Tự hào Nông dân Việt Nam: Truyền lửa cho thế hệ tương lai gây dựng nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững
Tự hào Nông dân Việt Nam: Truyền lửa cho thế hệ tương lai gây dựng nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững
Nghĩa Lê – Vũ Ly
Thứ sáu, ngày 18/10/2024 15:58 PM (GMT+7)
Trong ánh sáng của Lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024, những câu chuyện vượt khó và đam mê của người nông dân không chỉ thắp lên niềm tự hào mà còn truyền lửa cho thế hệ tương lai. Bằng trái tim nhiệt huyết và bàn tay cần cù, họ đang gieo mầm khởi nghiệp xanh, mở lối cho nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Trong không khí của Lễ tôn vinh và trao danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương 63 hợp tác xã tiêu biểu năm 2024, ông Nguyễn Thanh Tuấn - người nông dân xuất sắc đến từ vùng đất Kiên Lương, Kiên Giang - xuất hiện với niềm tự hào khôn tả. Trong tay ông hiện tại có 500 ha lúa canh tác hai vụ mỗi năm, ông là một trong những nông dân xuất sắc có diện tích liên kết sản xuất lớn nhất năm 2024.
Đứng trên sân khấu cùng bằng khen và chiếc cúp danh dự, bên cạnh là bà xã và con trai "tháp tùng" đi cùng, ông Tuấn chia sẻ trong sự bồi hồi: "Được nhận danh hiệu cao quý này là niềm vinh dự lớn không chỉ của riêng tôi mà còn của bà con quê hương. Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã cho tôi thêm động lực để "ngọn lửa" trong lòng tôi không ngừng phấn đấu, mở rộng mô hình canh tác, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con để cùng hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh…"
"Để có được những thành quả như ngày hôm nay, tôi đã đổ biết bao mồ hôi và nước mắt. Nhưng khi thấy hạt lúa vàng óng, lòng tôi ấm lại và niềm hạnh phúc cứ thế lan tỏa" ông Tuấn tâm sự thêm.
Bên cạnh ông Tuấn là ông Huỳnh Văn Cập (hay Năm Cập) - người đã biến thanh trà ngọt thành biểu tượng của vùng đất Vĩnh Long.
Không giấu nổi niềm xúc động khi được vinh danh, ông Năm Cập – Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thanh trà ngọt Đông Thành – đã tâm sự câu chuyện "giữ lửa truyền đời" của mình. Với nhiều năm tâm huyết, ông đã kiên trì phát triển giống thanh trà ngọt có thể đạt 1,2 tấn/vụ/năm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong vùng.
"Được đại diện Vĩnh Long nhận danh hiệu nông dân xuất sắc là niềm tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm. Tôi muốn lan tỏa "ngọn lửa" này đến bà con, để mọi người thấy rằng, nếu kiên trì, chúng ta có thể biến khó khăn thành cơ hội, từ đó làm giàu chính đáng", ông chia sẻ thêm.
Cũng là một nông dân xuất sắc nhưng đại diện cho thế hệ trẻ, anh Nguyễn Công Sử đã chinh phục trái tim mọi người tại buổi lễ với câu chuyện đầy cảm hứng về "ngọn lửa tiên phong" trong chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Anh Sử đã không đi theo "lối mòn" truyền thống mà mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số vào từng khâu sản xuất, từ việc quản lý tự động đến theo dõi điều kiện môi trường,… giúp gia tăng năng suất và chất lượng chè đặc sản của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (Tuyên Quang) với quy mô lên tới 60ha, doanh thu hàng năm hơn 5 tỷ đồng.
"Lửa đam mê trong tôi không chỉ cháy cho cá nhân mà cho cả nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và Tuyên Quang quê hương tôi nói riêng", anh Sử chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt với đôi mắt thể hiện sự quyết tâm.
"Khi tôi nhìn những cánh đồng được chuyển đổi số, tôi thấy rõ hơn bao giờ hết tương lai của nông nghiệp nước nhà. Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là con đường giúp chúng ta tiến nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn.
Anh Sử không chỉ dừng lại ở thành công cá nhân mà còn muốn lan tỏa "ngọn lửa tiên phong" này đến với các nông dân khác: "Tôi hy vọng rằng, bằng cách áp dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững, chúng ta không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn khẳng định tên tuổi của nông sản Việt trên thị trường quốc tế".
Anh Sử cũng bày tỏ nguyện vọng sẽ tiếp tục hợp tác với các nông dân ở nhiều vùng miền, cùng nhau xây dựng mạng lưới sản xuất thông minh, bền vững. Bởi anh tin rằng, chỉ khi cùng nhau thắp lên "ngọn lửa tiên phong", nền nông nghiệp Việt Nam mới thực sự có thể phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững trước mọi thách thức của thời đại.
Châm lửa đam mê, giữ gìn hồn cốt vào thế hệ tương lai…
Đi cùng ông Tuấn là đứa con trai cả, đôi mắt đầy tự hào khi nhìn cha mình đứng trên sân khấu. Ông Tuấn chia sẻ, không chỉ làm nông để kiếm sống, mà còn để truyền cảm hứng và giữ gìn những giá trị tốt đẹp cho thế hệ tương lai.
"Tôi muốn con trai tôi và những đứa trẻ khác lớn lên, biết rằng nghề nông là một phần không thể thiếu của đời sống, đặc biệt là ở mảnh đất hình chữ S khi nông nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với bà con. Làm nông vất vả đấy, có khi thất bại nhiều hơn thành công, nhưng nếu chúng ta kiên trì, chúng ta sẽ gặt hái được trái ngọt", ông tâm sự với phóng viên Dân Việt.
Ông Tuấn không chỉ muốn truyền nghề cho con trai mình, mà còn khao khát chia sẻ kinh nghiệm, đam mê với những người yêu thích nông nghiệp, dù họ là ai và đến từ đâu. "Ai cũng có thể trở thành một người nông dân giỏi nếu có lòng yêu nghề và tinh thần bất khuất, không bỏ cuộc", ông nói.
Những lúc con trai cùng theo ra đồng, ông Tuấn lại dạy con cách nhận biết từng bông lúa, từng gốc rạ, cách mà chỉ có người nông dân mới thấu hiểu. Đó là những khoảnh khắc đầy ý nghĩa mà ông hy vọng sẽ in sâu trong tâm trí con, để khi lớn lên, cháu có thể nối nghiệp cha và mang "ngọn lửa" đam mê ấy truyền lại cho các thế hệ sau.
Tâm tư nho nhỏ, ông Huỳnh Văn Cập, người đã cống hiến cả cuộc đời cho cây thanh trà ngọt, cũng giữ trọn một tâm nguyện truyền lại "ngọn lửa" và niềm tự hào với nông nghiệp cho thế hệ trẻ.
"Lúa chín bông vàng, làng vui đón mùa" và đó cũng là mong muốn của tôi - thấy mọi người sống vui, sống khỏe nhờ nông nghiệp". ông Cập còn có kế hoạch mở rộng hợp tác với các HTX tiêu biểu trên cả nước, không chỉ để tiêu thụ trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu, nhằm nâng cao thu nhập ổn định cho người nông dân.
Đối với ông, cây thanh trà không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là linh hồn của mảnh đất Vĩnh Long. "Khi nhìn thấy con cháu háo hức khi được tham gia vào việc chăm sóc vườn thanh trà, lòng tôi như ấm lại. Tôi muốn để lại cho chúng không chỉ một khu vườn, mà còn là niềm tự hào, là truyền thống, là tình yêu với mảnh đất quê hương", ông Cập chia sẻ.
Anh Nguyễn Công Sử, người đã biến đổi mô hình trồng chè truyền thống bằng cách chuyển đổi số cũng không ngừng lan tỏa tinh thần đổi mới và dám nghĩ dám làm cho các bạn trẻ. Đối với anh, chuyển đổi số không chỉ là phương thức hiện đại hóa sản xuất mà còn là con đường dẫn tới một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững hơn.
"Qua lễ tôn vinh này, tôi hy vọng thế hệ trẻ hiểu rằng, nông nghiệp không chỉ là nghề của thế hệ cũ, mà còn là lĩnh vực đầy tiềm năng và cơ hội. Hãy mạnh dạn chuyển đổi số, không ngừng học hỏi và sáng tạo vì "đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Điều này không chỉ giúp chúng ta vượt qua những thử thách trước mắt mà còn tạo ra giá trị lớn hơn cho cộng đồng và đất nước", anh Sử nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.