TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 10): "Khoảng cách với Thế vận hội còn xa"
TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 10): "Khoảng cách với Thế vận hội còn xa"
Tuệ Minh (ghi)
Chủ nhật, ngày 08/08/2021 19:10 PM (GMT+7)
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn khẳng định Olympic Tokyo 2020 đã phản ánh đúng tương quan về trình độ của TTVN tại Thế vận hội.
Sau nửa tháng tranh tài, 18 giờ tối nay (8/8) sẽ diễn ra Lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020. Tại đây, nước chủ nhà Nhật Bản sẽ bàn giao lá cờ Olympic cho Pháp, quốc gia sẽ tổ chức Thế vận hội Paris 2024.
Với Thể thao Việt Nam (TTVN), Olympic Tokyo 2020 đã khép lại từ tối 2/8 khi Quách Thị Lan - VĐV cuối cùng của TTVN so tài và dừng bước ở bán kết 400m rào nữ.
Tới lúc này, 43 thành viên đoàn TTVN bao gồm 25 cán bộ, huấn luyện viên, chuyên gia và 18 VĐV của 11 môn thể thao đã về nước an toàn và đang trải qua quá trình cách ly tập trung theo quy định phòng chống dịch Covid-19.
Việc TTVN không thể giành huy chương tại Olympic Tokyo, trong khi các đoàn thể thao trong khu vực đều đã ghi dấu ấn cụ thể như Philippines (1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ), Indonesia (1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ), Thái Lan (1 HCV, 1 HCĐ), Malaysia (1 HCĐ); đã khiến giới chuyên môn và các CĐV chạnh lòng.
Trả lời báo chí, ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN dự Olympic Tokyo 2020 cũng thừa nhận "Khoảng cách của TTVN với Olympic còn xa".
TTVN kết thúc Olympic Tokyo 2020 mà không thể giành huy chương. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
TTVN chưa đạt được thành tích như mong muốn. Dù không muốn nói là do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, xong không thể phủ nhận suốt gần 2 năm qua, kế hoạch tập huấn, thi đấu của các đội bị đảo lộn, điều chỉnh liên tục cho phù hợp với thực tế dịch bệnh trong điều kiện mới.
Đơn cử như những VĐV môn bơi, trong đó có Nguyễn Huy Hoàng, đạt hai chuẩn A nội dung 800m và 1500m từ rất sớm. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, Huy Hoàng chỉ tập trong nước, không thể tập huấn, thi đấu nước ngoài.
Có nhiều thời điểm Huy Hoàng không được xuống nước mà phải tập trên bờ. Hay như các VĐV cử tạ sau khi thi đấu vòng loại về nước phải thực hiện cách ly hơn 40 ngày. Các VĐV khác cũng trong hoàn cảnh tương tự vì dịch bệnh. Đây chính là những hạn chế lớn trong quá trình chuẩn bị của VĐV, khiến thành tích chuyên môn giảm sút.
Thực tế, một số nội dung VĐV thi đấu chưa đạt được thậm chí thấp hơn thành tích chính mình như: Taekwondo, cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn cung, judo.
Đây là những môn hy vọng sẽ có những đột phá tại Olympic Tokyo, trong đó có môn được tập huấn thi đấu nước ngoài (taekwondo) nhưng không có sự cải thiện đáng kể về thành tích. Ngoài ra, vấn đề chấn thương của một số VĐV cũng là cản trở lớn trong quá trình chuẩn bị cũng như thi đấu tại Thế vận hội.
Olympic là đấu trường quá sức với TTVN?
Phải khẳng định Olympic là đấu trường rất khó khăn với TTVN. VĐV chỉ có khả năng tranh chấp huy chương ở một số lượng rất nhỏ môn, nội dung mà thôi.
Những tấm HCV, HCB của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 hay một số huy chương khác trước đó như HCB Olympic Sydney 2000 của Trần Hiếu Ngân (taekwondo), HCB cử tạ Olympic Bắc Kinh 2008 của Hoàng Anh Tuấn, HCĐ cử tạ Olympic London 2012 của Trần Lê Quốc Toàn chỉ là những điểm sáng cho thấy hiệu quả của quá trình đầu tư trước đó.
Đến Olympic Tokyo 2020, 18 suất dự Olympic đã phản ánh đúng tương quan về trình độ của TTVN tại Thế vận hội. Các VĐV Việt Nam đến Olympic theo các con đường khác nhau: Nguyễn Huy Hoàng đến Olympic bằng chuẩn A và kết quả thi đấu của Huy Hoàng cũng đã thể hiện rõ điều đó. Một nhóm các VĐV khác đến Olympic bằng con đường tích điểm và một số VĐV khác đến Olympic bằng vé mời dành cho các môn không có VĐV qua vòng loại như: Điền kinh, bơi, bắn súng. Điều đó cho thấy, khoảng cách của TTVN với đấu trường Olympic vẫn còn xa.
Vậy TTVN phải làm gì để dần rút ngắn khoảng cách ấy?
Việc giải quyết được bài toán đầu tư để làm sao có thể tranh chấp tại các đấu trường lớn như ASIAD hay giành huy chương Olympic, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, kể cả điều chỉnh mục tiêu cho từng đại hội, quan điểm đầu tư, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện.
Hy vọng sau 1-2 chu kỳ Olympic nữa, VĐV của TTVN sẽ đến Thế vận hội với tư thế sẵn sàng tranh chấp huy chương.
Sau Olympic Tokyo, Tổng cục TDTT sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, báo cáo và đề xuất với lãnh đạo Bộ VHTTDL để giải quyết mục tiêu này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.