Những năm 1993 - 1998, ông thường đến các hộ dân mua nhãn, chuối, cam, bưởi… rồi chở lên Hà Nội bán kiếm lời. Sau nhiều năm buôn bán tích cóp được ít vốn và quen nhiều mối mua hàng, thấy việc thu mua trong dân vừa vất vả lại không chủ động nguồn hàng, ông quyết định đầu tư cải tạo 3 sào vườn trồng bưởi Diễn và 2 sào trồng nhãn lồng.
|
Ông Ngô Phan Dũng chăm sóc vườn bưởi Diễn chuẩn bị cho Tết Nhâm Thìn. |
Ông Dũng cho hay, khi đó ở xã mới có hai hộ trồng bưởi Diễn, nhưng hiệu quả thấp do chưa nắm được kỹ thuật. Ông cũng thất bại mấy vụ vì bị sương muối và cho cây “ăn” nhiều phân quá nên hoa rụng hết. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến nay ông đã "thuần hóa" được bưởi Diễn, còn cây nhãn thì tương đối thuận lợi vì chất đất ở đây tương đối hợp với nhãn lồng.
Sau nhiều năm gắn bó với bưởi, nhãn, ông Dũng đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm. Theo ông, bưởi sau khi ra hoa có nhụy, nên dùng hóa chất phun để hoa không bị rệp, tạo cho hoa khỏe, thì sẽ có bưởi ngon. Ông Dũng chia sẻ: "Khoảng tháng 10 cần cuốc đất xung quanh gốc, vừa làm đất tơi xốp, giữ ẩm và đứt bớt rễ già để ra rễ mới, chặn cây không ra lộc, như vậy bưởi sẽ ngọt hơn".
Còn đối với nhãn, ông cũng rút ra từ thực tế là trước kia các cụ thường buộc dây phơi vào cây nhãn, hoặc khi nhãn ra lộc xuân mà bị sâu đục thân đục thì lập tức cây nhãn đó đậu quả rất sai và quả ngọt. "Đúc rút từ kinh nghiệm đó, khi cây ra lộc, tôi đã cưa xung quanh vỏ gốc và chặt bớt rễ thì thấy nhãn ra nhiều hoa, đậu nhiều quả hơn. Sau nhiều lần thử nghiệm cuối cùng tôi đã tìm ra cách "ép" nhãn ra quả" - ông Dũng bày tỏ.
Sau hơn 10 năm gắn bó với bưởi, nhãn đến nay ông có 2 mẫu bưởi Diễn và 1 mẫu nhãn lồng, hàng năm xuất hàng chục tấn quả ra thị trường, trung bình lãi 30 triệu đồng/sào/năm. "Tết này tôi có khoảng 8.000 quả bưởi Diễn, giá bán từ 25 - 70 nghìn đồng/quả, trừ chi phí lãi khoảng 180 triệu đồng" - ông Dũng cho biết.
Nam Tùng Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.