TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 9): Nhân tài Ánh Viên bị phung phí thế nào?

Chính Minh Chủ nhật, ngày 08/08/2021 10:10 AM (GMT+7)
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh nói: "Tôi rất tiếc khi TTVN phát hiện ra Ánh Viên quá muộn".
Bình luận 0

Sự sa sút của Ánh Viên

Chứng kiến Nguyễn Thị Ánh Viên "lực bất tòng tâm" tại Olympic Tokyo 2020, mọi người hâm mộ Việt Nam đều cảm thấy xót xa, tiếc nuối.

Không tiếc sao được khi nhớ lại hình ảnh Ánh Viên "làm mưa làm gió" trên đấu trường khu vực mà dấu ấn đậm nét nhất chính là SEA Games 2015 (Singapore). Gần như cô cứ bơi là có HCV và được các bạn học sinh đảo quốc sư tử vô cùng hâm mộ, chờ sẵn ở bến xe bus với hy vọng được chụp ảnh cùng thần tượng.

TTVN phung phí thiên tài Nguyễn Thị Ánh Viên như thế nào? - Ảnh 1.

Ánh Viên chụp ảnh với người hâm mộ tại bến xe bus SEA Games 2015 (Singapore). Ảnh: Chính Minh.

Cảm hứng từ Ánh Viên cũng giúp các VĐV đoàn TTVN tự tin, mạnh mẽ hơn mỗi khi xung trận. Và trong chừng mực nhất định, thành công của Ánh Viên thời điểm năm 2015 đã mở ra một trang mới có TTVN với thành công của bóng đá ở mọi cấp độ và đỉnh cao là tấm HCV Olympic Rio lịch sử của TTVN.

Nói thế nghĩa là những đóng góp của Ánh Viên với tư cách một "báu vật" của TTVN là không thể phủ nhận. Ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nhìn nhận: "Ánh Viên là một thiên tài, một thiên thần mà ông trời đã ban cho TTVN".

Đến lúc này, sau 5 kỳ SEA Games liên tiếp từ 2011 đến 2019, Ánh Viên đã sở hữu 25 HCV, điều khiến bạn bè khu vực phải trầm trồ, ngạc nhiên về ý chí, quyết tâm của "cô gái thép" trên đường đua xanh.

Nhưng ở tầm ASIAD, cô chỉ có 2 tấm HCĐ 200m ngửa, 400m hỗn hợp sở trường ASIAD 2014. Tầm Olympic, dấu ấn lớn nhất của Ánh Viên là đứng thứ 9 nội dung 400m hỗn hợp nữ Olympic Rio với thông số 4 phút 36 giây 85, chỉ kém 0,31 giây so với VĐV đứng thứ 8 và cũng là VĐV cuối cùng giành vé vào chung kết Emily Overholt (Canada, , 4 phút 36 giây 54).

TTVN phung phí thiên tài Nguyễn Thị Ánh Viên như thế nào? - Ảnh 3.

Ánh Viên tiệm cận tấm vé dự chung kết 400m hỗn hợp Olympic Rio 2016 với thông số 4 phút 36 giây 85. Ảnh: Getty

Tại Olympic Tokyo, Ánh Viên đã "xuống dốc" không phanh. Trên đường bơi vòng loại 200m tự do, cô cán đích với thời gian 2 phút 05 giây 30, kém thành tích giúp cô giành HCV SEA Games 30 và đạt chuẩn B Olympic (2 phút 00 giây 75) và kém xa thành tích đỉnh cao của cô tới thời điểm này là 1 phút 59 giây 24 (HCV, kỷ lục SEA Games 29).

Tới vòng loại 800m tự do, mọi thứ thậm chí còn buồn hơn với Viên. Thông số 9 phút 03 giây 56 có lẽ đến Ánh Viên cũng phải bất ngờ! Bcách đây 6 năm ở tuổi 19, cô từng giành HCV, phá kỷ lục SEA Games 2015 (Singapore) với thông số 8 phút 34 giây 85 – thành tích tốt nhất của Viên tới lúc này.

Kết quả nói trên cũng thua "mốc" 8 phút 48 giây 65 mà Viên đạt tại SEA Games 30 năm 2019 giúp cô đạt chuẩn B Olympic. Chưa hết, thành tích này còn kém cả kết quả gần nhất của Ánh Viên tại giải vô địch quốc gia tháng 10/2020 là 9 phút 00 giây 85.

"Không thể đòi hỏi thêm gì từ Ánh Viên"

Dõi theo Ánh Viên suốt hành trình khoảng chục năm qua, ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT cho hay không cảm thấy bất ngờ trước sự chững lại, sa sút của cô ở tuổi 25.

TTVN phung phí thiên tài Nguyễn Thị Ánh Viên như thế nào? - Ảnh 4.

Ở tuổi 18, Nguyễn Thị Ánh Viên giành HCĐ 400m hỗn hợp ASIAD 2014 tại Incheon (Hàn Quốc). Ảnh: Getty

"Từ năm Ánh Viên 18 tuổi, giành HCĐ ASIAD 2014 tôi đã nói cháu rất khó phát triển đến đỉnh cao Olympic. Có 3 lý do cụ thể như này: Thứ 1, Ánh Viên là một VĐV thiên tài nhưng chúng ta đã phát hiện ra quá muộn. Trong điều kiện của TTVN, 13 tuổi Viên mới tập luyện và 5 năm sau có thành tích ASIAD, như vậy là kỳ tích. Tuy nhiên, để phát triển lên tầm thế giới thì vẫn không phù hợp với quy luật phát triển của thể thao. Trên thế giới, trẻ em từ 5-6 tuổi đã tập luyện và khi 13 tuổi đã có nền tảng tốt rồi. Ánh Viên không có nền tảng tốt nên chỉ phát triển được đến một tầm nhất định thôi.

Thứ 2, trong suốt quá trình tập luyện, thi đấu, TTVN giao cho Ánh Viên quá nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là ở đấu trường SEA Games và không thể tập trung vào nội dung sở trường (bơi hỗn hợp – PV) để nâng cao thành tích.

Thứ 3, Ánh Viên được đầu tư kinh phí, tập huấn nước ngoài cụ thể là Mỹ. Nhưng cả một quá trình, TTVN chỉ biết giao phó hoàn toàn cho HLV Đặng Anh Tuấn, không có ai kiểm tra, đôn đốc, đánh giá hiệu quả quá trình tập luyện.

Như vậy, khi Ánh Viên ở tuổi 22-25, thành tích đi xuống là tất nhiên, không có gì lạ. Đó là quy luật của quá trình phát triển thể thao đối với 1 VĐV có tài nhưng được phát hiện quá muộn. TTVN không thể đòi hỏi thêm gì về Ánh Viên".

Dưới góc nhìn của mình, ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam cũng cảm thấy rất tiếc: "TTVN tìm được một thiên tài có thể trạng, cấu trúc cơ thể phù hợp với môn bơi như Ánh Viên là vô cùng khó. Nếu Ánh Viên được đầu tư đúng cách, có lẽ đã có thể thành công ở Olympic.

Nếu tôi là cấp quản lý của Ánh Viên, tôi sẽ không đưa Viên sang Mỹ đâu mà có thể là Australia. Với môn đua thuyền, khi tôi làm tôi đã mời ông chuyên gia Donnelly Joseph Ignatius. Ông ta gắn bó với đua thuyền Việt Nam suốt hơn chục năm qua, có rất nhiều đóng góp và đã giúp đua thuyền Việt Nam giành HCV ASIAD 2018, vượt qua vòng loại giành vé chính thức dự 3 kỳ Olympic liên tiếp từ 2012 đến nay"

Đầu tư từ đâu?

Liên quan đến việc đầu tư cho VĐV, đặc biệt là việc TTVN đã phát hiện ra thiên tài Ánh Viên quá muộn, bình luận viên Trương Anh Ngọc kể một câu chuyện: "Thời gian tôi ở Italia, nhà tôi ở một quận nhỏ thôi nhưng gần nhà đã có 3 Trung tâm thể thao có đầy đủ mọi thứ để giới trẻ có thể đến đó tập luyện thể chất. Hàng năm, có các tuyển trạch viên của thành phố đi tới các Trung tâm như vậy để tuyển chọn VĐV, đào tạo họ đi thi đấu cấp QG, trước khi trở thành những ngôi sao bước lên đỉnh cao thế giới".

TTVN phung phí thiên tài Nguyễn Thị Ánh Viên như thế nào? - Ảnh 6.

Tiến sĩ toán học người Áo Anna Kiesenhofer đã giành HCV đua xe đạp đường trường Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty

BLV Trương Anh Ngọc cho biết thể thao trường học ở châu Âu rất phát triển: "Con tôi sang Italia học lớp 1 nhưng đã theo tập thể dục dụng cụ. Trẻ con châu Âu học bán trú. 16 giờ 30 đến 17 giờ học xong, chúng đi ăn gì đó rồi đi tập thể thao khoảng 1 tiếng, có thể bơi, đá bóng hay môn gì đó… Tôi chưa thấy cháu nào không tập gì cả".

Thực tế, các cường quốc thể thao đều dựa trên nền tảng là phát triển thể thao trường học: "Đầu tư cho thể thao trường học của họ rất lớn. Thường các VĐV thành tích cao sẽ được đặc cách vào Đại học. Họ tử tế chứ không phải "trả bài" cho xong. Minh chứng là tại Olympic Tokyo, Tiến sĩ toán học người Áo năm nay 30 tuổi Anna Kiesenhofer đã giành HCV đua xe đạp đường trường".

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: "Với điều kiện hoàn hảo ở những nước phát triển, các VĐV tài năng mất khoảng 5 năm tập luyện, thi đấu là có thể giành huy chương Olympic. Còn trong điều kiện Việt Nam hiện tại, bản thân tôi đã phải mất tới 20 năm".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem