Ê đê, Gia rai, Mơ nông,… thì sẽ thấy
rằng, nó đang tự sự với chúng ta những thông tin trầm tích cực kì quan
trọng. Và ta hãy thử tiếp tục đọc kiểu tự sự này.
Từ đầu, truyện cho
hay: Cháu ba đời của Viêm đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi.
Sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam lấy con gái Vụ Tiên sinh ra Kinh
Dương Vương. Kinh Dương Vương tài trí thông minh được Đế Minh yêu mến
định trao ngôi báu nhưng vua không nhận, nhường nước cho anh là Đế Nghi.
Đế Minh phong cho Kinh Dương Vương làm vua phương Nam, gọi là nước Xích
Quỷ.
Chúng ta tạm dừng ở đây để xem đoạn văn thông báo những nội dung trầm tích nào.
Bắt
đầu từ Thần Nông Viêm Đế. Thần Nông là tên chòm sao phương Nam của địa
cầu. Trong Ngũ đế Trung Hoa, Thần Nông là đế phương Nam. Thần Nông còn
có đế hiệu là Viêm Đế, với nghĩa là đế ở xứ nóng, xứ Mặt Trời. Cội nguồn
dân tộc ta là ở phương Nam, xứ nóng, chúng ta là con cháu Mặt Trời. Lại
một tích hợp thần thoại khởi nguyên của cư dân phương Nam.
Người
phương Nam nghĩ gì khi khắc khuôn mặt trống đồng trên bàn xoay: bắt đầu
bằng mặt trời và cuộc sống sẽ xoay quanh, sẽ lan tỏa từ mặt trời. Sử thi
Mường, Thái kể sau buổi hồng hoang sẽ là gì nếu không là sự ra đời của
trời, đất, mặt trời, mặt trăng.
Nếu người Việt nói “Vua mặt trời”, người
Mường nói “Mặt trời mặt sáng” thì kí tự chữ Hán sẽ là gì nếu không lựa
chọn Viêm Đế - Thần Nông. Lại một sự lựa chọn biểu tượng nữa.
Giỗ Tổ Hùng Vương.
Chúng ta vốn dân phương Nam, ở đó có Bách Việt mà hai Việt đại biểu trong đó là Việt của Đế Nghi (Bắc của phương Nam) và Việt của Kinh Dương Vương (Nam của phương Nam).
Kinh Dương Vương là vua của đất Kinh đất Dương vùng hồ Động Đình. Vấn đề Đông Nam Á phía Nam sông Dương Tử không chỉ bây giờ mới có mà các bậc túc nho đầu thời Đại Việt đã từng đặt ra. Chỉ có điều họ kí tải một cách súc tích dưới dạng biểu tượng mà thôi. Dòng dõi Mặt Trời sẽ sản sinh Mặt Trời. Đế Minh: vị đế của ánh sáng không gì khác hơn là một phân thân của Mặt Trời.
Trong một văn hóa, ở cấp độ biểu tượng hoa văn hình học, mặt trời tồn tại dưới nhiều hình vẽ khác nhau thì trong ngôn ngữ (hiện thực trực tiếp của tư duy) cũng vậy (hiện tượng đồng nghĩa thường thấy trong bất cứ ngôn ngữ nào). Đế Minh cũng là Mặt Trời. Đế Minh lấy Vụ Tiên mà sinh ra Kinh Dương Vương. Vụ Tiên là tên chòm sao vẫn gọi là sao Vụ Nữ nằm ngay đỉnh bầu trời Bắc Bộ Việt Nam. Vua lấy Sao để sản sinh ra các bậc kế nghiệp.
Ta hãy thử so sánh với sử thi thần thoại người Mường Đẻ đất đẻ nước thì thấy sự trùng hợp lạ lùng. Đó là các chương về lang Cun Cần lấy vợ. Là Lang nên Cun Cần có quyền lấy nhiều vợ.
Đầu tiên là nàng Đất nhưng rồi đất lại thành đất, lần hai là nàng Nước nhưng rồi nước thành sương mù, lần ba (quá tam ba bận) là nàng Sao ả Sáng ở tận Mường Trời mới sinh ra Lang Cun Khương nối nghiệp trị vì. Sau đó lang lấy em gái là Dạ Kịt sinh ra sâu bọ, muỗi vắt. Lại lấy nàng ử Tuội Vạn sinh ra đứa ăn người làm, cuông nhốc. Lần nữa ta lại thấy một thần thoại Việt Mường khác Hán, được tích lũy dưới dạng biểu tượng súc tích. Tên riêng đâu chỉ là tên riêng của sự thông thường.
Kinh Dương Vương đã lấy Thần Long Nữ, con gái Động Đình Quân mà sinh ra Lạc Long Quân. Lại là một huyền thoại phương Nam, vùng hồ Động Đình, dẫu mô típ của nó đã được từ thư Trung Hoa ghi sớm trong Liễu Nghị truyện, truyền kì đời Đường. Nhưng vì trong ý thức vững bền của các trí thức Đại Việt, hồ Động Đình luôn thuộc về đất nước ta nên họ đã tiếp thu huyền thoại người lấy rắn mà họ biết là rất quen thuộc của văn hóa và tín ngưỡng phương Nam này.
Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, cũng là một biểu tượng thần thoại, phổ biến thế giới và phổ biến vùng Bách Việt, mà sử thi Mường cũng như truyện Quả bầu mẹ phổ biến vùng này là một minh chứng. Trong sự hồ nghi của tư tưởng Nho giáo, chúng ta lại gặp một kiểu phản ánh ẩn dụ của câu chuyện.
Cuối cùng là bọc trăm trứng, một biểu tượng quen thuộc như quả bầu (Thái), trứng chim (Mường), bọc thịt (Mèo) sản sinh ra con người. Chưa kể tên riêng Lạc Long Quân (Rắn, Vua Khú của người Mường), Âu Cơ (chim của Mường, tô tem trên trống đồng) v.v… ta thấy lại trong một tự sự ngắn gọn, rất ít chữ, hàm chứa trong đó một kho tàng thần thoại phương Nam phong phú.
Câu chuyện Hồng Bàng thị đã vượt hẳn khỏi lí thuyết tự sự thông thường. Trong một dung lượng chật hẹp số chữ, tầng tầng lớp lớp những biểu tượng thần thoại, biểu tượng văn hóa, nếu xếp thể loại cho câu chuyện này, mọi lí lẽ sẽ có nguy cơ phiến diện, thô sơ.
Tác giả không chỉ là người sáng tác nghệ thuật ngôn từ. Trường hợp đặc biệt của lịch sử biến họ thành những người luyện đan. Sản phẩm của họ sẽ trường tồn và luôn luôn kêu gọi sự khám phá vì trong đó còn nhiều quy luật sáng tạo chưa được phát hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.