Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mấy hôm nay cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng đạp xe trên các tuyến phố Hà Nội sau cuộc hội đàm tại trụ sở chính phủ.
Đây là một trong những hình ảnh đẹp, nổi bật trong ngày. Nó mang lại cảm giác thân thiện, gần gũi với người dân. Tôi tin rằng, đây là một trong những điều truyền cảm hứng sâu sắc tới cộng đồng.
Không chỉ là hành động mang tính ngoại giao, đạp xe cùng người đứng đầu chính phủ Hà Lan, Thủ tướng đi xe đạp còn gửi thông điệp về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, bền vững. Đây không chỉ là xu thế của Việt Nam mà còn là của cả thế giới.
Chiếc xe đạp khiến những nguyên thủ dễ dàng lấy được thiện cảm của cộng đồng vì khi ngồi trên đó, cảm giác như các chính trị gia đang tiếp xúc trực tiếp với người dân, khác với việc ngồi trong ô tô có một sự ngăn cách bên trong và bên ngoài cửa kính.
Xe đạp còn là biểu tượng cho lối sống xanh, yêu vận động, bảo vệ môi trường. Nó là một đặt trưng của người Hà Lan- đất nước có xe đạp nhiều hơn dân số.
Xe đạp với người Việt Nam nó cũng là lịch sử, gắn với ký ức của cả một giai đoạn dài. Bởi thế, nhiều người cao tuổi vẫn đạp xe mỗi ngày như một thói quen dù phương tiện giao thông khác đã rất thuận tiện.
Nhắc tới xe đạp, rất nhiều thế hệ đều rưng rưng với vô vàn kỷ niệm đẹp, không chỉ là rung động tình yêu như bài hát "Xe đạp ơi" của cặp đôi Phương Thảo- Ngọc Lễ.
Nhìn hình ảnh Thủ tướng tươi cười đạp xe, mong ước ấy của tôi lại trỗi dậy. Vẫn mong câu hát "Em vẫn đạp xe trên phố" luôn cất lên hàng ngày, khi chúng ta đạp xe và ngắm nhìn thế giới ở một góc nhìn khác.
Và điều kỳ lạ là, ở thời đại Facebook, Tik Tok như hiện nay, giới trẻ lại đang khởi động cho trào lưu đi xe đạp mỗi ngày. Có những nhóm Đạp xe đi làm, Đạp xe buổi sáng, Đạp xe buổi tối... với hàng vạn người tham gia nhiệt tình.
Đó là lựa chọn mới để thay đổi lối sống, quay lại với những điều cơ bản nhất để phát triển bản thân: Chăm lo sức khoẻ. Trước kia công viên chỉ dành cho người cao tuổi tập thể dục, ngày nay hình ảnh này không còn, bất kể chỗ nào cũng đều là sân thể dục cho giới trẻ, đặc biệt là chạy bộ. Xe đạp là một trong những phương tiện phù hợp, được yêu thích gần đây.
Hình ảnh nguyên thủ quốc gia đạp xe khiến tôi trỗi dậy mong muốn mọi con đường ở các khu đô thị đều có chỗ cho xe đạp.
Chọn xe đạp là phương tiện thể dục, tôi thường xuyên đạp một vòng quanh hồ Tây vào buổi sáng. Khó có một địa điểm nào mà tạo ra nhiều hứng thú, trải nghiệm như thế. Quãng đường 15 km đầy sức sống, vô vàn ngõ nhỏ, quán xá, bất cứ đâu cũng có thể chụp được những bức ảnh đẹp. Dường như đó là một cung đường yêu thích của dân đạp xe và du khách. Dịch vụ cho thuê xe đạp nở rộ, có hàng trăm tiệm cho thuê, nghĩa là có hàng ngàn chiếc xe lưu thông quanh bờ hồ. “Con đường check-in vạn kiểu ảnh”, tôi vẫn ví von như thế.
Nhưng đến giờ đi làm, xe ô tô lưu thông hai chiều khiến rất nhiều đoạn ùn, tắc. Có những nút giao thông người đi xe máy, xe đạp và đi bộ phải nhích từng bước. Những lúc đó, tôi chỉ ước giá như con đường quanh hồ này chỉ cho lưu thông một chiều xe ô tô phía bên trong, còn làn phía bên ngoài hồ chỉ dành cho người đi xe máy, xe đạp và đi bộ thì hay biết mấy.
Tôi đã sang Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và thấy vô vàn con đường có vạch kẻ, biểu tượng dành cho xe đạp rất rõ ràng. Thầm ước, một ngày nào đó ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ quy hoạch đô thị lại và dành cho xe đạp một vị trí xứng đáng.
Tôi từng tạo một khảo sát trên mạng xã hội với câu hỏi: “Điều gì gây trở ngại cho mọi người khi đạp xe đi làm?” thì câu trả lời hầu hết đều nhắc đến thiếu đường xá dành riêng cho xe đạp, đi lại nguy hiểm, bụi bặm ùn tắc giao thông; kế đó mới là những vấn đề khác. Điều đó cho thấy nhu cầu đạp xe của mọi người là có thật, chỉ là họ vẫn cần được tạo điều kiện hơn cho việc đạp xe.
Nhìn lại, thấy Hà Nội vẫn chưa có những con đường dành riêng cho xe đạp. Hình ảnh xe đạp chủ yếu xuất hiện trên các biển cấm lên cao tốc, cấm lên cầu vượt trên cao, cấm lên cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long... Nghĩa là, xe đạp mới chủ yếu gắn với việc “cấm” chứ chưa có nhiều không gian “được” sử dụng, được hoạt động. Thậm chí, nhiều toà chung cư của bạn bè mà tôi biết, bảo vệ không nhận trông coi xe đạp, không thu tiền nhưng cũng miễn luôn trách nhiệm nếu xe bị mất. Bởi thế mà rất nhiều người sợ mua xe, không ít người mua xe bê luôn lên nhà mới thấy yên tâm.
Gần đây dịch vụ thuê xe điện tử nở rộ ở Hà Nội, chính là chiếc xe mà Thủ tướng Chính phủ đã đi sáng nay. Nó thu hút rất nhiều người dân trải nghiệm. Một phần thành công là do người đạp xe không phải lo chỗ gửi xe, không sợ phải bỏ tiền ra mua một chiếc xe mà không biết mình có đi được lâu hay không. Tâm lý sợ không đi được lâu rất phổ biến, nó phản ánh nỗi e ngại của người dân khi đạp xe ra đường lâu dài.
Nếu Hà Nội và các thành phố lớn quy hoạch đô thị mà ưu tiên cho người đạp xe, có đường riêng, có những địa điểm gửi xe, khoá xe nơi công cộng, có dịch vụ hỗ trợ thúc đẩy người đi xe đạp, thì nó hoàn toàn có thể trở thành một trào lưu rộng lớn. “Thành phố vì Hoà Bình” thật thích hợp với biểu tượng “Thành phố Xanh”.
Xe đạp đã thành một trong những biểu tượng về lối sống của người Hà Lan. Nó cũng có thể là động lực để thay đổi lối sống cho người Hà Nội, với điều kiện, chúng ta phải bắt đầu nghĩ về nó, ưu tiên cho nó!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.