TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 2): Hoàng Xuân Vinh và khoảng trống mênh mông

Chính Minh Thứ tư, ngày 04/08/2021 18:40 PM (GMT+7)
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở tuổi 47 đã thua chính mình tại Olympic Tokyo 2020. Phía trước, chưa biết khi nào bắn súng Việt Nam với tìm được người thay thế anh.
Bình luận 0

Đi tìm "Hoàng Xuân Vinh 2.0"

Tại Olympic Tokyo 2020, Hoàng Xuân Vinh chỉ bắn được 573 điểm/60 viên xếp hạng 22 vòng loại 10m súng ngắn hơi – nội dung anh đã đi vào lịch sử Thể thao Việt Nam (TTVN) với tấm HCV Olympic Rio 2016.

Bài 2: Hoàng Xuân Vinh và khoảng trống mênh mông - Ảnh 1.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh không thể lọt vào chung kết 10m súng ngắn hơi Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty

Đánh giá về kết quả thi đấu của Hoàng Xuân Vinh, HLV ĐT bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung chia sẻ cùng Dân Việt: "Có những chục Vinh bắn rất tốt, đạt 97, 98 điểm, đó là đẳng cấp. Nhưng một số chục bị thấp (93-94 điểm) do không điều tiết được.

Thực tế, số điểm để lọt vào tốp 8 dự chung kết năm nay không cao, 578 điểm. Việc Hoàng Xuân Vinh không vào được chung kết rõ ràng là kết quả không tốt".

Về phần mình, Hoàng Xuân Vinh cho biết anh bị căng cứng tâm lý ở loạt bắn thứ tư. "Tôi rất tiếc bởi dù đã nỗ lực hết sức nhưng kết quả không được như mong muốn. Các đối thủ tại Olympic Tokyo 2020 đều rất mạnh. Tôi cũng đã học hỏi được nhiều điều từ đấu trường lớn nhất thế giới".

Điều trăn trở với bắn súng Việt Nam nói riêng và TTVN nói chung là bao giờ chúng ta mới tìm được "Hoàng Xuân Vinh 2.0". Đây là vấn đề không chỉ với bắn súng mà còn với hầu hết các môn thể thao khác của Việt Nam.

Tại Nhật Bản, Tiến Minh xác lập kỷ lục VĐV Việt Nam lần thứ 4 dự Thế vận hội liên tiếp từ Olympic Bắc Kinh 2008. Anh cũng là VĐV cầu lông nhiều tuổi nhất dự Olympic Tokyo. Đây là sự khẳng định của Tiến Minh như một tấm gương về sự chuyên nghiệp, niềm đam mê cho thế hệ "đàn em" nói theo. Nhưng cùng với đó là nỗi buồn khi cầu lông Việt Nam vẫn chưa có người xứng tầm thế chỗ Tiến Minh.

Ở môn taekwondo, đã hơn 20 năm sau khi Trần Hiếu Ngân giành tấm HCB Olympic Sydney lịch sử, những người làm chuyên môn vẫn mỏi mắt tìm kiếm tài năng. Trương Thị Kim Tuyền là một trong những VĐV hiếm hoi của đoàn TTVN có điều kiện tập huấn, thi đấu nước ngoài trước khi bước vào Olympic Tokyo nhưng cũng chỉ có thể thắng nổi 1 trận.

Bài 2: Hoàng Xuân Vinh và khoảng trống mênh mông - Ảnh 2.

Lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn thất bại tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty

Môn cử tạ, câu nói của ông Đỗ Đình Kháng – Tổng thư ký Liên đoàn cử tạ & thể hình Việt Nam sau khi Hoàng Anh Tuấn giành HCB Olympic Bắc Kinh 2008: "Không biết bao giờ cử tạ Việt Nam mới có được 1 Hoàng Anh Tuấn nữa", đến giờ vẫn… chính xác. Người được tin tưởng thế chỗ Hoàng Anh Tuấn là Trần Lê Quốc Toàn chỉ xếp hạng 4 Olympic London 2012 (cuối năm 2020 được đôn lên nhận HCĐ khi VĐV Valentin Hristov (Azerbaijan) dính doping – PV). Nhưng như thế còn tạm được. Đến Olympic Rio 2016 và Olympic Tokyo 2020, Thạch Kim Tuấn đều thất bại theo một kịch bản như nhau: Bị tâm lý, cử giật thông số tạ kém và thất bại trong 3 lần cử đẩy và không được xếp hạng!

Môn thể dục dụng cụ - môn thể thao mà Việt Nam có tố chất "tấn công" vào Olympic, đến lúc này không thể tìm ra người có khả năng giành huy chương. Với môn bơi, khi thiên tài Ánh Viên đã dần bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp, niềm hy vọng có chăng đặt vào Nguyễn Huy Hoàng nhưng để vào chung kết Olympic còn khó chứ chưa nghĩ đến việc giành huy chương Thế vận hội!

"Muốn cây đơm hoa, kết trái, thì trước hết phải trồng"

Trở lại với câu chuyện bắn súng Việt Nam bao giờ mới tái lập lại được kỳ tích Olympic Rio 2016, HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung nhấn mạnh: "1 HCV, 1 HCB Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh là kỳ tích. Chúng ta cần phải có thêm thời gian, hội tụ nhiều yếu tố mới mong tái hiện lại khoảnh khắc kỳ diệu ấy".

Bài 2: Hoàng Xuân Vinh và khoảng trống mênh mông - Ảnh 3.

HLV Nguyễn Thị Nhung cùng Hoàng Xuân Vinh tiếp xạ thủ số 1 thế giới Jin Jong-oh (giữa) khi anh tới Việt Nam tháng 11/2018. Ảnh: Hải Đăng

Để có một Hoàng Xuân Vinh, HLV Nguyễn Thị Nhung kể lại khái quát một hành trình dài, ít nhất là 10 năm: "Năm 2006, khi tôi lên dẫn dắt đội tuyển bắn súng, Hoàng Xuân Vinh đã có khoảng 5-6 năm "ăn cơm tuyển" và trước đó là vài năm tập luyện trong môi trường bắn súng Quân Đội.

Hoàng Xuân Vinh lúc đó đã có đóng góp vào những tấm HCV đồng đội của bắn súng Việt Nam tại các kỳ SEA Games, HCĐ đồng đội ASIAD 2006. Nhưng phải đến SEA Games 2007 (Thái Lan), nghĩa là mất khoảng hơn 10 năm chăm chỉ rèn giũa, Hoàng Xuân Vinh mới chạm tới HCV cá nhân SEA Games.

Và từ năm 2007 đến 2016, Hoàng Xuân Vinh mất thêm gần 9 năm nữa để vươn tới đỉnh cao Olympic.

Nghĩa là với một VĐV tài năng, có bản lĩnh thi đấu tuyệt vời như Hoàng Xuân Vinh, được đầu tư trọng điểm, năm nào cũng được tạo điều kiện đi tập huấn, thi đấu quốc tế, anh cũng phải mất gần 2 thập kỷ kể từ khi theo đuổi niềm đam mê mới có thể khắc tên mình vào lịch sử TTVN

Trong khoảng thời gian đó, Hoàng Xuân Vinh cũng đã trải qua những thành công, ví dụ như giành vé dự Olympic London 2012 và suýt giành HCĐ, kém VĐV xếp thứ 3 vỏn vẹn 0,1 điểm.

Nhưng Vinh cũng có những thất bại như tại ASIAD 2010, ASIAD 2014. Tất cả đã hun đúc, tạo nên "vàng mười" Hoàng Xuân Vinh".

Bài 2: Hoàng Xuân Vinh và khoảng trống mênh mông - Ảnh 4.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giao lưu cùng “tượng đài” bắn súng người Hàn Quốc Jin Jong-oh tại Trường bắn Trung tâm HLTTQG Hà Nội tháng 11/2018. Ảnh: Hải Đăng

Trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Tokyo, bắn súng Việt Nam có 3 VĐV thi đấu Cúp thế giới tại Ấn Độ vào tháng 3/2021 – giải đấu có ý nghĩa tìm suất dự Olympic. Tuy nhiên, Trần Quốc Cường, Nguyễn Đình Thành, Phan Xuân Chuyên đều không thành công.

Hoàng Xuân Vinh dự Olympic Tokyo 2020 bằng vé mời và anh chỉ có khoảng 2 tháng tập luyện. Vậy nên việc Hoàng Xuân Vinh thua chính mình cũng là điều dễ hiểu!

"Hiện tại, ngoài Trần Quốc Cường, Nguyễn Đình Thành, Phan Xuân Chuyên, bắn súng Việt Nam còn có những VĐV tốt như Phan Công Minh, Phạm Quang Huy – con trai xạ thủ kỳ cựu Phạm Cao Sơn.

Nhưng để có thể giành vé dự Olympic, trước khi nghĩ tới chuyện chạm tới mốc son của Hoàng Xuân Vinh, lứa VĐV kế cận của bắn súng Việt Nam cũng cần có một quá trình tương đương như Hoàng Xuân Vinh đã đi qua, nghĩa là mất 8-10 năm nữa mới có thể "đơm hoa kết trái".

Họ cần được ra nước ngoài, cụ thể là Hàn Quốc tập huấn, thi đấu bên cạnh những "tượng đài" bắn súng như Jin Jong-oh, như vậy mới có được sự tự tin, tập trung vào kỹ thuật, bài bắn của chính mình thay vì bị "ngợp" khi bước ra "biển lớn".

Không thể lập tức có ngay "Hoàng Xuân Vinh" trong điều kiện bắn súng Việt Nam nói riêng và TTVN còn thiếu thốn đủ bề từ lực lượng VĐV trẻ ở địa phương, trường bắn tiêu chuẩn quốc tế, súng, đạn; dù chúng ta đã có kinh nghiệm huấn luyện, đào tạo VĐV đỉnh cao", HLV đội tuyển bắn súng Việt Nam bày tỏ.

HLV Nguyễn Thị Nhung: "Trước đây, chúng ta đã mất rất nhiều tiền để các xạ thủ Việt Nam được xuất ngoại, tập luyện, thi đấu bên cạnh những tên tuổi như Jin Jong-oh. Vậy thì lúc này, Hoàng Xuân Vinh chính là "Jin Jong-oh Việt Nam", truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Tóm lại, muốn cây đơm hoa, kết trái, thì trước hết chúng ta phải trồng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem