TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 8): 3 bài toán khó cần tìm đáp án

Nguyễn Anh - Yên Phong Thứ bảy, ngày 07/08/2021 19:10 PM (GMT+7)
Đã đến lúc thể thao Việt Nam cần có những thay đổi chiến lược để những chiếc huy chương Olympic không còn là giấc mơ xa tầm với.
Bình luận 0

Trong một cuộc phỏng vấn về kết quả thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020, Ông Trần Đức Phấn - trưởng đoàn nhận định: "Khoảng cách của thể thao Việt Nam so với thế giới còn rất xa. Chúng tôi biết rõ điều đó nên không bất ngờ về kết quả của đoàn".

Chia sẻ của ông Phấn cũng chẳng làm ai bất ngờ, nhưng câu hỏi đặt ra là khi nào chúng ta không còn phải nói với nhau những câu chuyện cũ kĩ và có phần nhàm chán đó?.

Nhìn vào nền thể thao Việt Nam lúc này, sẽ dễ thấy ngay 3 câu hỏi đang rất cần tìm lời giải đáp.

Đội ngũ tuyển trạch có đang bỏ sót tài năng?

Tại Việt Nam, dễ thấy việc tìm kiếm và đào tạo tài năng trẻ vẫn đang đi theo hướng tuyển chọn từ những trường Phổ thông năng khiếu thể thao, sau một vài giải phong trào tại các trường trung học. Đó là một cách làm hạn chế bởi rất nhiều vận động viên trẻ có tố chất từ nhỏ nhưng do yếu tố khách quan không tham gia thi tuyển hoặc chưa tìm thấy bộ môn sở trường. Hệ thống thể thao học đường không được chú trọng và thiếu định hướng càng khiến thể thao Việt Nam đang lãng phí nhiều tài năng trẻ triển vọng.

TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 4): 3 bài toán khó cần tìm ngay đáp án - Ảnh 1.

Hệ thống thể thao học đường chưa được chú trọng. (Ảnh: Dương Thu).

Trong một cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Quang Thành, Trưởng phòng Nghiệp vụ TDTT (Trung tâm TDTT tỉnh Thái Nguyên) từng chia sẻ: "Do chưa mở được giải phong trào, một số môn như: Cử tạ, võ, vật.., đều tuyển chọn ban đầu cũng khó khăn, vì vậy các huấn luyện viên phải đi sâu, sát vào cơ sở, tuyển chọn theo kinh nghiệm. Bên cạnh đó, đặc thù một số môn thể thao như: Bóng đá, điền kinh... đòi hỏi phải tuyển các cháu từ lứa tuổi nhỏ (từ 6 đến 7 tuổi), nên Nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động các gia đình".

Trong khi đó, ở một số quốc gia châu Phi, để tuyển chọn tài năng, họ sử dụng hẳn một đội ngũ thường xuyên đi vào ngóc ngách để tìm kiếm những gương mặt trẻ có đam mê cùng khả năng thiên bẩm. Các chuyên viên này sẽ nằm vùng cả tháng chỉ để theo dõi 1,2 vận động viên nhằm đưa ra phân tích việc liệu nhân tố này có khả năng đi theo con đường chuyên nghiệp hay không, đầu tư vào vận động viên đó như thế nào.

Chiến lược "đãi cát tìm vàng" đó tưởng chừng như rất mất thời gian công sức, nhưng đổi lại họ sẽ ít bỏ lỡ những vận động viên kiệt xuất, đại diện cho nền thể thao nước nhà trên trường quốc tế.

Chúng ta đang thiếu chuyên gia về mọi khía cạnh?

Chia sẻ với PV Dân Việt, cựu võ sĩ Taekwondo Nguyễn Văn Hùng (Huy chương Bạc Asiad 2002, người từng đại diện Việt Nam tại Olympic Bắc Kinh 2008) cho biết: "Một vận động viên thể thao thành tích cao tại Trung Quốc có sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia lên tới hàng chục người. Mỗi chuyên gia sẽ phụ trách những lĩnh vực riêng như tâm lý, dinh dưỡng, thể lực, phân tích đối thủ… Để rèn luyện cho vận động viên các môn thể thao đối kháng, Đài Loan cũng mời hàng chục vận động viên nước ngoài đến đọ sức trước các giải đấu.

TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 4): 3 bài toán khó cần tìm ngay đáp án - Ảnh 2.

Cựu võ sĩ Nguyễn Văn Hùng khẳng định, tâm lý thi đấu đóng vai trò vô cùng quan trọng. (Ảnh: NVCC).

Trong khi đó, tại Việt Nam, chúng ta vẫn đang trông chờ vào tài năng xuất chúng của các vận động viên thay vì sự đầu tư bài bản. Là một võ sĩ từng thi đấu Olympic, tôi biết những áp lực mà các vận động viên gặp phải là khủng khiếp. Đó là sự choáng ngợp ở một sân chơi lớn, là sức ép từ báo chí, dư luận tại nước nhà về việc phải có huy chương. Ở Olympic Bắc Kinh, tôi đã thi đấu trong tình trạng nhiều đêm không thể chợp mắt. Lúc đó, giá như tôi có một chuyên gia tâm lý để giúp mình điều phối cảm xúc thì mọi chuyện có thể đã tốt hơn. Cũng bởi vậy, tôi rất thông cảm cho Ánh Viên khi cô bé bị sa sút về thành tích".

Võ sĩ Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ thêm, tại Việt Nam hiện nay, đa phần các huấn luyện viên chuyên môn sẽ kiêm luôn nhiệm vụ động viên tâm lý các học trò mỗi khi thi đấu. Đây quả thực là một hạn chế, khi những huấn luyện viên này nắm rõ về chuyên môn hơn là kiến thức trong việc nắm bắt và điều chỉnh tâm lý học trò.

Việc có chuyên gia tâm lý đồng hành tại các giải đấu sẽ giúp các vận động viên cởi bỏ được áp lực thi đấu để có thể vào trận với tâm trạng thoải mái nhất, qua đó chiến thắng được chính mình trước khi nghĩ đến việc chiến thắng đối thủ.

Một vấn đề nữa cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây, là việc thể thao Việt Nam đang thiếu đi sự hỗ trợ của công nghệ cao và những chuyên gia phân tích đối thủ.

Trong những môn thi đấu đối kháng trực tiếp, việc phân tích đối thủ là điều rất quan trọng. Những chuyên gia phân tích sẽ chỉ ra được ưu điểm, nhược điểm của đối phương để góp ý với huấn luyện viên, nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất có được chiến thắng.

TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 4): 3 bài toán khó cần tìm ngay đáp án - Ảnh 3.

Một buổi huấn luyện của vận động viên bơi lội Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Những huấn luyện viên hàng đầu tại Trung Quốc từ lâu đã sử dụng cảm biến chuyển động để theo dõi cử động của vận động viên khi tập huấn. Thiết bị thường bao gồm hệ thống theo dõi qua camera tương tự như trong ngành phim ảnh và ghi lại hoạt động của nhiều bộ phận cơ thể. Sau đó, kết quả đánh giá sẽ giúp họ đưa ra khuyến nghị về phương pháp giúp vận động viên nâng cao kỹ thuật và quản lý hình dáng cơ thể. 

Trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008, NASA cũng từng sử dụng đường hầm gió để giúp đội tuyển bơi lội Mỹ tìm ra chất liệu đồ bơi phù hợp với lực cản nhỏ nhất. 

Rõ ràng, ở một sân chơi lớn như Olympic, chúng ta cần phải có sự đầu tư và tính toán chuyên nghiệp, thay vì để các vận động viên cô độc trong cuộc chiến mang màu cờ sắc áo.

Cần có những môn thể thao thế mạnh độc tôn

Thể thao Việt Nam có rất nhiều những vận động viên giỏi, nhưng để chọn ra một vận động viên xuất sắc lại là chuyện hoàn toàn không đơn giản.

Đa phần những vận động viên nổi trội của chúng ta khi tranh tài tại Olympic đều chỉ được xếp trong nhóm hạt giống top 10. Điều này dễ hiểu bởi những nội dung tham gia thi đấu luôn xuất hiện nhiều vận động viên tên tuổi trong làng thể thao thế giới.

TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 4): 3 bài toán khó cần tìm ngay đáp án - Ảnh 4.

Bắn súng được xác định là môn thể thao thế mạnh, nhưng thực tế cho tới giờ vẫn chưa có ai kế cận Hoàng Xuân Vinh. (Ảnh: Getty Images).

Điển hình như trường hợp của Ánh Viên, cô là "độc cô cầu bại" ở làn đua xanh tại đấu trường Đông Nam Á. Nhưng khi tham dự đấu trường Olympic, Ánh Viên phải dừng bước ngay từ vòng loại trong hai lần tham dự. Tâm lý có thể là một phần cản trở khiến Ánh Viên thi đấu dưới sức. Nhưng về góc nhìn tổng thể, nếu Ánh Viên có thi đấu đúng với phong độ thì cánh cửa cạnh tranh huy chương với những vận động viên bơi ở những nền thể thao phát triển trên thế giới cũng vô cùng hạn hẹp.

Nhìn sang những nước láng giềng tại Đông Nam Á, chúng ta có thể thấy Thái Lan, Philippines và Indonesia đã giành được huy chương vàng tại Olympic Tokyo nhờ sự tính toán rất kỹ lưỡng. Những quốc gia này đều đăng ký tranh tài ở những nội dung ít những đối thủ mạnh tham gia và chấp nhận đóng cửa tập luyện hàng năm trời chỉ để hướng đến mục tiêu có được tấm huy chương vàng Olympic.

Ví dụ tiêu biểu là Thái Lan, họ có được tấm huy chương vàng nhờ võ sĩ Taekwondo - Panipak Wongpattanakit ở hạng cân 49kg nữ. Ở hạng cân này, đa phần những đoàn thể thao mạnh trên thế giới rất ít khi đăng kí tranh tài, bởi thể chất của những vận động viên của họ trung bình thường ở mức cân nặng 55-65 kg.

Cũng bởi vậy, Thái Lan đã chọn ra nội dung Taekwondo hạng nhẹ là nơi kiếm vàng tại Olympic Tokyo năm nay, kết quả cho thấy, họ đã đúng.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao I khẳng định: "Thể thao Việt Nam đã xác định được môn thế mạnh là cử tạ, bắn súng, taekwondo, thể dục dụng cụ và một số nội dung của môn bơi. Nhưng việc quản lý quá trình chuẩn bị và phát triển các môn đó lại là một lỗ hổng lớn. Nhiều bài toán nan giải của thể thao Việt Nam được đặt ra nhưng lại chưa được giải quyết một cách nghiêm túc".

Sau nhiều năm hội nhập, rõ ràng đã đến lúc thể thao Việt Nam cần bước khỏi khuôn khổ nhỏ bé của SEA Games để tiến tới Olympic - đấu trường khắc nghiệt nhất. Đặt ra những chiến lược thích hợp và thực hiện chúng một cách bài bản là con đường duy nhất để chúng ta giải tỏa cơn khát huy chương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem