TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 11): Ngành TTVN nên học theo bầu Đức

Chính Minh Thứ hai, ngày 09/08/2021 10:10 AM (GMT+7)
Cố Giáo sư Dương Nghiệp Chí từng chia sẻ cùng Dân Việt: "Cả ngành thể thao nên học cách anh Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã và đang làm cùng lứa U19".
Bình luận 0

"Ngành thể thao nên học theo bầu Đức"

Cách đây gần 7 năm, tháng 10/2014, sau những thất bại liên tiếp của TTVN tại ASIAD 2010 (chỉ giành 1 HCV của võ sĩ karatedo Lê Bích Phương), Olympic London 2012 (trắng tay và tới cuối năm 2020 mới có 1 HCĐ cử tạ của Trần Lê Quốc Toàn do VĐV người Azerbaijan Valentin Hristov dính doping), ASIAD 2014 (1 HCV của võ sĩ wushu Dương Thùy Vi); trả lời phỏng vấn Dân Việt, cố Giáo sư Dương Nghiệp Chí –nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, nguyên Quyền Chủ tịch VFF khóa 1 đã thẳng thắn phê phán: "Thất bại này là thất bại của tư duy làm thể thao. Cả ngành thể thao nên học cách anh Đoàn Nguyên Đức đã và đang làm cùng lứa U19".

Olympic Tokyo 2020 và thất bại của tư duy làm thể thao Việt Nam - Ảnh 1.

Tranh thủ khi V.League tạm hoãn, bầu Đức đưa các cầu thủ HAGL (trong ảnh là Xuân Trường) đi trồng sầu riêng như một lời nhắc nhở: "Muốn có quả ngọt, trước hết phải trồng". Ảnh: facebook Lương Xuân Trường

Thời gian qua đi, những "hạt ngọc" ở lứa U19 ngày ấy được bầu Đức "gieo trồng" từ năm 2007 là những học viện khóa 1 Học viện HAGL nay đã trưởng thành và có những đóng góp lớn trong thành công của các đội tuyển U19, U22, Olympic và ĐTQG Việt Nam.

Đó là những Văn Toàn, Văn Thanh, Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Hồng Duy, Minh Vương.

Nghĩa là từ hàng nghìn đứa trẻ tuyển chọn trên khắp cả nước, cuối cùng, bầu Đức mới đóng góp được "7 viên ngọc" cho bóng đá Việt Nam. Cùng với "mũi tiên phong" bầu Đức, tiếp theo là bầu Hiển với thương hiệu Hà Nội FC, các trung tâm Viettel, PVF sát cánh bên cạnh những "lò" truyền thống như SLNA, Đà Nẵng… đã trình làng những tài năng, giúp người hâm mộ có niềm tin về một ĐTQG có chiều sâu dưới thời HLV Park Hang-seo khoảng 4 năm qua:

"Nhìn lại những bước thăng trầm của TTVN trong khoảng hơn 20 năm qua tính từ tấm HCB lịch sử của võ sõ teakwondo Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney 2000, tôi nhận thấy chúng ta đã có những thành công nhưng nền tảng chưa vững chắc. Đôi khi đó là yếu tố bất ngờ trong thể thao hay sự thăng hoa của một cá nhân kiệt xuất như Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh.

TTVN phải xem lại từ công tác tuyển chọn, đào tạo trẻ, chứ cứ trông chờ vào 1 cá nhân, ví dụ như không có Thạch Kim Tuấn ở môn cử tạ thì không còn ai cả thì hỏng", nhà báo Vũ Công Lập nói.

Olympic Tokyo 2020 và thất bại của tư duy làm thể thao Việt Nam - Ảnh 2.

Sau Thạch Kim Tuấn, cử tạ Việt Nam vẫn chưa thấy một điểm sáng đủ tầm thế chỗ. Ảnh: Getty

Theo dòng chia sẻ, nhà báo Vũ Công Lập nhìn nhận khá yên tâm với bóng đá Việt Nam: "Lực lượng cầu thủ trẻ lúc này khá đông ở nhiều lứa tuổi. Ở các đội tuyển, thiếu vằng người này có người khác. Có lúc ai đó bảo HAGL là nòng chốt ở đội tuyển, nhưng không có HAGL thì có quân Hà Nội. Rồi cả quân của PVF, Viettel, SLNA…

Cầu thủ chấn thương, HLV Park Hang-seo đều có những phương án thay thế. Đình Trọng hay thế nhưng khi bị đau đã có Bùi Hoàng Việt Anh lên. Đỗ Hùng Dũng chấn thương thì có Xuân Trường, Tuấn Anh, Minh Vương…

Tóm lại, nói hơi to tát một chút, muốn là một đội quân chiến thắng, TTVN phải tạo ra được mọt đội ngũ "trùng trùng điệp điệp" như vậy".

Tuyển chọn VĐV từ địa phương quá yếu!

Cái khó là việc tuyển chọn VĐV của TTVN ở nhiều môn hiện tại gặp rất nhiều khó khăn, có môn không tuyển được VĐV.

Ngay cả môn bắn súng vốn được nhận định có thể "tấn công" vào Olympic sau thành công lịch sử giành 1 HCV, 1 HCB Olympic Rio 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thì vẫn khó chọn được "ngọc thô".

Olympic Tokyo 2020 và thất bại của tư duy làm thể thao Việt Nam - Ảnh 3.

HLV trưởng ĐT bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung cho rằng, khâu tuyển chọn VĐV ở địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Chính Minh

HLV trưởng ĐT bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung cho biết: "Công tác tuyển chọn VĐV ở địa phương lúc này rất thiếu. Một giải trẻ chúng tôi chỉ có khoảng 200 VĐV ở 38 nội dung. Nghĩa là 1 nội dung chỉ có khoảng 5-6 VĐV mà 1 VĐV có khi còn thi đấu nhiều nội dung.

Con số VĐV trẻ thiếu như vậy nên rất khó tuyển chọn VĐV lên đội tuyển. So sánh hơi khập khiễng nhưng ở Hàn Quốc, mỗi nội dung thi đấu có ít nhất 10 người, có nội dung hàng trăm VĐV, khi thi đấu chia làm mấy lượt bắn mãi không hết.

Trình độ của Hoàng Xuân Vinh bắn được khoảng 580 điểm thì ở Hàn Quốc có khoảng 20 người làm được như vậy. Còn bắn súng Việt Nam có 1-2 người đạt tới số điểm đó khi bước vào thi đấu".

Không chỉ khó về lực lượng, cơ sở vật chất cũng là vấn đề nan giản đối với bắn súng Việt Nam nói riêng và các môn TTVN nói chung:

"Mô hình ở Hàn Quốc là mỗi thành phố có 1 trường bắn tiêu chuẩn quốc tế. Như thủ đô Seoul, thành phố Incheon có 2 trường bắn. VĐV của các CLB có thể đến trường bắn tập luyện hay giao lưu giữa các CLB ở các thành phố với nhau, thay đổi địa điểm thi đấu, không gian mới giúp VĐV hưng phấn hơn.

Bắn súng Hàn Quốc xã hội hóa rất tốt. Trường bắn thuộc quản lý của thành phố nhưng họ giao cho doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp "bao" cho 5-10 VĐV về mọi mặt chi phí sinh hoạt, tập luyện, súng đạn.

Còn với TTVN, chi phí hoạt động cho các CLB, trường bắn đều do nhà nước nuôi", HLV Nguyễn Thị Nhung bày tỏ.

Về cơ sở vật chất, bắn súng Việt Nam còn thua cả các nước trong khu vực Đông Nam Á: "Chúng ta có trường bắn Hải Dương, Công An, Vĩnh Phúc, Hải Phòng. Nhưng để nói là trường bắn đúng quy chuẩn, có bia điện tử thì chỉ có Quân Đội và trường bắn Trung tâm HLTTQG Hà Nội. TP.HCM còn chưa có trường bắn. Súng cũng thiếu, 4-5 khẩu súng cho 10 VĐV tập, đạn càng thiếu, thậm chí không có đạn trong một thời gian dài.

Còn với Thái Lan, riêng Bangkok họ có 3 trường bắn quốc tế. Chi tiết nữa là khi VĐV đi tập, gia đình lo, đến khi có thành tích ở giải vô địch Đông Nam Á, SEA Games, nhà nước mới trả tiền. Trong 7 năm gần đây, bắn súng Thái Lan đã lên rất nhiều.

Indonesia còn tiến bộ mạnh hơn khi có 3 trường bắn quốc tế. Trước đây họ không có tên trong bản đồ bắn súng nhưng 4 năm gần đây, họ có một vị tướng trong Quân đội mạnh về kinh tế đầu tư nên phát triển rất mạnh. Bắn súng Việt Nam tại SEA Games sắp tới cũng phải cạnh tranh rất quyết liệt với Malaysia, Singapore nữa. Ngay cả Lào cũng có 2 trường bắn đạt tiêu chuẩn.

Phải kiên quyết làm thể thao trường học

Để giải quyết "bài toán" trên qua đó tạo được lực lượng VĐV các tuyến trẻ một cách dồi dào, chỉ có một con đường phát triển thể thao trường học:

"Các nước trên thế giới, châu lục và ngay ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia… ít nhất cũng phải mất 20-30 năm phát triển thể thao trường học. Thể thao trường học tạo một nền thể lực chung cho thiếu niên, nhi đồng. Tiếp theo, điều đó tạo ra sự hứng thú cho các em nhỏ đối với thể thao. Bao năm qua, chúng ta không đi theo con đường mà cả thế giới đã đi, mà chỉ cố gắng nhặt nhạnh, không muốn mất công gì cả mà vẫn tìm ra tài năng. Đây là một điều rất phi lý.

Cần nhớ, hầu hết các VĐV là con nhà nghèo, thiếu dinh dưỡng từ trong bụng mẹ. Lớn lên không được chơi thể thao trong trường học mà chỉ tự chơi. Chúng ta đã có Đề án tổng thể "Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030" được Chính phủ phê duyệt từ tháng 4/2011. Trong đề án này có nói rất rõ về việc phát triển thể thao trường học, nhưng không ai làm. Tại sao vậy? Chúng ta phải làm thể thao học đường thật tốt, dù khó đến đâu cũng phải kiên quyết làm, không còn cách nào khác. Nguy cơ thể thao thành tích cao Việt Nam ngày càng lùi so quốc tế tại các kỳ ASIAD, Olympic do không chịu tập trung vào thể thao trường học là quá rõ rồi", Giáo sư Dương Nghiệp Chí dốc tâm can nói cùng Dân Việt cách đây 7 năm.

Olympic Tokyo 2020 và thất bại của tư duy làm thể thao Việt Nam - Ảnh 5.

Những "hạt ngọc" HAGL đã tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM. Ảnh: HAGL

Thời điểm đó, khi Dân Việt đặt vấn đề về việc kinh tế Việt Nam còn khó khăn, sự đầu tư chưa xứng tầm dẫn đến việc thể thao thành tích cao không có được kết quả tốt, Giáo sư Dương Nghiệp Chí đã bác:

"Không đúng. Vấn đề kinh tế đúng là có quyết định đến sự phát triển của thể thao thật nhưng không phải chỉ có vậy. Thử nhìn xem, Myanmar, Indonesia (Olympic Tokyo 2020, Indonesia đã có 1 HCV cầu lông đôi nữ, 1 HCB, 3 HCĐ cử tạ; Thái Lan có 1 HCV taekwondo, Philippines có 1 HCV cử tạ, 1 HCB boxing, Malaysia có 1 HCĐ cầu lông đôi nam – PV)… kinh tế có hơn Việt Nam đâu nhưng sao họ vẫn đạt được những thành tích tốt ở ASIAD? Ngay như Campuchia người ta cũng có HCV ASIAD 2014. Tôi chưa biết Campuchia làm thể thao trường học đến đâu, nhưng tôi chắc chắn là Lào còn coi trọng thể thao trường học hơn ta. Các nước làm thể thao trường học tốt nên họ dễ dàng chọn lựa tài năng để kế thừa từ rất nhiều nguồn. Trong khi đó, TTVN làm việc cứ như là "bắt cóc" vậy".

Giáo sư Dương Nghiệp Chí: "Khi còn lãnh đạo cục TDTT, tôi và anh Lê Bửu – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT xuống các trường để thực tế, rồi đề nghị thành lập Trường Thể thao thiếu niên 10-10 để các cháu có chỗ chơi thể thao. Thế hệ chúng tôi năm nào cũng xuống các trường học như vậy, tại sao giờ các anh bỏ? Ngày xưa chúng tôi nghèo, khổ hơn nhiều làm gì đủ ăn như bây giờ mà vẫn quan tâm thể thao trường học.

Phải thay đổi tư duy thể thao, làm thể thao thành tích cao không thể tách rời giáo dục, văn hóa được. Cần thấy rõ cái nền để các nước có thể phát triển thể thao chính là hệ thống thể thao- văn hóa-giáo dục. Đào tạo một tài năng thể thao không có văn hóa, không có giáo dục, làm sao thành tài năng được? Nếu rời bỏ hệ thống giáo dục đào tạo, VĐV không còn tương lai.

Trong Tổng cục TDTT cũng cần có Vụ Thể thao trường học. Phải quyết liệt làm thì dân mới thấy tin, mới cho con em họ theo nghiệp thể thao".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem