TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 3): Không tinh nhuệ đừng mơ có huy chương

Đức Hiếu Thứ năm, ngày 05/08/2021 10:10 AM (GMT+7)
Tại Olympic Tokyo 2020, không khó để nhận ra rằng, nhiều VĐV Việt Nam đã thi đấu dưới sức và không có được kết quả tốt nhất. Trên thực tế, đây chẳng phải điều bất ngờ khi những niềm hy vọng của chúng ta không đạt được trạng thái tốt nhất khi tới Nhật Bản tranh tài.
Bình luận 0

Nén đau lên thảm đấu

Tại Olympic Tokyo 2020, thể dục dụng cụ Việt Nam có 2 VĐV tham dự là Đinh Phương Thành và Lê Thanh Tùng. Không thể phủ nhận quyết tâm và nỗ lực rất cao của 2 "nam thần" này, nhưng điều đó là không đủ để họ tạo nên dấu ấn nổi bật về chuyên môn. Lý do rất đơn giản: Cả Đinh Phương Thành và Lê Thanh Tùng đều phải nén đau lên thảm đấu khi yếu tố song hành với họ ở Thế vận hội lần này là... chấn thương.

Trao đổi với PV Dân Việt, Đinh Phương Thành cho biết: "Sát ngày lên đường sang Nhật Bản, tôi đã không may dính chấn thương vai và chính tôi cũng đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là không thể thi đấu. Khi tới Tokyo, tôi đã phải uống thuốc giảm đau và trị liệu tích cực. Đến phút chót, tôi mới tin mình không phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, chấn thương này đã ảnh hưởng rất nhiều tới phong độ và thành tích thi đấu của tôi".

TTVN - để không lạc lối ở Olympic (Kỳ 3): Không tinh nhuệ đừng mơ có huy chương - Ảnh 1.

Chấn thương vai khiến Đinh Phương Thành không thể có phong độ cao nhất tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Chụp màn hình.

Cùng hoàn cảnh và cũng chung quan điểm là Lê Thanh Tùng. Có điều, Lê Thanh Tùng đã bị chấn thương trong khoảng thời gian 2 tháng trước khi Olympic Tokyo khởi tranh và anh chưa thể lấy lại thể trạng tốt nhất vào thời điểm diễn ra phần thi của mình. Chia sẻ về điều này, Lê Thanh Tùng bộc bạch: "Tôi đã rất cố gắng bởi được tham dự Olympic là vinh dự, tự hào với bất cứ VĐV nào. Thật tiếc khi chấn thương đã khiến tôi không thể có được những bài thi có điểm số tốt hơn".

Những con số đã chứng minh, thành tích của Đinh Phương Thành và Lê Thanh Tùng bị ảnh hưởng thế nào bởi chấn thương. Ở vòng loại nội dung xà kép nam, Đinh Phương Thành xếp thứ 43/45 với thành tích 11,833 điểm. Trong khi đó, Đinh Thanh Tùng đứng thứ 11/12 VĐV ở vòng loại nội dung nhảy ngựa (13,483 điểm) và đứng thứ 30/47 ở vòng loại nội dung xà đơn nam (13,166 điểm). Nên nhớ, Đinh Thanh Tùng từng đạt thành tích 14,633 điểm ở nội dung nhảy ngựa tại giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới năm 2019, điểm số giúp anh giành vé dự Olympic Tokyo 2020.

TTVN - để không lạc lối ở Olympic (Kỳ 3): Không tinh nhuệ đừng mơ có huy chương - Ảnh 2.

Lê Thanh Tùng rất nỗ lực nhưng không có được kết quả cao như mong đợi. Ảnh: O.T

Nhận định về những khó khăn và cả sự cố gắng của 2 học trò, HLV Trương Minh Sang của đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam nhấn mạnh: "Năm 2020, khi Olympic chưa bị hoãn, chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất tốt, nhưng cuối cùng đã phải đợi đến năm nay mới được thi đấu. Điều đó khiến sự tập trung của các VĐV bị ảnh hưởng ít nhiều. Việc phải tập chay khiến cảm xúc của VĐV cũng bị mai một nên ban huấn luyện phải tìm mọi cách khắc phục, thường xuyên điều chỉnh tâm lý cho họ.

Đến khi tranh tài, Lê Thanh Tùng bị lỗi trong động tác nhảy đầu tiên nên không thể đi sâu hơn trong bài thi. Cũng lâu rồi Tùng không tập nhảy ngựa do bị chấn thương (khoảng 2 tháng - PV) nên cảm giác của động tác tiếp đất bị hạn chế.

Đinh Phương Thành cũng bị chấn thương nhưng đã quyết tâm thi đấu và thực hiện trọn vẹn bài thi. Vào thời điểm cuối phần thi, vai của Thành không tốt nên phải điều chỉnh động tác để tránh bị chấn thương nặng hơn. Cả 2 VĐV không có được thể trạng tốt nhất nhưng đã rất nỗ lực và tôi tự hào về họ".

TTVN - để không lạc lối ở Olympic (Kỳ 3): Không tinh nhuệ đừng mơ có huy chương - Ảnh 3.

Các thành viên của đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020. Ảnh: NVCC.

Tự thua trong trận đấu lớn

Trước khi Olympic Tokyo 2020 khai mạc, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam là ông Trần Đức Phấn đã khẳng định: "Dựa vào truyền thống và thành tích của 11 môn mà đoàn thể thao Việt Nam góp mặt, chúng tôi đặt kỳ vọng giành huy chương vào môn cử tạ. Thành tích của môn thể thao này trong những Olympic trước đã khẳng định cử tạ có bước tiến rõ nét trên đấu trường quốc tế".

Cụ thể hơn nữa, những niềm hy vọng lớn nhất của cử tạ Việt Nam là Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên. Nhưng kết quả cuối cùng của họ thì rất đáng thất vọng. Ở hạng cân 50kg nữ, Hoàng Thị Duyên đạt thành tích cử giật 95kg, cử đẩy 113kg, tổng cử 208kg và chỉ đứng thứ 5. Còn ở hạng cân 61kg nam, Thạch Kim Tuấn đạt thành tích cử giật 126kg, không có được thành tích cử đẩy và không được xếp hạng.

TTVN - để không lạc lối ở Olympic (Kỳ 3): Không tinh nhuệ đừng mơ có huy chương - Ảnh 4.

Hoàng Thị Duyên đã không thể đạt hoặc vượt thành tích tốt nhất của chính cô tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty

Trao đổi với Dân Việt, Hoàng Thị Duyên đã thừa nhận: "Tôi không có vấn đề gì về tâm lý, các đối thủ ở hạng cân của tôi cũng chẳng mạnh lên. Mức tạ mà họ thực hiện tại Olympic Tokyo cũng đã được thực hiện tại nhiều giải đấu trước đó. Thậm chí, đô cử giành huy chương bạc từng có thành tích kém hơn tôi tại vòng loại ở Uzbekistan. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chính tôi đã không đạt được hiệu quả và tự thua trong cuộc tranh tài này".

Chỉ ra khó khăn dẫn đến việc 2 niềm hy vọng môn cử tạ không giành được huy chương, ông Đỗ Đình Kháng, Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ và Thể hình Việt Nam cho biết: "Ngoài tâm lý thi đấu chưa vững, Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đến Olympic Tokyo 2020. Cụ thể vào cuối tháng 4 vừa qua khi tham dự vòng loại Olympic Tokyo tại Uzbekistan về nước, hai VĐV đã phải cách ly y tế tập trung hơn 40 ngày.

Thời gian trong nơi cách ly tập trung quá dài khiến VĐV không có điều kiện để tập luyện chuẩn bị cho Olympic. Sau khi rời khu cách ly, các VĐV chỉ còn hơn một tháng để chuẩn bị thi đấu tại Olympic. Cũng trong gần 2 năm qua, VĐV được tham dự quá ít cuộc thi đấu quốc tế để cọ xát, tăng cường bản lĩnh thi đấu do ảnh hưởng của dịch COVID-19".

TTVN - để không lạc lối ở Olympic (Kỳ 3): Không tinh nhuệ đừng mơ có huy chương - Ảnh 5.

Thạch Kim Tuấn vừa mắc chấn thương, vừa bị trạng thái tâm lý nên không đạt được thành tích tốt. Ảnh: O.T

Ngoài ra, Thạch Kim Tuấn cũng không có được thể trạng tốt nhất nên việc anh thất bại là không quá bất ngờ. Chấn thương mãn tính ở vai và gối đã khiến Tuấn không thể vận dụng sức lực tối đa ngay cả trong tập luyện. Điều này càng khiến anh bị trạng thái nặng khi thi đấu".

Do cả yếu tố chủ quan và khách quan, nhiều VĐV Việt Nam đã không có được bước chạy đà hoàn hảo để đạt được thành tích tốt tại Olympic Tokyo 2020. Đây chắc chắn là bài học xương máu và cần rút kinh nghiệm sâu sắc của những người có trách nhiệm với thể thao Việt Nam để điều tương tự không lặp lại tại các giải đấu lớn nói chung và Olympic nói riêng trong tương lai.

"Chấn thương là việc không may có thể xảy ra với bất cứ VĐV nào và điều đó đã đến với tôi ngay trước lúc thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Tôi rất tiếc khi không thể có được thành tích tốt dù đã nỗ lực đến hết khả năng", VĐV thể dục dụng cụ Đinh Phương Thành cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem