Chuyên gia hiến kế tại tọa đàm trực tuyến Dân Việt: Để doanh nghiệp phục hồi, cần chấp nhận sai sót
Chuyên gia hiến kế tại tọa đàm trực tuyến Dân Việt: Để doanh nghiệp phục hồi, cần chấp nhận sai sót
Ngô Trang
Thứ năm, ngày 21/10/2021 10:55 AM (GMT+7)
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nếu nền kinh tế thị trường được làm theo quy định, tiến theo quy trình mà không hướng đến mục tiêu thì nền kinh tế, các doanh nghiệp sẽ khó hồi phục. "Chúng ta cần chấp nhận sai sót để đạt mục tiêu", ông Cung nói.
Tọa đàm trực tuyến: “Động lực kích thích kinh tế tăng trưởng và doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch”
Cần tăng bội chi ngân sách lên từ 8-10%
Tại buổi Tọa đàm “Động lực kích thích kinh tế tăng trưởng và doanh nghiệp phục hồi sau dịch” sáng nay (21/10) do báo Dân Việt tổ chức, chuyên gia kinh tế TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường rất chậm, đặc biệt mức tăng trưởng rất thấp.
Hai năm nay, mức tăng trưởng của nước ta đã ở mức đáy. Ở Việt Nam cứ khoảng 10 năm có một cuộc khủng hoảng, đến nay nước ta đã có 3 cuộc khủng hoảng xuống mức đáy với mức tăng trưởng là 4,7%, 5,1% và năm nay chỉ khoảng 2%.
Những cuộc khủng hoảng trước đây để phục hồi được, Việt Nam phải mất rất nhiều năm mới vực nền kinh tế lên được. Mức tăng trưởng rất chậm, chỉ đều đều lên được từ 1%, 2%, không thể tăng nhanh được như nhiều quốc gia khác.
Với đà phát triển này, năm 2022 Việt Nam nếu tăng trưởng tốt, cao nhất cũng chỉ có thể đạt 5%. Kinh tế nước ta rất khó bật dậy được! Việc đặt về mục tiêu tăng trưởng quá cao vô hình tạo ra nhiều áp lực cho các nhà làm chính sách, các nhà lãnh đạo.
Theo lý giải của ông Nguyễn Đình Cung, nguyên nhân là kinh tế thị trường của nước ta phát triển quá chậm, kéo theo việc phân bố nguồn lực cũng không thúc đẩy nhanh được.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, phải làm thế nào để có giải pháp đủ mạnh, thay đổi đủ lớn để cải thiện tăng trưởng. Đầu tiên tư duy kinh tế thị trường cần được thay đổi. Không thể phát triển kinh tế thị trường theo tuy duy hành chính giấy tờ như chúng ta đã và đang làm như hiện nay.
"Giải pháp trước mắt là tăng cầu. Vậy tăng thế nào? Có hai vấn đề tôi muốn nói ở đây là tiền tệ và tài khoá. Hiện năng lực của ta tốt hơn rất nhiều so với 10 năm trước. Dư địa còn nhiều nhưng chi tiêu quá thấp. Cần sử dụng công cụ tài khoán, tôi đề nghị tăng bội chi ngân sách lên từ 8-10%", ông Cung nói.
Ông Cung cho rằng, cần thay đổi cách thức triển khai, chúng ta cần chấp nhận một số sai sót để đạt mục tiêu. Hiện Việt Nam lo sai sót quá nhiều mà không quan tâm đến mục tiêu đã đặt ra. Đối tượng đáng không được hưởng hỗ trợ thì vẫn hỗ trợ, đối tượng bần cùng, khó khăn thì đôi khi vẫn bị bỏ sót. Nếu chúng ta cứ làm theo quy định, tiến theo quy trình mà không hướng đến mục tiêu thì nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ khó hồi phục.
Lưu thông nguồn lực đang ở mức báo động
Trong khi đó, theo TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, quan niệm về dịch hiện nay đã thay đổi khá nhiều nên cách chống dịch cũng cần phải thay đổi theo. Đó là điều kiện quan trọng cho sự phục hồi nền kinh tế và vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Vị chuyên gia này khẳng định, phương pháp chống dịch kiểu cũ đã trói chặt và chặt đứt các mạch lưu thông của nền kinh tế. Hiện chúng ta phải thẳng thắn bàn đến việc nền kinh tế đang yếu kém như thế nào, suy yếu ra sao để tìm giải pháp tháo gỡ. Cần phải nhận diện vấn đề gì là huyết mạch để tập trung vào đó mà tháo gỡ.
Hiện Chính phủ đang triển khai hàng loạt các giải pháp như hỗ trợ cứu doanh nghiệp về thuế, phí, giảm áp lực gánh nặng tài chính, giúp cứu trợ dân… nhưng lại có một số vấn đề đáng bàn.
“Nền kinh tế thị trường phải gắn với lưu thông, vì thế mọi giải pháp đều phải giải tỏa cho lưu thông. Lưu thông hàng hóa và lưu thông vốn, lưu thông lao động được bàn nhiều nhưng lâu nay không ai nghĩ đến việc lưu thông về nguồn lao động. Đến khi nguồn lực này bị đứt phựt chúng ta mới cuống lên”, ông Thiên nói.
Theo vị chuyên gia này, vấn đề nguồn nhân lực không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là câu chuyện xã hội sẽ vô cùng gay gắt.
Bên cạnh giải pháp nói trên, ông Thiên đặc biệt nhấn mạnh về đầu tư công. Vị chuyên gia này cho rằng, đây giải pháp then chốt để giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế.
Từ khi dịch bắt đầu xảy ra, Chính phủ đã nhận thức được vấn đề giải ngân vốn đầu tư công từ rất sớm nhưng việc thực hiện đến nay vẫn rất trì trệ?. “Để tiếp cận vốn được thi doanh nghiệp đã kiệt sức rồi. Thời điểm này đang rất cấp bách nên phải đẩy các nguồn lực để hỗ trợ cho khu vực thị trường sôi động, sống lại”, ông Thiên nói.
Ông Thiên khẳng định, kinh tế Việt Nam hiện đang suy yếu khá trầm trọng. Vì thế cần nhanh chóng cứu trợ để kinh tế hồi sinh nó trở lại.
“Thời điểm này là thời điểm quyết liệt để các nhà hoạch định chính sách đưa ra những cái giải pháp mạnh hơn, nếu không nền kinh tế sẽ gặp nhiều gay go. Nếu chúng ta quyết liệt sớm hơn thì sẽ thêm cơ hội để vươn dậy cho nhanh. Nếu không thành quả bao năm cũng sẽ bị tiêu tan và có thể sẽ phải mất cả thế kỷ để thay đổi”, ông Thiên nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.