Từ chuyện hơn 600 học sinh thất học: Cần lắm một nhạc trưởng

Lê Huyền Thứ bảy, ngày 18/10/2014 10:00 AM (GMT+7)
Câu chuyện “người lớn tranh cãi, hơn 600 học sinh thất học” thoạt nghe thì tưởng đó chỉ là câu chuyện dồn trường, dồn lớp của xã Hương Bình (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) và là “chuyện của địa phương, để địa phương giải quyết”.
Bình luận 0

Thế nhưng, thực tế vấn đề sáp nhập trường không phải là chuyện riêng của xã Hương Bình hay của riêng tỉnh Hà Tĩnh. Theo khảo sát bước đầu của NTNN, vấn đề thừa trường, dồn trường đã xuất hiện ở Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam. Ngoài ra, ở nhiều vùng nông thôn khác đã xuất hiện những ngôi trường khang trang, bề thế nhưng chỉ có 100-200 học sinh theo học. Và con số học sinh ngày càng ít đi, nguy cơ phải dồn trường hoặc thay đổi mô hình trường là hiện hữu.

Thực trạng số học sinh ít đi, đã được lý giải nguyên nhân là do các gia đình sinh nở ít, và do chuyển dịch lao động. Lao động trẻ kéo nhau đi học, đi làm ở các thành phố lớn rồi định cư ở lại. Đó là xu thế tất yếu đã diễn ra ở nhiều quốc gia phát triển, và đang diễn ra ở các nước đang phát triển. Nhìn vào thực tế ở Việt Nam, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2001-2011, số hộ làm nghề nông, lâm, thủy sản cứ qua 5 năm lại giảm 9%-10% (trung bình giảm 2%/năm). Tính đến 2011, lao động (LĐ) trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 59,6%, giảm đáng kể so với mức 70,4% của năm 2006. Trong hầu hết các dự báo, LĐ làm việc trong ngành nông nghệp, lâm nghiệp và thủy sản có chiều hướng giảm và sẽ ở mức 21,1 triệu LĐ vào năm 2020. Số lao động còn lại sẽ đi đâu nếu không phải là đổ ra các thành phố lớn?

Thanh niên, các gia đình trẻ di cư ra thành phố, tới các khu công nghiệp, để lại những vùng nông thôn ngày càng vắng dần học trò nhưng quy hoạch trường học ở các cấp dường như không dự đoán được quy mô học sinh. Quy hoạch mạng lưới trường học là công việc ảnh hưởng lâu dài đến nhiều thế hệ nhưng lại không được thực hiện ở cấp quốc gia với một “nhạc trưởng” có thể bao quát được xu hướng di dân, dịch chuyển LĐ. Hiện tại, quy hoạch mạng lưới trường học mới chỉ thực hiện ở cấp tỉnh, và đọc các quy hoạch này, vẫn chủ yếu là xây dựng trường sở theo kiểu “cào bằng” mỗi xã có một trường mầm non, tiểu học.Việc học hành là việc dân sinh, nhưng cũng chẳng có sở nào, ngành nào hỏi ý kiến người dân trong vấn đề quy hoạch trường lớp, tách hay sáp nhập. Hệ quả tất yếu là nơi thừa, nơi thiếu và gây nên những phản ứng gay gắt của người dân.

Và cụ thể như tỉnh Hà Tĩnh, sau 2 năm dồn trường ở các cấp học, đã thừa ra 105 ngôi trường, không ít trong số này bị bỏ hoang.

Tới khi “hữu sự”- có phản ứng của người dân về việc xây dựng trường, sáp nhập, các tỉnh mới mải mốt “đối thoại” nhưng bế tắc vẫn hoàn bế tắc.

Xa hơn nữa là sự lãng phí, là niềm tin xói mòn.

Vị nhạc trưởng ấy, ông ở đâu?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem