Chậm “hà hơi, thổi ngạt”, Việt Nam sẽ mất đi thời cơ lịch sử
Chậm “hà hơi, thổi ngạt”, Việt Nam sẽ mất đi thời cơ lịch sử
Nhóm PV kinh tế
Thứ sáu, ngày 22/10/2021 08:30 AM (GMT+7)
Chia sẻ với Dân Việt, các chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội vươn dậy nhanh nếu không "hà hơi, thổi ngạt" doanh nghiệp đủ lớn, trợ cấp cho người dân từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước.
Số liệu thống kê của Tổng cục thống kê cho thấy, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong 10 năm qua; Bình quân một tháng, có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67% (quý I là 2,19%; quý II là 2,40%; quý III là 3,43%).
Đây là những minh chứng cho thấy sự "tàn phá" của đại dịch đối với nền kinh tế nước nhà.
"Đứng dậy" sớm, Việt Nam có thể "kiếm" được thời cơ vươn dậy nhanh
Chia sẻ với PV Dân Việt, TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, để đối phó và hạn chế những tác động mạnh mẽ do đại dịch gây ra, Việt Nam đều đã có những chính sách hỗ trợ rất kịp thời với mong muốn hạn chế tối đa hậu quả.
Theo đó, Chính phủ đã triển khai hàng loạt giải pháp như giãn nợ, giảm thuế, phí, kéo lãi vay giảm mạnh nhằm giảm các áp lực tài chính cho doanh nghiệp hay cứu trợ dân – theo nghĩa gián tiếp là cứu nền kinh tế.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại có thể nói, nền kinh tế đang ở tình trạng cấp bách khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước đã gần như kiệt sức và cần những chính sách đủ mạnh để "hà hơi, thổi ngạt" vượt qua đại dịch.
Trong đó, việc đẩy mạnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách là giải pháp cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Vị chuyên gia này phân tích, có những quốc gia ảnh hưởng của đại dịch chưa mạnh bằng Việt Nam, chưa suy kiệt như Việt Nam nhưng phần tài trợ Chính phủ bơm ra cứu nền kinh tế của các quốc gia này rất lớn. Bởi, họ không ngại mà thậm chí là sẵn sàng chấp nhận mức bội chi lớn và có thể tính tới cả lạm phát khi bơm tiền cứu nền kinh tế.
Trong khi đó, Việt Nam hiện kinh tế đã suy yếu khá trầm trọng và sẽ tiếp tục trầm trọng, muốn cho khu vực thị trường "sống trở lại" theo các kênh khác nhau, thời điểm này cần nhanh chóng đẩy mạnh nguồn lực nhà nước hỗ trợ nền kinh tế.
"Cứu cho nguồn lao động khơi mạch trở lại cũng phải chi tiền. Hay như việc bơm vốn, rủi ro là hiện hữu, vì vậy phải có sự hỗ trợ của nhà nước để giảm rủi ro cho các ngân hàng, thay vì đẩy hết rủi ro về phía ngân hàng, điều đó có khi còn nguy hiểm hơn", ông Thiên dẫn chứng.
TS Nguyễn Đình Thiên phân tích thêm: Về chiến lược dài hạn, chúng ta "đứng dậy" sớm, có nghĩa là chúng ta có khả năng "kiếm" được một ít thời cơ để vươn dậy nhanh. Đây là điều rất quan trọng.
"Nếu chúng ta tiếp tục ngồi đùn đẩy cho hành chính mà không rõ trách nhiệm chính trị bây giờ chính là cứu nền kinh tế, thì nền kinh tế không chỉ không đứng dậy được, mà còn những thành quả đã tích được trong những năm qua cũng suy giảm nghiêm trọng. Hơn thế nữa, chúng ta mất đi thời cơ lịch sử để thay đổi và đuổi kịp thế giới", ông Thiên phân tích.
Độ trễ chính sách quá lớn, khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội
Dưới góc nhìn của mình, PGS. TS Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính thừa nhận, độ trễ chính sách của Việt Nam quá lớn, gây cản trở Việt Nam tận dụng các cơ hội phát triển.
Dẫn chứng từ câu chuyện của tăng trưởng kinh tế, ông Cường cho biết, khi tăng trưởng kinh tế suy giảm, để tăng trở lại, chúng ta thường mất một khoảng thời gian rất lâu mà không thể có bước "nhảy vọt" như các quốc gia khác, như Châu Âu chẳng hạn. Lý do, độ trễ từ chính sách, từ lúc nghiên cứu cho tới khi ban hành và thực thi rất chậm trễ. Khi chính sách đi vào thực tế, cơ hội để phát triển "nhảy vọt" đã qua đi – theo ông Cường.
"Như năm nay chẳng hạn, khi chúng ta còn đang loay hoay thì nhiều nước đã phục hồi trở lại sau khi tiêm vaccine. Đến lúc chúng ta bàn xong các giải pháp, đưa ra được các chính sách và thực thi thì các nước có khi lại rơi vào thời kỳ đi xuống của kinh tế toàn cầu. Hay nói cách khác, khi mình bắt đầu làm thì các ông khác đã tận dụng được cơ hội rồi, trong khi cơ hội đến mình lại không làm gì cả", ông Cường nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này dự báo, trong kịch bản tốt với sự hỗ trợ mạnh của nguồn lực nhà nước, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt từ 5,5% – 6% tùy vào dịch bệnh, tệ nhất là 5,2%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.